Bác sĩ giải đáp: Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Ngày 31/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hội chứng ống cổ tay là một trong những bệnh lý có số người mắc ngày càng cao và đang có dấu hiệu đáng báo động hiện nay. Để biết hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không, Nhà thuốc Long Châu mời bạn tham khảo bài viết sau.
Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay là bệnh về thần kinh thường gặp, bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc hội chứng này. Bệnh giai đoạn đầu có các triệu chứng như tê bì tay, đau nhức tay và rối loạn cảm giác tay. Tuy nhiên hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Như thế nào là hội chứng ống cổ tay?
Theo phương diện giải phẫu học, ống cổ tay là một dạng khoang rỗng và bao quanh là những mạc giữ gân gấp, xương cũng như dây chằng. Trong đó, dọc theo ống cổ tay là dây thần kinh giữa có chức năng điều khiển bàn tay, ngón tay và dẫn truyền cảm giác ở tay đến não.
Khi mắc hội chứng ống cổ tay, dây thần kinh này không còn chạy dọc một bên ống cổ tay nữa mà bị chèn ép bên trong ống cổ tay dẫn đến tình trạng đau nhức khó chịu, rối loạn cảm giác ở tay và dễ bị tê bàn tay, ngón tay. Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay còn có thể gây co cơ, chuột rút và đau lan dần đến cánh tay.
Hội chứng ống cổ tay đang ngày một phổ biến bởi nguyên nhân gây bệnh đơn giản, tay làm việc càng nhiều, tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay càng cao. Có đến hơn 90% người mắc bệnh về dây thần kinh là hội chứng ống cổ tay, đây cũng là bệnh lý được cảnh báo trên toàn thế giới, đặc biệt là với người trẻ - đối tượng có tần suất làm việc cao và thường xuyên căng thẳng, stress,...
Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Hội chứng ống cổ tay có thể trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời vì nó có khả năng gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Triệu chứng ban đầu thường bao gồm đau, tê bì hoặc cảm giác ngứa ran ở tay, đặc biệt là ở ngón cái và các ngón kế tiếp. Nếu không được xử lý, tình trạng này có thể dẫn đến giảm cảm giác và thậm chí là mất chức năng cầm nắm ở bàn tay.
Dưới đây là các yếu tố về mức độ nguy hiểm của hội chứng này:
Mất cảm giác và khả năng vận động:
Mất cảm giác: Nếu không điều trị, hội chứng ống cổ tay có thể dẫn đến mất cảm giác ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón nhẫn. Điều này làm giảm khả năng cảm nhận và ảnh hưởng đến các hoạt động tinh vi như viết, đánh máy, và cầm nắm các vật nhỏ.
Yếu cơ và teo cơ: Hội chứng này có thể gây yếu cơ, đặc biệt là cơ ngón cái. Trường hợp nặng có thể dẫn đến teo cơ, làm giảm khả năng vận động của bàn tay và cổ tay.
Đau mãn tính và khó chịu:
Đau liên tục: Đau và tê có thể trở nên mãn tính, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Cơn đau thường tồi tệ hơn vào ban đêm, gây khó chịu và mệt mỏi.
Đau lan rộng: Đôi khi, cơn đau có thể lan lên cánh tay và vai, gây ra cảm giác khó chịu toàn diện và ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt.
Giảm chất lượng cuộc sống:
Hạn chế công việc và hoạt động hàng ngày: Người bị hội chứng ống cổ tay nghiêm trọng có thể gặp khó khăn trong các công việc hàng ngày như lái xe, cầm nắm đồ vật, và thực hiện các hoạt động yêu cầu sự khéo léo.
Ảnh hưởng nghề nghiệp: Những người làm việc với máy tính, thợ thủ công, hoặc những công việc yêu cầu sử dụng tay nhiều có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng làm việc nếu không được điều trị.
Biến chứng lâu dài:
Tổn thương thần kinh vĩnh viễn: Nếu dây thần kinh giữa bị chèn ép lâu dài mà không được giảm bớt, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn, gây mất chức năng vĩnh viễn ở tay.
