Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp khuỷu tay là gì? Nguyên nhân nào gây viêm khớp khuỷu tay?

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau khuỷu tay không phải là một tình trạng hiếm gặp, bạn có thể sẽ gặp phải tình trạng đau khi gập hoặc duỗi khuỷu. Đau khuỷu tay có thể sẽ khiến bạn khó làm những việc như xách đồ, các việc phải vung tay như dùng búa, hoặc chơi quần vợt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp khuỷu tay là gì?

Khi gặp phải tình trạng đau khuỷu tay khiến bạn phải hạn chế hoạt động, thì có thể đó là do viêm khớp khuỷu tay. Tình trạng viêm khớp khuỷu tay có thể liên quan đến bất kỳ thành phần nào sau đây:

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp khuỷu tay

Các triệu chứng của viêm khớp khuỷu tay có thể bao gồm:

Đau

Khi bị viêm khớp khuỷu tay, triệu chứng phổ biến nhất là đau tại khuỷu. Đồng thời, các đặc điểm đau có thể khác nhau tùy thuộc nguyên nhân. Với viêm khớp dạng thấp, trong giai đoạn đầu của viêm khớp dạng thấp, cơn đau có thể chủ yếu ở mặt ngoài của khớp. Đau có thể tăng khi xoay cẳng tay, đau kèm với tình trạng sưng nóng đỏ ở khớp khuỷu, và thường đối xứng ở cả 2 bên. 

Với thoái hóa khớp, cơn đau do thoái hóa khớp có thể nặng hơn khi duỗi cánh tay. Thông thường, đau do thoái hóa khớp sẽ tăng khi hoạt động mà giảm khi nghỉ ngơi. Nếu tình trạng thoái hóa khớp ở giai đoạn nặng, đau có thể kéo dài cả đêm hoặc cả khi nghỉ ngơi.

Sưng

Triệu chứng sưng khớp khuỷu thường phổ biến với nguyên nhân viêm khớp dạng thấp.

Mất ổn định khớp

Khớp khuỷu của bạn có thể không ổn định và bị lệch, từ đó gây khó khăn hoặc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Giảm biên độ vận động

Bạn có thể không duỗi thẳng hoặc gập được khuỷu tay.

Khóa khớp

Trong trường hợp thoái hóa khớp, bạn có thể gặp phải triệu chứng này. Triệu chứng khóa khớp được mô tả giống như khớp bị khóa lại khi bạn đang hoạt động, và không thể trả nó về trạng thái bình thường.

Cứng khớp

Đây là triệu chứng khá phổ biến, thường xảy ra sau khi viêm khớp khuỷu sau chấn thương.

Viêm khớp khuỷu tay là gì? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp khuỷu tay 4
Sưng khớp khuỷu là triệu chứng thường gặp trong viêm khớp dạng thấp

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp khuỷu tay

Khi gặp phải tình trạng viêm khớp khuỷu tay, tình trạng đau kéo dài, không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Mất vững khớp khuỷu;
  • Cứng khớp;
  • Biến dạng khớp khuỷu;
  • Chèn ép thần kinh;
  • Hạn chế sinh hoạt hằng ngày;
  • Rối loạn giấc ngủ do đau.

Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân dẫn đến viêm khớp khuỷu của bạn là các bệnh lý toàn thân như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gout, viêm khớp vảy nến… Bạn có thể sẽ gặp các biến chứng khác lên các cơ quan tùy thuộc vào bệnh mà mình mắc phải.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp các tình huống sau đây:

  • Cơn đau không giảm sau khi điều trị với thuốc giảm đau.
  • Đau kèm các triệu chứng như tê, yếu ở cánh hay hay bàn tay.
  • Đau dữ dội khiến bạn hạn chế hoạt động cánh tay, hoặc có các triệu chứng như sưng nóng đỏ khớp khuỷu tay.
  • Có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi.
Viêm khớp khuỷu tay là gì? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp khuỷu tay 5
 Nên đến gặp bạn sĩ khi có các triệu chứng toàn thân như sốt hay mệt mỏi

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp khuỷu tay

Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp khuỷu tay như:

  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Viêm khớp gout;
  • Thoái hóa khớp;
  • Viêm khớp vảy nến;
  • Viêm khớp khuỷu sau chấn thương.

