Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phù chân: Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phù chân là hiện tượng chất lỏng tích tụ trong các mô dưới chân làm cho chân bị sưng to. Điều này gây ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Phù chân tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng lại ảnh hưởng tới chất lượng sống hàng ngày của người bệnh. Vậy làm thế nào để nhận biết được phù chân và điều trị như thế nào? Hay cùng Nhà thuốc Long Châu tham khảo bài viết sau đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phù chân là gì? 

Phù chân là hiện tượng chất lỏng tích tụ trong các mô dưới chân làm cho chân bị sưng to. Điều này gây ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Phù chân thường xuất hiện ở mắt cá chân, mu bàn chân hoặc ở cẳng chân. Phù chân có thể là sinh lý bình thường, nhưng đôi khi lại là dấu hiệu tiềm ẩn của một căn bệnh nguy hiểm nào đó.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phù chân

Một số triệu chứng phù chân thường dễ nhận biết là:

  • Chân sưng to bất thường.

  • Có thể kèm theo những cơn đau ở chân mặc dù chân không bị chấn thương hoặc va đập trước đó.

  • Chân bị phù trong nhiều ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Khi nhấn vào chỗ phù thấy lõm xuống và không đàn hồi trở lại (ngoại trừ phù cứng).

  • Phù kèm theo những dấu hiệu như: Cảm thấy mệt mỏi, tê bì, bị mất cảm giác ở chân.

Biến chứng có thể gặp khi bị phù chân

Phù chân nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng như:

  • Khó đi lại và vận động.

  • Gây rối loạn huyết học, tắc tĩnh mạch khiến cho chân bị đỏ đau, ngứa ngáy, da bị căng,...

  • Gây sẹo và xơ ở giữa những lớp mô.

  • Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở vị trí bị sưng phù gây viêm loét da.

  • Gây ảnh hưởng tới khớp và hệ cơ bắp ở chân.

  • Giảm khả năng lưu thông máu và tính đàn hồi của mạch máu.

  • Có nguy cơ gây mất khả năng vận động.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tình trạng phù chân mặc dù không gây ra vấn đề gì, nhưng đôi khi đó lại là một dấu hiệu nghiêm trọng. Hãy tới gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp những dấu hiệu nào dưới đây: 

  • Chóng mặt.

  • Đau hoặc tức ở vùng ngực.

  • Nhầm lẫn, bối rối.

  • Khó thở.

  • Đầu óc cảm thấy quay cuồng hoặc mờ nhạt.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ làm giảm những nguy cơ tăng nặng của bệnh và có thể giúp bạn có thể mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phù chân

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới phù chân, tùy vào từng nguyên nhân mà người bệnh có những triệu chứng khác nhau. Một số nguyên nhân gây phù chân thường gặp là:

Phù chân trong quá trình mang thai:

Đây là hiện tượng thường gặp khi mang thai, nhất là ở những tuần cuối của thai kỳ. Lúc này kích thước thai nhi to gây gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, dẫn tới sự gia tăng áp lực thủy tĩnh, đẩy dịch ra khỏi lòng mạch tới mô kẽ gây hiện tượng phù ở 2 chân. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, thai phụ sẽ tự hết phù sau khi sinh.

Tuy nhiên, ở những đối tượng bị tăng huyết áp, đau đầu, đau bụng vùng thượng vị, tiểu ít,...mà bị phù thì thai phụ nên tới cơ sở y tế để kiểm tra xem thai phụ có nguy cơ bị chứng tiền sản giật hay không, vì đây là tình trạng bệnh lý gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Phù chân do tiền sản giật:

Sưng tấy đột ngột hay quá mức ở mặt và tay có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Đây là một hiện tượng nghiêm trọng khiến người bệnh bị cao huyết áp và có protein trong nước tiểu. 

Phù chân do suy tim:

Khi bị suy tim. khả năng bơm máu ở tim yếu dẫn một lượng lớn máu bị giữ lại ở chân gây phù nề.

Phù chân do bệnh thận:

Thận có vai trò cân bằng lượng chất lỏng ở trong cơ thể. Khi thận bị suy yếu, không còn hoạt động bình thường thì cơ thể dễ bị tích nước dẫn tới chân bị phù nề. Những dấu hiệu sau đây cũng có thể xuất hiện như: Chán ăn, khó tập trung, khó ngủ, cảm thấy mệt mỏi và yếu đi, buồn nôn, nôn, rối loạn tiểu tiện,đau ngực, tăng huyết áp,…

Phù chân do bệnh gan:

Khi bị xơ gan, gan sẽ hình thành sẹo và hạn chế dòng máu chảy vào gan gây tăng huyết áp, phù chân. Xơ gan cũng có thể tác động đến sự sản sinh protein albumin, một trong những yếu tố gây phù chân. 

Phù chân do suy tĩnh mạch:

Suy tĩnh mạch xảy ra khi van tĩnh mạch bị hư hỏng hoặc do đứng hay ngồi trong khoảng thời gian dài. Điều này làm cho máu tích tụ trong các tĩnh mạch ở chân thay vì trở về tim như bình thường. Những dấu hiệu bao gồm: Chân bị đau nhức và phù, xuất hiện những tĩnh mạch màu xanh nổi rõ trên da, da chân ngứa và loét, nhiễm trùng,...

