Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm đa xoang là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm xoang là tình trạng phổ biến trong đó niêm mạc xoang bị viêm, thường là do nhiễm virus và đa số sẽ cải thiện trong vòng hai đến ba tuần. Viêm đa xoang nghĩa là tình trạng nhiều hơn một xoang bị viêm. Thuật ngữ mới hơn là viêm mũi xoang thường được sử dụng vì chỉ có viêm xoang mà không có viêm mũi kèm theo là rất hiếm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm đa xoang là gì?

Xoang là những khoang chứa đầy khí nằm giữa hai mắt và phía sau trán, mũi, xương gò má. Các xoang tiết ra chất nhầy, giúp giữ ấm bên trong mũi, đồng thời bảo vệ khỏi bụi, các chất gây dị ứng hay ô nhiễm khác.

Thông thường các xoang khỏe mạnh, sự lưu thông trong xoang diễn ra một cách thuận lợi. Nhưng khi bị tắc nghẽn (có thể do nhiễm khuẩn hay do bất thường cấu trúc), các chất nhầy ở xoang sẽ bị ứ đọng lại, vi khuẩn có thể phát triển, dẫn đến tình trạng viêm lớp niêm mạc xoang.

Viêm xoang là một tình trạng phổ biến nhất khiến người bệnh phải đến khám, đồng thời là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc kê đơn thuốc kháng sinh (theo thống kê tại Mỹ). Thuật ngữ mới hơn được sử dụng đó là viêm mũi xoang, vì bệnh lý tại xoang mà không có viêm mũi tương tự là rất hiếm.

Viêm đa xoang nghĩa là tình trạng viêm nhiều hơn một xoang trong số các xoang cạnh mũi như:

  • Xoang hàm;
  • Xoang sàng;
  • Xoang trán;
  • Xoang bướm. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đa xoang

Viêm xoang thương khởi phát sau nhiễm virus (ví dụ như các trường hợp cảm lạnh hay cúm). Các triệu chứng của viêm đa xoang hay viêm xoang có thể bao gồm:

  • Đau ở má và lan ra vùng trán hoặc răng, tăng lên khi gắng sức hoặc khi cúi xuống;
  • Đau khi chịu áp lực lên vùng xoang (ví dụ như xoang trán ở phía trên khóe mắt trong);
  • Đau lan đến đỉnh đầu, thái dương hoặc chẩm;
  • Đau mặt;
  • Đỏ ở mũi, má hoặc mí mắt;
  • Mũi bị nghẹt;
  • Giảm khứu giác;
  • Chất nhầy từ mũi (có thể có màu xanh hoặc vàng), có thể chảy ra sau họng;
  • Ho dai dẳng hoặc kích ứng họng.

Các triệu chứng của viêm xoang hay viêm đa xoang cấp tính do vi khuẩn tương tự như viêm xoang nói chung, có thể biểu hiện kèm theo khác như: Đau nặng mặt (đặc biệt là một bên), có thể kèm thêm sốtho, mệt mỏi, đau răng hàm trên, cảm giác áp lực ở tai…

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm đa xoang

Viêm xoang hay viêm đa xoang có thể lan đến xương và các mô mềm ở mặt và hốc mắt. Viêm mô tế bào ở mặt, viêm mô tế bào quanh ổ mắt, áp xe ổ mắt và mất thị lực có thể xảy ra. Viêm xoang còn có thể dẫn đến các biến chứng nội sọ như huyết khối xoang hang, tụ mủ màng cứng hay dưới màng cứng và viêm màng não có thể xảy ra.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu các triệu chứng của bạn nhẹ và tự thuyên giảm, bạn không cần phải gặp bác sĩ mà có thể tự chăm sóc tại nhà.

