Long Châu

Hẹp van hai lá là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hẹp van hai lá là tình trạng hẹp lỗ van hai lá làm cản trở dòng máu từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái. Nguyên nhân gây bệnh do thấp tim. Các biến chứng thường gặp là tăng áp động mạch phổi, rung nhĩ và huyết khối tắc mạch. Bệnh có triệu chứng giống suy tim, gồm dấu hiệu tiếng mở van và tiếng thổi tâm trương. Điều trị bệnh bằng thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh calci và thuốc chống đông máu. Đối với trường hợp bệnh nặng, có thể cần phẫu thuật nong van bằng bóng, phẫu thuật sửa hoặc thay van.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hẹp van hai lá là gì?

Van hai lá là van nối giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái, gồm lá trước và lá sau áp vào nhau giúp van đóng mở và đưa máu đi theo một chiều từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Hẹp van hai lá là tình trạng van bị hẹp và cứng dẫn đến không thể đóng mở bình thường, gây căng cơ tim và giảm lưu lượng máu đến cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Hẹp van hai lá

Các triệu chứng của hẹp van hai lá ít tương quan với mức độ bệnh vì bệnh thường tiến triển chậm và bệnh nhân giảm hoạt động một cách vô thức. Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng cho đến khi họ mang thai hoặc rung nhĩ tiến triển. Các triệu chứng ban đầu thường là triệu chứng suy tim: Khó thở khi gắng sức, thở gấp, khó thở kịch phát về đêm, mệt mỏi.

Các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến 15 - 40 năm sau một đợt thấp tim. Ở các nước có nền y tế đang phát triển, triệu chứng ở trẻ em khá phổ biến vì nhiễm trùng liên cầu không được điều trị bằng kháng sinh và nhiễm trùng tái phát.

Rung nhĩ kịch phát hoặc mãn tính làm giảm thêm lưu lượng máu vào tâm thất trái (LV), dẫn đến phù phổi và khó thở cấp khi nhịp thất không kiểm soát. Rung nhĩ cũng có thể gây đánh trống ngực. Có tới 15% bệnh nhân không dùng thuốc chống đông máu gây thuyên tắc mạch với các triệu chứng đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ cơ quan khác.

Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm ho ra máu do vỡ các mạch máu phổi nhỏ và phù phổi, đặc biệt trong thai kỳ khi lượng máu tăng lên. Khàn giọng do giãn nhĩ trái gây chèn ép dây thần kinh thanh quản trái hoặc động mạch phổi (hội chứng Ortner) và các triệu chứng tăng áp động mạch phổi và suy thất phải cũng có thể xảy ra.

Hẹp van hai lá có thể gây ra các triệu chứng bệnh tim phổi như mặt đỏ ửng màu mận chín (biểu hiện kinh điển), chỉ xảy ra khi cung lượng tim thấp và tăng áp động mạch phổi nghiêm trọng. Nguyên nhân là do giãn mạch da và giảm oxy máu mãn tính.

Đôi khi, các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của bệnh hẹp van hai lá là của một biến cố tắc mạch như đột quỵ. Viêm nội tâm mạc hiếm gặp trong trường hợp hẹp van hai lá trừ khi cũng có hiện tượng trào ngược van hai lá.

Ngoài ra, hẹp van hai lá còn gây ra tiếng mở van sớm thì tâm trương và tiếng thổi tâm trương đặc trưng. 

Những tiếng thổi tâm trương có thể tồn tại cùng với tiếng thổi do hẹp van hai lá:

  • Tiếng thổi tâm trương sớm của hở van hai lá đồng mắc (AR), có thể lan đến mỏm tim.

  • Tiếng thổi tâm trương khi hở van hai lá nặng.

  • Tiếng thổi giữa tâm trương do u nhầy gây tắc nghẽn tâm nhĩ trái hoặc huyết khối (hiếm gặp).

  • Tiếng thổi Graham Steell.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Hẹp van hai lá

  • Tăng áp động mạch phổi: Tăng áp lực trong các động mạch đưa máu từ tim đến phổi (động mạch phổi) khiến tim làm việc nhiều hơn.

  • Suy tim: Van hai lá bị hẹp làm cản trở dòng chảy của máu, gây tăng áp lực trong phổi dẫn đến tích tụ dịch. Tích tụ dịch làm căng bên phải của tim, dẫn đến suy tim phải.

  • Phù phổi: Máu và dịch trào ngược vào phổi, gây phù phổi dẫn đến khó thở và ho ra máu.

  • Phình tim: Tăng áp lực do hẹp van hai lá gây phình tâm nhĩ trái.

  • Rung tâm nhĩ: Tâm nhĩ trái bị giãn ra dẫn đến rối loạn nhịp tim như không đều hoặc quá nhanh.