Phù chân do uống rượu:

Uống rượu có thể dẫn tới phù ở bàn chân và mắt cá chân. Thông thường, tình trạng phù sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu người bệnh không có dấu hiệu giảm phù trong thời gian này, rất có thể đây là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó về tim, gân hoặc thận.

Phù chân do phù bạch huyết:

Phù bạch huyết xảy ra khi các hạch bạch huyết bị tổn thương hay bị cắt bỏ, thường là do điều trị ung thư. Điều này khiến cơ thể người bệnh giữ lại dịch bạch huyết và có thể dẫn tới phù chân.

Phù chân do tổn thương:

Chấn thương ở chân và mắt cá chân như: Bong gân, gãy xương và căng cơ có thể gây phù chân do máu dồn đến vùng bị ảnh hưởng.

Một vài nguyên nhân khác: Mang giày không vừa chân, đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, thừa cân,...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) phù chân?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị phù chân. Tuy nhiên, những người cao tuổi và nam giới thì thường có nguy cơ bị phù chân nhiều hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) phù chân

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phù chân:

  • Tuổi tác cao;

  • Phụ nữ có thai;

  • Nội tiết tố thay đổi;

  • Xuất hiện huyết khối ở chân;

  • Bị một số bệnh như: Phù bạch huyết (tắc nghẽn bạch huyết), viêm ngoài màng tim;

  • Tiền sản giật gây cao huyết áp ở trong thai kỳ;

  • Chấn thương hoặc nhiễm trùng ảnh hưởng tới chân, bàn chân, hoặc mắt cá;

  • Ngồi hoặc đứng một chỗ trong thời gian dài.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phù chân

Chẩn đoán phù chân qua thăm khám lâm sàng, tình trạng bệnh sử cũng như lối sống của người bệnh. 

Sau khi đã thăm khám lâm sàng xong, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác cũng như nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Xét nghiệm nước tiểu.

  • Xét nghiệm máu.

  • Chụp X – quang.

  • Đo hay ước lượng áp suất ở trong mạch máu nhất định.

  • Siêu âm.

  • Điện tâm đồ.

Điều này rất quan trọng có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị hiệu quả.

Phương pháp điều trị phù chân hiệu quả

Nếu phù chân có liên quan tới thói quen, lối sống hoặc do một chấn thương nhỏ. Người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng việc thay đổi lối sống và sử dụng những liệu pháp điều trị sau:

Chườm lạnh

Chườm lạnh giúp co mạch máu và giảm lượng dịch lỏng rò rỉ ra ngoài, giúp lượng máu quay trở lại tim. Chườm lạnh chỉ nên thực hiện dưới 10 phút/lần. Tuy nhiên, đây chỉ là cách điều trị tạm thời. Để trị dứt điểm nên thực hiện thêm nhiều biện pháp khác.

Sử dụng thuốc uống

Một số thuốc được sử dụng để giảm phù chân như: Furosemid, thiazide, spironolactone… Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ và chỉ nên sử dụng chỉ khi những biện pháp khác không giúp giảm tình trạng phù chân.

Massage trị sưng phù chân

Phương pháp massage có tác dụng khi người già bị phù chân. Vì đây là đối tượng thường xuyên gặp phải tình trạng như kém lưu thông, thành mạch mỏng dễ vỡ…

Băng ép

Phương thức này thì thường được sử dụng phổ biến. Phương pháp này có tác dụng phục hồi và điều chỉnh áp suất chênh lệch giữa những hệ thống tĩnh mạch nông và sâu. Dựa vào nguyên lý làm giảm đường kính ở lòng tĩnh mạch mà làm tăng khả năng vận chuyển máu và chất lỏng ở trong mạch máu kể cả lúc nghỉ ngơi hay vận động.

Nếu người bệnh bị phù chân do bệnh lý khác như: Suy tim, bệnh thận, gan,... bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho phù hợp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phù chân

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống đủ nước.

  • Giảm lượng muối ăn, có thể làm giảm lượng chất lỏng có nguy cơ bị tích tụ ở chân.

  • Bổ sung magie bằng những loại thực phẩm giàu magie như: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt, sữa ít béo, các loại hạt, cải bó xôi,...

Chế độ sinh hoạt:

  • Nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình việc điều trị.

  • Cần phải duy trì lối sống tích cực và hạn chế stress, lo âu.

  • Trong quá trình điều trị, nếu gặp những vấn đề bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ.

  • Để theo dõi diễn tiến của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe cần phải thăm khám định kỳ để bác sĩ có thể tìm ra hướng điều trị thích hợp trong thời gian tiếp theo nếu cho tới khi tình trạng bệnh của có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa phù chân hiệu quả

Để phòng ngừa phù chân hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.

  • Khi nằm có thể nâng chân lên cao. Bạn có thể đặt một cái gối ở dưới chân đề giúp thoải mái hơn.

  • Hạn chế ngồi lâu hoặc đứng yên trong một thời gian dài. Bạn có thể đứng lên ngồi xuống hoặc di chuyển.

  • Khi chân bị sưng phù có thể vuốt nhẹ để giúp lượng chất lỏng dư thừa được lưu thông và làm giảm tình trạng tắc nghẽn.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/swollen-feet#when-to-seek-emergency-medical-attention

  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/327473#causes

  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323265

Các bệnh liên quan