Trong đó, thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân phổ biến nhất.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp gây hao mòn và tổn thương sụn khớp. Theo thời gian, lớp sụn bảo vệ khớp dần mất đi, bề mặt khớp không còn trơn láng và cọ xát vào nhau. Đồng thời, để đáp lại tình trạng thiếu hụt sụn, cơ thể có thể phát triển các gai xương. Những điều này có thể sẽ không gây bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên ở một số trường hợp có thể sẽ gây đau, sưng hay cứng khớp.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mãn tính, tiến triển do hệ thống miễn dịch làm việc quá mức gây ra. Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến khớp lớn như khớp khuỷu. 

Viêm khớp dạng thấp có thể dần dần gây phá hủy sụn, xương cũng như viêm bao hoạt dịch (đây là tình trạng viêm các túi nhỏ chứa dịch làm đệm cho xương).

Triệu chứng của viêm khớp khuỷu do viêm khớp dạng thấp thường đối xứng, được mô tả như cảm giác đau âm ỉ hay đau nhói. Đau do viêm khớp dạng thấp khác với chấn thương ở khuỷu. Đối với chấn thương, cơn đau có thể dần dần cải thiện. Đau do viêm khớp dạng thấp không tự cải thiện. Thay vào đó nếu không được điều trị, cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến cứng khớp, hạn chế hoạt động hoặc sưng khớp gây chèn ép dây thần kinh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp khuỷu tay?

Viêm khớp khuỷu có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên ở các đối tượng sau có thể dễ mắc viêm khớp khuỷu hơn như:

  • Nam giới tuổi trung niên, thường xuyên thực hiện các công việc vất vả (ví dụ như sử dụng xẻng, búa).
  • Những đối tượng có tiền sử chấn thương hay gãy xương ở khuỷu tay.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp khuỷu tay

Yếu tố nguy cơ làm tăng mắc viêm khớp khuỷu có thể khác nhau tùy nguyên nhân, những yếu tố có thể bao gồm:

  • Tuổi: Đây là yếu tố nguy cơ chính của tình trạng thoái hóa khớp. Mặc dù thông thường tình trạng thoái hóa khớp sẽ ảnh hưởng đến các khớp chịu lực như gối, háng, cột sống. Tuy nhiên, nếu bạn có các chấn thương tại khớp khuỷu, có thể sẽ tăng nguy cơ thoái hóa khớp khuỷu sau này.
  • Di truyền: Các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến cả thoái hóa khớp hay viêm khớp dạng thấp.
  • Chế độ sinh hoạt: Như đã đề cập ở trên, các hoạt động sử dụng khớp khuỷu thường xuyên như (dùng búa, xẻng). Hay các chấn thương tại vùng khuỷu tay có thể dẫn đến viêm khớp khuỷu tay sau này.
  • Dinh dưỡng: Chế độ ăn, hút thuốc lá có thể liên quan mật thiết đến tình trạng viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp khuỷu tay là gì? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp khuỷu tay 6
Hút thuốc là là một yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp khuỷu tay

Để chẩn đoán viêm khớp khuỷu tay, bác sĩ có thể thực hiện thăm khám và đưa ra các xét nghiệm cần thiết:

  • Hỏi và khám bệnh: Bạn có thể được hỏi về tình trạng các triệu chứng đau cũng như các triệu chứng kèm theo. Bác sĩ sẽ tiến hành khám khớp khuỷu tay, phạm vi các chuyển động của khớp.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang thường cho thấy khe khớp bị hẹp cũng như đánh giá tình trạng nứt, gãy xương.
  • Siêu âm khớp: Siêu âm có thể giúp đánh giá tình trạng tràn dịch ở khớp khuỷu.
  • Chụp CT-scan và MRI: Trong một số trường hợp bạn có thể được chỉ định các xét nghiệm hình ảnh này, nhằm đánh giá toàn bộ khớp khuỷu như sụn, gân, cơ, dây chằng.
  • Điện cơ đồ (EMG): Bạn có thể được chỉ định làm điện cơ nếu có tình trạng chèn ép dây thần kinh.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân gây viêm khớp khuỷu tay. Ví dụ như tìm yếu tố dạng thấp nếu nghi ngờ viêm khớp khuỷu này do viêm khớp dạng thấp.

