Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Buerger là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh Buerger

Ngày 15/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Buerger còn được gọi là viêm tắc mạch do huyết khối (thromboangiitis obliterans), là một bệnh viêm mạch không xơ vữa, xảy ra từng đoạn, thường ảnh hưởng nhất đến các động mạch và tĩnh mạch cỡ nhỏ đến trung bình của tứ chi. Người bệnh là những người trẻ tuổi hút thuốc lá có biểu hiện loét hoặc hoại tử do thiếu máu cục bộ ở đầu chi. Bệnh này có liên quan chặt chẽ với việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và việc cai thuốc lá là rất quan trọng để giảm nguy cơ phải cắt cụt chi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Buerger là gì?

Bệnh Buerger là một bệnh hiếm gặp về động mạch và tĩnh mạch ở tứ chi. Trong bệnh Buerger, còn được gọi là viêm tắc mạch do huyết khối (thromboangiitis obliterans), các mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến giảm lưu lượng máu đến mô. Các cục máu đông có thể hình thành bên trong mạch máu.

Theo thời gian, việc thiếu máu đến nuôi sẽ làm tổn thương hoặc phá hủy mô. Điều đó có thể dẫn đến nhiễm trùng và chết mô cơ thể, được gọi là hoại tử. Bệnh Buerger thường xuất hiện đầu tiên ở bàn chân, sau đó nó có thể ở cả bàn tay. Các cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch nhỏ ở tay và chân.

Những người mắc bệnh Buerger hầu như là những người có liên quan đến hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác, chẳng hạn như thuốc lá nhai. Bỏ tất cả các dạng thuốc lá là cách duy nhất để ngăn chặn bệnh Buerger. Đối với những người không bỏ thuốc lá, có thể dẫn đến phải phẫu thuật cắt cụt chi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Buerger

Các triệu chứng thường gặp của bệnh Buerger bao gồm:

  • Bàn tay và bàn chân có màu nhợt, đỏ hoặc xanh;
  • Lạnh tay hoặc chân;
  • Đau dữ dội ở tay và chân, có thể có cảm giác như nóng rát hoặc ngứa ran;
  • Đau ở phần dưới cánh tay và chân khi nghỉ ngơi do lượng máu cung cấp bị hạn chế;
  • Đau khi đi lại ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân (thường gặp nhất là ở lòng bàn chân);
  • Xuất hiện các vết loét ở bàn tay, bàn chân và thường gây đau;
  • Thiếu máu đến ngón tay và ngón chân khi thời tiết lạnh (được gọi là hội chứng Raynaud).

Rất hiếm khi động mạch và tĩnh mạch ở trong bụng (mạc treo) bị ảnh hưởng, người mắc bệnh Buerger cũng có thể cảm thấy nặng và đau ở bụng. Một số người cũng bị sụt cân trầm trọng.

Bệnh Buerger có xu hướng xảy ra trong thời gian ngắn. Các triệu chứng thường kéo dài từ một đến bốn tuần, sau đó thì tạm thời giảm bớt.

Mặc dù bệnh này thường gặp nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 nhưng nó đang trở nên phổ biến hơn ở phụ nữ. Điều này rất có thể là do sự gia tăng hút thuốc lá ở phụ nữ.

Bệnh buerger là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh buerger 4.png
Người bệnh Buerger có thể có triệu chứng đau khi đi lại ở chân

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng nêu trên của bệnh Buerger hoặc nếu bạn đang mắc bệnh này mà các triệu chứng đó trở nên nặng hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Buerger

Hầu hết tất cả người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh Buerger đều hút thuốc lá hoặc sử dụng các dạng sản phẩm thuốc lá khác.

Trong khi các nhà nghiên cứu chưa rõ ràng về mối liên hệ chính xác giữa thuốc lá và bệnh Buerger, người ta cho rằng các hóa chất trong thuốc lá gây kích ứng nội mô mạch máu, gây viêm và sưng.

Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây ra bệnh Buerger bao gồm yếu tố di truyền và trong một số trường hợp hiếm gặp là bệnh tự miễn, là bệnh mà trong đó cơ thể bạn tự tấn công các mô khỏe mạnh của mình. Bệnh nướu răng mạn tính cũng có thể dẫn đến bệnh Buerger.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Buerger?

Ở những quốc gia có ít người hút thuốc lá thì bệnh Buerger rất hiếm. Trong số 100.000 người ở Mỹ thì chỉ có từ 12 đến 20 người mắc bệnh này. Các quốc gia khác sử dụng nhiều thuốc lá hơn có nhiều trường hợp mắc bệnh Buerger hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Buerger

Yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh Buerger là hút thuốc lá hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào. Bệnh có thể xảy ra ở người hút thuốc lá, sử dụng xì gà và thuốc lá nhai. Tỷ lệ mắc bệnh Buerger cao nhất ở các khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và Châu Á, nơi phổ biến hút thuốc lá.

Một số nghiên cứu cho biết việc sử dụng cần sa trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu tương tự như bệnh Buerger.

Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh Buerger bao gồm nam giới và dưới 45 tuổi. Nhiễm trùng nướu răng lâu dài cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Bệnh buerger là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh buerger 5.png
Sử dụng cần sa là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh buerger

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh Buerger

Bác sĩ sẽ xem xét kết quả từ:

  • Thăm khám toàn diện;
  • Tiền căn và bệnh sử của bạn;
  • Kiểm tra mạch máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu.

Bác sĩ có thể kiểm tra các mạch máu của bạn bằng:

  • Siêu âm;
  • Chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay (Ankle-brachial index).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).
  • Chụp động mạch.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA).

Điều trị bệnh Buerger

Các triệu chứng của bệnh Buerger sẽ chỉ ngừng tiến triển khi bệnh nhân ngừng hút thuốc lá hoặc sử dụng các dạng sản phẩm thuốc lá khác. Trong một số trường hợp, việc bỏ thuốc lá có thể giúp bệnh thuyên giảm hoàn toàn và các tác dụng phụ của nó.

Thuốc sẽ không giúp chữa khỏi bệnh Buerger nhưng thường có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Cần lưu ý rằng việc điều trị thuốc chống viêm và chống đông có mức độ thành công khác nhau, tùy thuộc vào từng người bệnh.

Các biện pháp khác như phẫu thuật có thể cần thiết để giúp cải thiện lưu lượng máu đến một số khu vực nhất định. Bao gồm khả năng phải cắt cụt chi nếu một số vùng trên cơ thể bị hoại tử nghiêm trọng và không thể phục hồi.

Hầu hết người bệnh cai thuốc lá sẽ không phải dùng đến các thủ thuật xâm lấn như phẫu thuật. Trong những trường hợp hiếm mà người bệnh mắc bệnh Buerger không hút thuốc lá, thuốc có thể được sử dụng để giúp làm giãn mạch máu, giảm cục máu đông, cải thiện lưu lượng máu hoặc thậm chí kích thích sự phát triển của các mạch máu mới (một phương pháp thử nghiệm gần đây hơn đối với bệnh này).

Sử dụng bơm áp lực liên tục thường xuyên ở các chi bị ảnh hưởng để cải thiện lưu lượng máu cũng có thể là một phần của kế hoạch điều trị.

Bệnh buerger là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh buerger 6.png
Trường hợp bệnh Buerger nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật cắt cụt chi

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Buerger

Chế độ sinh hoạt:

Tuy không có phương pháp điều trị chữa trị hoàn toàn cho bệnh Buerger, nhưng có những biện pháp quản lý và chế độ sinh hoạt có thể giúp giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ sinh hoạt cho người bệnh Buerger:

  • Ngừng hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự phát triển và tổn thương mạch máu trong bệnh Buerger. Việc ngừng hút thuốc lá cần được thực hiện ngay lập tức và hoàn toàn để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
  • Duy trì một lối sống lành mạnh: Bao gồm ăn một chế độ ăn cân đối, tập thể dục đều đặn và duy trì trọng lượng cơ thể lành mạnh.
  • Tránh các tác động lạnh: Bệnh Buerger làm giảm khả năng tuần hoàn máu đến các chi, do đó, tránh tiếp xúc với lạnh và giữ ấm cơ thể là quan trọng. Hãy mặc ấm khi ra khỏi nhà, đặc biệt là chân và tay.
  • Kiểm tra và quản lý các bệnh nền liên quan: Các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu có thể gây tổn thương đến hệ thống mạch máu. Kiểm tra và quản lý các yếu tố nguy cơ này là quan trọng để hạn chế sự nặng thêm của bệnh Buerger.
  • Theo dõi triệu chứng: Theo dõi triệu chứng của bệnh và báo cáo cho bác sĩ ngay khi có bất kỳ thay đổi nào. Điều này giúp theo dõi sự tiến triển của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị cần thiết.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt cho người bệnh Buerger có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chỉ định từ bác sĩ. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến ​​và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo chế độ sinh hoạt phù hợp và hiệu quả nhất cho trường hợp cụ thể của bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Buerger cần tập trung vào việc tăng cường lưu thông máu và hỗ trợ sự phục hồi của các mô và mạch máu. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Buerger:

  • Giảm tiêu thụ chất béo và cholesterol: Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và cholesterol cao có thể giảm nguy cơ tắc nghẽn và viêm mạch máu. Tránh ăn thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, bơ, kem và thức ăn chế biến có nhiều dầu. Thay vào đó, tập trung vào các nguồn chất béo không bão hòa như dầu ô liu, dầu hạt cải và cá hồi.
  • Tăng cường tiêu thụ chất xơ: Chất xơ có thể giúp cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ chức năng tiêu hóa. Bổ sung các nguồn chất xơ như rau, quả, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và đậu trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Tăng cường tiêu thụ chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa có thể giúp giảm tổn thương mạch máu và hỗ trợ sự phục hồi. Bao gồm các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây tươi, rau lá xanh, hạt, quả họ cam và các loại thực phẩm có màu sắc tươi sáng.
  • Hạn chế tiêu thụ caffeine và nicotine: Caffeine và nicotine có thể làm co các mạch máu và gây hạn chế lưu thông máu. Tránh hoặc hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà và nước ngọt, cũng như thực phẩm và sản phẩm chứa nicotine.
  • Uống đủ nước: Giữ cơ thể bạn luôn đủ nước bằng cách uống đủ nước trong suốt ngày. Nước có vai trò quan trọng trong việc duy trì lưu thông máu và chức năng cơ thể chung.

