Long Châu

Liệt mặt ngoại biên là gì? Triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Liệt mặt ngoại biên hay liệt dây thần kinh mặt (trước đây gọi là liệt Bell) là tình trạng yếu liệt đột ngột các cơ ở một bên mặt. Bệnh thường diễn tiến đột ngột với các triệu chứng của liệt nửa mặt mà không có nguyên nhân cụ thể, triệu chứng có thể khỏi nhanh trong vài tuần và không gây biến chứng lâu dài. Các thuốc điều trị có thể bao gồm corticosteroid, thuốc kháng virus, điều trị hỗ trợ giảm đau và bảo vệ mắt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Liệt mặt ngoại biên là gì?

Liệt mặt ngoại biên hay liệt dây thần kinh mặt (trước đây gọi là liệt Bell) là tình trạng yếu liệt đột ngột các cơ ở một bên mặt. Trong đa số các trường hợp, yếu liệt chỉ xảy ra tạm thời và sẽ cải thiện đáng kể sau vài tuần. Nguyên nhân liệt dây thần kinh mặt thường là vô căn và đặc trưng với biểu hiện yếu liệt một bên đột ngột, cấp tính.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt mặt ngoại biên

Các dấu hiệu và triệu chứng của liệt mặt ngoại biên thường xuất hiện đột ngột, có thể bao gồm:

  • Yếu liệt mức độ từ nhẹ đến liệt toàn bộ ở một bên mặt - xảy ra trong vài giờ và tăng nặng lên trong vòng 48 giờ.

  • Mặt méo/xệ, khó thực hiện các biểu cảm trên khuôn mặt như khó nhắm mắt hoặc mỉm cười.

  • Mất cảm giác vùng mặt bị liệt.

  • Chảy nước dãi, chảy nước mắt.

  • Mất vị giác ở 2/3 phía trước của lưỡi.

  • Đau đầu, đau vùng quanh hàm hoặc sau tai.

  • Tăng nhạy cảm với âm thanh ở tai cùng bên với bên liệt mặt.

Tác động của liệt mặt ngoại biên đối với sức khỏe

Liệt Bell thường khỏi nhanh trong vài tuần và không gây biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, trong thời gian bị bệnh, hầu hết những người bị liệt Bell không thể nhắm mắt ở bên bị liệt. Do đó, việc bảo vệ mắt không bị khô vào ban đêm hoặc khi làm việc trên máy tính là điều quan trọng. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc liệt mặt ngoại biên

Một số trường hợp liệt nặng/liệt hoàn toàn thì thời gian hồi phục có thể thay đổi. Một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bao gồm: 

  • Tổn thương dây thần kinh mặt không hồi phục.

  • Tăng sinh bất thường của các sợi thần kinh có thể dẫn đến rối loạn và co rút không tự chủ của một số cơ nhất định khi thực hiện các động tác phối hợp cử động khuôn mặt (Ví dụ khi cười thì mắt bên bị ảnh hưởng có thể nhắm lại).

  • Mù bán phần hoặc hoàn toàn ở bên mắt không nhắm được. Nguyên nhân là do lớp giác mạc của mắt bị khô và trầy xước quá mức trong thời gian bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt mặt ngoại biên

Nguyên nhân chính xác cho đến nay hầu như đều không rõ ràng nhưng bệnh thường liên quan đến tình trạng nhiễm vi rút. Các vi rút gây ra một số bệnh lý khác nhau và có liên quan đến liệt mặt ngoại biên bao gồm:

  • Loét lạnh và mụn rộp sinh dục do herpes simplex vi rút.

  • Bệnh thủy đậu và bệnh zona do herpes zoster vi rút.

  • Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng do Epstein-Barr vi rút.

  • Nhiễm trùng cytomegalovirus.

  • Bệnh đường hô hấp do adenovirus.

  • Bệnh rubella.

  • Bệnh quai bị.

  • Bệnh cúm do influenza type B.

  • Bệnh tay chân miệng do coxsackievirus.

Trong bệnh nhiễm do vi rút, dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII) thường bị viêm, sưng và liệt. Bên cạnh triệu chứng liệt mặt, liệt dây thần kinh số VII còn gây ra các triệu chứng có liên quan đến các chức năng khác như tiết nước mắt, tiết nước bọt, chức năng vị giác...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị liệt mặt ngoại biên?

Liệt mặt ngoại biên xảy ra thường xuyên hơn ở những đối tượng sau:

  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba hoặc trong giai đoạn hậu sản tuần đầu tiên.

  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cúm hoặc cảm lạnh.

  • Bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp hoặc béo phì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt mặt ngoại biên

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bằng cách xem xét các triệu chứng. Không có xét nghiệm cụ thể nào có thể giúp chẩn đoán hiệu quả. 

Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự và đánh giá mức độ liệt hoặc tổn thương thần kinh liên quan. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Điện cơ (EMG) để xác định mức độ ảnh hưởng của dây thần kinh.

  • Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường hoặc các bệnh nhiễm trùng gây ra bệnh cảnh tương tự.

  • Hình ảnh học: CT scan hoặc MRI để loại trừ các nguyên nhân khác gây chèn ép lên dây thần kinh mặt chẳng hạn như khối u hoặc chấn thương sọ não, vỡ hộp sọ.

Phương pháp điều trị liệt mặt ngoại biên hiệu quả

Liệt mặt ngoại biên thường khỏi nhanh trong vài tuần, có thể cần hoặc không cần điều trị. Hiếm khi bệnh tái phát trở lại nhưng nếu trong trường hợp tái phát, bệnh nhân thường có tiền sử gia đình về liệt mặt ngoại biên. Điều này có thể gợi ý rằng tình trạng liệt mặt ngoại biên còn có thể liên quan đến di truyền.

Corticosteroid đường uống thông thường được kê đơn để giảm viêm dây thần kinh mặt ở bệnh nhân liệt mặt ngoại biên vô căn.

Vai trò của thuốc kháng vi-rút vẫn chưa được rõ ràng. Thuốc kháng vi-rút đơn trị không cho thấy lợi ích gì so với giả dược. Vì vậy, một số loại thuốc kháng vi-rút, chẳng hạn như valacyclovir hoặc acyclovir đôi khi được dùng kết hợp với prednisone ở những bệnh nhân có triệu chứng liệt mặt nặng.

Các thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen hoặc acetaminophen có thể sử dụng để giảm bớt triệu chứng đau nếu có.

Trong thời gian bị bệnh, hầu hết những người bị liệt Bell không thể nhắm mắt ở bên bị liệt. Do đó, việc bảo vệ mắt không bị khô vào ban đêm hoặc khi làm việc trên máy tính là điều quan trọng. Chăm sóc mắt có thể bao gồm nhỏ mắt vào ban ngày, tra thuốc mỡ trước khi đi ngủ vào ban đêm.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt mặt ngoại biên

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Các cơ bị liệt có thể co rút và ngắn lại vĩnh viễn. Vì vậy, có thể tham vấn với chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn cách xoa bóp và vận động cơ mặt để giúp ngăn chặn tình trạng trên xảy ra.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa liệt mặt ngoại biên hiệu quả

Hiện nay chưa có cách để phòng ngừa liệt mặt ngoại biên hiệu quả.

Nguồn tham khảo

1) https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/bells-palsy

2) https://www.aafp.org/afp/2007/1001/p997.html#:~:text=Bell's%20palsy%20is%20a%20peripheral,and%20no%20other%20neurologic%20abnormalities.

3) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bells-palsy/diagnosis-treatment/drc-20370034

4) https://www.msdmanuals.com/professional/neurologic-disorders/neuro-ophthalmologic-and-cranial-nerve-disorders/facial-nerve-palsy

Các bệnh liên quan

  1. U màng ống nội tủy

  2. Rối loạn nhân cách né tránh

  3. Ung thư mũi

  4. Rối loạn lo âu

  5. Câm

  6. Bệnh Marchiafava-Bignami

  7. Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc

  8. Khàn tiếng

  9. Giác mạc hình chóp

  10. Tật không nhãn cầu