Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm xoang hàm là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm xoang hàm là loại viêm xoang thường gặp nhất hiện nay, xảy ra khi môi trường thay đổi bất thường. Triệu chứng viêm xoang hàm cấp tính thường kéo dài 6 tuần, sau đó chuyển sang mạn tính. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm xoang hàm là gì? 

Hệ thống xoang trong cơ thể người bao gồm: Xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm. Trong đó, xoang hàm là các hốc xoang nằm ở hai bên gò má và quanh mắt. Xoang hàm trên là xoang lớn nhất trong số các xoang cạnh mũi. Hai xoang hàm trên nằm dưới má, trên răng và hai bên cánh mũi.

Bề mặt của bộ phận này được bao phủ bởi một lớp niêm mặc nhiều lông với tác dụng duy trì độ ẩm và bảo vệ nó khỏi sự tấn công từ các dị vật bên ngoài. Tình trạng lớp niêm mạc này bị phù nề, viêm nhiễm sẽ dẫn đến viêm xoang hàm.

Có ba dạng viêm xoang hàm mà người bệnh có thể mắc phải là:

  • Viêm xoang hàm cấp tính;

  • Viêm xoang hàm mạn tính;

  • Viêm xoang hàm do những bệnh về răng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang hàm

Một số triệu chứng điển hình của viêm xoang hàm:

  • Đau nhức vùng mặt, hai bên má, hốc mắt và lan sang hai bên thái dương;

  • Sốt cao;

  • Sổ mũi, nghẹt mũi;

  • Ở các vị trí bị viêm xuất hiện dịch mủ và có mùi hôi.

Ngoài ra, tùy thuộc vào loại viêm xoang hàm mà có các triệu chứng khác nhau.

  • Viêm xoang hàm cấp tính: Người bệnh có thể bị đau buốt ở đầu kèm theo sốt cao, đau nhức ở hàm trên, hốc mắt rồi lan sang thái dương và vùng mắt. Cơn đau nhiều vào buổi sáng, buổi trưa và giảm dần vào buổi chiều tối. Người bệnh cảm thấy đau nhiều khi cuối đầu, gập người, chạy nhảy, gập người, vận động mạnh hoặc lấy tay nhấn vào mắt và hố răng.

  • Viêm xoang hàm mãn tính:  Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ không còn đau nhức ở vùng mặt nhưng sẽ bị nghẹt mũi. Lúc này người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, dịch chảy ra có mùi hôi màu vàng xanh, vùng thái dương rất đau. Viêm xoang hàm mạn tính là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

  • Viêm xoang hàm do những bệnh về răng: Đau từ dữ dội đến âm ỉ vùng mặt, nhất là hai bên má. Mủ chảy ra từ mũi và hôi miệng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm xoang hàm

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh viêm xoang hàm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Dưới đây là một số biến chứng điển hình của viêm xoang hàm lên các cơ quan:

  • Biến chứng não: Áp xe não, viêm não, viêm màng não.

  • Biến chứng tai: Viêm dây thần kinh thị giác, áp xe mí mắt, viêm mô liên kết,...

  • Biến chứng mắt: Mắt sung húp, viêm mí, viêm nề ổ mắt, viêm túi lệ,…

  • Biến chứng đường hô hấp: Viêm đa xoang, viêm thanh quản, viêm họng,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang hàm

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm xoang hàm như là:

  • Vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào các hốc xoang hàm gây viêm nhiễm;

  • Viêm mũi dị ứng thời gian dài;

  • Lệch cấu trúc vách ngăn mũi;

  • Những bệnh lý về răng miệng;

  • Dị ứng với bụi bận, lông động vật, phấn hoa;

  • Không khí ô nhiễm, thời tiết thất thường;

  • Những di chứng sau tai nạn hoặc hậu quả mà phẫu thuật để lại.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm xoang hàm?

Viêm xoang hàm là một bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ ai. Tuy nhiên, một số người dễ mắc bệnh này hơn nếu có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Người đã đi nhổ răng hoặc thực hiện các phẫu thuật vùng khoang miệng.

