Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm phúc mạc là tình trạng viêm mô bên trong khoang bụng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phúc mạc, nhưng nếu là do nhiễm trùng tại phúc mạc thì gọi là viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát. Nhiễm trùng phúc mạc rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong ổ bụng. Nhiễm trùng cũng có thể lây nhiễm vào máu và gây nhiễm trùng huyết, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là gì?

Phúc mạc là một lớp mô bên trong bụng và bao bọc xung quanh các cơ quan bên trong. Viêm phúc mạc là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm lớp mô bên trong bụng. Viêm phúc mạc có thể nhẹ đến nặng, khu trú ở phúc mạc hoặc lan tỏa khắp cơ thể. Viêm phúc mạc là tình trạng nguy hiểm cấp tính vì nó có thể tiến triển nghiêm trọng rất nhanh. Nhiễm trùng lây lan vào máu (gọi là tình trạng nhiễm trùng huyết) có thể khiến cơ thể bị sốc nhiễm trùng, nặng hơn là tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là do tình trạng nhiễm trùng tại phúc mạc gây nên, triệu chứng và dấu hiệu thường là:

  • Sốt;
  • Đau bụng từ nhẹ đến nặng và nhạy cảm khi chạm vào;
  • Chướng bụng;
  • Mất nước, rối loạn điện giải;
  • Liệt ruột;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Khó thở;
  • Suy giảm nhận thức;
  • Mệt mỏi và khó chịu;
  • Sưng chân và bàn chân (phù nề);
  • Dễ bầm tím và chảy máu (giảm tiểu cầu).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận biết sớm tình trạng viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là rất quan trọng để có thể kiểm soát tình trạng viêm phúc mạc trước khi nó trở nên phức tạp. Điều trị thường có hiệu quả nhưng có thể để lại biến chứng như tổn thương nội tạng kéo dài. Những người có hệ thống miễn dịch yếu hơn do mắc các bệnh mạn tính khác nhau sẽ có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn những người khác.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát 4
Đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có những dấu hiệu của bệnh viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát thường xảy ra theo một trong hai nguyên nhân:

  • Viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát (Spontaneous bacterial peritonitis - SBP) thường gặp ở những người bị cổ trướng. Đây là tình trạng dịch dư thừa từ các tĩnh mạch bị rò rỉ tích tụ trong phúc mạc. Vi khuẩn có thể theo đường tiêu hóa, lây nhiễm vào dịch cổ trướng. Khi đó, dịch nhiễm trùng kết hợp với suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn này xâm nhập vào phúc mạc là làm trầm trọng hơn tình trạng nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng do các dụng cụ y tế như trong trường hợp lọc máu và cho ăn bằng ống sonde dạ dày là hai đường dẫn mà vi khuẩn dễ xâm nhập trực tiếp vào phúc mạc.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát?

Những người bị bệnh gan nặng, xơ gan cổ trướng có nguy cơ bị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát nhiều hơn, đặc biệt là nếu cơ thể có đặt các vật lạ như ống thông dạ dày, sonde tiểu…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát, bao gồm:

  • Viêm gan B, C.
  • Nghiện rượu nặng.
  • Bị nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang.
Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát 5
Nhiễm trùng tiểu làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Chẩn đoán viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát thường dựa vào tình trạng lâm sàng, xét nghiệm máu, phân tích dịch ổ bụng (dịch cổ trướng) và chẩn đoán hình ảnh.

Biểu hiện lâm sàng thường là đau bụng, sốt, chướng bụng, nhạy cảm khi chạm vào. Xét nghiệm máu để xem số lượng bạch cầu, tiểu cầu, men gan, chỉ số đông máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng và chức năng gan thận cũng như tình trạng đông máu.

Chọc dịch ổ bụng để phân tích dịch cổ trướng, thường thu được bằng cách thực hiện chọc hút. Cần chọc dịch màng bụng trước khi dùng kháng sinh. Ở đại đa số bệnh nhân, chọc dịch màng bụng có thể được thực hiện một cách an toàn. Không nên trì hoãn việc chọc dịch màng bụng ở những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh. Dịch báng cần được kiểm tra những điều sau:

  • Nuôi cấy vi khuẩn;
  • Albumin;
  • Chất đạm;
  • Glucose;
  • Lactate dehydrogenase;
  • Amylase;
  • Bilirubin (nếu dịch có màu cam đậm hoặc nâu).

