Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cổ trướng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh cổ trướng

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cổ trướng là sự tích tụ dịch trong ổ bụng. Nó thường là biến chứng do xơ gan hoặc do một số bệnh về gan khác. Nếu nghiêm trọng, cổ trướng có thể gây đau bụng, tức ngực, khó thở, thậm chí gây ra tình trạng nhiễm trùng ở vùng bụng. Dịch ổ bụng cũng có thể di chuyển vào ngực và phổi gây khó thở, tức ngực. Cổ trướng có thể điều trị được, tuy nhiên cũng có thể tái phát.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cổ trướng là gì?

Cổ trướng là sự tích tụ dịch trong ổ bụng. Tình trạng này thường xảy ra ở những người bị xơ gan. Phúc mạc là lớp mô bao phủ các cơ quan nội tạng như dạ dày, ruột, gan và thận. Phúc mạc có hai lớp, cổ trướng xảy ra khi dịch tích tụ giữa hai lớp này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cổ trướng

Triệu chứng chính của cổ trướng là bụng phình to và tăng cân nhanh. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Sưng ở mắt cá chân, sưng bụng;
  • Tăng cân rất nhanh;
  • Cảm giác cơ thể nặng nề;
  • Đau tức ngực;
  • Hụt hơi;
  • Các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, đau bụng, chán ăn, khó tiêu và táo bón;
  • Đau lưng;
  • Khó ngồi;
  • Mệt mỏi.
Cổ trướng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh cổ trướng 1
Bụng bị phình to do tích tụ dịch trong ổ bụng

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cổ trướng

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán cổ trướng là khoảng 30% đến 40%. Cổ trướng có thể dẫn đến:

  • Các vấn đề về bụng: Dịch ổ bụng tích tụ nhiều có thể dẫn đến đau, khó chịu và khó thở. Những triệu chứng này có thể gây chán ăn, mệt mỏi và giảm tập trung khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Nhiễm trùng: Dịch ổ bụng có thể bị nhiễm trùng, gọi là viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát. Triệu chứng là bị sốt và đau bụng. Liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế nếu bị cổ trướng kèm các dấu hiệu như sốt và đau bụng dữ dội. Phương pháp điều trị là dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch và có thể điều trị bằng kháng sinh lâu dài để ngăn ngừa nhiễm trùng quay trở lại.
  • Tràn dịch màng phổi ở gan, hoặc dịch trong phổi: Dịch bụng sẽ tràn qua phổi, thường ở phổi bên phải. Bệnh nhân có thể bị khó thở, ho, khó chịu ở ngực và thiếu oxy máu. Bạn có thể cần chọc dịch lồng ngực để loại bỏ chất lỏng.
  • Thoát vị liên quan đến cổ trướng: Sự gia tăng áp lực ổ bụng có thể dẫn đến thoát vị, đặc biệt là thoát vị rốn và bẹn.
  • Suy thận: Nếu xơ gan nặng hơn có thể dẫn đến suy thận (hội chứng gan thận).

Cổ trướng là dấu hiệu của tổn thương gan. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Nhưng với cách điều trị thích hợp và thay đổi chế độ ăn uống, bệnh nhân có thể kiểm soát cổ trướng. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến cổ trướng

Xơ gan thường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng cổ trướng. Khi bị xơ gan, gan không thể hoạt động như bình thường (gọi là suy giảm chức năng gan), bên cạnh đó kết hợp với tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa nên gây ra cổ trướng. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như:

  • Nghiện rượu nặng (lý do phổ biến dẫn đến xơ gan);
  • Viêm gan C, B mạn tính;
  • Lạm dụng rượu trong nhiều năm;
  • Bệnh gan nhiễm mỡ (viêm gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc NASH);
  • Máu đông trong tĩnh mạch gan (huyết khối tĩnh mạch cửa);
  • Suy tim sung huyết;
  • Viêm tụy;
  • Dày và sẹo ở lớp vỏ giống như túi của tim (viêm màng ngoài tim);
  • Lọc thận;
  • Một số bệnh ung thư có thể gây ra tình trạng này, ví dụ ung thư gan. Cổ trướng do ung thư thường xảy ra nhất với bệnh ung thư tiến triển hoặc tái phát.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải cổ trướng?

Khoảng một nửa bệnh nhân bị xơ gan mất bù sẽ bị cổ trướng. Xơ gan chiếm khoảng 80% nguyên nhân gây ra cổ trướng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cổ trướng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cổ trướng, bao gồm:

  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu;
  • Viêm gan B;
  • Viêm gan C;
  • Nghiện rượu;
  • Viêm gan tự miễn;
  • Bệnh liên quan đến di truyền như hemochromatosis, bệnh Wilson, bệnh thiếu hụt alpha-1-antitrypsin;
  • Suy tim sung huyết;
  • Suy thận;
  • Ung thư các cơ quan ở vùng bụng và xương chậu;
  • Nhiễm trùng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cổ trướng

Chẩn đoán cổ trướng thường dựa vào:

