Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm họng mạn tính: Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm họng dai dẳng, kéo dài trên một tuần, hoặc tái đi tái lại nhiều lần. Viêm họng kéo dài với nhiều triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng cuộc sống người bệnh. Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng liên quan để nhận biết sớm và điều trị dứt điểm, tránh để phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm họng mạn tính là gì? 

Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm họng kéo dài, khác với viêm họng cấp tính ở chỗ nó kéo dài hơn đáng kể và không đáp ứng với các phương pháp điều trị viêm họng cấp tính, viêm họng mãn tính thể hiện dưới 3 hình thức chính là: Xuất tiết, quá phát và teo. Các bệnh tích có thể thể lan tỏa hoặc khu trú.

Thể điển hình của viêm họng mạn tính là viêm họng mạn tính lan tỏa, viêm họng mạn tính khu trú gồm có viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm họng mạn tính

Triệu chứng chức năng:

  • Cảm giác khô họng, cay họng, ngứa họng, vướng họng, khó chịu hoặc đau cổ họng;

  • Ho, khạc đàm, đằng hắng;

  • Khàn tiếng;

  • Nuốt nghẹn;

  • Có thể đau đầu, sốt.

Triệu chứng thực thể:

Viêm họng xuất tiết:

  • Niêm mạc họng đỏ, ướt những hạt lổn nhổn ở thành sau họng, không có tia mạch máu chung.

  • Tiết nhầy chảy dọc theo thành họng.

Viêm họng quá phát:

  • Niêm mạc họng dày và đỏ.

  • Có nẹp giả ở trụ sau.

  • Rất nhạy cảm ở họng và dễ buồn nôn khi đè lưỡi.

Viêm họng teo:

  • Niêm mạc trở nên nhẵn, mỏng, trắng bệch có mạch máu nhỏ.

  • Tiết nhầy khô lại và biến thành vảy dính vào niêm mạc.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm họng mạn tính

Các biến chứng của viêm họng mạn tính (chủ yếu là viêm họng do vi khuẩn) có thể là:

  • Viêm tai giữa;

  • Viêm nắp thanh quản;

  • Viêm xương chũm;

  • Viêm phổi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm họng kéo dài mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Bệnh nhân cần đến gặp bác sỹ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng cách.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng mạn tính 

  • Do viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau;
  • Nhiễm trùng;
  • Viêm amidan mạn tính;
  • Hội chứng trào ngược;
  • Tắc mũi mạn tính do vẹo vách ngăn, quá phát cuốn, polyp mũi;
  • Do tiếp xúc với khói bụi, các chất kích thích như: Hơi hóa học, bụi vôi, bụi xi măng, thuốc lá, rượu,...
  • Cơ địa: Dị ứng, tạng tân, tạng khớp,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị bệnh viêm họng mạn tính?

  • Người bị viêm xoang, viêm amidan mạn tính.
  • Người có các bất thường mũi do vẹo vách ngăn mũi hoặc bị bệnh polyp mũi.
  • Người hay làm việc trong môi trường tiếp xúc với các chất kích thích đường hô hấp như: Hơi hóa học, bụi vôi, bụi xi măng,...
  • Người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu.
  • Người có cơ địa: Dị ứng, tạng tân, tạng khớp,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm họng mạn tính

Thời tiết thay đổi làm trầm trọng thêm tình trạng viêm xoang, viêm amidan mạn tính.

Người hay làm việc trong môi trường tiếp xúc với các chất kích thích đường hô hấp nhưng không có biện pháp bảo vệ thích hợp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm họng mạn tính

Chẩn đoán lâm sàng:

Triệu chứng toàn thân:

Cơ thể rất nghèo nàn. Thường hay có những đợt tái phát viêm họng cấp khi bị lạnh, cảm mạo, cúm,... thì lại xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau rát họng.

Triệu chứng cơ năng:

Điển hình nhất là viêm họng mạn tính lan tỏa. Cảm giác thường gặp nhất là khô họng, mắt đau, ngứa và vướng họng, những cảm giác này rõ nhất là vào buổi sáng sớm lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc dai dẳng để làm long đờm.

Nuốt có cảm giác vướng và đau. Tiếng có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Những bệnh nhân uống rượu, thuốc lá, hoặc nói nhiều thì triệu chứng trên tăng lên.

Nóng rát vùng ngực ở bệnh nhân có bệnh dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản.

Triệu chứng thực thể:

Tùy theo bệnh mà khám họng thấy có tổn thương khác nhau:

Viêm họng xuất tiết: Niêm mạc họng đỏ, có những hạt ở thành sau họng, tiết nhày dọc theo vách họng.

Viêm họng mạn tính quá phát: Niêm mạc họng đỏ bầm và dày lên. Thành sau họng có tổ chức bạch huyết phát triển làm cho niêm mạc họng gồ lên thành từng đám xơ hóa to nhỏ không đều, màu hồng hoặc đỏ. Tổ chức bạch huyết quá phát, có khi tập trung thành 1 dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amidan trông như một trụ sau thứ hai, gọi là “trụ giả”. Loại này còn gọi là viêm họng hạt.

