Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hẹp ống tai bên ngoài là bệnh gì?

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hẹp ống tai bên ngoài là một tình trạng rất hiếm gặp trong đó phần ống tai ngoài bị hẹp hoặc bít chặt khiến thính giác của bạn bị suy giảm hoặc mất đi. Bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Hiện nay điều trị chủ yếu là phẫu thuật nhằm tái tạo lại ống tai ngoài song song với sử dụng các thiết bị trợ thính giúp khuếch đại âm thanh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hẹp ống tai bên ngoài là gì?

Hẹp ống tai ngoài là một tình trạng hiếm gặp trong đó phần giữa của ống tai bị chặn hoặc chít hẹp khiến thính giác của bạn bị suy giảm hoặc nặng nề hơn là mất đi. Bệnh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tai.

Có hai loại hẹp ống tai ngoài gồm:

  • Hẹp ống tai ngoài bẩm sinh: Tình trạng trẻ sinh ra không có ống tai ngoài hoặc ống tai ngoài vẫn có nhưng hẹp hơn bình thường, vẫn có thể thấy màng nhĩ. Tổn thương bẩm sinh này thường đi kèm với tình trạng thiếu một phần hay toàn bộ vành tai. Trẻ bị hẹp ống tai ngoài bẩm sinh thường mắc thêm các hội chứng di truyền khác như hội chứng Treacher Collins hay hội chứng Goldenhar,…
  • Hẹp ống tai ngoài mắc phải: Là tình trạng hẹp ống tai ngoài do một nguyên nhân cụ thể gây ra. Thường gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng tái phát hoặc viêm với sự hình thành mô hạt, sẹo xơ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp ống tai bên ngoài

Triệu chứng chung của hẹp ống tai bên ngoài dù là bẩm sinh hay mắc phải là gây suy giảm thính giác. Nếu mức độ hẹp nhẹ thì có thể bạn chỉ cảm thấy thính giác của bạn bị giảm ít, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của mình. Nếu hẹp nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị mất thính lực (điếc) và thường xuyên bị viêm ống tai bên ngoài.

Bẩm sinh

  • Bít hay chít hẹp ống tai ngoài, có thể kèm cả sụn, xương ống tai.
  • Nghe kém do giảm dẫn truyền âm thanh từ bên ngoài.
  • Đau, viêm tai vì dịch tiết bên trong ống tai không thoát ra ngoài được.

Mắc phải

  • Ống tai hẹp, khó khăn khi ngoáy tai.
  • Chảy dịch tai.
  • Đau tai.
  • Nếu để ứ đọng chất biểu bì lâu ngày có thể hình thành nút ráy tai bên trong chỗ hẹp.

Nếu da và mảnh tế bào bị mắc kẹt trong ống tai và phía sau màng nhĩ có thể khiến bạn mắc bệnh Cholesteatoma, một dạng u nang không ung thư phát triển ở tai giữa hoặc ống tai. Bệnh lý này có thể phá hủy nhiều cấu trúc quan trọng trong tai bao gồm cả các xương mỏng của tai giữa. Điều này làm tổn thương tai giữa và làm nặng nề hơn tình trạng mất thính giác, gây nhiễm trùng tai tái phát.

hep-ong-tai-ben-ngoai-la-benh-gi 1.jpg
Bạn có thể cảm thấy bị đau tai

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nêu trên xảy ra, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hẹp ống tai bên ngoài

Hẹp ống tai bên ngoài bẩm sinh

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác tại sao trẻ mới sinh ra lại bị hẹp ống tai bên ngoài. Một số gen được cho là có thể góp phần gây ra bệnh, các gen này có thể được di truyền từ cha mẹ hoặc do xảy ra đột biến gen trong thời kỳ mang thai của người mẹ.

Một số giả thuyết được đưa ra cho thấy có sự liên hệ giữa hẹp ống tai ngoài bẩm sinh với tình trạng trẻ sinh ra nhẹ cân, chấn thương trong tử cung, nhiễm độc hoặc nhiễm trùng.

Hẹp ống tai bên ngoài mắc phải

Khác với hẹp ống tai bên ngoài bẩm sinh, hẹp ống tai bên ngoài mắc phải là do một bệnh lý cụ thể gây ra. Các nguyên nhân thường gặp:

  • Viêm tai ngoài mạn tính, tái phát.
  • Viêm màng sụn.
  • U ống tai ngoài hoặc sau phẫu thuật cắt u ống tai ngoài.
  • Chấn thương.
  • Ảnh hưởng của xạ trị trong điều trị ung thư đầu và cổ bao gồm cả vùng thái dương.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc hẹp ống tai bên ngoài?