Phương pháp điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát hiệu quả

Ở những bệnh nhân nghi ngờ viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát, nên bắt đầu điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm càng sớm càng tốt để tăng hiệu quả diệt khuẩn. Tuy nhiên, không nên dùng kháng sinh cho đến khi lấy được dịch ổ bụng để nuôi cấy xác định vi khuẩn.

Hầu hết các trường hợp là do vi khuẩn đường ruột như Escherichia coli và Klebsiella. Do đó, liệu pháp kháng sinh phổ rộng được dùng cho đến khi có kết quả kháng sinh đồ.

Ngoài điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhân mắc bệnh đang dùng thuốc chẹn beta không chọn lọc nên cân nhắc ngừng thuốc.

Liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm được dùng cho những bệnh nhân bị cổ trướng có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Nhiệt độ lớn hơn 37,8°C;
  • Đau bụng;
  • Thay đổi tinh thần, trở nên lơ mơ lú lẫn;
  • Số lượng bạch cầu tăng.

Những kháng sinh thường được dùng để điều trị thường là: Cephalosporin thế hệ thứ ba, fluoroquinolones, nếu tình trạng nặng hơn thì có thể dùng đến nhóm carbapenem (ví dụ ertapenem, imipenem, meropenem).

Thời gian điều trị kháng sinh tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân đối với kháng sinh đó. Nhiều bệnh nhân có đáp ứng thì thời gian điều trị ít nhất kéo dài 5 ngày.

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát 6
Kháng sinh là thuốc điều trị chính cho bệnh viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Có lối sống tích cực, tinh thần lạc quan và hạn chế sự căng thẳng.
  • Đến gặp bác sĩ ngay khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị bệnh.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng và diễn tiến của bệnh, tìm hướng điều trị phù hợp tiếp theo nếu chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần có tâm lý lạc quan. Tâm lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, hãy tâm sự với những người đáng tin cậy, chia sẻ lo lắng của mình với những thành viên trong gia đình, chăm sóc thú cưng hay đơn giản là xem phim, đọc sách, hoặc làm bất cứ điều gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát hiệu quả

Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát có thể dự phòng kháng sinh để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và tử vong. Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  • Bệnh nhân xơ gan, xuất huyết tiêu hóa. Dự phòng bằng kháng sinh đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong.
  • Bệnh nhân đã từng có một hoặc nhiều đợt viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát. Ở những bệnh nhân như vậy, tỷ lệ tái phát trong vòng một năm đã được báo cáo là gần 70%.
  • Bệnh nhân bị xơ gan và cổ trướng nếu protein dịch cổ trướng <1,5g/dL (15g/L) cùng với suy giảm chức năng thận hoặc suy gan. Suy giảm chức năng thận được định nghĩa là creatinine ≥1,2mg/dL (106micromol/L), nồng độ nitơ urê trong máu ≥25mg/dL (8,9mmol/L) hoặc natri huyết thanh ≤130mEq/L (130mmol/ L]). Suy gan được xác định khi điểm Child-Pugh ≥9 và bilirubin ≥3mg/dL (51micromol/L).
  • Bệnh nhân xơ gan nhập viện vì lý do khác và có nồng độ protein cổ trướng dưới 1g/dL (10g/L).
Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát là gì? Nguyên nhân và cách điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát 7
Dự phòng kháng sinh đối với những đối tượng có nguy cơ cao giúp phòng bệnh hiệu quả

Ngoài việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh, còn có những biện pháp chung cần được áp dụng để ngăn ngừa bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu để loại bỏ dịch cổ trướng.
  • Nhận biết sớm và điều trị tích cực các bệnh nhiễm trùng cục bộ (ví dụ viêm bàng quang và viêm mô tế bào). Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết và viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát.
  • Hạn chế sử dụng thuốc ức chế bơm proton. Việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton có liên quan đến việc tăng nguy cơ huyết áp tâm thu trong nhiều nghiên cứu. Do đó, thuốc ức chế bơm proton chỉ nên được dùng cho những bệnh nhân có chỉ định sử dụng rõ ràng.
Nguồn tham khảo
  1. Peritonitis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/peritonitis
  2. Peritonitis: https://www.webmd.com/digestive-disorders/peritonitis-symptoms-causes-treatments
  3. Understanding Peritonitis: https://www.healthline.com/health/peritonitis
  4. Everything you need to know about peritonitis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/312552
  5. Peritonitis and Abdominal Sepsis: https://emedicine.medscape.com/article/180234-overview

Các bệnh liên quan