Viêm họng teo: Sau giai đoạn quá phát sẽ chuyển sang thể teo. Các tuyến nhày và nang tổ chức tân xơ hóa. Hai trụ giả phía sau amidan mất đi. Các hạt ở thành sau cũng biến mất. Màn hầu và lưỡi gà cũng mỏng đi. Niêm mạc trở nên nhẵn, mỏng, trắng và có mạch máu nhỏ. Eo họng giãn rộng, ít tiết nhày và họng trở nên khô.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Huyết học: Xét nghiệm công thức máu, máu lắng;

  • X-quang: Phổi thẳng, Blondeau, Hirtz,…

  • Xác định hội chứng trào ngược: Nội soi thực quản dạ dày.

Chẩn đoán xác định:

  • Rối loạn cảm giác: Ngứa, rát họng;
  • Khám họng niêm mạc dày, xuất tiết, có hạt, hoặc niêm mạc teo.

Phân loại:

  • Viêm họng quá phát;

  • Viêm họng xơ tao;

  • Viêm họng do các bệnh khác: Mũi xoang, hội chứng trào ngược, bệnh phổi,…

Chẩn đoán phân biệt:

Loạn cảm họng: Bệnh nhân cảm giác nuốt vướng, lập lờ, nghèn nghẹn mơ hồ không rõ vị trí, hoặc lúc thì ở vùng này, lúc thì vùng khác. Cảm giác đó xuất hiện khi nuốt nước bọt, nhưng khi nuốt thức ăn thì không vướng. Khám miệng và họng không thấy dấu hiệu bệnh lý.

Phương pháp điều trị bệnh viêm họng mạn tính hiệu quả

Nguyên tắc điều trị: Chủ yếu là điều trị tại chỗ và điều trị triệu chứng, kết hợp điều trị các nguyên nhân bệnh lý toàn thân khi nghĩ tới.

Điều trị nguyên nhân:

  • Điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA.

  • Điều trị hội chứng trào ngược: Thuốc kháng H+ (omeprazol, lansopraol,…), thuốc kháng H2 (cimetidin, ranitidin,…), kháng dopamin (domperidon,…).

  • Giảm bớt các kích thích như thuốc lá, uống rượu.

  • Tổ chức phòng hộ lao động tốt, đảm bào đeo khẩu trang khi lao động.

Điều trị tại chỗ:

  • Thể viêm họng xuất tiết: Bôi, súc họng các thuốc làm se niêm mạc, kiềm tính, giảm viêm, giảm đau: Glycerin iod, SMC,…

  • Thể viêm họng teo: Bôi họng, súc họng bằng các thuốc (loại có iod loãng, thuốc dầu) hoặc bằng nước khoáng.

  • Khí dung họng: Các dung dịch giảm viêm.

  • Nhỏ mũi, rửa mũi: Bằng nước muối sinh lý, nước biển sâu,…

Điều trị triệu chứng:

  • Thuốc làm lỏng chất nhày như: Bromhexin, acetylcystein,…

  • Thuốc kháng viêm: Alphachymotrypsin, lysozym,…

  • Thuốc chống dị ứng: Các thuốc kháng histamin như cetirizin, clopheniramin,…

  • Thuốc giảm ho: Thảo dược.

Điều trị toàn thân: 

  • Thay đổi thể trạng: Điều trị thay đổi lối sống, môi trường sinh hoạt, làm việc nếu có thể.

  • Uống vitamin A, C, D.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm họng mạn tính

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên.

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hoá như cháo, súp,…
  • Ăn nhiều rau củ chất xơ, nhiều trái cây chứa vitamin C.
  • Hạn chế thức ăn cay nóng, chiên xào, nhiều dầu mỡ.

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm họng mạn tính hiệu quả

  • Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch.
  • Phòng hộ lao động tốt.
  • Bỏ thuốc lá và rượu.
  • Vệ sinh răng miệng tốt.
  • Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em.
  • Điều trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan.
Nguồn tham khảo
  1. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh tai mũi họng” – Bộ y tế (Ban hành kèm quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế)     

  2. Phác đồ điều trị ngoài trú bệnh Tai Mũi Họng: https://kcb.vn/wp-content/uploads/2016/06/HD%C4%90T-TMH.pdf       

  3. https://ada.com/conditions/chronic-pharyngitis/ 

  4. https://www.medscape.com/answers/764304-42755/what-are-complications-of-pharyngitis-sore-throat 

Các bệnh liên quan

  1. Chấn thương thanh quản

  2. Viêm khớp cổ

  3. Đau nhức toàn thân

  4. Bướu giáp nhân

  5. U nang giáp móng

  6. Bướu giáp keo

  7. Viêm họng cấp

  8. Viêm họng do liên cầu

  9. Paget xương

  10. Viêm tuyến giáp Hashimoto