  • Người bị sâu răng, nhiễm trùng răng miệng… nhưng không điều trị dứt điểm.

  • Người có tiền sử viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang hàm.

  • Người có cấu trúc xoang hàm sai lệch do bẩm sinh hoặc biến dạng sau phẩu thuật.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm xoang hàm

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm xoang hàm: 

  • Lạm dụng cách chất kích như rượu, bia, thuốc lá.

  • Môi trường ô nhiễm.

  • Người có tiền sử dị ứng với phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xoang hàm

Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị viêm xoang hàm. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Những xét nghiệm thường thấy như:

  • Chụp X - quang xoang: Đây là phương pháp phổ biến trong chuẩn đoán viêm xoang. Bác sĩ quan sát được cụ thể, chi tiết tình trạng bên trong các hốc xoang. Từ đó giúp nhận biết được tình trạng xoang hàm, xoang trán và hốc mũi.

  • Nội soi mũi: Nội soi mũi là kỹ thuật dùng đầu dò kết hợp cùng hệ thống camera, nguồn sáng để thâm nhập trực tiếp vào các ngóc ngách vùng mũi. Bác sĩ quan sát được hình ảnh ở bên trong  mũi một cách chi tiết nhất. Từ đó đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh lý viêm xoang.

  • Cấy mẫu dịch mũi và xoang: Phương pháp này ít được thực hiện, thường chỉ được thực hiện khi điều trị kháng sinh không hiệu quả, hoặc ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và một số nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra viêm xoang.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị viêm xoang hàm hiệu quả

Điều trị viêm xoang hàm bằng thuốc: 

Phương pháp điều trị bằng thuốc được áp dụng nhiều nhất trong điều trị viêm xoang. Một số thuốc được sử dụng trong điều trị viêm xoang hàm:

  • Kháng sinh: Dùng để ức chế tình trạng viêm nhiễm và hoạt động của vi khuẩn trong hốc xoang

  • Thuốc kháng Histamin: Để cải thiện tình trạng dị ứng, hạn chế các triệu chứng viêm xoang, có thể dùng cùng thuốc kháng dị ứng, thuốc chống phù nề.

  • Các thuốc giảm đau: Làm giảm các cơn đau mặt, đau đầu dữ dội của người bệnh. 

Điều trị viêm xoang hàm bằng phương pháp khác: 

Được sử dụng khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc bạn bị viêm xoang nặng. Lúc này bác sĩ sẽ phải thực hiện các thủ thuật y tế chuyên sâu hơn

  • Thủ thuật Proezt (súc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào các hốc xoang.

  • Chọc xoang hàm rút mủ.

  • Phẫu thuật để cắt polyp mũi.

  • Chỉnh hình vách ngăn.

Nếu viêm xoang hàm do các bệnh về răng gây ra, trước hết bạn cần xử lý các vấn đề về răng, đôi khi cần phải nhổ bỏ răng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm xoang hàm

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước.

  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, acid béo omega và kẽm như trái cây, rau xanh, thịt bò hay cá hồi…

  • Tránh thực phẩm chế biến sẵn và những thực phẩm giàu chất béo bão hòa, các loại thực phẩm gây dị ứng cho cơ thể.

  • Hạn chế thức ăn quá cay, nóng hoặc quá lạnh.

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa viêm xoang hàm hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết lạnh.

  • Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, dung dịch vệ sinh mũi.

  • Vệ sinh họng và khoang miệng thường xuyên.

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.

  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng.

  • Tránh các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc…

  • Hạn chế sử dụng những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Nguồn tham khảo
  1. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3705956/
  2. https://www.healthline.com/human-body-maps/maxillary-sinus#2

Các bệnh liên quan

  1. Viêm tai ngoài

  2. Viêm mũi

  3. Nấm lưỡi

  4. liệt dây thần kinh khứu giác

  5. Viêm mũi teo

  6. Loạn cảm họng

  7. Xốp xơ tai

  8. Ung thư hầu họng

  9. Đau cổ họng

  10. Viêm họng do liên cầu