Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn giọng nói: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dây thanh âm được tạo từ cơ, màng nhầy và sụn. Dây thanh âm nằm ở đầu khí quản và bên dưới lưỡi. Giọng nói là âm thanh mà không khí tạo ra khi nó bị đẩy ra khỏi phổi và đi qua dây thanh âm. Dây thanh âm là hai nếp mô bên trong trong thanh quản còn được gọi là hộp giọng nói. Sự rung động của dây thanh âm là thứ tạo ra giọng nói. Đối với hầu hết chúng ta, giọng nói đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chúng ta là ai, chúng ta làm gì và cách chúng ta giao tiếp. Vì vậy khi gặp các vấn đề bệnh lý liên quan đến giọng nói sẽ làm chúng ta khó giao tiếp, kết nối xã hội. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về vấn đề rối loạn giọng nói.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn giọng nói là bệnh lý gì?

Rối loạn giọng nói là sự thay đổi đặc trưng các tính chất của giọng nói như: Cao độ, âm lượng, âm sắc và các phẩm chất khác của giọng nói. Những vấn đề này xảy ra khi dây thanh âm rung không bình thường.

Rối loạn giọng nói thường thuộc một trong các loại sau, nhưng chúng có thể chồng chéo lên nhau:

  • Chức năng: Là khi cấu trúc tạo ra âm thanh - thanh quản, dây thanh âm và phổi là bình thường, nhưng bạn gặp vấn đề khi sử dụng chúng. Rối loạn này thường là kết quả của việc không thể sử dụng dây thanh âm.
  • Cấu trúc: Xảy ra vấn đề ở hộp giọng nói, dây thanh âm hoặc phổi của bạn. Các rối loạn thực thể thuộc về cấu trúc (chẳng hạn như sự phát triển bất thường trên thanh quản) hoặc thần kinh (một rối loạn khác ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát thanh quản của bạn).
  • Tâm lý: Mặc dù hiếm gặp nhưng một số rối loạn giọng nói phát triển do căng thẳng cảm xúc hoặc chấn thương. Đó là kết quả của sự lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn chuyển hóa.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng rối loạn giọng nói

Các triệu chứng của rối loạn giọng nói bao gồm:

  • Âm thanh phát ra run rẩy, không đều hoặc bị rung;
  • Âm thanh thô ráp, khàn đặc (khàn tiếng);
  • Âm thanh bị căng hoặc đứt quãng;
  • Âm thanh quá to hoặc quá nhỏ;
  • Khó phát âm, nói lắp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc chứng rối loạn giọng nói

Các biến chứng liên quan đến chứng rối loạn giọng nói chủ yếu là về vấn đề rào cản trong giao tiếp xã hội. Khi mắc chứng rối loạn giọng nói dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả, ảnh hưởng về nhiều mặt như đời sống, công việc. Lâu ngày dẫn đến sự thất vọng, tự ti, trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ khi:

  • Khi bạn có các sự thay đổi về giọng nói trong vài tuần.
  • Có các bệnh lý về vùng hầu họng.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh cũng như hạn chế được các biến chứng về sau.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giọng nói

Đề nói chuyện bình thường, dây thanh của bạn cần chạm vào nhau một cách trơn tru bên trong thanh quản. Bất cứ điều gì cản trở sự chuyển động hoặc tiếp xúc của dây thanh âm đều có thể gây ra rối loạn giọng nói. Rối loạn giọng nói có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong một số trường hợp nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giọng nói không được biết rõ. Một số nguyên nhân có thể gây ra rối loạn giọng nói bao gồm:

  • Sự phát triển bất thường: Trong một số trường hợp mô thừa hình thành trên dây thanh âm có thể tạo nên các u nang, u nhú, nốt sần, các vùng mô sẹo, u hạt, polyp khiến dây thanh âm không thể hoạt động bình thường.
  • Viêm và sưng tấy: Nhiều thứ có thể gây viêm và sưng tấy dây thanh âm như phẫu thuật, các bệnh hô hấp, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, một số loại thuốc, tiếp xúc với hóa chất, hút thuốc, lạm dụng rượu và lạm dụng giọng nói.
  • Vấn đề về thần kinh: Một số tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh điều khiển dây thanh âm. Chúng có thể bao gồm bệnh đa xơ cứng, xơ cứng cột bên teo cơ và bệnh Huntington. Dây thần kinh cũng có thể bị tổn thương do phẫu thuật hoặc viêm thanh quản mãn tính.
  • Hormone: Rối loạn hormon tuyến giáp, hormon nam, nữ, hormon tăng trưởng có thể gây rối loạn giọng nói.
  • Lạm dụng giọng nói: Bao gồm việc nói quá nhiều, hát quá nhiều, la hét hoặc ho, hắng giọng. Lạm dụng giọng nói có thể khiến dây thanh phát triển các vết chai hoặc mụn nước gọi là nút và polyp. Những điều này thay đổi cách giọng nói phát ra. Trong một số trường hợp, dây thanh âm có thể bị đứt do lạm dụng giọng nói. Điều này khiến dây rốn bị chảy máu (xuất huyết) và có thể gây mất giọng. Xuất huyết dây thanh cần được điều trị ngay lập tức.
rối loạn giọng nói 4.jpg
Polyp thanh quản một trong các bệnh gây ra rối loạn giọng nói

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải chứng rối loạn giọng nói?

Từ 3% đến 9% dân số Hoa Kỳ đôi khi bị rối loạn giọng nói, mặc dù chưa đến 1% trong số những người này tìm cách điều trị. Giáo viên cho đến nay là nhóm có nguy cơ cao nhất. Trong một nghiên cứu với gần một nghìn giáo viên, khoảng 57% bị rối loạn giọng nói. Ngoài ra những nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao sẽ mắc phải chứng rối loạn giọng nói:

  • Nhóm người có các công việc phải sử dụng giọng nói liên tục, tần suất cao như: Ca sĩ, giáo viên, luật sư, cổ động viên, nhà diễn giải,…
  • Nhóm người hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, lạm dụng rượu bia, nước đá.
  • Nhóm người mắc các bệnh như: Parkinson, đa xơ cứng, ung thư thanh quản, trào ngược dạ dày thực quản.
rối loạn giọng nói 5.jpg
Hút thuốc lá một trong những nguy cơ cao mắc chứng rối loạn giọng nói

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn giọng nói

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến chứng rối loạn giọng nói như:

  • Sự lão hóa;
  • Lạm dụng rượu, bia;
  • Hút thuốc;
  • Dị ứng;
  • Các tình trạng bệnh lý liên quan đến não và hệ thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson hoặc đột quỵ;
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD);
  • Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, cảm lạnh;
  • Sẹo do phẫu thuật hoặc do chấn thương vùng trước cổ;
  • La hét;
  • Ung thư vòm họng;
  • Các vấn đề về tuyến giáp;
  • Các nghề nghiệp sử dụng giọng nói, hát tần suất cao.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn giọng nói

Các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng sẽ đánh giá các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh của bạn. Thăm khám kỹ lưỡng vùng đầu - mặt - cổ và bên trong cổ họng để tìm kiếm các nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giọng nói của bạn. Để có thể thăm khám kỹ lưỡng vùng bên trong cổ họng các bác sĩ có thẻ sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây:

  • Nội soi thanh quản: Sử dụng một dụng cụ gọi là ống soi thanh quản (một loại ống mỏng, linh hoạt có gắn đầu quay video, chụp hình) để kiểm tra và ghi lại các hình ảnh bên trong cổ họng.
  • Đo điện cơ (EMG): Phương pháp này dùng để đo hoạt động điện trong cơ cổ họng. Giúp cho thấy các vấn đề về thần kinh ở vùng cổ họng.
  • X-quang hoặc MRI: Có thể cho thấy sự phát triển hoặc các vấn đề về mô trong cổ họng.
rối loạn giọng nói 6.jpg
Kỹ thuật nội soi thanh quản trong kiểm tra chứng rối loạn giọng nói

Phương pháp điều trị chứng rối loạn giọng nói

Điều trị rối loạn giọng nói phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Hầu hết các vấn đề về giọng nói có thể điều trị thành công khi được chẩn đoán đúng nguyên nhân. Điều trị có thể bao gồm:

Nội khoa

  • Thay đổi lối sống: Một số thay đổi có thể giúp giảm hoặc ngừng các triệu chứng. Bao gồm các việc như, không la hét, không nói to, thường xuyên để giọng nghỉ ngơi nếu bạn làm việc sử dụng giọng quá nhiều. Không hút thuốc, rượu bia. Tập các bài tập thư giãn dây thanh và các cơ xung quanh vùng cổ. Uống nhiều nước tránh để cổ họng quá khô.
  • Trị liệu ngôn ngữ: Việc trị liệu này có thể bao gồm các bài tập để thay đổi hành vi nói, tập hít thở sâu để tăng cường khả năng phát âm với nhịp thở đầy đủ.
  • Điều trị thuốc uống: Một số rối loạn giọng nói là do một nguyên nhân có thể điều trị được bằng thuốc. Ví dụ như rối loạn giọng nói do trào ngược dạ dày thì việc dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày sẽ giúp cải thiện triệu chứng rối loạn giọng nói. Các liệu pháp hormon cho các vấn đề liên quan đến tuyến giáp hoặc hormon nam, nữ.
  • Điều trị bằng thuốc tiêm: Rối loạn giọng nói do co thắt cơ cổ họng các bác sĩ có thể điều trị bằng cách tiêm độc tố botulinum. Trong một số trường hợp các bác sĩ có thể tiêm các chất béo hoặc chất làm đầy vào dây thanh âm để dây thanh âm đóng mở tốt hơn.

Ngoại khoa

  • Phẫu thuật: Khi chứng rối loạn giọng nói xảy ra do các nguyên nhân liên quan đến sự phát triển quá mức (u nhú, u nang, polyp,...), ung thư các bác sĩ có thể loại bỏ nó bằng việc phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn giọng nói

Chế độ sinh hoạt:

Duy trì thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp bạn hạn chế sự tiến triển nặng thêm của bệnh và đẩy nhanh quá trình điều trị như:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị vì điều trị rối loạn giọng nói là một quá trình lâu dài.
  • Ngưng hút thuốc lá, rượu, bia hay các loại chất kích thích khác.
  • Cố gắng đừng lạm dụng giọng nói. Tránh nói hoặc hát quá nhiều trong quá trình điều trị.
  • Luyện tập thể dục đều đặn, tập thể dục làm tăng trương lực cơ, điều này giúp bạn có thể giữ được một hơi thở tốt.
  • Khi mắc chứng rối loạn giọng nói sẽ dẫn đến nhiều rào cản giao tiếp vì vậy người bệnh cố gắng giữ tâm lý thoải mái, không tự ti, mặc cảm để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhất có thể.

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:

  • Ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Bao gồm nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả trong chế độ ăn uống của bạn. Những thực phẩm này chứa vitamin A, E và C. Chúng cũng giúp giữ cho màng nhầy lót cổ họng khỏe mạnh.
  • Tránh đồ ăn cay, nóng vì có thể gây ợ chua, trào ngược dạ dày thực quản.
  • Uống nhiều nước.
  • Nói không với thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.
rối loạn giọng nói 7.jpg
Chế độ ăn lành mạnh và uống đủ nước giúp hạn chế mắc chứng rối loạn giọng nói

Phương pháp phòng ngừa chứng rối loạn giọng nói

Một số chứng rối loạn giọng nói không thể phòng ngừa được nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách chăm sóc giọng nói của mình như sau:

  • Tránh hút thuốc, ma túy, rượu.
  • Uống nhiều nước để giữ cho cổ họng và dây thanh âm không khô ráp.
  • Thường xuyên cho giọng nói nghỉ ngơi nếu bạn đang làm công việc phải nói nhiều.
  • Giữ ấm vùng hầu họng, hạn chế việc uống nước đá lạnh.

Những câu hỏi thường gặp khi mắc chứng rối loạn giọng nói

Rối loạn giọng nói có thể chữa khỏi được không?

Điều trị rối loạn giọng nói phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Hầu hết các vấn đề về giọng nói có thể điều trị thành công khi được chẩn đoán đúng nguyên nhân.

Làm thế nào để biết mình đang bị rối loạn giọng nói?

Khi bạn có bất kỳ sự thay đổi nào về giọng nói của mình như:

  • Âm thanh phát ra run rẩy, không đều hoặc bị rung.
  • Âm thanh thô ráp, khàn đặc (khàn tiếng).
  • Âm thanh bị căng hoặc đứt quãng.
  • Âm thanh quá to hoặc quá nhỏ.
  • Khó phát âm, nói lắp.

Rối loạn giọng nói có nguy hiểm không?

Khi mắc chứng rối loạn giọng nói dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả, ảnh hưởng về nhiều mặt như đời sống, công việc. Lâu ngày dẫn đến sự thất vọng, tự ti, trầm cảm.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn giọng nói?

  • Tránh hút thuốc, ma túy, rượu.
  • Uống nhiều nước để giữ cho cổ họng và dây thanh âm không khô ráp.
  • Thường xuyên cho giọng nói nghỉ ngơi nếu bạn đang làm công việc phải nói nhiều.
  • Giữ ấm vùng hầu họng, hạn chế việc uống nước đá lạnh.

Nghề nghiệp nào dễ mắc chứng rối loạn giọng nói?

Giáo viên cho đến nay là nhóm có nguy cơ cao nhất. Trong một nghiên cứu với gần một nghìn giáo viên, khoảng 57% bị rối loạn giọng nói.

Nguồn tham khảo
  1. Voice Disorders: https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=134&contentid=239
  2. Voice Disorders: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/voice-disorders
  3. Voice Disorders: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/voice-disorders/diagnosis-treatment/drc-20353024
  4. Voice Disorders: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23339-voice-disorders
  5. Voice Disorders: https://medlineplus.gov/voicedisorders.html

Các bệnh liên quan

  1. Viêm họng do liên cầu

  2. Bướu giáp keo

  3. Đau họng

  4. Suy giáp

  5. Đau cổ vai gáy

  6. U nang giáp móng

  7. Chứng khó nuốt

  8. Basedow

  9. Bệnh Madelung

  10. Paget xương