Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U tuyến nước bọt mang tai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hầu hết các khối u tuyến nước bọt đều lành tính và xảy ra ở tuyến mang tai. Triệu chứng phổ biến nhất là xuất hiện một khối tại tuyến nước bọt, không đau, được đánh giá bằng sinh thiết chọc hút kim nhỏ. Các hình ảnh học như CT scan và MRI có thể hữu ích. Nếu đó là khối u ác tính, điều trị bao gồm cắt bỏ và xạ trị, đồng thời kết quả lâu dài của bệnh có thể liên quan đến nhiều yếu tố.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U tuyến nước bọt mang tai là gì?

Cơ thể bạn có hàng trăm tuyến nước bọt, nằm trong và xung quanh miệng, giúp tạo ra nước bọt để giữ ẩm cho miệng và hỗ trợ việc nuốt, nói chuyện và ăn uống. Các tuyến nước bọt chính bao gồm:

  • Tuyến dưới hàm (submandibular gland);
  • Tuyến dưới lưỡi (sublingual gland);
  • Tuyến mang tai (parotid gland).

Trong đó, khối u tuyến nước bọt mang tai chiếm khoảng 85% các trường hợp khối u tuyến nước bọt, tiếp theo là tuyến dưới hàm và chỉ khoảng 1% xảy ra ở tuyến dưới lưỡi.

Các khối u tuyến nước bọt mang tai có thể là lành tính hoặc ác tính. Nhưng nhìn chung, nguy cơ mắc bệnh ác tính ở các tuyến nước bọt nhỏ sẽ cao hơn ở các tuyến nước bọt lớn. Ví dụ như, tuyến mang tai là một tuyến nước bọt lớn, thì nguy cơ mắc các bệnh ác tính là thấp hơn.

Có nhiều loại khối u lành tính khác nhau, trong đó gồm:

  • U tuyến nước bọt đa hình (Pleomorphic adenomas) hay còn gọi là u hỗn hợp;
  • U Warthin (Warthin tumors - Papillary cystadenoma lymphomatosum);
  • U tế bào hạt tuyến mang tai (Oncocytomas) và u tuyến (Adenomas).

Tuy nhiên, các khối u lành tính cũng có khả năng biến đổi thành ác tính theo thời gian, ví dụ như u tuyến nước bọt đa hình có thể trở thành ác tính sau 15 đến 20 năm. Một khi bị biến đổi thành ác tính, các khối u sẽ được gọi là ung thư.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến nước bọt mang tai

Hầu hết các khối u tuyến nước bọt mang tai lành tính và ác tính đều biểu hiện dưới dạng một khối không đau. Tuy nhiên, các khối u ác tính có thể xâm lấn dây thần kinh, gây đau cục bộ, tê, dị cảm hoặc mất chức năng vận động.

Nhìn chung, các triệu chứng của u tuyến nước bọt mang tai bao gồm:

  • Xuất hiện u cục ở vùng trước tai, phía trên hoặc phía sau góc của xương hàm dưới, khối u không đau, tiến triển chậm.
  • Đau hoặc yếu cơ vùng mặt nếu có sự xâm lấn của khối u đến dây thần kinh.
  • Khít hàm và đau nếu có sự xâm lấn cục bộ vào các cơ như cơ cắn, cơ chân bướm.
  • Phì đại hạch ở bề mặt tuyến mang tai và các hạch lân cận.
U tuyến nước bọt mang tai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Triệu chứng phổ biến của u tuyến nước bọt mang tai là xuất hiện u cục ở vùng trước tai

Biến chứng có thể gặp khi mắc u tuyến nước bọt mang tai

Các biến chứng của u tuyến nước bọt mang tai bao gồm biến chứng do xâm lấn đến dây thần kinh, xâm lấn vào các cơ. Đặc biệt là các khối u tuyến nước bọt mang tai ác tính, có khả năng tái phát và di căn xa đến các khu vực khác của cơ thể.

Bên cạnh đó, các biến chứng do điều trị phẫu thuật cắt bỏ tuyến mang tai bao gồm:

  • Chảy máu;
  • Nhiễm trùng;
  • Sẹo;
  • Rò tuyến nước bọt;
  • U nang tuyến nước bọt;
  • Hội chứng Frey (một biến chứng hiếm gặp của phẫu thuật tuyến mang tai gây ra các triệu chứng như đổ mồ hôi, đỏ bừng một vùng ở mặt khi ăn, đặc biệt là thức ăn cay, mặn hoặc chua);
  • Seroma (tích tụ huyết thanh thành một túi ở gần vết mổ).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sự phát triển u tuyến mang tai nhanh chóng gây đau, rách da, loét da, nổi hạch cổ và liệt dây thần kinh mặt đều là những dấu hiệu gợi ý u tuyến nước bọt mang tai này là ác tính. Do đó, hãy đến khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu trên.