  • Huyết khối: Rung tâm nhĩ không được điều trị có thể hình thành cục máu đông ở tâm nhĩ trái. Huyết khối từ tim có thể vỡ ra và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, gây ra các vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ nếu cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu trong não.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh hẹp van hai lá

Nguyên nhân trong đa số trường hợp mắc hẹp van hai lá là do thấp tim.

Nguyên nhân hiếm gặp hơn bao gồm: 

  • Vôi hoá vòng van hai lá, sự vôi hóa lan rộng vào các cánh van khiến chúng trở nên cứng và không thể mở ra hoàn toàn.

  • Bẩm sinh.

  • Sau xạ trị.

Trường hợp van không đóng hoàn toàn dẫn đến tồn tại đồng thời tình trạng hẹp và hở van hai lá.

Bệnh nhân bị hẹp van hai lá do thấp tim cũng có thể bị tổn thương van động mạch chủ, van ba lá hoặc cả hai.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Hẹp van hai lá?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc hẹp van hai lá. Tuy nhiên, nguy cơ này cao hơn ở những người từng bị viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn và người cao tuổi (do calci tích tụ xung quanh van hai lá).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Hẹp van hai lá

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Hẹp van hai lá, bao gồm:

  • Tiền sử nhiễm liên cầu khuẩn không được điều trị triệt để;

  • Tiền sử thấp tim;

  • Tuổi cao;

  • Từng xạ trị vùng ngực để điều trị ung thư.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh hẹp van hai lá

Siêu âm tim

Thông thường, siêu âm tim 2 chiều cho thấy bất thường cấu trúc van và ổ dưới van, mức độ vôi hóa và hẹp van tim, kích thước nhĩ trái. Siêu âm tim Doppler cung cấp thông tin về chênh áp qua van và áp lực động mạch phổi. Diện tích bình thường của lỗ van hai lá là 4 - 5cm2.

Mức độ nghiêm trọng của hẹp van hai lá trên siêu âm tim như sau:

  • Trung bình: Diện tích van > 1,5 - 2,5cm2 hoặc áp suất tâm trương trong nửa thời gian < 150ms.

  • Nặng: Diện tích van ≤ 1,5cm2 hoặc áp lực tâm trương nửa thời gian ≥ 150ms kèm triệu chứng.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa diện tích lỗ van và triệu chứng không phải lúc nào cũng nhất quán. Siêu âm tim Doppler màu phát hiện hở van hai lá đồng mắc. Siêu âm tim qua thực quản được thực hiện để phát hiện hoặc loại trừ huyết khối nhĩ trái nhỏ, đặc biệt là những huyết khối ở tiểu nhĩ thường không thể nhìn thấy qua lồng ngực. 

Điện tâm đồ (ECG)

Cho thấy giãn nhĩ trái, biểu hiện dưới dạng sóng P kéo dài > 0,12ms với độ lệch âm ưu thế tại V1 (thời gian > 0,04msec; biên độ > 0,10mV); sóng P rộng, có 2 đỉnh trong chuyển đạo II; hoặc cả hai. Độ lệch QRS trục phải và sóng R cao ở V1 gợi ý phì đại thất phải.

X-quang ngực

Thấy rìa tim trái do giãn nhĩ trái và carina mở rộng. Với chụp cản quang thực quản, phim chụp X-quang ngực bên sẽ cho thấy nhĩ trái giãn ra làm dịch chuyển thực quản ra sau. Động mạch phổi chính nổi rõ; đường kính động mạch phổi phải ≥ 16mm nếu tăng áp động mạch phổi đáng kể. Các tĩnh mạch phổi thùy trên có thể bị giãn. Có thể thấy bóng đôi của nhĩ trái mở rộng dọc theo đường viền tim phải. Các đường ngang ở vùng dưới phổi sau (đường Kerley B) cho thấy phù mô kẽ liên quan đến áp lực nhĩ trái cao.

Thông tim

Chỉ được chỉ định để đánh giá động mạch vành (CAD) trước khi phẫu thuật sửa chữa, có thể xác nhận tăng áp lực nhĩ trái và áp lực động mạch phổi, chênh áp qua van hai lá và vùng van.

Phương pháp điều trị Hẹp van hai lá hiệu quả

  • Thuốc lợi tiểu và đôi khi là thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh calci.

  • Chống đông máu cho bệnh nhân rung nhĩ.

  • Nong hoặc thay van.

Bệnh nhân hẹp van hai lá không triệu chứng chỉ cần điều trị dự phòng để ngừa tái phát thấp tim. 

Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ thường đáp ứng với thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh calci để kiểm soát nhịp thất nếu có nhịp nhanh xoang hoặc rung nhĩ.

