Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng Mallory-Weiss: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng Mallory-Weiss là một trong những nguyên nhân thường gặp và chiếm 5% đến 15% người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa. Bệnh thường biểu hiện bởi tình trạng nôn ra máu sau một đợt buồn nôn hoặc nôn dữ dội kéo dài. Bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và không gây biến chứng nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng Mallory-Weiss là gì?

Hội chứng Mallory-Weiss là tình trạng rách niêm mạc tại chỗ nối thực quản và dạ dày. Bệnh thường liên quan đến tình trạng buồn nôn hoặc nôn mạnh và kéo dài. Các vết rách này sẽ dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa hay còn gọi là xuất huyết tiêu hóa. Tuy nhiên, tình trạng xuất huyết này thường tự giới hạn ở 80% đến 90% người bệnh.

Bệnh xuất hiện nhiều ở người từ 40 đến 60 tuổi, ở nam nhiều hơn ở nữ và có liên quan mật thiết với tình trạng sử dụng rượu bia kéo dài.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng Mallory-Weiss

Hội chứng Mallory-Weiss có thể xảy ra trên người bệnh mà không có triệu chứng nào. Hoặc nếu có triệu chứng thì chúng cũng không đặc trưng riêng cho hội chứng Mallory-Weiss vì các dấu hiệu và triệu chứng này đều có thể xuất hiện trên người bệnh có tình trạng xuất huyết hoặc sốc do nguyên nhân khác. Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện trên người bệnh gồm:

  • Nôn ra máu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất và là nguyên nhân khiến người bệnh phải đi khám. Người bệnh thường có những đợt nôn vọt hoặc nôn mửa mà không có máu, sau đó đột ngột nôn ra máu. Nôn ra máu có nhiều biểu hiện khác nhau, có thể nôn vài vệt hoặc đốm máu xen lẫn dịch nhầy đến nôn chất nâu như bã cà phê, nặng hơn là nôn ra máu loãng đỏ tươi.
  • Đi phân có màu đen: Đi tiêu phân đen là triệu chứng hiếm gặp hơn nôn ra máu. Thường chỉ xuất hiện khi người bệnh chảy máu nhiều, máu chảy xuống ruột đến đại tràng gây tình trạng đi phân có màu đen hoặc có máu, nhầy, mùi hôi. Đây là dấu hiệu của bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể mất máu nghiêm trọng.
  • Đau vùng thượng vị.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể có một số triệu chứng như chóng mặt hay ngất, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, tiêu chảy, da xanh, đổ mồ hôi trộm…
Hội chứng Mallory-Weiss: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa 1
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tình trạng ho và nôn kéo dài

Biến chứng có thể gặp khi mắc Hội chứng Mallory-Weiss

Hội chứng Mallory-Weiss dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa, đây là biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện và điều trị sớm. Chảy máu đường tiêu hóa kéo dài sẽ khiến bạn bị mất máu, bạn có thể sẽ gặp tình trạng ngất, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, vã mồ hôi, tiểu ít hoặc bí tiểu nặng hơn là nhồi máu cơ tim.

Thủng thực quản và tái phát bệnh là biến chứng hiếm gặp của hội chứng Mallory-Weiss.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tình trạng nôn ra máu đỏ hoặc nôn ra chất có màu giống bã cà phê, đi phân màu đen hay phân có máu là dấu hiệu nghiêm trọng, bạn nên liên hệ với cấp cứu hoặc đi khám ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị sớm. Mất máu kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ đe dọa tính mạng cũng như tăng khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh.

Ngoài ra một vài tình trạng khác cũng là dấu hiệu báo động cần được chú ý và nên tìm đến giúp đỡ về mặt y tế:

  • Nhịp tim tăng nhanh;
  • Chóng mặt hay ngất;
  • Đổ mồ hôi và da nhợt hoặc xanh;
  • Môi hoặc móng tay bạn nhạt màu hoặc có màu xanh;
  • Tiểu ít hoặc không đi tiểu một chút nào.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng Mallory-Weiss

Nguyên nhân thường gặp nhất của hội chứng Mallory-Weiss là buồn nôn và nôn kéo dài. Các bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng ho, buồn nôn và nôn kéo dài cũng dẫn đến hội chứng Mallory-Weiss, gồm:

  • Biến chứng của nội soi, sinh thiết thực quản dạ dày;
  • Chấn thương ở vùng ngực hoặc vùng bụng;
  • Nấc cụt mạnh kéo dài;
  • Ho dữ dội, kéo dài;
  • Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn;
  • Loét dạ dày;
  • Hồi sức tim phổi;
  • Người bệnh co giật, động kinh;
  • Viêm gan;
  • Xơ gan;
  • Bệnh lý tại đường mật như sỏi mật, viêm túi mật;
  • Tăng áp lực nội sọ;
  • Ung thư thực quản;
  • Ngoài ra còn một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như nhiễm toan đái tháo đường nặng, nuốt phải chất ăn mòn niêm mạc thực quản, tác dụng phụ của hóa trị liệu…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc Hội chứng Mallory-Weiss

Những người có các tình trạng sau đây sẽ làm tăng khả năng mắc hội chứng Mallory-Weiss:

  • Nghiện rượu hoặc uống bia rượu nhiều;
  • Mang thai có tình trạng nôn nghén nặng;
  • Trào ngược dạ dày thực quản;
  • Thoát vị hoành gián đoạn;
  • Giãn tĩnh mạch thực quản;
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa;
  • Rối loạn ăn uống (ăn quá nhiều hoặc chán ăn);
  • Tắc ruột;
  • Người bệnh bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông;
  • Người bệnh có tiền sử thực hiện thủ thuật hoặc phẫu thuật ở dạ dày thực quản.
Hội chứng Mallory-Weiss: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa 2
Uống nhiều bia rượu là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất trên người mắc hội chứng Mallory-Weiss

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Hội chứng Mallory-Weiss

Khoảng 20% người bệnh không có những yếu tố nguy cơ này nhưng vẫn có thể bị hội chứng Mallory-Weiss. Các yếu tố nguy cơ của hội chứng Mallory-Weiss thường được nhắc đến bao gồm:

  • Uống nhiều rượu: Là một trong những yếu tố quan trọng chiếm khoảng 50% đến 70% người bệnh được chẩn đoán mắc hội chứng Mallory-Weiss. Uống nhiều rượu cũng tăng nguy cơ chảy máu nghiêm trọng. Mặt khác, rượu bia cũng là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý như xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản,... càng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Mallory-Weiss.
  • Thoát vị hoành gián đoạn;
  • Các yếu tố thúc đẩy bệnh gồm buồn nôn và nôn, căng thẳng, ho mạn tính, co giật…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Hội chứng Mallory-Weiss

Nên nghi ngờ hội chứng Mallory-Weiss khi bạn có tiền sử nôn ra máu xảy ra sau một hoặc nhiều đợt nôn không có máu. Bác sĩ sẽ khai thác về bệnh sử và khám thực thể nhằm xác định mức độ mất máu của bạn. Ngoài ra, tiền sử sử dụng rượu hàng ngày và các bệnh mắc phải gần đây cũng là thông tin quan trọng. Các xét nghiệm được bác sĩ chỉ định cho bạn nhằm đánh giá tình trạng bệnh bao gồm:

Xét nghiệm máu

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, huyết sắc tố, hematocrit, thời gian đông máu, số lượng tiểu cầu được chỉ định nhằm đánh giá mức độ mất máu, tình trạng rối loạn đông máu và xét nghiệm nhóm máu để có thể truyền máu khi thiếu máu nặng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bạn làm thêm xét nghiệm đánh giá chức năng thận (BUN, Creatinin) xem có xuất hiện tình trạng tổn thương thận cấp do mất máu không. Đánh giá chức năng gan xem có tình trạng xơ gan kèm theo hay không.

Đánh giá tim

Điện tâm đồ và men tim có thể được chỉ định để đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ do mất máu cấp qua đường tiêu hóa, đặc biệt là trên người bệnh có tình trạng thiếu máu nặng hoặc có tiền sử bệnh tim mạch, đau ngực kèm theo và cao tuổi.

Nội soi đường tiêu hóa trên

Nội soi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác hội chứng Mallory-Weiss và thường được tiến hành trong 24 giờ đầu từ khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu. Sau 96 giờ thường các vết rách đều lành tốt.

Nội soi giúp xác định vị trí vết rách niêm mạc và có thể giúp xử trí vết rách nếu đang chảy máu. Nội soi cho chúng ta thấy đặc điểm vết rách niêm mạc như đang chảy máu hay đã được cầm lại bởi cục máu đông.

Nội soi đường tiêu hóa trên cũng giúp phát hiện các nguyên nhân gây chảy máu khác như giãn tĩnh mạch thực quản, loét dạ dày tá tràng.

