Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng đường hầm cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng đường hầm cổ tay hay còn gọi hội chứng ống cổ tay, là tình trạng dây thần kinh ở cổ tay của bạn bị chèn ép gây ngứa ran, tê và đau ở bàn tay và ngón tay. Người bệnh thường có thể tự điều trị tại nhà nhưng có thể mất vài tháng để bệnh thuyên giảm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng đường hầm cổ tay là gì?

Hội chứng đường hầm cổ tay, còn gọi là chèn ép dây thần kinh giữa, là tình trạng gây tê, ngứa ran hoặc yếu ở bàn tay.

Nó xảy ra do sự chèn ép lên dây thần kinh giữa, thần kinh này chạy dọc theo cánh tay, đi qua một khu vực ở cổ tay gọi là đường hầm cổ tay và kết thúc ở bàn tay. Thần kinh giữa kiểm soát vận động và cảm giác của ngón cái cũng như chuyển động của tất cả các ngón tay ngoại trừ ngón út.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ tay

Các triệu chứng thường khởi phát và tiến triển dần dần, người bệnh thường xuyên bị tê hoặc ngứa ran ở các ngón tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Các triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên ở một tay (tay thuận) và nhiều hơn vào ban đêm. Các triệu chứng bao gồm:

  • Tê bàn tay (nhiều hơn vào ban đêm).
  • Cảm giác các ngón tay mất tác dụng hoặc sưng.
  • Cảm giác ngứa ran ngón tay hoặc đau ngón tay.

Khi các triệu chứng trở nên nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy:

  • Ngứa ran cả ban ngày, đặc biệt khi thực hiện một số hoạt động nhất định như nói chuyện điện thoại, đọc sách, báo hoặc lái xe.
  • Đau từ nhẹ đến nặng, đôi khi đau nặng hơn vào ban đêm.
  • Mất một số cử động ở tay.
  • Yếu bàn tay có thể gây khó khăn cho việc cầm nắm các vật nhỏ hoặc thực hiện các công việc thủ công khác.

Trong những trường hợp mạn tính và/hoặc không được điều trị, các cơ ở gốc ngón tay cái có thể teo đi. Một số người bị hội chứng đường hầm cổ tay rất nặng không thể xác định được cảm giác nóng và lạnh khi chạm vào và có thể bị bỏng đầu ngón tay mà không biết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ tay gây cản trở các hoạt động bình thường và tư thế ngủ của bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng đường hầm cổ tay

Hội chứng đường hầm cổ tay xảy ra do dây thần kinh giữa bị chèn ép.

Dây thần kinh giữa đi từ cẳng tay qua một khu vực ở cổ tay (ống cổ tay) đến bàn tay. Nó chi phối cảm giác cho mặt lòng của các ngón tay, ngoại trừ ngón út. Nó cũng cung cấp các tín hiệu thần kinh để vận động ngón tay.

Bất cứ điều gì gây chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể dẫn đến hội chứng đường hầm cổ tay. Gãy cổ tay có thể thu hẹp ống cổ tay và kích thích dây thần kinh, cũng như tình trạng sưng và viêm do bệnh viêm khớp dạng thấp.

Nhiều khi không có nguyên nhân duy nhất gây ra hội chứng đường hầm cổ tay. Có thể là sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ góp phần vào sự hình thành của tình trạng này.

Hội chứng đường hầm cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 4
Dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay gây hội chứng đường hầm cổ tay

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng đường hầm cổ tay?

Hội chứng đường hầm cổ tay thường là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố làm tăng áp lực lên dây thần kinh giữa và các gân trong ống cổ tay chứ không phải là vấn đề với chính bản thân dây thần kinh đó. Đôi khi không thể xác định được nguyên nhân duy nhất. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Chấn thương ở cổ tay gây sưng, chẳng hạn như bong gân hoặc gãy xương.
  • Mất cân bằng tuyến yên hoặc tuyến giáp.
  • Viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh viêm khớp khác.
  • Vấn đề cơ học ở khớp cổ tay.
  • Sử dụng thường xuyên các dụng cụ cầm tay có tính chất rung.
  • Việc tích tụ dịch trong cơ thể ở thời kỳ mang thai hoặc mãn kinh.
  • Khối u trong ống cổ tay.
  • Giới tính, phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng đường hầm cổ tay cao gấp ba lần so với nam giới.
  • Mắc bệnh đái tháo đường hoặc các rối loạn chuyển hóa khác ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh và khiến chúng dễ bị chèn ép hơn.
  • Ngủ sai tư thế với cổ tay cong.
  • Tuổi càng cao.

