Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Liệt dây thanh quản: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Liệt dây thanh quản có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến và có thể ảnh hưởng đến chức năng nói, thở và nuốt. Chẩn đoán tình trạng này phần lớn dựa trên khám lâm sàng. Xác định nguyên nhân và điều trị sớm giúp giảm thiểu tối đa biến chứng của liệt dây thanh quản.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Liệt dây thanh quản là gì?

Thanh quản được cấu tạo bởi các sụn, các màng, các dây chằng và cơ. Dây thanh quản (hay còn gọi là dây thanh âm) là một trong các dây chằng của thanh quản. Khi có luồng không khí đi qua (nói hoặc hát), hai dây thanh âm sẽ rung động và phát ra âm thanh. Ngược lại, khi bạn im lặng hai dây thanh sẽ đóng lại.

Liệt dây thanh quản là tình trạng một hoặc cả hai dây thanh âm không di động như bình thường. Khi dây thanh âm tổn thương sẽ ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt, thậm chí là thở vì tất cả các chức năng này đều liên hệ trực tiếp với sự di chuyển của hai dây thanh âm.

Liệt dây thanh quản có thể ảnh hưởng đến dây thanh của một bên hoặc cả hai bên.

  • Liệt dây thanh quản một bên: Xảy ra khi một dây thanh không di động bình thường, điều này khiến người bệnh có thể khó khăn khi nói hoặc khi nuốt. Các vấn đề liên quan đến hô hấp thường không xuất hiện khi chỉ liệt dây thanh quản một bên. Liệt dây thanh bên trái thường xuyên xảy ra hơn so với bên phải với tỷ lệ ước tính là 2:1.
  • Liệt dây thanh quản hai bên: Khi cả hai dây thanh đều bị liệt, hai dây thanh thường trong trạng thái khép, dẫn đến hẹp đường thở nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể khó thở, suy hô hấp và đe dọa tính mạng. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây thanh quản

Triệu chứng của liệt dây thanh quản phụ thuộc vào độ nặng của bệnh, bao gồm:

  • Khàn giọng, giọng nói nhỏ, yếu hoặc mất giọng;
  • Khó thở, tiếng thở ồn ào hoặc hụt hơi khi nói;
  • Mất cao độ trong giọng nói hoặc giọng hát;
  • Cảm giác nghẹt thở khi nuốt thức ăn hoặc nước bọt;
  • Thường xuyên hắng giọng do cảm giác khó chịu ở họng;
  • Lực ho yếu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh liệt dây thanh quản

Liệt dây thanh quản một bên có mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh có thể nói chuyện khó khăn, phát âm không rõ, ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp. Đối với mức độ nặng, người bệnh có thể khó thở khi nói hoặc khi vận động, ho hoặc nuốt nghẹn khi ăn uống.

Khi liệt dây thanh quản xảy ra ở cả hai bên, chức năng nuốt và thở của người bệnh sẽ càng trở nên trầm trọng. Thức ăn hoặc đồ uống có thể lọt vào khí quản và phế quản trong quá trình ăn uống, gây viêm phổi hít.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có tình trạng khàn giọng, thay đổi cao độ trong giọng nói, nuốt khó, tiếng thở ồn hoặc khó thở không rõ nguyên nhân, kéo dài hơn 2 tuần cho thấy có thể bạn đang có tổn thương dây thanh quản. Hãy đến các cơ sở y tế uy tín để sớm được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị, tránh các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.

Liệt dây thanh quản: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 4
Thăm khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường về dây thanh quản

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thanh quản

Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm tổn thương các dây thần kinh chi phối sự di động của dây thanh quản. Các bệnh lý đó bao gồm:

