Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng loét trực tràng đơn độc: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng loét trực tràng đơn độc (SRUS) là một rối loạn hiếm gặp ở trực tràng. Tuy lành tính nhưng có thể gây lo lắng cho người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình được báo cáo là 1/100.000 người mỗi năm. Nó thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi trung niên và ít phổ biến hơn ở trẻ em.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là gì?

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là một rối loạn trực tràng lành tính được đặc trưng bởi sự kết hợp của triệu chứng,  bất thường nội soi và mô bệnh học. Mặc dù có tên như vậy, đôi khi có nhiều hơn một vết loét trực tràng xảy ra trong hội chứng. Các vết loét trực tràng thường được mô tả là được tìm thấy dưới dạng một hoặc nhiều vết loét nằm ở thành trước của trực tràng trong vòng 10 cm tính từ mép hậu môn.

Tỷ lệ mắc bệnh trung bình được báo cáo là 1/100.000 người mỗi năm. Nó thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi trung niên và ít phổ biến hơn ở trẻ em. Nhóm tuổi phổ biến nhất từ ​​30 đến 40 tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ ngang nhau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc bao gồm:

  • Táo bón;
  • Tiêu chảy;
  • Đại tiện ra máu, chất nhầy;
  • Mót rặn;
  • Đau hoặc cảm giác đầy trong vùng bụng chậu;
  • Cảm giác đi ngoài không hết phân;
  • Đại tiện không tự chủ;
  • Sa trực tràng;

Tuy nhiên, một số người mắc hội chứng loét trực tràng đơn độc có thể không có triệu chứng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Điều quan trọng là liên hệ với bác sĩ ngay để trao đổi về các lựa chọn điều trị nếu các triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày của bạn. Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm và thăm khám để xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân khác ngoài hội chứng loét trực tràng đơn độc.

Hội chứng loét trực tràng đơn độc: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 1
Cần liên hệ với bác sĩ ngay khi thấy các triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố đồng thời gây ra tình trạng này. Tổn thương niêm mạc trực tràng mãn tính và chấn thương do thiếu máu cục bộ được cho là nguyên nhân chính.

Chấn thương trực tiếp

Niêm mạc trực tràng mỏng manh và dễ bị tổn thương. Nhiều bệnh nhân có tiền sử táo bón và báo cáo đã cố gắng thông tháo bằng tay gây tổn thương niêm mạc trực tràng. Các nhà khoa học cho rằng chấn thương tự gây ra này là một nguyên nhân có thể có của hội chứng loét trực tràng đơn độc.Tuy nhiên, vì đôi khi vị trí của tổn thương xa hơn nhiều so với ngón tay có thể với tới nên đây không thể là nguyên nhân duy nhất. Khi bị táo bón, phân có thể rất cứng và làm tổn thương niêm mạc nên đây có thể là một cơ chế chấn thương khác.

Sa trực tràng và chấn thương do thiếu máu cục bộ 

Áp lực quá mức gây ra do rặn nhiều (rối loạn đại tiện và táo bón) về lâu dài có thể dẫn đến sự phát triển của các tình trạng sa trực tràng. Những tình trạng này tạo ra chấn thương mạch máu mãn tính (thiếu máu cục bộ/giảm tưới máu) ở niêm mạc trực tràng, dẫn đến loét và hoại tử do áp lực. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển vết loét.

Nguy cơ

Một số đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng loét trực tràng đơn độc như:

  • Táo bón mãn tính;
  • Trực tràng kéo dài ra khỏi hậu môn (sa trực tràng);
  • Sự co thắt của các cơ sàn chậu làm chậm lưu lượng máu đến trực tràng;
  • Dùng tay thông tháo gây tổn thương niêm mạc trực tràng;
  • Khi một phần của ruột trượt vào bên trong phần khác (lồng ruột);
  • Rối loạn tâm lý.
Hội chứng loét trực tràng đơn độc: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 2
Những người bị táo bón mãn tính có nguy cơ mắc hội chứng loét trực tràng đơn độc

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng loét trực tràng đơn độc dựa trên các đặc điểm lâm sàng, phát hiện khi soi trực tràng và kiểm tra mô bệnh học và chẩn đoán hình ảnh. Khai thác tiền sử đầy đủ và kỹ lưỡng rất quan trọng trong chẩn đoán ban đầu hội chứng loét trực tràng đơn độc.

Chẩn đoán phân biệt bao gồm bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ và bệnh ác tính.

Các xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định, bao gồm:

Nội soi đại trực tràng: Là xét nghiệm nên được chỉ định. Thông thường, có một vết loét đơn độc. Nhưng chỉ có 20% bệnh nhân có một vết loét duy nhất trong khi những trường hợp khác có thể có nhiều tổn thương. Kích thước của các vết loét thường là 0,5 – 4 cm.

Đo áp lực hậu môn trực tràng và điện cơ: Là xét nghiệm giúp cung cấp thông tin hữu ích về phản xạ ức chế hậu môn trực tràng, áp lực, động lực đại tiện, độ giãn nở của trực tràng và ngưỡng cảm giác.

Các xét nghiệm sinh hóa máu thường quy: Công thức máu, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm đông máu, protein phản ứng C và tốc độ lắng hồng cầu thường là bình thường. Tuy nhiên, các đặc điểm của thiếu máu hồng cầu nhỏ với các giá trị thấp của huyết sắc tố, hematocrit có thể được nhìn thấy ở trẻ có tiền sử chảy máu tái phát ở trực tràng.