Phương pháp điều trị viêm khớp khuỷu tay

Thông thường, viêm khớp khuỷu tay sẽ tự khỏi hoặc thông qua các điều trị đơn giản. Hầu hết các tình trạng đau khuỷu đều được điều trị bảo tồn. Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện.

Các liệu pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Hạn chế hoạt động: Tránh các hoạt động là trầm trọng thêm tình trạng khớp khuỷu. Nghỉ ngơi giữa các giai đoạn tập thể dục hoặc hoạt động.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập nhẹ nhàng và liệu pháp nhiệt hoặc lạnh có thể giúp giảm đau. Nẹp cố định có thể làm giảm căng thẳng cho khớp khuỷu bằng cách hỗ trợ nhẹ nhàng.
  • Thuốc giảm đau: Các thuốc uống như acetaminophen, thuốc kháng viêm không steroid có thể làm giảm đau do viêm khớp gây ra. Một số trường hợp bác sĩ có thể kê thêm các thuốc khác hoặc cho tiêm steroid vào khớp để giảm đau.
  • Châm cứu: Châm cứu có thể giúp giảm đau một cách hiệu quả. Đối với trường hợp đau khuỷu tay do chấn thương ở các vận động viên, nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu giúp giảm đau và cải thiện phạm vi hoạt động của khớp khuỷu đáng kể.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị khác không thành công. Các lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm: Nội soi khớp, phẫu thuật cắt bao hoạt dịch, cắt xương hoặc phẫu thuật thay thế khớp.
Viêm khớp khuỷu tay là gì? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp khuỷu tay 7
Các loại nẹp cố định có thể giúp giảm căng thẳng cho khớp khuỷu

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm khớp khuỷu tay

Chế độ sinh hoạt:

Duy trì thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh, các biện pháp bao gồm:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị và tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể theo dõi và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp trong từng giai đoạn.
  • Hạn chế các hoạt động gây căng thẳng cho khớp khuỷu như xách đồ vật nặng, sử dụng búa, xẻng.
  • Hạn chế việc chơi các môn thể thao gây tổn thương thêm khớp khuỷu như chơi tennis.
  • Duy trì tập vật lý trị liệu và các bài tập cụ thể có thể giúp giảm đau và hạn chế cứng khớp dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để đảm bảo sức khỏe. Hạn chế ăn các thực phẩm gây viêm như đồ chiên nướng, các chất béo chuyển hóa. Bạn có thể tham khảo thêm các chế độ ăn giúp giảm viêm để giảm đau và duy trì sức khỏe cho khớp.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp khuỷu tay hiệu quả

Để phòng ngừa viêm khớp khuỷu tay một cách hiệu quả, hãy tham khảo các biện pháp sau đây:

  • Hạn chế các công việc hay hoạt động gây căng thẳng khớp khuỷu, tránh chấn thương khớp khuỷu.
  • Nếu sử dụng khớp khuỷu thường xuyên, có thể tham khảo các dụng cụ hỗ trợ giảm căng thẳng cho khớp khuỷu.
  • Tập các bài tập phù hợp ở mức độ vừa phải, thường xuyên.
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh, hạn chế các thực phẩm gây viêm, ngưng hút thuốc lá.

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp

  2. Viêm khớp vai

  3. Teo cơ do đái tháo đường

  4. đau lưng trên

  5. Xoắn xương đùi

  6. đĩa đệm mất nước

  7. Hội chứng Sudeck

  8. Đau xương chậu

  9. Cong vẹo cột sống

  10. Bàn chân khoèo