  • Bệnh tự miễn dịch: Các bệnh lý này gây rối loạn dẫn truyền thần kinh - cơ, chẳng hạn như bệnh nhược cơ (Myasthenia gravis - MG) có thể dẫn đến liệt dây thanh quản.
  • Nhiễm trùng: Bệnh Lyme, nhiễm các loại virus như Herpes, Epstein-Barr hoặc COVID-19 có thể gây viêm và làm tổn thương các dây thần kinh chi phối vận động của dây thanh quản.
  • Bệnh lý vùng cổ và ngực: Các bệnh lý phình động mạch chủ, hẹp van hai lá, lao hạch trung thất,... cũng có thể làm liệt dây thần kinh quặt ngược thanh quản.
  • Chấn thương: Chấn thương ở đầu, cổ và ngực có thể gây tổn thương mạng lưới dây thần kinh phức tạp ở các vùng này.
  • Bệnh lý thần kinh: Các tình trạng liên quan đến suy giảm chức năng thần kinh hoặc tổn thương thần kinh, bao gồm bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS), bệnh Parkinson và đột quỵ não, có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh chi phối hoạt động của dây thanh âm.
  • Các chất độc: Các chất độc như chì, thủy ngân và asen,... có thể gây hại cho mô thần kinh.
  • Phẫu thuật: Các phẫu thuật ở đầu và cổ, bao gồm cắt tuyến giáp, phẫu thuật tuyến cận giáp, phẫu thuật tim và phẫu thuật cột sống cổ, có thể dẫn đến các biến chứng gây tổn thương dây thần kinh. Thủ thuật đặt nội khí quản trong khi phẫu thuật đôi khi có thể làm ảnh hưởng dây thần kinh quặt ngược thanh quản của bạn.
  • Khối u: Khoảng hơn 30% số trường hợp liệt dây thanh quản một bên là do ung thư. Khối u ung thư (ác tính) và khối u không ung thư (lành tính) nội sọ có thể chèn ép lên nhân mơ hồ hoặc dây thần kinh số X - dây thần kinh cho nhánh quặt ngược thanh quản chi phối hoạt động của dây thanh. Cả ung thư tuyến giáp và các bướu tuyến giáp lành tính, khối u thực quản, phổi và trung thất đều có thể làm tổn thương dây thần kinh này.

Trong một số trường hợp, dây thanh quản có thể bị liệt tạm thời sau khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đôi khi, bác sĩ khó có thể xác định được nguyên nhân chính xác, nếu các tiền căn bệnh lý quá mơ hồ. Những trường hợp liệt dây thanh quản này được gọi là vô căn hoặc hậu virus.

Liệt dây thanh quản: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 5
Bệnh Parkinson có thể dẫn đến liệt dây thanh quản

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc liệt dây thanh quản?

Những đối tượng có nguy cơ cao bị liệt dây thanh quản là: 

  • Tiền căn chấn thương hoặc phẫu thuật vùng đầu, cổ và ngực.
  • Đã từng được tiến hành thủ thuật đặt nội khí quản.
  • Có các bệnh lý thần kinh như Parkinson, bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh nhược cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt dây thanh quản

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến liệt dây thanh quản mà bạn cần phải lưu ý, cụ thể là:

  • Sau nhiễm một số loại virus như Herpes, Epstein-Barr, COVID-19, cúm mùa,...
  • Người làm việc trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với các chất độc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt dây thanh quản

Với các dấu hiệu của liệt dây thanh quản, bạn cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng và các chuyên khoa liên quan khác tùy trường hợp. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, hỏi bệnh sử và tiền căn bệnh lý của bạn. Để chẩn đoán xác định bệnh, ngoài khám lâm sàng, bác sĩ cần đề nghị một số xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá mức độ nặng, vị trí tổn thương và tiên lượng bệnh.

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định liệt dây thanh quản và nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Nội soi thanh quản (laryngoscopy): Nội soi giúp bác sĩ quan sát trực tiếp sự di động của hai dây thanh quản và đánh giá mức độ nặng của tình trạng liệt dây thanh quản. Nội soi là phương pháp đưa 1 ống nhỏ chứa camera bằng kim loại hoặc loại ống mềm vào khoang miệng, sau đó quan sát hình ảnh của các cấu trúc giải phẫu qua màn hình LCD.
  • Nội soi thanh quản video nhấp nháy (videostroboscopy): Là công cụ nội soi cho phép bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng quan sát dây thanh quản trong quá trình di động như khi người bệnh nói, huýt sáo hoặc hát, sau đó được ghi lại thành video. Phương pháp này thường được dùng trong các chẩn đoán rối loạn cơ năng vùng hầu họng như viêm thanh quản, khàn giọng, trào ngược họng - thanh quản (Laryngopharyngeal reflux), nuốt nghẹn, nuốt khó,...
  • Điện cơ thanh quản (Laryngeal electromyography - LEMG): Phương pháp này dùng đo lường hoạt động điện của các dẫn truyền thần kinh cơ liên quan đến dây thanh quản.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cho phép khảo sát các cấu trúc từ đầu, cổ, ngực của người bệnh. Hai phương pháp trên giúp bác sĩ phát hiện các khối u chèn ép vào cơ quan hoặc dây thần kinh thanh quản khiến người bệnh bị liệt dây thanh quản.
  • Xét nghiệm máu: Nếu bác sĩ nghi ngờ tình trạng liệt dây thanh quản liên quan đến nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn dịch, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm máu chuyên biệt giúp chẩn đoán.
Liệt dây thanh quản: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 6
Nội soi thanh quản hỗ trợ chẩn đoán liệt dây thanh quản

Phương pháp điều trị liệt dây thanh quản hiệu quả

Điều trị liệt dây thanh quản phụ thuộc vào độ nặng của bệnh và các triệu chứng mà người bệnh đang đối mặt. Đôi khi tổn thương dây thanh quản có thể tự phục hồi. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, người bệnh cần áp dụng phương pháp trị liệu giọng nói giúp cải thiện các chức năng của thanh quản.