Những người không vệ sinh tai kỹ và đúng cách gây tình trạng viêm tai ngoài tái phát thường xuyên hoặc những người mắc bệnh ung thư nhất là vùng đầu cổ cần điều trị bằng xạ trị là những đối tượng có nguy cơ mắc hẹp ống tai bên ngoài do mắc phải cao hơn.

Độ tuổi thường được chẩn đoán mắc hẹp ống tai ngoài bẩm sinh là 3 - 5 tuổi, trong đó trẻ nam thường gặp hơn trẻ gái.

hep-ong-tai-ben-ngoai-la-benh-gi 2.jpg
Xạ trị vùng đầu cổ là một yếu tố nguy cơ của hẹp ống tai bên ngoài

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hẹp ống tai bên ngoài

Một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ mới sinh ra bị hẹp ống tai bên ngoài:

  • Mẹ sử dụng một số loại thuốc, chất kích thích tăng nguy cơ xuất hiện đột biến gen.
  • Mẹ bị nhiễm virus trong thời gian mang thai.
  • Tiền sử gia đình có người mắc hẹp ống tai bên ngoài bẩm sinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hẹp ống tai bên ngoài

Đối với hẹp ống tai bên ngoài bẩm sinh

Nếu em bé mới sinh ra có vấn đề về hình thành tai ngoài hoặc không đạt điều kiện trong sàng lọc thính giác sơ sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra thính giác kỹ hơn. Chụp CT-scan thường không được chỉ định trong giai đoạn này cho đến khi trẻ 6 tuổi vì trong thời gian này xương quanh tai phát triển rất nhiều.

Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp không được phát hiện sau sinh ra mà thường được chẩn đoán trong những lần khám sức khỏe sau này.

hep-ong-tai-ben-ngoai-la-benh-gi 3.jpg
Khám tai cho trẻ có thể giúp phát hiện sớm bệnh

Đối với hẹp ống tai bên ngoài mắc phải

Nếu bạn chưa từng được chẩn đoán mắc hẹp ống tai ngoài bẩm sinh thì hẹp ống tai bên ngoài mắc phải sẽ được ưu tiên trong chẩn đoán. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn mắc hẹp ống tai bên ngoài thông qua các triệu chứng và diễn tiến của chúng; tiền sử chấn thương vùng đầu, hóa trị ung thư đầu cổ hay bệnh viêm tai ngoài.

Một số xét nghiệm được chỉ định giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Xét nghiệm máu nhằm đánh giá tình trạng viêm, nhiễm trùng.
  • Hình ảnh học như CT-scan, MRI đầu cổ nếu bạn có tiền sử chấn thương gần đây.

Phương pháp điều trị hẹp ống tai bên ngoài

Việc điều trị và quản lý triệu chứng của hẹp ống tai bên ngoài phải bắt đầu bằng việc chẩn đoán sớm bệnh và bác sĩ sẽ thảo luận với người thân về các vấn đề phát triển sau này của trẻ.

Đối với hẹp ống tai bên ngoài bẩm sinh

Tất cả trẻ em bị hẹp ống tai bên ngoài đều cần được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng theo dõi chặt chẽ và thường xuyên. Bác sĩ sẽ kiểm tra thính giác của trẻ và tìm kiếm các bệnh lý khác có thể gây ra tình trạng này.

Nếu bị hẹp mức độ nhẹ, trẻ có thể không cần điều trị. Nhưng nếu bị hẹp mức độ nặng trẻ có thể cần phải phẫu thuật để mở rộng ống tai hoặc tạo hình ống tai (nếu ống tai bên ngoài bị teo). Độ tuổi được khuyến nghị thực hiện phẫu thuật là từ 5 tuổi trở lên. Sau phẫu thuật cần tái khám thường xuyên để kiểm tra ống tai mới tạo không bị thu hẹp do mô sẹo hình thành sau mổ.

Trẻ cũng có thể sử dụng thiết bị trợ thính nhằm khuếch đại âm thanh nếu có tình trạng mất thị lực.

Đối với hẹp ống tai bên ngoài mắc phải

Nội khoa

Thuốc điều trị trong hẹp ống tai bên ngoài có vai trò còn nhiều hạn chế. Mục tiêu của thuốc là kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và phòng ngừa hình thành các mô hạt. Những người có sử dụng thiết bị trợ thính không được sử dụng thiết bị ở tai bị nhiễm trùng. Vệ sinh tai thường xuyên cần được chú ý trong quá trình điều trị nhằm loại bỏ các mảnh tế bào và da chết.

Kháng sinh và kháng viêm như steroid tại chỗ dưới dạng nhỏ tai hoặc dạng bột cũng được chỉ định nếu bạn có tình trạng viêm nhiễm tai. Thuốc giảm đau có thể được kê đơn thêm cho bạn nếu bạn có tình trạng đau gây khó chịu.

Thiết bị trợ thính nhằm khuếch đại âm thanh có thể được khuyến cáo sử dụng nếu thính giác của bạn bị ảnh hưởng nhiều gây khó khăn trong sinh hoạt và công việc của bạn.

Ngoại khoa

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ mô biểu bì bên trong chỗ hẹp, để lộ màng nhĩ và tái tạo lại ống tai bên ngoài. Không phải tất cả những người bị hẹp ống tai bên ngoài đều cần phải phẫu thuật. Cần xem xét các vấn đề học tập, sinh hoạt, công việc và xã hội để đưa ra quyết định cuối cùng.

hep-ong-tai-ben-ngoai-la-benh-gi 4.jpg
Thiết bị trợ thính là một cách giúp khuếch đại âm thanh giúp hỗ trợ vấn đề suy giảm thị lực

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp ống tai bên ngoài

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tái khám định kỳ đúng hẹn.
  • Cho trẻ vui chơi tự do, chú ý kiểm soát an toàn cho trẻ trong quá trình vui chơi.
  • Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ cho cả bạn và trẻ.
  • Giữ cho vùng tai luôn sạch, tránh nhiễm trùng.
  • Gia đình cần dành thời gian chia sẻ và lắng nghe con mình để có thể hiểu được tâm tư và những khó khăn của trẻ.
  • Giữ môi trường sống trong lành.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ ăn nào bắt buộc dành riêng cho người bị hẹp ống tai bên ngoài. Bạn có thể tham khảo một số lưu ý dưới đây:

  • Cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.
  • Không ăn kiêng bất kỳ thức ăn nào trừ phi bị dị ứng với thực phẩm đó.
  • Ưu tiên các thực phẩm lành mạnh, tránh thức ăn dầu mỡ, chiên xào.
  • Uống đầy đủ nước, ưu tiên nước lọc.

Phòng ngừa hẹp ống tai bên ngoài

Bạn không thể phòng ngừa hẹp ống tai bên ngoài. Chẩn đoán và điều trị sớm là cách hiệu quả nhất để kiểm soát các triệu chứng cho bạn. Một số điều các bà mẹ cần chú ý khi đang mang thai để phòng ngừa các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ:

  • Không sử dụng chất kích trong thời gian mang thai như rượu, bia, thuốc lá.
  • Không tự ý sử dụng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép và kê toa.
  • Khám thai định kỳ.
  • Tiêm vắc xin cần thiết cho quá trình mang thai.
  • Vệ sinh tai thường xuyên và đúng cách tránh nhiễm trùng.
  • Điều trị tốt các bệnh lý đi kèm như ung thư đầu cổ, viêm tai ngoài.
  • Phòng ngừa chấn thương vùng đầu mặt cổ.
Nguồn tham khảo
  1. Ear Canal Stenosis: https://kidshealth.org/en/parents/ear-canal-stenosis.html
  2. Ear canal stenosis and atresia: https://coastalearnoseandthroat.com/services/ear-surgery/ear-canal-stenosis-and-atresia/
  3. Atresia/Stenosis: https://www.denverear.com/conditions/atresia-stenosis/
  4. External Auditory Canal Atresia: https://emedicine.medscape.com/article/993857-overview
  5. Canalplasty: https://emedicine.medscape.com/article/2051269-overview

Các bệnh liên quan

  1. Tật tai nhỏ

  2. Nấm họng

  3. Papilloma thanh quản

  4. Rò luân nhĩ

  5. Polyp mũi

  6. Hắt hơi

  7. Viêm tai ngoài

  8. Vẹo vách ngăn mũi

  9. Viêm thanh quản

  10. Nghẹt mũi