Siêu âm trực tràng: Trong quá trình kiểm tra này, các bác sĩ sẽ đưa một đầu dò nhỏ vào trực tràng của bạn. Đầu dò sử dụng sóng âm thanh để hiển thị hình ảnh bên trong trực tràng để bác sĩ có thể nhìn thấy vết loét hoặc các khối u khác.

Sinh thiết: Bác sĩ có thể lấy sinh thiết (mẫu) mô xung quanh vết loét và gửi đến phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm kiểm tra mô để tìm các tình trạng khác, chẳng hạn như ung thư.

Hội chứng loét trực tràng đơn độc: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 3
Nội soi sinh thiết đại trực tràng

Phương pháp điều trị

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của các triệu chứng và có hoặc không có kèm sa trực tràng. Những người có dấu hiệu và triệu chứng nhẹ có thể thuyên giảm nhờ thay đổi lối sống, trong khi những người có dấu hiệu và triệu chứng nặng hơn có thể cần điều trị thuốc hoặc phẫu thuật. Mục đích chính là phục hồi thói quen đại tiện bình thường cho người bệnh.

Một số phương pháp điều trị phải kể đến như:

Thay đổi chế độ ăn uống: Để giảm táo bón, bạn có thể được hướng dẫn cách tăng chất xơ, uống nhiều nước trong chế độ ăn uống.

Phản hồi sinh học: Những bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng nên được điều trị bằng phản hồi sinh học. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lưu lượng máu đến niêm mạc trực tràng được cải thiện sau khi điều trị bằng phản hồi sinh học.

Hội chứng loét trực tràng đơn độc: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 4
Phản hồi sinh học là phương pháp mới và hiệu quả trong điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc

Sử dụng thuốc: Một số phương pháp điều trị như Steroid tại chỗ, thụt tháo Sulfasalazine và OnabotulinumtoxinA (Botox) có thể giúp giảm bớt các triệu chứng loét trực tràng. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này không hiệu quả với tất cả mọi người và một số vẫn còn trong quá trình nghiên cứu.

Phẫu thuật: Là một lựa chọn cho những bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp bảo tồn và phản hồi sinh học. Phẫu thuật được chỉ định ở gần 1/3 số người trưởng thành bị sa trực tràng kèm theo. Các phương pháp điều trị phẫu thuật bao gồm cắt bỏ vết loét, điều trị sa trực tràng và cắt bỏ đoạn mất chức năng. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng cho người mắc hội chứng loét trực tràng đơn độc

Có nhiều cách để giảm nguy cơ phát triển hội chứng loét trực tràng đơn độc. Một vài lời khuyên về lối sống có thể làm giảm nguy cơ hội chứng loét trực tràng đơn độc bao gồm:

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thói quen đi vệ sinh vào 1 thời gian cố định, tốt nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy.
  • Tránh căng thẳng quá mức. Điều này có thể cải thiện các triệu chứng. Đơn giản nhất có thể tập các bài tập thư giãn, thiền, yoga để giải tỏa căng thẳng.
  • Tránh rặn khi đi vệ sinh, rặn quá mạnh khi đi đại tiện có thể gây loét trực tràng.
  • Sử dụng một chiếc ghế đẩu để nâng cao chân khi đi đại tiện, nhờ đó làm thẳng góc hậu môn trực tràng và giảm bớt sức lực khi đi đại tiện.
  • Tránh bất kỳ loại thao tác thông tháo trực tràng thủ công nào vì dễ gây tổn thương niêm mạc trực tràng

Chế độ dinh dưỡng:

  • Kiêng rượu, bia, thuốc lá, thức ăn cay.
  • Một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp ích, nhưng bản thân nó không đủ để điều trị.
  • Uống đủ nước trong ngày, ít nhất 2,5 lít/ngày. Mất nước có thể làm cho phân cứng, khô và khó đi ngoài hơn.

Hội chứng loét trực tràng đơn độc: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị 5

Phương pháp phòng ngừa hội chứng loét trực tràng đơn độc hiệu quả

Những điều sau đây có thể giúp phòng ngừa hội chứng loét trực tràng đơn độc bao gồm:

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng chất xơ trong chế độ ăn và ngăn ngừa táo bón.
  • Uống nhiều nước, ít nhất 2,5 lít/ngày, hạn chế uống đồ uống có gas và cafe.
  • Tránh rặn quá mức.
  • Hỏi bác sĩ về thuốc nhuận tràng: Những loại thuốc này có thể làm giảm táo bón bằng cách làm cho phân của bạn dễ dàng đi qua hơn. Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc nhuận tràng nào bạn nên dùng và thời gian dùng.
Nguồn tham khảo
  1. Solitary rectal ulcer syndrome: https://www.uptodate.com/contents/solitary-rectal-ulcer-syndrome
  2. Solitary rectal ulcer syndrome: Clinical features, pathophysiology, diagnosis and treatment strategies:-https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3921483/
  3. Solitary rectal ulcer syndrome: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rectal-ulcer/diagnosis-treatment/drc-20377754

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh celiac

  2. Hẹp môn vị

  3. Bệnh cầu thận

  4. Hội chứng Chilaiditi

  5. Bệnh cầu thận màng

  6. Bệnh nang tủy thận

  7. Đau bụng dưới

  8. U trung biểu mô

  9. Thoát vị khe hoành

  10. Gan to