Đồng thời, nếu bạn thấy mình xuất hiện một u cục ở tuyến mang tai, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán xem tình trạng u này là lành tính hay ác tính, để được điều trị kịp thời.

U tuyến nước bọt mang tai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Liệt dây thần kinh mặt là dấu hiệu gợi ý u tuyến nước bọt mang tai ác tính

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u tuyến nước bọt mang tai

Có hai lý tuyết chính về cách các khối u tuyến nước bọt mang tai được hình thành. Nhưng có sự đồng thuận chung với lý thuyết đa bào (mulicellular theory), rằng mỗi loại khối u hình thành từ một tế bào biệt hóa cụ thể trong tuyến nước bọt. Ví dụ như tế bào gốc bài tiết (Excretory stem cells) phát sinh các loại ung thư như:

  • Ung thư biểu mô biểu bì nhày (Mucoepidermoid);
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carinomas).

Trong khi đó, tế bào gốc xen kẽ (Intercalated stem cells) liên quan đến:

  • U tuyến nước bọt đa hình (Pleomorphic adenomas);
  • Ung thư biểu mô nang tuyến (Adenoid cystic carcinomas);
  • U tế bào hạt tuyến (Oncocytomas);
  • Ung thư biểu mô tế bào acinic (Acinic cell carciomas).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u tuyến nước bọt mang tai?

Ai cũng có thể mắc u tuyến nước bọt mang tai, các khối u tuyến nước bọt mang tai phổ biến là các u lành tính, các u ác tính là rất hiếm. Nguy cơ mắc sẽ khác nhau tùy thuộc và loại khối u tuyến nước bọt mang tai mà bạn mắc phải.

Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, theo báo cáo tại Anh, khoảng 300 trường hợp mắc u tuyến nước bọt mang tai ác tính mỗi năm với ít hơn 10 trường hợp là trẻ em.

Độ tuổi thường phát hiện u ác tính là sau 60 tuổi, trong khi các tổn thương lành tính xuất hiện ở độ tuổi khoảng 40 - 50 tuổi. Tổn thương lành tính phổ biến hơn ở nữ giới, tổn thương ác tính có xu hướng xảy ra ở nam và nữ ngang nhau.

Các khối u Warthin hầu như chỉ xuất hiện ở tuyến nước bọt mang tai và thường gặp ở nam giới lớn tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u tuyến nước bọt mang tai

Các yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến u tuyến nước bọt mang tai bao gồm:

  • Phơi nhiễm phóng xạ có liên quan đến ung thư biểu mô tuyến mang tai sau 15 năm (nghĩa là sau khi tiếp xúc với tia xạ, sau 15 năm có thể phát triển ung thư biểu mô).
  • Hút thuốc lá và rượu có liên quan đến ung thư ở vùng đầu và cổ (ung thư biểu mô tế bào vảy ở đầu và cổ), được biết đến sẽ di căn tới tuyến nước bọt mang tai.
  • Hút thuốc là và rượu không liên quan trực tiếp đến u tuyến nước bọt mang tai, trừ khối u Warthin.
  • Một số trường hợp về mối liên hệ giữa phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi silic và nitrosamin đã được báo cáo.
U tuyến nước bọt mang tai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Hút thuốc lá và rượu có liên quan đến u Warthin và các ung thư vùng đầu cổ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u tuyến nước bọt mang tai

Chẩn đoán u tuyến nước bọt mang tai bao gồm việc các bác sĩ thực hiện hỏi bệnh và thăm khám cho bạn, sau đó là đề nghị các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chẩn đoán.

Tất cả các người bệnh có khối u xuất hiện ở tuyến nước bọt mang tai đều được kiểm tra bằng cách sờ nắn, đi kèm với việc kiểm tra các ống tuyến nước bọt liên quan. Sờ nắn quanh miệng để xác định mức độ lan rộng của khối u. Bên cạnh đó, việc đánh giá dây thần kinh mặt là bắt buộc, da vùng đầu và cổ cũng sẽ được kiểm tra kèm theo để đánh giá ung thư vùng da đầu và cổ.