Điều trị liệt dây thanh một bên

Với tình trạng liệt dây thanh một bên, bác sĩ có thể ưu tiên lựa chọn các phương pháp cải thiện triệu chứng hơn phương pháp phẫu thuật. Đôi khi dây thanh chỉ bị sung huyết hoặc sưng nề và cần thời gian phục hồi tổn thương trong vài tháng. Phương pháp trị liệu giọng nói với sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn có thể giúp bạn chăm sóc giọng nói và thanh quản hiệu quả.

Một số phương pháp phẫu thuật được sử dụng trong trường hợp phương pháp trị liệu bằng giọng nói không mang lại hiệu quả, giúp cải thiện giọng nói, chức năng nuốt và thở. Cụ thể là:

  • Tiêm chất làm đầy: Nếu bạn bị liệt dây thanh quản do các tổn thương thần kinh chi phối cho cơ, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm chất làm đầy vào dây thanh quản, chất làm đầy gồm chất béo, collagen hoặc các chất làm đầy khác. Lượng chất này sẽ làm dây thanh dày hơn, đưa dây thanh về tư thế trung gian hoặc tái phục hồi dây thanh khiến dây thanh hoạt động dễ dàng hơn.
  • Tái định vị dây thanh: Bằng phương pháp phẫu thuật đặt miếng đệm (bằng silicon) để điều chỉnh vị trí dây thanh, đưa hai dây thanh đến gần nhau và đóng lại. Phẫu thuật tạo hình sụn giáp Isshiki thyroplasty tuýp I.
  • Phẫu thuật bảo tồn dây thần kinh: Bác sĩ sử dụng một dây thần kinh khác cũng chi phối vận động cho các cơ vùng thanh quản và kết nối với dây thần kinh quặt ngược thanh quản.

Điều trị liệt dây thanh hai bên

Những người bệnh có tình trạng liệt dây thanh quản hai bên có nguy cơ hẹp đường thở nguy hiểm. Họ cần phải được thực hiện thủ thuật mở khí quản để hỗ trợ hô hấp. Mở khí quản có thể chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy vào tình trạng cải thiện của người bệnh cũng như các nguy cơ nhiễm trùng khi duy trì việc mở khí quản.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt dây thanh quản

Chế độ sinh hoạt:

  • Thường xuyên tập luyện phương pháp trị liệu bằng giọng nói theo hướng dẫn của chuyên gia.
  • Giữ tinh thần lạc quan cho người bệnh, giúp người bệnh có thể an tâm và có động lực phục hồi tình trạng sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng: Hạn chế ăn uống các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh tránh các tổn thương thêm tại dây thanh quản.

Phương pháp phòng ngừa liệt dây thanh quản hiệu quả

Một số phương pháp giúp phòng ngừa liệt dây thanh quản là:

  • Hạn chế nói nhiều, nói to và nói liên tục: Các thói quen này dễ gây tổn thương đến dây thanh quản.
  • Thường xuyên luyện tập thể thao và có chế độ ăn uống khoa học lành mạnh. Hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá,...
  • Khám sức khỏe định kỳ: Thói quen này giúp chúng ta có thể kịp thời phát hiện các tình trạng bất thường của sức khỏe và có hướng xử trí kịp thời.
Liệt dây thanh quản: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 7
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh lý
Nguồn tham khảo
  • Vocal Cord Paralysis: https://www.msdmanuals.com/professional/ear,-nose,-and-throat-disorders/laryngeal-disorders/vocal-cord-paralysis
  • Vocal Fold Paralysis: https://www.nidcd.nih.gov/health/vocal-fold-paralysis
  • Vocal Cord Paralysis: https://www.stanfordchildrens.org/en/service/ear-nose-throat/conditions/vocal-cord-paralysis
  • Everything You Need to Know About Vocal Cord Paralysis: https://www.healthline.com/health/vocal-cord-paralysis
  • Vocal cord paralysis: Treatment and more: https://www.medicalnewstoday.com/articles/188993#1

Các bệnh liên quan

  1. Loạn trương lực cơ

  2. Hội chứng Sudeck

  3. đau dây thần kinh thiệt hầu

  4. Rối loạn ngôn ngữ

  5. Suy giảm nhận thức

  6. Bệnh Marchiafava-Bignami

  7. Tê bàn tay

  8. Lou Gehrig

  9. U tuyến tùng

  10. Zona thần kinh