Hãy gặp bác sĩ nếu:

  • Các triệu chứng của bạn trở nên nghiêm trọng hoặc trở nên tệ hơn.
  • Các triệu chứng của bạn không bắt đầu cải thiện sau khoảng 7 đến 10 ngày.
  • Bạn thường xuyên bị viêm xoang.
vdx4.png
Triệu chứng của viêm đa xoang có thể bao gồm đau hay nặng ở mặt

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm đa xoang

Nguyên nhân dẫn đến viêm đa xoang hay viêm mũi xoang nói chung là do sự kết hợp của các yếu tố môi trường và vật chủ. Viêm xoang cấp tính thường gặp nhất là do virus và tình trạng này thường tự khỏi. Khoảng 90% các đối tượng bị cảm lạnh có yếu tố viêm xoang do virus. Các đối tượng bị dị ứng thường bị viêm xoang. 

Viêm xoang có thể được gây ra bởi các chất dị ứng, chất kích thích, virus, nấm và vi khuẩn. Các chất kích thích phổ biến là lông động vật, không khí ô nhiễm, khói và bụi.

vdx5.png
Khói bụi là một trong những chất kích thích phổ biến có thể dẫn đến viêm đa xoang

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm đa xoang?

Tất cả mọi đối tượng đều có khả năng mắc viêm đa xoang. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỷ lệ viêm xoang cao hơn ở phụ nữ. Nhóm trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn từ 25 đến 64 tuổi cũng thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm đa xoang

Các yếu tố nguy cơ của viêm đa xoang hay viêm mũi xoang nói chung bao gồm:

  • Các khiếm khuyết về mặt giải phẫu học như lệch vách ngăn, polyp, bóng khí cuốn mũi (conchae bullosa), chấn thương và gãy xương liên quan đến xoang hoặc vùng mặt xung quanh.
  • Suy giảm khả năng vận chuyển dịch nhầy do các bệnh như xơ nang, rối loạn vận động lông mao (ciliary dyskinesia).
  • Suy giảm miễn dịch do hóa trị, HIV, đái tháo đường.
  • Người bệnh ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) do tư thế nằm ngửa kéo dài ảnh hưởng đến sự thanh thải của niêm mạch.
  • Viêm mũi do thuốc, viêm mũi nhiễm độc, lạm dụng cocain đường mũi, chấn thương, dị vật.
  • Sử dụng oxy kéo dài làm khô niêm mạc.
  • Người bệnh đặt ống thông mũi dạ dày hoặc khí quản.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đa xoang

Viêm xoang là một chẩn đoán lâm sàng (nghĩa là chẩn đoán dựa trên việc hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ). Thông thường, không có xét nghiệm nào được chỉ định đối với viêm xoang cấp tính không biến chứng.

Các xét nghiệm cũng có thể được thực hiện tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ. Ví dụ như chụp X-quang xoang thông thường chính xác với xoang hàm trên, xoang trán hoặc xoang bướm, nhưng không hữu ích để đánh giá vùng xoang sàng trước. Chụp cắt lớp vi tính hốc mắt (Coronal CT) có thể được chỉ định, việc nuôi cấy và sinh thiết chỉ được chỉ định cho viêm mũi xoang mạn tính do vi khuẩn và nấm.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để xác định các yếu tố dị ứng hoặc xét nghiệm máu để đánh giá các tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.

Phương pháp điều trị viêm đa xoang

Hầu hết người bệnh viêm mũi xoang hay viêm đa xoang sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trong vòng từ hai đến ba tuần, và có thể tự chăm sóc tại nhà mà không cần đến bệnh viện. 

vdx6.png
Thông thường, mắc viêm mũi xoang bạn có thể tự chăm sóc tại nhà mà không cần đến bệnh viện

Nếu các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn hoặc không cải thiện, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid để giúp giảm triệu chứng.

Việc sử dụng kháng sinh sẽ dựa theo kinh nghiệm và mô hình kháng thuốc của cộng đồng. Kháng sinh amoxicillin hoặc amoxicillin-clavulanate từ 10 đến 14 ngày là điều trị đầu tay. Ở một số cộng đồng, hiệu quả của amoxicillin thấp hơn 70%. 