Nguy cơ mắc bệnh hội chứng đường hầm cổ tay không chỉ giới hạn ở những người trong một ngành hoặc công việc đơn lẻ mà có thể được báo cáo nhiều hơn ở những người thực hiện công việc trong dây chuyền lắp ráp, chẳng hạn như sản xuất, may, làm sạch và đóng gói thịt,… so với những người nhập dữ liệu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bệnh hội chứng đường hầm cổ tay chưa bao giờ làm những loại công việc này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng đường hầm cổ tay

Bạn có thể có nguy cơ mắc hội chứng đường hầm cổ tay cao hơn nếu bạn:

  • Giới nữ: Nữ có nguy cơ mắc hội chứng đường hầm cổ tay cao gấp ba lần so với nam giới. Điều này có thể là do họ có xu hướng có ống cổ tay nhỏ hơn.
  • Trong gia đình có thành viên có ống cổ tay nhỏ.
  • Có công việc mà phải thực hiện các chuyển động lặp lại bằng cánh tay, bàn tay hoặc cổ tay, chẳng hạn như công nhân dây chuyền lắp ráp, thợ may hoặc thợ dệt kim, thợ làm bánh, nhân viên thu ngân, nhà tạo mẫu tóc hoặc nhạc sĩ.
  • Trật khớp cổ tay hoặc gãy xương.
Hội chứng đường hầm cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 5
Trật khớp cổ tay là yếu tố nguy cơ mắc hội chứng đường hầm cổ tay

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng đường hầm cổ tay

Bác sĩ có thể thăm khám bàn tay và cổ tay của bạn, thực hiện một nghiệm pháp gọi là nghiệm pháp Tinel hoặc uốn cong hoàn toàn cổ tay của bạn với cánh tay mở rộng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị các cận lâm sàng bao gồm:

  • Xét nghiệm hình ảnh học (Chụp X-quang, siêu âm hoặc MRI);
  • Đo điện cơ.

Phương pháp điều trị hội chứng đường hầm cổ tay hiệu quả

Hội chứng đường hầm cổ tay có thể được điều trị bằng hai cách: Nội khoa hoặc phẫu thuật. Cả hai phương pháp này đều có những ưu và nhược điểm. Thông thường, các phương pháp điều trị nội khoa được sử dụng cho những trường hợp ít nghiêm trọng hơn và cho phép bạn tiếp tục các hoạt động hàng ngày mà không bị gián đoạn. Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật có thể có lợi trong những trường hợp hội chứng đường hầm cổ tay nặng hơn và có kết quả rất tích cực.

Phương pháp điều trị nội khoa

Phương pháp điều trị không phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị bước đầu tiên. Điều trị bắt đầu bằng:

  • Mang nẹp cổ tay vào ban đêm.
  • Dùng thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen.
  • Tiêm cortisone.

Các phương pháp điều trị khác tập trung vào cách thay đổi môi trường của bạn để giảm các triệu chứng. Điều này thường thấy ở nơi làm việc, nơi bạn có thể thực hiện các sửa đổi để trợ giúp cho đường hầm cổ tay. Những thay đổi này có thể bao gồm:

  • Nâng hoặc hạ ghế của bạn cho vừa tầm.
  • Di chuyển bàn phím máy tính của bạn để phù hợp với hoạt động của cổ tay.
  • Thay đổi vị trí bàn tay/cổ tay trong khi thực hiện các hoạt động.
  • Sử dụng nẹp, bài tập và phương pháp điều trị bằng nhiệt trị liệu.

Phương pháp điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật được khuyến khích khi hội chứng đường hầm cổ tay không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa tối ưu hoặc đã trở nên nghiêm trọng. Mục tiêu của phẫu thuật là tăng kích thước của đường hầm nhằm giảm áp lực lên các dây thần kinh và gân đi qua.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng đường hầm cổ tay

Chế độ sinh hoạt:

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ tay từ nhẹ đến trung bình, nhưng có rất ít bằng chứng lâm sàng hỗ trợ việc sử dụng chúng thay cho các phương pháp điều trị thông thường. Bạn hãy luôn luôn tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ.