Các xét nghiệm được thực hiện có thể bao gồm:

  • Sinh thiết bằng chọc hút kim nhỏ (FNA): Đây là một thủ thuật tương đối không đau, có ít biến chứng. Bạn sẽ được lấy một lượng nhỏ từ khối u bằng kim dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Mẫu mô này sẽ được gửi đến giải phẫu bệnh để đánh giá về bản chất của nó là lành tính hay ác tính. Sinh thiết bằng chọc hút kim nhỏ là công cụ chẩn đoán chính cho các tổn thương tuyến nước bọt, tuy nhiên vai trò của FNA trong chẩn đóa bệnh tuyến nước bọt lành tính và ác tính vẫn còn nhiều tranh cãi. Các kết quả dương tính giả có thể xảy ra dẫn đến chẩn đoán sai các tổn thương ác tính.
  • CT scan hoặc MRI: Chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ giúp xác định vị trí khối u và mô tả cấu trúc giải phẫu của khối u.

Phương pháp điều trị U tuyến nước bọt mang tai

Tùy thuộc và khối u tuyến nước bọt mang tai là lành tính hay ác tính mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau.

Đối với khối u lành tính

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mang tai là điều trị được ưu tiên. Cắt bỏ một phần tuyến mang tai hoặc cắt nửa bề mặt tuyến mang tai cũng ngày càng trở nên phổ biến. Phẫu thuật bóc tách và bảo tồn thần kinh mặt cũng là một lựa chọn. Các thủ thuật, phẫu thuật nên được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn một cách cẩn thận để hạn chế các biến chứng.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u không được xem là một thủ thuật thích hợp vì khả năng tái phát cao. Sự tái phát sẽ xảy ra nếu khối u không được cắt bỏ hoàn toàn hoặc khi khối u bị tràn ra ngoài.

Đối với khối u ác tính

Phẫu thuật, đôi khi sau đó là xạ trị là phương pháp lựa chọn điều trị cho các khối u tuyến nước bọt mang tai ác tính có thể cắt bỏ.

Việc phẫu thuật bao gồm cắt bỏ rộng, có thể bao gồm cả phẫu thuật vùng cổ nếu có bằng chứng về di căn hạch ở vùng cổ.

Xạ trị bổ trợ được khuyến cáo cho các khối u lớn (lớn hơn 4cm), người bệnh có khối u với bờ không hoàn toàn, bệnh tái phái, xâm lấn quanh dây thần kinh và mạch máu, di căn hạch, xạ trị cũng được chỉ định cho ung thư biểu mô nang tuyến và các khối u mức độ cao.

Hóa trị bổ trợ chỉ được sử dụng để giảm nhẹ, do các khối u tuyến nước bọt đáp ứng kém với hóa trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của U tuyến nước bọt mang tai

Để hạn chế diễn tiến của khối u tuyến nước bọt mang tai, việc quan trọng là được chẩn đoán, điều trị và theo dõi sau điều trị.

Việc phục hồi sau khi điều trị phẫu thuật cũng rất quan trọng, bạn nên tránh nâng các vật nặng và tránh căng thẳng, giữ vết thương sạch và khô.

Dù là khối u lành tính hay ác tính, việc tái phát khối u sau điều trị đều có thể xảy ra. Do đó, bạn cần theo dõi, tái khám sau điều trị. Đặc biệt đối với ung thư tuyến nước bọt mang tai, việc theo dõi cần được thực hiện suốt đời.

Phương pháp phòng ngừa u tuyến nước bọt mang tai hiệu quả

U tuyến nước bọt mang tai không phải lúc nào cũng phòng ngừa được. Rượu và thuốc lá là 2 yếu tố nguy cơ thể ngăn ngừa được.

Đối với người bệnh làm việc trong một số ngành nghề có nguy cơ mắc phải ung thư tuyến nước bọt, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.

U tuyến nước bọt mang tai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi làm việc trong môi trường có nguy cơ cao
Nguồn tham khảo
  1. Salivary Gland Tumors: https://www.msdmanuals.com/professional/ear,-nose,-and-throat-disorders/tumors-of-the-head-and-neck/salivary-gland-tumors
  2. Parotid Cancer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538340/
  3. Malignant Parotid Tumors: https://emedicine.medscape.com/article/1289616-overview
  4. Parotid Gland Tumors: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/parotid-gland-tumors
  5. Parotid gland tumors: https://radiopaedia.org/articles/parotid-gland-tumours 

Các bệnh liên quan

  1. Nhiệt miệng

  2. Viêm họng cấp

  3. Nấm tai

  4. Ho

  5. Nấm lưỡi

  6. Chấn thương thanh quản

  7. Viêm xoang

  8. Viêm amidan

  9. Chảy máu cam

  10. Ung thư vòm họng giai đoạn III