  • Tiền sử bệnh;
  • Theo dõi lượng nước tiểu: Thu thập nước tiểu 24 giờ;
  • Xác định chỉ số điện giải;
  • Xét nghiệm chức năng thận;
  • Xét nghiệm chức năng gan;
  • Xét nghiệm yếu tố đông máu để xác định nguy cơ chảy máu và nồng độ protein trong máu;
  • Phân tích nước tiểu;
  • Siêu âm bụng;
  • CT scan bụng;
  • Chọc dò dịch ổ bụng để phân tích dịch ổ bụng, xác định xem có dấu hiệu nhiễm trùng, ung thư hoặc vấn đề nguy hiểm khác không.
Cổ trướng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh cổ trướng 2
Chọc dò dịch ổ bụng để xét nghiệm

Phương pháp điều trị cổ trướng hiệu quả

Chế độ ăn uống:

Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý là điều quan trọng đầu tiên giúp hạn chế tích tụ dịch ổ bụng. Người bệnh cần lưu ý phải thực hiện chế độ ăn uống hạn chế natri. Đối với những người bị cổ trướng, lượng natri khuyến nghị là ít hơn 2.000mg đến 4.000mg mỗi ngày.

Hạn chế uống rượu hoặc tốt nhất là nên ngừng uống rượu hoặc sử dụng các thực phẩm chứa cồn.

Cổ trướng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh cổ trướng 3
Nên ăn chế độ ít muối natri

Thuốc:

Thuốc lợi tiểu là thuốc quan trọng để giúp thải bớt lượng dịch tích tụ ra ngoài cơ thể.

Ngoài ra, nếu sau khi xét nghiệm dịch ổ bụng có nhiễm trùng thì có thể cần dùng thuốc kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn.

Một số phương pháp khác:

Nếu việc dùng thuốc lợi tiểu và chế độ ăn ít natri không đủ để cải thiện tình trạng cổ trướng thì có thể cần thêm một số phương pháp khác như:

  • Chọc hút dịch để loại bỏ dịch ổ bụng dư thừa.
  • Shunt hệ thống cửa trong gan xuyên tĩnh mạch (Transjugular intrahepatic portosystemic shunt - TIPS): Thủ thuật này được dùng để điều trị cổ trướng bằng cách đặt stent vào tĩnh mạch trong gan.
  • Ghép gan: Trong trường hợp xơ gan nặng, khi gan bị suy, việc ghép gan có thể là cần thiết.
  • Nếu ung thư, hóa trị hoặc liệu pháp hormone có thể giúp thu nhỏ khối u.

Phương pháp điều trị cổ trướng có thể giúp cải thiện triệu chứng và giảm biến chứng. Ở một số bệnh nhân, cổ trướng có thể giải quyết bằng liệu pháp lợi tiểu, TIPS hoặc ghép gan. Trong trường hợp viêm gan do rượu, cổ trướng có thể giải quyết nhờ sự cải thiện chức năng gan.

Dịch ổ bụng có thể tiếp tục tích tụ, do đó cần phải tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Nếu chất lỏng tích tụ nhanh chóng, phương pháp điều trị là dùng thuốc lợi tiểu, shunt hệ thống cửa trong gan qua tĩnh mạch (TIPS) hoặc ghép gan.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cổ trướng

Chế độ sinh hoạt:

  • Kiểm tra cân nặng thường xuyên: Cân trọng lượng cơ thể hàng ngày, nên đi khám nếu tăng hơn 4 - 5 kg/ngày.
  • Hạn chế sử dụng NSAID: Thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen và aspirin, ảnh hưởng đến thận, có thể khiến cơ thể giữ lại lượng nước và muối dư thừa.
  • Tuân thủ và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm xác định diễn tiến bệnh và xử trí bất thường trong quá trình điều trị.
  • Duy trì lối sống vui vẻ, lạc quan, hạn chế lo âu, stress vì tâm lý tốt sẽ hỗ trợ việc điều trị và phục hồi sức khỏe tốt hơn. Người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp giảm stress như nuôi chó mèo, đọc sách báo, trò chuyện với người thân…
Cổ trướng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh cổ trướng4
Nên đi khám ngay nếu tăng cân quá nhanh

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế uống rượu, nên tránh đồ uống có chứa cồn để giảm nguy cơ cổ trướng.
  • Chế độ ăn ít muối: Tuân thủ chế độ ăn ít natri, ăn không quá 2.000 mg đến 4.000 mg mỗi ngày.

Phương pháp phòng ngừa cổ trướng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Cách tốt nhất để ngăn ngừa cổ trướng là sống một lối sống lành mạnh.
  • Hạn chế rượu và muối, không hút thuốc và tập thể dục thường xuyên.
  • Tiêm vắc xin phòng các bệnh như cúm, viêm gan A, viêm gan B và nhiễm phế cầu khuẩn.
Nguồn tham khảo
  1. Ascites: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/ascites
  2. Ascites: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14792-ascites
  3. Ascites: https://www.webmd.com/digestive-disorders/ascites-medref
  4. What is Ascites: https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/ascites
  5. What is ascites (fluid in the abdomen): https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/coping/physically/fluid-abdomen-ascites/about

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư gan nguyên phát

  2. Ung thư gan di căn

  3. Viêm dạ dày mạn tính

  4. Hội chứng Chilaiditi

  5. Lồng ruột

  6. Viêm dạ dày cấp

  7. Khó tiêu

  8. Phình động mạch chủ bụng

  9. Táo bón

  10. Bệnh màng đáy mỏng