Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tuyến nước bọt là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tuyến nước bọt

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tuyến nước bọt (Sialadenitis) là một bệnh lý xảy ra ở tuyến nước bọt và thường do vi khuẩn vi khuẩn gây ra. Tình trạng này thường ảnh hưởng nhất đến tuyến nước bọt mang tai khi ống dẫn nước bọt vào miệng bị tắc. Sưng, đau, sốt và ớn lạnh là những triệu chứng thường gặp của bệnh. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tuyến nước bọt có thể gây đau đớn dữ dội, sốt cao và tích tụ mủ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tuyến nước bọt là gì?

Tuyến nước bọt tạo ra một chất lỏng gọi là nước bọt làm ẩm miệng và giúp phân hủy thức ăn, chứa kháng thể giúp giữ cho miệng của bạn sạch sẽ và không bị nhiễm trùng. Tất cả các tuyến nước bọt đều đổ nước bọt vào khoang miệng thông qua các ống dẫn từ nhiêu nơi khác nhau. Có 3 cặp tuyến nước bọt chính:

  • Tuyến mang tai: Đây là hai tuyến lớn nhất. Mỗi cái nằm ở mỗi má trên hàm phía trước tai. Viêm một hoặc nhiều tuyến này được gọi là viêm tuyến mang tai.
  • Các tuyến dưới hàm: Hai tuyến này nằm ngay dưới hai bên hàm dưới và mang nước bọt lên sàn miệng dưới lưỡi.
  • Các tuyến dưới lưỡi: Hai tuyến này nằm ngay phía trước của sàn miệng.

Ngoài các tuyến nước bọt chính, bạn còn có hàng trăm tuyến nước bọt nhỏ. Những tuyến nhỏ hơn này nằm ở môi, bên trong má và khắp niêm mạc miệng và cổ họng của bạn.

Viêm tuyến nước bọt (Sialadenitis) là tình trạng tuyến nước bọt bị sưng viêm. Viêm tuyến nước bọt khá hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến tuyến mang tai và tuyến dưới hàm của bạn. Nhiễm trùng tuyến nước bọt ảnh hưởng đến các tuyến sản xuất nước bọt và gây sưng đau cho người mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, bệnh tự miễn và sỏi tuyến nước bọt. Các triệu chứng của viêm tuyến nước bọt thường biến mất sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng chẳng hạn như khó thở hoặc khó nuốt hãy đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị.

Triệu chứng

Những triệu chứng của viêm tuyến nước bọt

Các triệu chứng của nhiễm trùng tuyến nước bọt không chỉ giới hạn ở đau và sưng. Dấu hiệu nhiễm trùng ống nước bọt cũng có thể bao gồm:

  • Khó mở miệng hết cỡ;
  • Khô miệng;
  • Sốt;
  • Cảm giác khó nhai;
  • Đỏ ở một bên vùng má, hàm hoặc cổ;
  • Sưng, đặc biệt là ở phía trước tai và dưới hàm.
Viêm tuyến nước bọt là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm tuyến nước bọt 1
Sưng đỏ vùng gần tai là triệu chứng gợi ý viêm tuyến nước bọt mang tai

Tác động của viêm tuyến nước bọt đối với sức khỏe

Với mỗi lần nhiễm trùng tuyến nước bọt sẽ có nguy cơ để lại sẹo trong các ống dẫn của tuyến nước bọt gây hẹp ống dẫn nước bọt. Khi điều này xảy ra, nước bọt có thể bị chặn lại phía sau khu vực bị thu hẹp và dẫn đến sưng tấy tái phát và có thể gây đau đớn nhiều hơn. Bệnh nhân bị viêm tuyến nước bọt mãn tính thường bị đau và sưng nhẹ vùng tuyến nước bọt bị viêm như má, hàm,...

