Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nang niệu quản là gì? Những vấn đề cần biết về nang niệu quản

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nang niệu quản hay còn được gọi là túi sa niệu quản. Nang niệu quản là một dị tật bẩm sinh (xuất hiện khi sinh) ảnh hưởng đến bé gái nhiều hơn bé trai. Nó chỉ đơn giản là sự phình to ở phần cuối của niệu quản khi nó đi vào bàng quang. Nang này giống như một quả bóng dưới hình ảnh siêu âm bụng. May mắn thay các cận lâm sàng chẩn đoán và điều trị có thể tìm ra và khắc phục vấn đề này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nang niệu quản là gì?

Nang niệu quản xảy ra ở khoảng 1 trên 500 người. Tình trạng này phổ biến như nhau ở cả niệu quản trái và phải. Nang niệu quản xảy ra ở phần dưới của niệu quản trước khi gắn vào bàng quang. Nang niệu quản có kích thước to có thể ngăn không cho nước tiểu di chuyển tự do vào bàng quang như bình thường. Nước tiểu tích tụ trong niệu quản trong thời gian dài gây giãn rộng niệu quản. Nang niệu quản cũng có thể khiến nước tiểu chảy ngược từ bàng quang đến thận được gọi là trào ngược bàng quang - niệu quản - thận.

Nang niệu quản có thể có các đặc điểm sau:

  • To nhiều chiếm gần hết bàng quang hoặc chỉ chiếm một khoảng nhỏ dung tích bàng quang.
  • Ở bên trong bàng quang hoặc bên ngoài bàng quang, qua cổ bàng quang và niệu đạo.
  • Xảy ra với niệu quản một bên hoặc cả 2 bên. Ở 90% trẻ em gái bị nang niệu quản cả 2 bên.
  • Có thể kèm trào ngược bàng quang niệu quản (VUR).
  • Nang niệu quản thường được tìm thấy ở trẻ em từ 2 tuổi trở xuống. Đôi khi nó được tìm thấy ở trẻ lớn hơn hoặc người lớn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nang niệu quản

Hầu hết những người bị nang niệu quản không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi các triệu chứng xảy ra, chúng có thể bao gồm:

  • Đau bụng;
  • Đau lưng có thể chỉ ở một bên;
  • Đau và co thắt nghiêm trọng vùng bên hông sườn, có thể lan đến háng, bộ phận sinh dục và đùi;
  • Máu trong nước tiểu;
  • Đau rát khi đi tiểu;
  • Sốt;
  • Khó bắt đầu dòng nước tiểu hoặc làm chậm dòng nước tiểu;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một số triệu chứng khác là:

  • Nước tiểu có mùi hôi;
  • Đi tiểu thường xuyên và khẩn cấp;
  • Khối u (khối lượng) ở bụng có thể cảm nhận được;
  • Mô sa niệu quản rơi xuống (sa) qua niệu đạo nữ và vào âm đạo;
  • Tiểu không tự chủ.
Nang niệu quản là gì? Những vấn đề cần biết về nang niệu quản 4
Đau hông là một dấu hiệu của bệnh lý đường tiết niệu

Tác động của nang niệu quản đối với sức khỏe

Vấn đề chính của nang niệu quản là tổn thương thận và nhiễm trùng thận.

Tắc nghẽn nước tiểu có thể làm tổn thương thận đang phát triển và làm giảm khả năng lọc của chúng.

Trào ngược nước tiểu lên thận cũng rất phổ biến.

Ngoài ra, còn có một nguy cơ nhỏ đối mắc sỏi thận. Trong một số ít trường hợp, nang niệu quản ở bé gái có thể nhô ra ngoài niệu đạo và có thể nhìn thấy như một quả bóng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc nang niệu quản

Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Tổn thương bàng quang;
  • Mất chức năng ở một quả thận;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nang niệu quản

Trong quá trình phát triển thai nhi, phần cuối của niệu quản đi vào bàng quang không phát triển bình thường gây ra nang niệu quản. Nhưng chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây nang niệu quản. Mặc dù biết rằng có sự phát triển bất thường xảy ra trong tử cung, nhưng người ta vẫn chưa chứng minh được nguyên nhân là do di truyền. 

Một nghiên cứu báo cáo hai cặp sinh đôi nhưng chỉ có 1 bé trong cặp đó có niệu quản và một dị tật liên quan đến đường tiết niệu (niệu quản, bệnh thận đa nang). Những trường hợp này đặt ra câu hỏi liệu anh chị em của trẻ bị sa niệu quản có nên được sàng lọc các bất thường về niệu sinh dục hay không.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nang niệu quản?

Nang niệu quản xảy ra ở khoảng 1 trên 500 đến 1 trên 4.000 người, ít nhất 4/5 trong số đó là nữ. Bệnh nhân thường là người da trắng. Và hai đối tượng trên được xem là đối tượng nguy cơ của nang niệu quản mặc dù bằng chứng chưa rõ ràng và thuyết phục.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nang niệu quản

Chưa có thống kê nào nêu lên các yếu tố nguy cơ mắc nang niệu quản ở trẻ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nang niệu quản

Một số người bị nang niệu quản nhưng họ không biết họ có tình trạng này. Thông thường, vấn đề được phát hiện do sỏi thận hoặc nhiễm trùng khi người đó ở độ tuổi trưởng thành. Một số ít trường hợp nang niệu quản được phát hiện tình cờ trong quá trình tái tạo niệu quản do trào ngược bàng quang niệu quản. Các cận lâm sàng sau giúp chẩn đoán nang niệu quản:

Tổng phân tích nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể cho thấy có máu trong nước tiểu hoặc dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nang niệu quản là gì? Những vấn đề cần biết về nang niệu quản 5
Tổng phân tích nước tiểu giúp gợi ý có tình trạng nhiễm trùng tiểu trên lâm sàng

Siêu âm bụng: Siêu âm bụng là cận lâm sàng hình ảnh đầu tiên được sử dụng để tìm ra tình trạng này. Các nghiên cứu hình ảnh khác có thể được thực hiện để giúp hiểu những gì đang xảy ra bên trong ổ bụng kèm theo bệnh lý này và hỗ trợ điều trị. Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, các xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện thêm.

Chụp cystourethrogram (VCUG): Kỹ thuật này có thể được thực hiện để xem hoạt động của bàng quang. Đây cận lâm sàng sử dụng một loạt các tia X chụp bàng quang và đường tiết niệu dưới với thuốc nhuộm đặc biệt. Đầu tiên, một ống thông được đưa vào niệu đạo để đổ đầy bàng quang bằng thuốc nhuộm. Sau đó dùng tia X chụp lại hình ảnh khi bệnh nhân đi tiểu. Những hình ảnh này cho phép các bác sĩ X quang tìm ra các vấn đề trong dòng chảy của nước tiểu trong cơ thể.

Đánh giá tổn thương thận: Khi phát hiện có thoát vị niệu quản, điều quan trọng là phải đánh giá tổn thương thận và tìm các bằng chứng tắc nghẽn dòng nước tiểu qua nang niệu quản. Chụp hình thận bằng hạt nhân sẽ cung cấp nhiều thông tin về vấn đề này.

MRI: Trong trường hợp giải phẫu liên quan không rõ ràng, MRI cũng có thể được thực hiện. Điều này sẽ cho phép bác sĩ phẫu thuật chuẩn bị tốt hơn cho cuộc phẫu thuật (nếu cần).

Phương pháp điều trị nang niệu quản hiệu quả

Đôi khi, có thể đề nghị theo dõi và không điều trị nếu tình trạng này gây ảnh hưởng gì đến bệnh nhân. Nếu có điều trị thì thời gian và loại điều trị được sử dụng dựa trên một số điều:

  • Tuổi và sức khỏe của bệnh nhân;
  • Thận có bị ảnh hưởng hay không;
  • Có VUR hay không.

Sau đây là các lựa chọn điều trị:

Phẫu thuật và thủ thuật

Đặt Stent: Stent có thể giúp giảm triệu chứng trong thời gian ngắn.

Xuyên thủng qua niệu đạo: Với phương pháp điều trị này, nang niệu quản bị chọc thủng và giải nén. Để làm điều này, một ống soi bàng quang được sử dụng. Nó thường mất 15 đến 30 phút và có thể được thực hiện mà không cần ở lại bệnh viện qua đêm cũng không cần mổ mở qua da. Tuy nhiên, nếu thành niệu quản dày không thể thực hiện bằng nội soi thì có thể cần một thao tác mở vùng bụng. Phương pháp điều trị này hoạt động tốt nhất khi nang niệu quản nằm trong bàng quang.

Nang niệu quản là gì? Những vấn đề cần biết về nang niệu quản 6
Chọc xuyên nang niệu quản giúp giữ thông đường tiểu

Phẫu thuật cắt thận một phần: Trong một số trường hợp, nửa trên của thận không hoạt động do nang niệu quản. Nếu nước tiểu không trào ngược lên niệu quản bên còn lại thì có thể cắt bỏ phần thận bị tổn thương. Thông thường, thao tác này được thực hiện thông qua một vết cắt nhỏ dưới xương sườn hoặc bằng phương pháp nội soi.

Cắt bỏ thận: Nếu toàn bộ quả thận không hoạt động do nang niệu quản, nó phải được cắt bỏ. Thông thường điều này có thể được thực hiện bằng nội soi hay mổ hở.

Loại bỏ nang và tái tạo niệu quản: Nếu cần, việc cắt bỏ nang niệu quản sẽ được thực hiện. Đối với phẫu thuật này, bàng quang được mở ra, nang niệu quản được cắt bỏ, sàn bàng quang và cổ bàng quang được xây dựng lại, van niệu quản – bàng quang cũng được tạo lại để ngăn nước tiểu chảy ngược về thận. Ca phẫu thuật được thực hiện với một vết mổ nhỏ ở vùng bụng dưới. Đây là một ca phẫu thuật phức tạp nhưng tỷ lệ thành công là 90 - 95%.

Mở thông niệu quản: Nếu phần trên của niệu quản hoạt động tốt và không có trào ngược ở phần dưới niệu quản, một lựa chọn là nối phần bị tắc nghẽn với phần không bị tắc nghẽn của niệu quản hoặc thận. Ca phẫu thuật được thực hiện với một vết mổ nhỏ ở vùng bụng dưới và tỷ lệ thành công là 95%.

Thuốc

Thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng thận. Một đứa trẻ bị tắc nước tiểu hoặc trào ngược nước tiểu có thể được cho dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng cho đến khi khiếm khuyết này được khắc phục.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị nang niệu quản, nhưng mục tiêu điều trị vẫn giống nhau: Bảo tồn chức năng thận, loại bỏ tắc nghẽn và trào ngược, ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu và duy trì khả năng tiểu tiện tự chủ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nang niệu quản

Chế độ sinh hoạt: Khám sức khỏe đầy đủ trong thai kỳ và luôn quan tâm đến tình trạng sức khỏe của trẻ là những điều cần thiết để phát hiện sớm và hạn chế sự tiến triển của nang niệu quản.

Nang niệu quản là gì? Những vấn đề cần biết về nang niệu quản 7
Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm nang niệu quản ở trẻ

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất và khoa học giúp hạn chế diễn tiến của bệnh. Tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có được hiểu biết về vấn đề này.

Phương pháp phòng ngừa nang niệu quản hiệu quả

Đây là một dị tật bẩm sinh và không thể ngăn ngừa, nhưng nó có thể được điều trị bằng phẫu thuật rất tốt.

Nguồn tham khảo
  1. Everting Ureterocele Masquerading as Paraureteric Diverticulum in a Child: Avoid the Pitfall: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8853609/
  2. An Overview of Ureterocele: https://www.verywellhealth.com/uterocele-4174967
  3. Ureterocele and Ureteral Duplication in Children: https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=ureterocele-and-ureteral-duplication-in-children-90-P03118
  4. What is a Ureterocele?: https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/u/ureterocele
  5. Ureterocele: https://emedicine.medscape.com/article/451105-overview

Các bệnh liên quan

  1. Tiểu rắt, tiểu khó

  2. Thận ứ mủ

  3. Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

  4. Suy thận cấp

  5. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính

  6. Đái dầm

  7. Viêm bàng quang kẽ

  8. Tăng natri máu

  9. Viêm cầu thận cấp

  10. Sa tạng chậu