Lưu ý rằng luôn hỏi ý kiến ​​và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trường hợp cụ thể của bạn.

Phòng ngừa bệnh Buerger

Gần như tất cả những người mắc bệnh Buerger đều hút thuốc lá hoặc sử dụng một số sản phẩm thuốc lá. Để ngăn ngừa bệnh Buerger, điều quan trọng là không sử dụng thuốc lá. Bỏ hút thuốc lá có thể khó khăn. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được đưa ra các phương pháp cai thuốc lá hiệu quả.

Bệnh buerger là gì? Những điều bạn cần biết về bệnh buerger 7.png
Cai thuốc lá là yếu tố quan trọng trong phòng ngừa và điều trị bệnh Buerger

Các câu hỏi thường gặp về bệnh Buerger

Biến chứng của bệnh buerger là gì?

Bệnh Buerger làm giảm lưu lượng máu đến tay và chân. Khi bệnh trở nên nặng hơn, da và mô ở vùng bị ảnh hưởng không được nhận đủ máu. Điều này có thể gây ra vết loét đau và không lành. Tình trạng thiếu máu nuôi nghiêm trọng có thể dẫn đến biến chứng hoại tử.

Các triệu chứng của hoại tử bao gồm da đen hoặc xanh, mất cảm giác ở ngón tay hoặc ngón chân bị ảnh hưởng và vùng đó có mùi hôi. Phẫu thuật thường là cần thiết để loại bỏ ngón tay, ngón chân hoặc mô khác bị hoại tử.

Tôi có tiên lượng như thế nào nếu tôi mắc bệnh Buerger?

Vì không có cách chữa khỏi bệnh Buerger nên bạn sẽ tiếp tục có các triệu chứng trong thời gian hút thuốc lá. Bạn cũng sẽ cần điều trị bằng thuốc và có thể phải phẫu thuật. Nhưng nếu bạn bỏ hút thuốc lá, bạn có thể làm cho các triệu chứng của mình trở nên tốt hơn.

Bệnh Buerger kéo dài bao lâu?

Các triệu chứng kéo dài từ một đến bốn tuần mỗi lần, nhưng chúng thường quay trở lại. Bỏ tất cả các sản phẩm thuốc lá, nicotin và cần sa là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng bệnh Buerger.

Khi nào tôi nên đến phòng cấp cứu?

Hãy gọi cấp cứu nếu bạn bị đau thắt ngực hoặc bạn cho rằng mình đang bị đột quỵ. Ngoài ra, bạn có thể cần được phẫu thuật khẩn cấp nếu bệnh Buerger ảnh hưởng đến ruột của bạn hoặc nếu tình trạng nhiễm trùng được bác sĩ đánh giá là phải cắt cụt chi.

Sự khác biệt giữa bệnh Buerger và bệnh Raynaud là gì?

Bệnh Raynaud có thể là triệu chứng của bệnh Buerger. Với bệnh Raynaud, các mạch máu ở ngón chân và ngón tay của bạn sẽ bị xẹp xuống vì bạn cảm thấy lạnh hoặc bị căng thẳng. Việc thiếu máu khiến da bạn trở nên trắng hoặc xanh. Sau vài phút hoặc vài giờ, da của bạn trông đỏ và có thể cảm thấy tê hoặc ngứa ran. Chỉ cần làm ấm tay, đeo găng tay hoặc đi tất ấm có thể giúp giảm các triệu chứng. Bệnh Buerger gây đau đớn và có nhiều triệu chứng hơn bệnh Raynaud.

Nguồn tham khảo
  1. Thromboangiitis obliterans (Buerger disease): https://www.uptodate.com/contents/thromboangiitis-obliterans-buerger-disease#H86999828
  2. An Overview of Buerger’s Disease: https://www.verywellhealth.com/buergers-disease-overview-4571052
  3. Buerger’s Disease: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21680-buergers-disease
  4. Buerger disease: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/buergers-disease/symptoms-causes/syc-20350658
  5. Everything You Need to Know About Buerger’s Disease:https://www.healthline.com/health/thromboangiitis-obliterans

Các bệnh liên quan

  1. Biến dạng cổ thiên nga

  2. Chuột rút co cứng

  3. Phù chân

  4. Run vô căn

  5. Đau mắt cá chân

  6. Hội chứng chân không nghỉ

  7. Trật khớp cùng đòn

  8. Đau cổ tay

  9. Còi xương

  10. Thoái hóa khớp cổ chân