Biến chứng có thể gặp viêm tuyến nước bọt

Nếu không được điều trị thích hợp, viêm tuyến nước bọt có thể lan vào các mô sâu ở vùng đầu mặt và cổ gây nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu sưng tấy, đau đớn vùng tuyến nước bọt bạn nên đến gặp ngay các bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Viêm tuyến nước bọt là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm tuyến nước bọt 2
Hãy đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra sớm nhất

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt

Nhiễm trùng tuyến nước bọt khá phổ biến và chúng có thể quay trở lại ở một số người. Nhiễm virus chẳng hạn như quai bị thường ảnh hưởng đến tuyến nước bọt. Ngày nay có ít trường hợp hơn do vắc xin MMR được sử dụng rộng rãi. Một số nguyên nhân viêm khác gây viêm tuyến nước bọt là:

Tắc nghẽn tuyến nước bọt

Tắc nghẽn là một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm trùng ở tuyến nước bọt. Những ống dẫn này rất nhỏ và có thể bị tắc nghẽn bởi những thứ như:

  • Tích tụ chất nhầy.
  • Tích tụ chất khoáng (sỏi).
  • Viêm.
  • U.
  • Mô sẹo.

Khi ống dẫn nước bọt bị tắc, dòng nước bọt có thể chậm lại hoặc ngừng chảy và điều này có thể gây sưng, viêm, đau và dẫn đến nhiễm trùng. Dòng nước bọt bị suy giảm cũng có thể làm khô miệng, khiến bạn dễ bị sâu răng.

Thuốc

Một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin và thuốc chẹn beta,... Các loại thuốc làm cơ thể mất nước, giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước yếu tố môi trường, co thắt cơ trơn các ống tuyến,...

Bệnh lý miễn dịch

Hội chứng Sjögren là một bệnh tự miễn dịch có thể gây viêm tuyến nước bọt.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tuyến nước bọt?

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm tuyến nước bọt. Nhưng bệnh lý này thường phổ biến nhất ở người lớn trên 50 tuổi, đặc biệt là những người bị sỏi tuyến nước bọt. Viêm tuyến nước bọt cũng có thể xảy ra ở các nhóm tuổi khác bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh.
  • Những người bị bệnh hoặc đang hồi phục sau phẫu thuật.
  • Người bị mất nước, suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tuyến nước bọt

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến là vệ sinh răng miệng kém, người thường xuyên khô miệng hoặc mắc chứng chán ăn cũng có thể dễ mắc phải tình trạng này. Một số yếu tố nguy cơ khác gây tắc nghẽn tuyến nước bọt bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng kém.
  • Miệng khô.
  • Hút thuốc.
  • Sử dụng rượu.
  • Bệnh mãn tính.
  • Bệnh tự miễn.
  • Bệnh gout.
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu (loại bỏ muối và nước trong cơ thể) và thuốc kháng cholinergic (ngăn chặn hoạt động của một loại chất dẫn truyền thần kinh).
  • Tiền sử xạ trị vùng đầu và cổ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tuyến nước bọt

Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh viêm tuyến mang tai thông qua khám thực thể và khai thác các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh, các thuốc đang sử dụng,...

Soi hoặc nội soi tuyến nước bọt

Các bác sĩ có thể kiểm tra tuyến nước bọt bằng ống soi có gắn đèn nhìn thấy lỗ đổ của tuyến nước bọt trong khoang miệng sưng đỏ hay chảy dịch,... Nội soi tuyến nước bọt là thủ thuật dùng một ống nội soi nhỏ được đưa vào ống nước bọt cho phép hình dung được lòng ống. Có những chiếc kẹp và ống thông đặc biệt có thể được đưa qua ống soi này để lấy sỏi và sử dụng thuốc như steroid, kháng sinh,... Do đó, thủ tục này vừa có tác dụng chẩn đoán vừa có tác dụng điều trị.

Viêm tuyến nước bọt là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm tuyến nước bọt 3
Nội soi tuyến nước bọt vừa có giá trị chẩn đoán vừa có giá trị điều trị

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Trong một số trường hợp nghiêm trọng các bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để khảo sát chi tiết tuyến nước bọt như dãn tuyến nước bọt, tắc hẹp,... Chụp cắt lớp vi tính hoặc nội soi tuyến nước bọt được thực hiện khi tình trạng viêm tuyến nước bọt tái đi tái lại để tìm kiếm các loại sỏi hoặc các nguyên nhân khác gây tắc nghẽn ống dẫn như u, áp xe,...

Phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt

Điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm tuyến nước bọt. Một số cách để kiểm soát hiệu quả bệnh lý này có thể kể đến là:

  • Thuốc kháng sinh.
  • Các biện pháp khắc phục tại nhà.
  • Phương pháp điều trị không phẫu thuật.
  • Phẫu thuật.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh thường là phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng. Các loại kháng sinh phổ biến nhất điều trị viêm tuyến nước bọt bao gồm dicloxacillin, cephalosporin hoặc clindamycin. Lưu ý rằng thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại nhiễm virus.

Các biện pháp không dùng thuốc khác

Các biện pháp điều trị tại nhà giúp giảm đau và tăng lưu lượng nước bọt giúp giảm khó chịu cho người mắc như:

  • Uống đủ nước.
  • Uống nước chanh hoặc ngậm kẹo chua.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng tuyến nước bọt.

Hầu hết bệnh nhân phản ứng rất tốt sau khi điều trị một đợt kháng sinh đơn giản, uống nhiều nước, xoa bóp vùng tuyến để ép nước bọt bị nhiễm trùng ra khỏi tuyến hay chườm. Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi điều trị bảo tồn viêm tuyến nước bọt mang tai mạn tính bằng bơm rửa hệ thống ống tuyến có kết hợp với các chất chống viêm, chất kháng khuẩn có hiệu quả cao với kết quả cải thiện chỉ số VAS (thang đo mức độ đau) rõ rệt so với trước điều trị và tỷ lệ tái phát thấp.

Phẫu thuật

Nếu cần chọc hút để dẫn lưu ổ áp xe hoặc viêm tuyến nước bọt không đáp ứng với các phương pháp điều trị không phẫu thuật các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Đối với những người bị viêm tuyến nước bọt mãn tính có nhiều triệu chứng, phẫu thuật cắt bỏ tuyến có thể là lựa chọn điều trị duy nhất mang lại kết quả đầy đủ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm tuyến nước bọt

Cách tốt nhất để ngăn ngừa vấn đề này là tăng cường uống nước và điều trị nhiễm trùng tuyến nước bọt ngay lập tức. Ngoài ta chúng ta có thể thực hiện các biện pháp tự chăm sóc răng miệng tại nhà để giúp hạn chế tiến triển của bệnh bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng: Đánh răng và dùng chỉ nha khoa kỹ càng ít nhất hai lần một ngày. Điều này có thể giúp chữa lành và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm: Bạn có thể dùng nửa thìa cà phê hoặc 3 gam muối trong 1 cốc hoặc 240 ml nước để giảm đau và giữ ẩm cho miệng.
  • Giữ ẩm khoang miệng: Uống nhiều nước và nhỏ vài giọt chanh không đường để tăng tiết nước bọt và giảm sưng tấy.
  • Xoa bóp: Xoa bóp tuyến nước bọt giúp giảm đau.
  • Chườm: Chườm lạnh lên tuyến bị viêm.

Phương pháp phòng ngừa viêm tuyến nước bọt hiệu quả

Thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng giúp răng miệng sạch khỏe hơn, uống nhiều nước,...

Viêm tuyến nước bọt là gì? Những vấn đề cần biết về Viêm tuyến nước bọt 4
Thực phẩm chua giúp tăng tiết nước bọt tốt hơn
Nguồn tham khảo
  1. Sialadenitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15749-sialadenitis-swollen-salivary-gland
  2. Sialadenitis: https://radiopaedia.org/articles/sialadenitis
  3. Salivary Gland Infection: https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/salivary-gland-infection
  4. Sialadenitis, or salivary gland inflammation: https://www.parotidsurgerymd.com/education/articles/salivary-gland-inflammation/
  5. What to know about a salivary gland infection: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322439

Các bệnh liên quan

  1. Viêm mũi mãn tính

  2. Viêm xoang hàm

  3. Nghẹt mũi

  4. Viêm tai

  5. Viêm thanh quản

  6. Viêm họng do liên cầu

  7. Viêm tai ngoài ác tính

  8. Sưng môi

  9. Tật tai nhỏ

  10. Sổ mũi