Một số chuyên gia y tế gợi ý:

  • Tránh các cử động tay và cổ tay lặp đi lặp lại, nếu có thể.
  • Chú ý đến bàn tay và cổ tay và dừng hoạt động khi cảm thấy đau, khó chịu hoặc tê.
  • Nghỉ giải lao thường xuyên nếu các hoạt động liên quan đến chuyển động tay lặp đi lặp lại là không thể tránh khỏi.
  • Cố gắng giữ cổ tay ở vị trí trung lập mà không gập hoặc uốn cong cổ tay xuống quá mức.
  • Sử dụng các khớp lớn nếu có thể khi nâng, chẳng hạn như vai, để tránh căng thẳng thêm cho cổ tay, bàn tay và ngón tay.
  • Không giữ đồ vật theo cùng một tư thế tay quá lâu.
  • Tránh các dụng cụ điện rung, chẳng hạn như máy khoan và máy chà sàn.
  • Điều chỉnh nơi làm việc để giữ cổ tay ở vị trí trung lập.
  • Thả lỏng tay cầm hoặc mức độ lực trong các hoạt động liên quan đến bàn tay, chẳng hạn như viết.
  • Cố gắng không ngủ nằm trên tay hoặc cổ tay ở tư thế cong.

Một số bằng chứng gợi ý rằng hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các động tác liên quan đến bàn tay, có thể giúp bảo vệ khỏi hội chứng đường hầm cổ tay nhẹ.

Tuy nhiên, hội chứng đường hầm cổ tay thường không khỏi nếu không được quản lý và có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có sự can thiệp của y tế. Gặp bác sĩ khi bị tê hoặc yếu tay dai dẳng là điều cần thiết.

Hội chứng đường hầm cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 6
Sử dụng các thiết bị hỗ trợ cổ tay khi làm việc

Chế độ dinh dưỡng:

  • Giảm viêm và sưng: Bạn nên tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống viêm như trái cây tươi, rau xanh, hạt và các loại gia vị như nghệ, gừng. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm có chất béo bão hòa và đường.
  • Hỗ trợ sức khỏe dây chằng: Bạn nên bổ sung các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe dây chằng như vitamin B6, vitamin C, magiê và kẽm. Các nguồn thực phẩm tốt cho điều này bao gồm cá, hạt, ngũ cốc nguyên cám, rau xanh lá, trái cây và đậu.
  • Giảm tình trạng viêm: Các chất chống oxy hóa như vitamin E và omega-3 có thể giúp giảm viêm và làm giảm triệu chứng. Bạn có thể tìm thấy chúng trong các nguồn thực phẩm như cá hồi, cá mackerel, hạt chia, hạt lanh, dầu ô liu và các loại hạt có vỏ.
  • Giảm tác động từ chất kích thích: Các chất kích thích như caffeine và cồn có thể làm tăng tình trạng viêm và gây khó chịu. Hạn chế tiêu thụ các loại thức uống chứa caffeine và cố gắng giảm việc uống rượu.

Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng đường hầm cổ tay hiệu quả

Không có chiến lược nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa hội chứng đường hầm cổ tay, nhưng bạn có thể giảm thiểu căng thẳng ở bàn tay và cổ tay bằng những phương pháp sau:

  • Giảm lực và thả lỏng tay cầm: Ví dụ: Nếu công việc của bạn liên quan đến máy tính hoặc bàn phím, hãy nhấn nhẹ vào các phím. Để viết chữ dài hơn, hãy sử dụng bút lớn có đầu chuyển cỡ lớn, tay cầm mềm và mực chảy tự do.
  • Nghỉ giải lao ngắn và thường xuyên: Thường xuyên duỗi và uốn cong bàn tay và cổ tay một cách nhẹ nhàng. Thậm chí chỉ vài phút mỗi giờ cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
  • Điều chỉnh tư thế của bạn: Tránh uốn cong cổ tay của bạn lên hoặc xuống quá mức. Vị trí ở giữa thoải mái là tốt nhất. Giữ bàn phím của bạn ở độ cao ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút.
  • Thay chuột máy tính của bạn: Đảm bảo loại chuột máy tính của bạn thoải mái và không làm mỏi cổ tay của bạn.
  • Giữ ấm bàn tay của bạn: Bạn có nhiều khả năng bị đau và cứng tay nếu làm việc trong môi trường lạnh. Nếu bạn không thể kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, hãy đeo găng tay cụt ngón để giữ ấm bàn tay và cổ tay.
Hội chứng đường hầm cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa 7
Nghỉ giải lao cổ tay thường xuyên khi làm việc để phòng ngừa hội chứng đường hầm cổ tay

Các câu hỏi thường gặp về hội chứng đường hầm cổ tay

Làm thế nào để có thể hỗ trợ kế hoạch điều trị hội chứng đường hầm cổ tay?

Vào ban đêm, hãy giữ thẳng cổ tay khi nghỉ ngơi hoặc ngủ để tránh chèn ép vào dây thần kinh và ống cổ tay.

Các tác vụ ở nhà hoặc nơi làm việc, dụng cụ và tay cầm công cụ, có thể được thiết kế lại để giúp cổ tay của bạn duy trì vị trí tự nhiên trong khi làm việc. Đeo găng tay cụt ngón có thể giúp giữ ấm bàn tay và linh hoạt. Tại nơi làm việc, người lao động có thể thực hiện các bài tập điều hòa tại chỗ, thực hiện các bài tập giãn cơ, nghỉ giải lao thường xuyên và sử dụng đúng tư thế và vị trí cổ tay. Công việc có thể được luân chuyển giữa các công nhân. Người sử dụng lao động có thể phát triển các chương trình ecgônômi để điều chỉnh điều kiện nơi làm việc và nhu cầu công việc phù hợp với khả năng của người lao động.

Hội chứng đường hầm cổ tay hồi phục lâu không?

Phẫu thuật để điều trị hội chứng đường hầm cổ tay có thời gian hồi phục không lâu. Miếng băng che vết khâu sau phẫu thuật có thể được tháo ra sau vài ngày. Sau đó bàn tay có thể được sử dụng cho các hoạt động nhẹ nhàng. Việc tập nắm bàn tay được khuyến khích. Bạn có thể cử động toàn bộ ngón tay và giảm triệu chứng sớm trong vòng hai tuần sau khi cắt chỉ. Bạn thường có thể quay lại hầu hết các hoạt động sau sáu tuần. Việc bạn quay trở lại làm việc phụ thuộc vào các yếu tố như loại công việc, mức độ kiểm soát của bạn đối với công việc và thiết bị tại nơi làm việc.

Tỷ lệ thành công của phẫu thuật hội chứng đường hầm cổ tay là bao nhiêu?

Phẫu thuật điều trị hội chứng đường hầm cổ tay có tỷ lệ thành công rất cao trên 90%. Nhiều triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng sau khi điều trị, bao gồm cảm giác ngứa ran ở tay và thức dậy vào ban đêm. Tình trạng tê có thể mất nhiều thời gian hơn mới thuyên giảm, thậm chí lên đến ba tháng.

Khi hội chứng đường hầm cổ tay trở nên nghiêm trọng, việc giảm đau có thể không hoàn toàn. Có thể có một số cơn đau ở lòng bàn tay xung quanh vết mổ và có thể kéo dài đến vài tháng. Những người bệnh kêu đau hoặc có triệu chứng không thay đổi sau phẫu thuật hoặc mắc hội chứng đường hầm cổ tay nặng, có dây thần kinh không được giải phóng hoàn toàn trong quá trình phẫu thuật hoặc thực sự không mắc hội chứng đường hầm cổ tay (chẩn đoán nhầm). Chỉ một tỷ lệ nhỏ người bệnh không thấy giảm triệu chứng đáng kể.

Biến chứng của hội chứng đường hầm cổ tay là gì?

Nếu tình trạng được điều trị đúng cách, thường không có biến chứng. Nếu không được điều trị, dây thần kinh có thể bị tổn thương, gây ra tình trạng yếu vĩnh viễn, tê và ngứa ran.

Hội chứng đường hầm cổ tay chỉ xảy ra với dân văn phòng, công nhân nhà máy?

Không. Nhiều người mắc hội chứng đường hầm cổ tay chưa bao giờ làm công việc văn phòng hoặc làm việc trên dây chuyền lắp ráp. Nó ảnh hưởng đến những người sử dụng cổ tay và bàn tay nhiều lần khi làm việc và vui chơi. Bất cứ ai cũng có thể mắc hội chứng đường hầm cổ tay, nhưng hiếm khi xảy ra trước tuổi 20. Nguy cơ mắc hội chứng đường hầm cổ tay tăng theo độ tuổi.

Nguồn tham khảo
  1. Carpal Tunnel Syndrome: https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/carpal-tunnel-syndrome
  2. Carpal Tunnel Syndrome: https://www.webmd.com/pain-management/carpal-tunnel/carpal-tunnel-syndrome
  3. Carpal tunnel syndrome: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/carpal-tunnel-syndrome/symptoms-causes/syc-20355603
  4. Carpal Tunnel Syndrome: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4005-carpal-tunnel-syndrome
  5. Carpal tunnel syndrome: What you need to know: https://www.medicalnewstoday.com/articles/184337

Các bệnh liên quan

  1. Đứt dây chằng

  2. Chấn thương

  3. Co rút Dupuytren

  4. Thoái hóa khớp khuỷu tay

  5. Viêm khớp đốt sống

  6. Hội chứng Sudeck

  7. Viêm khớp chậu

  8. Bệnh Osgood-Schlatter

  9. Thoái hóa khớp cổ chân

  10. Viêm khớp dạng thấp