Chống đông máu bằng thuốc đối kháng vitamin K (không phải thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp [DOAC]) để ngăn ngừa huyết khối tắc mạch nếu bệnh nhân đã hoặc đang bị rung nhĩ, thuyên tắc hoặc cục máu đông nhĩ trái. Xem xét chỉ định thuốc chống đông máu khi có tình trạng tăng đông hoặc tâm nhĩ trái mở rộng (đường kính trong M-Mode > 50mm). Khuyến cáo bệnh nhân tập thể dục cường độ thấp dù có khó thở khi gắng sức hay không.

Chỉ khuyến cáo dự phòng bằng kháng sinh chống lại viêm nội tâm mạc ở bệnh nhân đã được thay van.

Thời điểm can thiệp

Hẹp van hai lá mức độ trung bình, can thiệp khi có ≥ 1 điều kiện sau:

  • Cần phẫu thuật tim vì nguyên nhân khác;

  • Có triệu chứng và chênh áp trung binh qua van khi gắng sức > 15mmHg hoặc áp lực mao mạch phổi bít > 25mmHg.

Hẹp van hai lá mức độ nặng, can thiệp khi có ≥ 1 điều kiện sau:

  • Có bất kỳ triệu chứng nào nếu tình trạng van phù hợp để nong bóng qua da (cân nhắc ở bệnh nhân không có triệu chứng);

  • Cần phẫu thuật tim vì nguyên nhân khác.

Chỉ định can thiệp cho tất cả các bệnh nhân hẹp van hai lá rất nặng (có hoặc không có triệu chứng) thích hợp nong bóng qua da.

Lựa chọn can thiệp

Nong bóng qua da

Là thủ thuật phù hợp với bệnh nhân trẻ và bệnh nhân không có van bị vôi hóa nặng, biến dạng tổ chức dưới van, huyết khối nhĩ trái, hoặc hở van hai lá vừa - nặng. 

Quy trình thực hiện: Bác sĩ luồn một ống thông tĩnh mạch gắn bóng bơm hơi, được dẫn đường bằng nội soi và siêu âm tim, từ tĩnh mạch chủ qua tâm nhĩ phải đến nhĩ trái. Sau đó bơm căng bóng để tách các van hai lá dính nhau. Các biến chứng không phổ biến, bao gồm hở van hai lá, thuyên tắc và chèn ép tim.

Phẫu thuật nong van

Áp dụng cho bệnh nhân bị biến dạng tổ chức dưới van nặng, vôi hóa van tim hoặc huyết khối nhĩ trái. Các lá van dính nhau được tách ra bằng dụng cụ nong bằng tay. Vì rủi ro cao nên phẫu thuật thường bị trì hoãn cho đến khi xuất hiện triệu chứng suy tim độ III NYHA. Trong khi phẫu thuật, một số bác sĩ sẽ thắt tiểu nhĩ trái để giảm huyết khối tắc mạch.

Thay van

Chỉ định giới hạn cho bệnh nhân có van tim bị thay đổi hình thái nghiêm trọng dẫn đến thể nong bóng hoặc phẫu thuật nong van. Các bệnh nhân thay van cơ học phải dùng thuốc chống đông suốt đời (warfarin) để ngừa huyết khối tắc mạch. Van sinh học hai lá cần chống đông bằng warfarin trong 3 - 6 tháng sau phẫu thuật. Thuốc chống đông máu đường uống tác dụng trực tiếp (DOAC) không hiệu quả và không được sử dụng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hẹp van hai lá

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Tập thể dục, vận động điều độ và nhẹ nhàng phù hợp với sức khoẻ mỗi bệnh nhân.

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, sử dụng bia ruọu và các loại đồ uống có cồn.

  • Hạn chế dùng caffeine do nguy cơ gây nhịp tim không đều.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bệnh nhân cần hạn chế dùng muối, chất béo bão hoà, đường tinh luyện trong bữa ăn.

  • Bổ sung thực phẩm tốt cho tim mạch bao gồm cá hồi, cá ngừ, quả óc chó, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu và các loại dầu như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải.

Phương pháp phòng ngừa Hẹp van hai lá hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Nguyên nhân gây hẹp van hai lá phổ biến nhất là thấp tim, biến chứng do nhiễm liên cầu khuẩn. Vì vậy, nếu mắc viêm họng, cần thăm khám ngay với bác sĩ để được điều trị triệt để bằng thuốc kháng sinh.

  • Một số bệnh nhân có nguy cơ hẹp van hai lá cao có thể tiêm vaccine cúm để phòng ngừa mắc bệnh.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/valvular-disorders/mitral-stenosis

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mitral-valve-stenosis/symptoms-causes/syc-20353159

3. https://www.drugs.com/cg/mitral-stenosis.html

Các bệnh liên quan

  1. Cơn đau thắt ngực

  2. Hạ thân nhiệt

  3. Bệnh mạch vành

  4. Viêm cơ tim

  5. Ngoại tâm thu thất

  6. Nhịp tim chậm

  7. Viêm màng ngoài tim

  8. Nhồi máu cơ tim

  9. Đột quỵ thiếu máu cục bộ

  10. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp