Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm Cytomegalovirus: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cytomegalovirus (CMV) là một loại virus phổ biến, thường lây nhiễm cho mọi người ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Người mang thai nhiễm CMV có thể sinh con mắc CMV bẩm sinh. CMV bẩm sinh có thể gây mất thính lực và ảnh hưởng đến phát triển thể chất. CMV gây ra các biến chứng nghiêm trọng hoặc có thể tử vong ở những người suy giảm miễn dịch.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm Cytomegalovirus là gì?

Cytomegalovirus (CMV) là một loại virus phổ biến. Một khi bị nhiễm bệnh, cơ thể bạn sẽ mang virus suốt đời và có thể tái hoạt động. Hầu hết mọi người không biết họ nhiễm Cytomegalovirus (CMV) vì nó hiếm khi gây ra triệu chứng ở người khỏe mạnh.

Tỷ lệ hiện mắc tăng theo tuổi, 60 - 90% người lớn bị nhiễm CMV (dẫn đến nhiễm trùng lâu dài). Các nhóm kinh tế xã hội thấp có khuynh hướng tỷ lệ nhiễm cao hơn. Nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu, CMV là vấn đề đáng lo ngại. 

Những phụ nữ bị nhiễm CMV hoạt động trong thời kỳ mang thai có thể truyền virus sang con của họ. Đây được gọi là CMV bẩm sinh. Trẻ sơ sinh mắc CMV bẩm sinh có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như giảm thính lực hoặc thị lực, đầu và não nhỏ hơn bình thường. Đối với những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là những người đã được ghép tạng, nhiễm CMV có thể gây tử vong. Ở những người nhiễm HIV giai đoạn nặng, CMV có thể gây viêm võng mạc và có thể dẫn đến mù lòa.

CMV lây lan từ người này sang người khác qua các chất dịch cơ thể như máu, nước bọt, nước tiểu, tinh dịch và sữa mẹ. Không có cách chữa trị, nhưng có những loại thuốc có thể giúp điều trị các triệu chứng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm Cytomegalovirus

Triệu chứng chung của CMV

Hầu hết những người khỏe mạnh nhiễm CMV đều không biết họ nhiễm CMV. Nếu có, các triệu chứng mức độ tương đối nhẹ, bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Sốt;
  • Đau họng;
  • Đau cơ;
  • Nhức đầu;
  • Hụt hơi;
  • Ho khan;
  • Phát ban;
  • Sưng hạch.

Triệu chứng CMV bẩm sinh

Trẻ sơ sinh nhiễm CMV có thể có các triệu chứng, bao gồm:

  • Sinh non;
  • Nhẹ cân;
  • Vàng da, vàng mắt;
  • Gan và lách to;
  • Đầu nhỏ;
  • Co giật;
  • Mất thính lực;
  • Viêm phổi;
  • Viêm gan.

Triệu chứng của CMV ở người mắc HIV

Nếu bạn bị nhiễm HIV giai đoạn nặng, CMV có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trên cơ thể bạn. Bạn có thể có các triệu chứng:

  • Mờ mắt, mù lòa;
  • Tiêu chảy;
  • Đau bụng;
  • Khó nuốt hoặc nuốt đau do loét miệng hoặc thực quản;
  • Lú lẫn;
  • Đau lưng dưới;
  • Sụt cân;
  • Mệt mỏi.
Nhiễm Cytomegalovirus: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 4
Phát ban là một trong những dấu hiệu chung của nhiễm Cytomegalovirus

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nhiễm Cytomegalovirus

Trường hợp xảy ra biến chứng thường hiếm gặp, nhưng CMV có thể gây ra các biến chứng bao gồm:

  • Bệnh bạch cầu đơn nhân;
  • Hội chứng Guillain-Barre;
  • Viêm não;
  • Viêm cơ tim.

Ở người nhiễm HIV, các biến chứng bao gồm:

  • Viêm võng mạc;
  • Viêm phổi;
  • Phát ban và tổn thương da;
  • Phù não.

Các biến chứng ở trẻ sinh ra mắc CMV bao gồm:

  • Vấn đề học tập (khả năng tư duy, trí nhớ);
  • Bại não hoặc gặp vấn đề về trương lực cơ và khả năng phối hợp động tác;
  • Động kinh;
  • Chậm phát triển thể chất.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy gặp bác sĩ nếu:

  • Bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu và đang gặp phải các triệu chứng nhiễm CMV. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, nhiễm CMV có thể nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong. Những người có thể có hệ miễn dịch suy yếu bao gồm: Người cao tuổi, suy dinh dưỡng, mắc bệnh đái tháo đường, suy thận, ung thư, ghép tạng, HIV/AIDS…
  • Bạn có các triệu chứng nhiễm CMV khi đang mang thai.

Nếu bạn mắc CMV nhưng khỏe mạnh và không mắc bất kỳ căn bệnh nào kèm theo, việc tự chăm sóc bản thân, chẳng hạn như nghỉ ngơi nhiều, sinh hoạt điều độ, chế độ ăn uống lành mạnh,... là đủ để cơ thể bạn kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Cytomegalovirus

CMV có liên quan đến các loại virus gây bệnh thủy đậu, herpes simplex và bệnh bạch cầu đơn nhân. CMV có thể chuyển qua giai đoạn không hoạt động và sau đó tái hoạt động trở lại. Nếu bạn khỏe mạnh, CMV chủ yếu không hoạt động.

Khi virus hoạt động trong cơ thể bạn, bạn có thể truyền virus cho người khác. Virus lây lan qua chất dịch cơ thể bao gồm máu, nước tiểu, nước bọt, sữa mẹ, tinh dịch và dịch âm đạo. Tiếp xúc thông thường không lây truyền CMV.

CMV lây lan từ người nhiễm bệnh theo những cách sau:

  • Do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước tiểu, dịch mũi;
  • Qua quan hệ tình dục không an toàn;
  • Từ sữa mẹ đến trẻ bú mẹ;
  • Người mẹ bị nhiễm bệnh có thể truyền virus cho con trước hoặc trong khi sinh;
  • Thông qua cấy ghép nội tạng và truyền máu.
Nhiễm Cytomegalovirus: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 5
Nhiễm Cytomegalovirus có thể truyền từ mẹ sang con

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm Cytomegalovirus?

CMV là một loại virus phổ biến và có thể lây nhiễm cho hầu hết mọi người. Tỷ lệ hiện mắc tăng theo tuổi, 60 - 90% người lớn bị nhiễm CMV (dẫn đến nhiễm trùng lâu dài). 

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Cytomegalovirus

Các nhóm kinh tế xã hội thấp có khuynh hướng tỷ lệ nhiễm cao hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm Cytomegalovirus

Chẩn đoán CMV không thể chỉ dựa vào khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu và các chất dịch cơ thể khác hoặc xét nghiệm mẫu mô để có thể phát hiện Cytomegalovirus (CMV). Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để chẩn đoán nhiễm CMV ở người lớn có triệu chứng. Tuy nhiên, xét nghiệm nước bọt hoặc nước tiểu được ưu tiên cho trẻ sơ sinh.

Đối với phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh:

  • Nếu bác sĩ phát hiện nhiễm CMV trong khi bạn đang mang thai, xét nghiệm tiền sản (chọc ối) có thể xác định xem thai nhi có bị nhiễm hay không.
  • Nếu bác sĩ nghi ngờ con bạn mắc CMV bẩm sinh, điều quan trọng là phải xét nghiệm trẻ trong vòng ba tuần đầu tiên sau khi sinh. Nếu em bé của bạn bị nhiễm Cytomegalovirus, bác sĩ có thể sẽ đề nghị các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra sức khỏe các cơ quan của em bé, chẳng hạn như gan và thận.
Nhiễm Cytomegalovirus: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 6
Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để chẩn đoán nhiễm CMV ở người lớn có triệu chứng

Phương pháp điều trị nhiễm Cytomegalovirus hiệu quả

Những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bị bệnh CMV thường không cần điều trị. Họ thường cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày hoặc vài tuần. Các loại thuốc như Ibuprofen có thể làm giảm các triệu chứng nhẹ của CMV. Điều trị bằng thuốc kháng virus thường không được chỉ định.

Trẻ sơ sinh và những người có hệ miễn dịch yếu cần được điều trị khi có các triệu chứng nhiễm CMV. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng.

Một số thuốc kháng virus đã được phê duyệt để điều trị CMV bao gồm: Cidofovir, Foscarnet, Ganciclovir, Valganciclovir. Chúng có thể làm chậm quá trình sinh sản của virus nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể bạn. Thuốc kháng virus này thường chỉ cần thiết cho những người mắc CMV có hệ miễn dịch yếu. Đối với các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải nhập viện và truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Đối với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, thuốc có thể được dùng dưới dạng thuốc viên.

Khi một người được ghép nội tạng hoặc tủy xương, các bác sĩ có thể chỉ định cho họ uống thuốc kháng virus, chẳng hạn như Valganciclovir hoặc Letermovir để giúp ngăn ngừa CMV.

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu các loại thuốc và vắc xin mới để điều trị và ngăn ngừa CMV.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm Cytomegalovirus

Chế độ sinh hoạt: Ngay cả khi bạn có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, các triệu chứng của CMV vẫn có thể kéo dài. Bạn có thể cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi hoặc không có sức lực trong vài ngày hoặc vài tuần. Do đó, bạn vẫn cần nghỉ ngơi nhiều hơn.

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập hít thở sâu để cơ thể nhanh chóng phục hồi.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm Cytomegalovirus hiệu quả

Để ngừa nhiễm Cytomegalovirus, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng trong 15 đến 20 giây, đặc biệt nếu bạn tiếp xúc với trẻ nhỏ hoặc tã lót, nước bọt hoặc các chất tiết từ miệng của chúng. Điều này cần đặc biệt chú ý nếu trẻ em đã đi nhà trẻ.
  • Tránh tiếp xúc với nước mắt và nước bọt khi hôn trẻ: Hãy hôn lên trán thay vì hôn lên môi trẻ. Điều này rất quan trọng nếu bạn đang mang thai.
  • Không dùng chung thức ăn hoặc muỗng, thìa, nĩa, ly hoặc dụng cụ ăn uống với trẻ.
  • Khi vứt bỏ tã lót, khăn giấy và các vật dụng khác đã bị nhiễm chất dịch cơ thể, hãy rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào mặt.
  • Làm sạch đồ chơi và mặt bàn: Làm sạch mọi bề mặt tiếp xúc với nước tiểu hoặc nước bọt của trẻ.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Đeo bao cao su khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa lây lan CMV qua tinh dịch và dịch âm đạo.
Nhiễm Cytomegalovirus: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 7
Rửa tay là biện pháp phòng ngừa quan trọng giúp ngăn ngừa nhiễm CMV
Nguồn tham khảo
  1. About Cytomegalovirus (CMV): https://www.cdc.gov/cmv/overview.html
  2. Cytomegalovirus (CMV) Infection: https://www.msdmanuals.com/home/infections/herpesvirus-infections/cytomegalovirus-cmv-infection
  3. Cytomegalovirus: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459185/
  4. Everything you need to know about cytomegalovirus: https://www.medicalnewstoday.com/articles/173811
  5. Cytomegalovirus (CMV): https://www.webmd.com/hiv-aids/aids-hiv-opportunistic-infections-cytomegalovirus

Các bệnh liên quan

  1. Xuất huyết giảm tiểu cầu

  2. Bệnh Pompe

  3. Uốn ván

  4. Thiếu 1 phần não

  5. Lộn bàng quang

  6. U bạch huyết

  7. Đái dầm

  8. Dính thắng lưỡi

  9. Hội chứng Silver - Russel

  10. Bệnh Tay-Sachs