Cần phẫu thuật: Trong nhiều trường hợp nặng, phẫu thuật giải phóng ống cổ tay là cần thiết để ngăn chặn tổn thương thêm. Mặc dù phẫu thuật thường có kết quả tốt, nhưng cũng có nguy cơ biến chứng và thời gian hồi phục kéo dài.
Tóm lại, hội chứng ống cổ tay có thể trở nên nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Chính vì vậy nên ngay khi phát hiện có dấu hiệu mắc hội chứng ống cổ tay người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để khám chữa đúng cách, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.
Làm thế nào để nhận biết hội chứng ống cổ tay?
Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 40% bệnh nhân hội chứng ống cổ tay không phát hiện bệnh từ giai đoạn đầu, đến khi có các triệu chứng nặng hơn như cơn đau kéo dài, đau lan đến cánh tay,... mới đi khám và được chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay. Vậy dựa vào đâu để phát hiện hội chứng ống cổ tay từ sớm?
Nhận biết hội chứng ống cổ tay sớm có thể giảm thời gian điều trị và tăng khả năng chữa thành công. Thời gian đầu thường người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức nhẹ kéo dài ít phút và không thường xuyên. Tuy nhiên bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau lâu và tần suất đau cũng sẽ nhiều hơn. Người mắc hội chứng ống cổ tay có thể nhận biết bệnh thông qua các dấu hiệu sau:
Tê bàn tay, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sau khi làm việc nặng, tay vận động nhiều.
Ngứa râm ran ở bàn tay và cổ tay, có thể cảm thấy ngứa ở đầu các ngón tay.
Mất cảm giác ở các đầu ngón tay tạm thời.
Cảm thấy ngứa râm ran đi kèm đau nhức lan đến cẳng tay, thậm chí đến vai và đôi khi gây đau cổ vai gáy.
Hội chứng ống cổ tay khi chuyển sang giai đoạn nặng hơn sẽ có một số triệu chứng đặc thù như:
Tay yếu hơn, cầm nắm không chắc, thường xuyên làm rơi đồ vật khi cầm và khó thực hiện các động tác đòi hỏi phức tạp hơn như viết, cài cúc áo, đánh máy,...
Phản ứng ở tay chậm hơn, xung thần kinh dẫn truyền kém nên gây phản ứng chậm và mất nhận thức về vị trí, cảm giác ở tay.
Bệnh nhân ngay khi phát hiện dấu hiệu hội chứng ống cổ tay dù ở giai đoạn nào cũng cần đến bệnh viện để thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe và tư vấn của bác sĩ về bệnh lý, cách điều trị cũng như hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không, cần lưu ý gì trong quá trình chữa bệnh.
Cách chẩn đoán khi mắc hội chứng ống cổ tay
Để chẩn đoán chính xác người bệnh có mắc hội chứng ống cổ tay không, các bác sĩ thường chỉ định thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra gồm:
Nghiệm pháp Tinel: Bác sĩ dùng tay hoặc búa phản xạ để gõ nhẹ vào ống cổ tay nhằm xác định cảm giác của người bệnh có giống hội chứng ống cổ tay không.
Nghiệm pháp Phalen: Thực hiện gập cổ tay trong khoảng 60 giây, nếu bệnh nhân cảm thấy ngứa râm ran và tê tay càng nhiều chứng minh hội chứng ống cổ tay càng nghiêm trọng.
Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán hội chứng ống cổ tay bằng chụp X-quang giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh có phải do viêm nhiễm hoặc chấn thương, bệnh xương khớp gây ra không.
Điện cơ (EMG) và dẫn truyền xung thần kinh: Nhằm chẩn đoán mức độ dẫn truyền và phản xạ của xung thần kinh.
Tóm lại, hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không còn dựa vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình hình sức khỏe của bệnh nhân, các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch,... Để biết chính xác mình đang bị hội chứng ống cổ tay ở giai đoạn nào và cách điều trị tương ứng, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.