Trimethoprim-sulfamethoxazole tốt cho một số người nhưng cũng có tỷ lệ kháng thuốc cao. Nếu các kháng sinh ban đầu không có hiệu quả, các triệu chứng không thuyên giảm sau 7 ngày điều trị, bác sĩ có thể chuyển sang các nhóm kháng sinh phổ rộng hơn. 

Đối với các tác nhân kỵ khí, metronidazole có thể được thêm vào để bao phủ các tác nhân này. Thông thương, người lớn sẽ cải thiện triệu chứng sau 5 đến 7 ngày điều trị và trẻ em sẽ cải thiện trong vòng 10 đến 14 ngày.

Sử dụng thuốc xịt mũi corticosteroid cần phải cân nhắc và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, bạn không nên tự ý sử dụng mà không có chỉ định. Các thuốc giảm đau cũng có thể được sử dụng để giảm triệu chứng như đau đầu, đau nặng mặt, ví dụ như paracetamol và ibuprofen.

Đối với viêm mũi xoang hay viêm đa xoang mạn tính không cải thiện theo thời gian và điều trị thuốc, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật để làm sạch xoang, sửa vách ngăn lệch hay loại bỏ polyp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm đa xoang

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến hay giảm các triệu chứng của viêm đa xoang, bạn có thể tự thực hiện các việc sau:

  • Đắp một miếng vải ẩm và ấm lên vùng trán và mặt nhiều lần trong ngày có thể giúp giảm cảm giác đau nặng mặt.
  • Thực hiện rửa mũi bằng nước muối giúp làm sạch chất nhầy dày dính trong mũi.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để tăng độ ẩm trong không khí.

Chế độ dinh dưỡng:

Bạn nên uống nhiều nước, uống nước trái cây để giữ nước và có thể giúp làm loãng chất nhầy. Bạn cũng nên bỏ thuốc lá để tránh tình trạng kích thích niêm mạc mũi xoang.

Phương pháp phòng ngừa viêm đa xoang hiệu quả

Vì viêm mũi xoang có thể phát triển sau khi bị cảm lạnh, cúm, hoặc phản ứng dị ứng với các tác nhân kích thích. Do đó việc áp dụng lối sống giúp tăng cường sức khỏe và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm này.

Các việc bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa viêm mũi xoang hay viêm đa xoang như:

  • Tiêm phòng cúm hằng năm;
  • Ăn các thực phẩm bổ dưỡng, như trái cây và rau quả;
  • Rửa tay thường xuyên;
  • Hạn chế tiếp xúc với khói, thuốc lá, bụi, hóa chất, phấn hoa, lông động vật hay các chất kích ứng khác;
  • Tránh tiếp xúc với các đối tượng đang bị nhiễm trùng đường hô hấp khác.
vdx7.png
Các thực phẩm như trái cây và rau củ quả có thể giúp tăng cường dinh dưỡng cho bạn
Nguồn tham khảo
  1. Sinusitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470383/
  2. What You Need to Know About Sinusitis: https://www.healthline.com/health/sinusitis
  3. Sinusitis: https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/ears-nose-and-throat/sinusitis/
  4. Sinusitis (sinus infection): https://www.nhs.uk/conditions/sinusitis-sinus-infection/
  5. What Is Sinusitis?: https://www.webmd.com/allergies/sinusitis-and-sinus-infection

Các bệnh liên quan

  1. Sán dây lợn

  2. Viêm họng hạt

  3. Ung thư vú giai đoạn đầu

  4. Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới

  5. Tắc sữa

  6. Trĩ ngoại

  7. Bí tiểu

  8. Mất ngủ sau sinh

  9. Nghe kém một bên tai

  10. Ung thư nội mạc tử cung