Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vỡ mâm chày là gì? Những vấn đề cần biết về vỡ mâm chày

Ngày 28/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vỡ mâm chày là một tình trạng mất sự liền lạc của mâm chày. Vỡ mâm chày có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa như cố định bằng đai nẹp, sử dụng thuốc giảm đau, chườm lạnh, vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động,... hoặc phẫu thuật cố định mảnh xương vỡ. Tuy nhiên lựa chọn phương pháp điều trị nào còn lệ thuộc các yếu tố khác như các bệnh lý đi kèm như bệnh loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, sa sút trí tuệ cũng như sự lựa chọn của bệnh nhân cùng thân nhân. Vỡ mâm chày có thể ảnh hưởng đến khả năng đi lại nhưng có thể hồi phục tốt nếu điều trị sớm và hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vỡ mâm chày là gì?

Mâm chày là phần xương thuộc đầu trên xương chày hợp với xương đùi và một số phần mềm khác tạo thành khớp gối. Mâm chày là phần xương xốp có lớp sụn bên trên giữ vai trò chịu lực (trọng lượng cơ thể) khi ta di chuyển, đồng thời giúp các cử động gập duỗi gối, đứng ngồi linh hoạt và mượt mà.

Vỡ mâm chày là một vết gãy ở bề mặt trên cùng của xương chày - vùng mâm chày. Phần lớn các trường hợp vỡ mâm chày xảy ra do lực nén thẳng đứng quá lớn đè lên mâm chày khi tiếp đất bằng chân sau khi ngã hoặc nhảy. Vỡ mâm chày cũng có thể do lực xoắn hoặc chấn thương trực tiếp sau va đập trong một vụ tai nạn giao thông. Vỡ mâm chày có thể liên quan đến chấn thương các cấu trúc lân cận bao gồm đứt động mạch, đứt dây chằng, dây thần kinh, mô mềm và sụn chêm làm tình trạng bệnh thêm nặng nề.

Có nhiều phân loại vỡ mâm chày từ đơn giản đến phức tạp nhưng nhìn chung phân loại dựa vào vị trí gãy và độ lún của mâm chày. Có thể sử dụng một số phân loại sau để đánh giá mức độ nặng của tình trạng vỡ mâm chày như phân loại SCHATZKER. Phân loại này chia vỡ mâm chày chia 6 loại:

  • Schatzker loại I : Gãy mâm chày ngoài ít lệch, không lún.
  • Schatzker loại II: Gãy mâm chày ngoài kèm lún.
  • Schatzker loại III: Lún mâm chày ngoài.
  • Schatzker loại IV: Gãy mâm chày trong.
  • Schatzker loại V: Gãy 2 mâm chày.
  • Schatzker loại VI: Gãy 2 mâm chày kèm gãy tách rời mâm chày thân xương.

Vỡ mâm chày thường bị lún và dễ tổn thương động mạch khoeo và biến chứng chèn ép khoang kèm theo. Vì thế khi có chấn thương vỡ mâm chày cần kiểm tra theo dõi kỹ và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Triệu chứng

Những triệu chứng của Vỡ mâm chày

Gãy mâm chày có một số triệu chứng đáng chú ý sau, đặc biệt đáng lưu ý hơn khi chúng xuất hiện sau một chấn thương vùng gối:

  • Đau vùng gối;
  • Sưng khớp gối;
  • Có điểm đau chói vùng gối;
  • Không thể chịu tải trọng lên gối;
  • Hạn chế vận động khớp gối.
Vỡ mâm chày là gì? Những vấn đề cần biết về Vỡ mâm chày.jpg
Đau chói vùng đầu gối sau chấn thương là một triệu chứng tổn thương xương vùng này

Tác động của Vỡ mâm chày với sức khỏe

Mâm chày bị tổn thương thì sẽ gây đau đớn cho người mắc, tác động xấu tới phần xương, sụn và quá trình cử động, di chuyển của chân. Từ đó, ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt, làm việc, vận động của người bệnh.

Biến chứng có thể gặp Vỡ mâm chày

Mâm chày là phần xương xốp nên khi gãy dễ bị lún mất xương nhưng cũng mau lành. Mâm chày có mặt sụn khớp nên khi gãy sẽ làm phẳng sụn khớp mất sự liền lạc, bề mặt sụn khớp bị khấp khểnh. Nắn chỉnh không chính xác sẽ gây hạn chế vận động khớp và nhanh thoái hóa khớp về sau.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào vùng khớp gối hay nghi ngờ vỡ mâm chày bạn nên đến khám bác sĩ ngay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây Vỡ mâm chày

Nguyên nhân gãy mâm chày ở nước ta chủ yếu là do tai nạn giao thông và thường gặp ở người trẻ. Còn ở người cao tuổi, nguyên nhân vỡ mâm chày thường là do tai nạn sinh hoạt. Ngoài ra các nguyên nhân khác cũng có thể đưa đến vỡ mâm chày như tai nạn lao động, chấn thương thể thao,…

Vỡ mâm chày là gì? Những vấn đề cần biết về Vỡ mâm chày.jpg
Tai nạn trong thể thao hay tai nạn giao thông thường là nguyên nhân gây vỡ mâm chày

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Vỡ mâm chày?

Gãy mâm chày hay gặp hơn ở người lớn tuổi, phụ nữ vì những đối tượng này có cấu trúc xương dễ gãy và dễ gặp chấn thương té ngã hơn những đối tượng khác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Vỡ mâm chày

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm loãng xương, thiếu khoáng chất, thiếu canxi,... làm xương yếu đi và dễ bị chấn thương hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Vỡ mâm chày

Các cận lâm sàng hình ảnh học có vai trò quan trọng trong chẩn đoán xác định và phân độ tình trạng vỡ mâm chày:

Xquang khớp gối: Phim X quang thông thường nên được chụp nhiều mặt khác nhau để đánh giá toàn diện mâm chày như mặt cắt trước-sau, mặt bên và giữa các lồi cầu. Mặt cắt trước sau có thể cho thấy các dải xơ cứng gợi ý đến sự chèn ép, sai lệch khớp hoặc lõm bề mặt khớp. Mặt cắt ngang có thể hữu ích trong việc phát hiện các đường gãy sau trong. Tuy nhiên, những quan điểm này đang trở nên ít quan trọng hơn khi có chụp CT.

Vỡ mâm chày là gì? Những vấn đề cần biết về Vỡ mâm chày3.jpg
Hình ảnh học khớp gối cho phép nhìn thấy rõ tổn thương và định hướng điều trị

CT Scan khớp gối: CT scan đánh giá độ lõm và mức độ vỡ nát bề mặt khớp, mô tả kiểu gãy, kích thước của mảnh gãy, hình dạng và vị trí các mảnh gãy để lập kế hoạch phẫu thuật. Chụp CT có thể thay đổi cách phân loại gãy xương và kế hoạch điều trị đã được xây dựng dựa trên các phim chụp X quang ban đầu.

MRI khớp gối: MRI được chỉ định để đánh giá các tổn thương sụn chêm và dây chằng. Đồng thời cũng có thể đánh giá về các đường gãy, sự dịch chuyển, sự lõm của mâm chày và các tổn thương mạch máu xung quanh.

Phương pháp điều trị Vỡ mâm chày

Trường hợp vỡ mâm chày không di lệch có thể được điều trị bảo tồn bằng các biện pháp nội khoa mà không cần phẫu thuật cùng với liệu trình vật lý trị liệu thông thường.

Nội khoa

Thuốc giảm đau

Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, NSAIDs,... có thể được sử dụng để giúp người bệnh giảm bớt cảm giác đau.

Bó bột hoặc nẹp

Bó bột hoặc nẹp là phương pháp điều trị được áp dụng với hầu hết các trường hợp gãy kín có mâm chày di lệch ít và vỡ mâm chày mới xảy ra hoặc những trường hợp gãy nhiều mảnh cũng cần điều trị bảo tồn vì phẫu thuật khó khăn.

Tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

Vì mâm chày bị vỡ chấn thương đầu gối - bộ phận quan trọng dễ biến chứng nên không được chủ quan, phải tập đúng động tác, tập từ từ, từ dễ tới khó, từ chậm tới nhanh, từ tần suất ít tới nhiều vì mâm chày cần có sự luyện tập từ từ để thích nghi dần với vận động sau chấn thương.

Vỡ mâm chày là gì? Những vấn đề cần biết về Vỡ mâm chày4.1.jpg
Vật lý trị liệu giúp hồi phục khả năng vận động sau chấn thương vỡ mâm chày

Những bài tập phục hồi chức năng cho trường hợp có bó bột

Những bài tập phục hồi chức năng này thúc đẩy sự vận động linh hoạt của khớp gối, góp phần giảm triệu chứng đau và phù nề đồng thời cải thiện sức mạnh cơ tứ đầu đùi.

Thời kỳ bất động khớp gối tập các bài tập sau:

  • Gắng luyện tập co cơ tĩnh phía trong nẹp, bột đặc biệt là phần cơ tứ đầu đùi, mỗi ngày khoảng 10 lần với 10 giây/lần. Tập cử động khớp cổ chân hoặc háng kèm theo cũng rất quan trọng.
  • Nếu bột khô, bạn có thể tập đứng dậy, dùng nạng tập di chuyển, tác động 1 phần khối lượng cơ thể lên phần chân bị vỡ mâm chày.

Sau thời kỳ bất động khớp gối tập các bài tập sau sau:

  • Chủ động di động phần xương bánh chè lên xuống kết hợp với xoa bóp để ngăn ngừa kết dính xương bánh chè với các phần xung quanh trong khớp gối.
  • Từ từ tập duỗi thẳng khớp gối.
  • Tập gấp gối từ chậm tới nhanh dần, từ ít tới nhiều lần.

Những bài tập phục hồi chức năng vỡ mâm chày sau phẫu thuật không cần bó bột hoặc néo ép xương mâm chày

Hai tuần đầu sau phẫu thuật: Chườm lạnh vùng vỡ mâm chày với mỗi lần đặt chườm khoảng 20 phút và cách 2 tiếng/lần. Những ngày đầu mới phẫu thuật hoặc mới tập nên cử động thụ động khớp gối khoảng 0 - 30 độ, sau đó nâng từ từ lên 90 độ. Chú ý cần tập cả khớp háng và cổ chân bên vỡ mâm chày để hỗ trợ vận động chân linh hoạt. Sử dụng băng chun ép để cố định phần khớp gối, khi di chuyển dùng nạng kẹp nách. Từ từ tác động một phần trọng lượng cơ thể lên chân bị bệnh, những ngày đầu tác động ít, quen dần thì tác động trọng lượng nhiều hơn.

Tuần 2 - 6 sau phẫu thuật: Tùy theo sức mình mà tập duỗi dần khớp gối tới mức tối đa. Tập khớp gối với cường độ tăng dần và nhanh dần để chân quen dần tới tải trọng cơ thể, sau 4 tuần cố gắng bỏ nạng và tự tập đi. Có thể tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu đùi bằng các dụng cụ hỗ trợ như bao cát, tạ chân,... hoặc cân nhắc tập các bộ môn như xuống tấn, tập bơi hoặc đạp xe đạp.

Ngoại khoa

Gãy xương di lệch có nghĩa là xương gãy không còn đúng vị trí và cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật điều trị gãy mâm chày di lệch nhằm mục đích sắp xếp lại xương, thiết lập lại sự đồng đều của khớp và khôi phục sự ổn định của khớp gối. Loại phẫu thuật cần thiết sẽ phụ thuộc vào loại gãy xương liên quan.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Vỡ mâm chày

Chế độ sinh hoạt:

Đến khám bác sĩ ngay khi có tổn thương vùng gối, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn cũng như theo dõi chặt chặt chế, tập vận động phù hợp tình trạng bệnh giúp hạn chế diễn tiến xấu của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho quá trình hồi phục theo hướng dẫn từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia y tế.

Phương pháp phòng ngừa Vỡ mâm chày hiệu quả

Cung cấp đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao để có một bộ xương khỏe mạnh giúp hạn chế các tổn thương xương nói chung trong đó có vỡ mâm chày.

Các câu hỏi thường gặp về Vỡ mâm chày

Vỡ mâm chày có thể đi lại sau bao lâu?

Tùy theo loại gãy xương, kiểu kết xương và trọng lượng cơ thể người bệnh mà thời gian được phép đi chống chân có thể thay đổi, nhưng không dưới ba tháng. Thời gian có thể đi lại, cử động gấp duỗi gối bình thường thông thường 6 – 8 tháng.

Cần chú ý gì khi tập đi sau vỡ mâm chày?

Mâm chày là phần xương xốp nên dễ bung vết nối xương khi trọng lượng lớn đè lên nếu chưa lành hẳn. Thời gian lành xương khoảng 3 tháng vì thế sau thời gian này người bệnh mới có thể tập chống chân xuống đất và tăng lực chống chân dần dần cho đến khi chân có thể chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể mà không gây đau.

Người cao tuổi bị vỡ mâm chày không thể phẫu thuật do bệnh lý kèm theo nghiêm trọng có thể điều trị hiệu quả bằng nội khoa không?

Với người cao tuổi nếu có tinh thần vững vàng, kiên trì tập luyện, tin tưởng điều trị và có sự kết hợp chăm sóc tích cực của các thành viên gia đình khi điều trị ngoại trú cùng với sự theo dõi, chăm sóc nhiệt tình của thầy thuốc sẽ cho kết quả tốt, tiết kiệm chi phí, người bệnh và gia đình hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh cao tuổi.

Khi nào vỡ mâm chày cần phẫu thuật ?

Các trường hợp cần phẫu thuật là gãy hở, gãy có biến chứng chèn ép khoang, có tổn thương mạch máu. Một số trường hợp có thể cân nhắc phẫu thuật là gãy mâm chày ngoài làm mất vững khớp gối, gãy mâm chày trong có di lệch, gãy 2 mâm chày di lệch.

Vỡ mâm chày có phổ biến không?

Gãy mâm chày thường là kết quả của chấn thương nặng. Gãy mâm chày rất hiếm, chiếm khoảng 1% tổng số ca gãy xương. 

Nguồn tham khảo
  1. Tibial Plateau Fractures: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470593/
  2. Tibial Plateau Fractures: https://www.physio.co.uk/what-we-treat/surgery/knee/tibial-plateau-fracture.php
  3. What Is a Tibial Plateau Fracture?: https://www.healthline.com/health/tibial-plateau-fracture
  4. What Is a Tibial Plateau Fracture?: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-a-tibial-plateau-fracture
  5. Tibial Plateau Fracture: Anatomy, Diagnosis and Management: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33135915/

Các bệnh liên quan