Mallory-Weiss 6.png
Nội soi thực quản dạ dày tá tràng là phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị bệnh

Phương pháp điều trị Hội chứng Mallory-Weiss

Chảy máu do rách niêm mạc trong hội chứng Mallory-Weiss thường sẽ tự ngừng trong 80% đến 90% các trường hợp. Quá trình lành sẽ diễn ra trong vài ngày và không cần phải điều trị. Nhưng nếu tình trạng chảy máu không dừng lại thì bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một trong những phương pháp dưới đây.

Nội soi thực quản dạ dày tá tràng

Nội soi thực quản dạ dày tá tràng có thể được xem xét trên người bệnh điều trị nội khoa không đạt hiệu quả hoặc chảy máu nhiều không cầm được.

Hầu hết người bệnh đã ngừng chảy máu khi được tiến hành nội soi. Các phương pháp điều trị chảy máu trong hội chứng Mallory-Weiss gồm sử dụng đốt nhiệt, laser nhiệt, tiêm epinephrine, thắt hoặc kẹp cầm máu.

Thuốc

Trong hầu hết các trường hợp, chảy máu trong hội chứng Mallory-Weiss thường tự ngừng. Thuốc được cân nhắc điều trị nếu tình trạng chảy máu không tự cầm hoặc xuất hiện biến chứng.

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc ức chế H2 thường được dùng để giảm độ acid của dạ dày do chúng sẽ làm cản trở quá trình hồi phục của niêm mạc thực quản và dạ dày.

Thuốc chống nôn được dùng để kiểm soát cơn buồn nôn và nôn nhằm tránh tái phát bệnh.

Phẫu thuật

Thông thường phương pháp phẫu thuật hiếm khi được áp dụng trên người có hội chứng Mallory-Weiss trừ người bệnh không ngừng chảy máu dù đã điều phương pháp nội soi.

Ngoài ra, người bệnh cần được theo dõi sinh hiệu (mạch, huyết áp, tri giác) và đánh giá nhu cầu truyền dịch hoặc truyền máu nếu cần.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hội chứng Mallory-Weiss

Chế độ sinh hoạt

Thay đổi thói quen sinh hoạt giúp tránh tình trạng buồn hoặc nôn, tránh kích thích dạ dày, thực quản gây tái phát bệnh:

  • Trong giai đoạn cấp: Nghỉ ngơi giúp phục hồi cơ thể, tránh cử động mạnh làm ảnh hưởng đến vết rách. Sau khi hết vết rách đã hết chảy máu, bạn có thể sinh hoạt bình thường.
  • Không ăn quá no hoặc quá đói, không vận động mạnh sau ăn. Tránh nằm ngay sau ăn gây trào ngược dạ dày thực quản.
  • Nên ăn các thức ăn lỏng trong vào giai đoạn cấp tính, sau đó bạn có thể ăn uống bình thường khi bệnh đã ổn định.

Chế độ dinh dưỡng

Bạn cần ăn uống cân đầy đủ các chất. Bổ sung thêm các thực phẩm giúp bổ sung sắt như thịt bò, rau lá xanh như rau cải, mồng tơi, rau muống, cải bó xôi…, các loại đậu. Tránh các thực phẩm làm tăng trầy xước hoặc kích thích thực quản và dạ dày như thực phẩm chua cay, trái cây chứa nhiều acid như cam quýt, tránh ăn khi thức ăn quá nóng.

Hội chứng Mallory-Weiss: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa 4
Thực phẩm giúp bổ sung sắt sau mất máu

Phương pháp phòng ngừa Hội chứng Mallory-Weiss hiệu quả

Mặc dù hội chứng Mallory-Weiss thường ít tái phát, tuy nhiên nếu không phòng ngừa tốt thì vẫn có thể tái phát và tiến triển bệnh nặng hơn. Để phòng ngừa xuất hiện và tái phát bệnh, bạn cần thực hiện các điều sau:

  • Điều trị các bệnh gây ra tình trạng buồn nôn và nôn kéo dài như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, xơ gan,...
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn để giảm nguy cơ bệnh và tránh tái phát nếu đã có tiền căn chảy máu do hội chứng Mallory-Weiss.
Nguồn tham khảo
  1. Mallory-Weiss Tear: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/malloryweiss-tear
  2. Mallory-Weiss Tear: https://www.healthline.com/health/mallory-weiss-tear
  3. Mallory-Weiss Syndrome: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538190/
  4. Mallory-Weiss Tear Overview of Mallory-Weiss Syndrome: https://emedicine.medscape.com/article/187134-overview#a1
  5. Mallory-Weiss Syndrome: https://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/esophageal-and-swallowing-disorders/mallory-weiss-syndrome
  6. What Is a Mallory-Weiss Tear?: https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-mallory-weiss-tear