Long Châu

Ung thư amidan: Khó nuốt, đau, khó phát âm

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư amidan là dạng phổ biến nhất trong các loại ung thư vùng hầu họng. Tỷ lệ mắc bệnh này đang tăng mạnh do tỷ lệ nhiễm ung thư do virus u nhú ở người (HPV) ngày càng phổ biến. Ung thư amidan có thể được điều trị bằng cả phương pháp phẫu thuật và hoá xạ trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư amidan là gì? 

Ung thư amidan là một loại ung thư thuộc vùng tại mũi họng. Trước đây thì loại ung thư này thường rất hiếm gặp, tuy nhiên hiện nay do tỷ lệ nhiễm HPV tăng mạnh nên ung thư amidan cũng trở nên khá phổ biến và thường gặp ở những người trên 30 tuổi.

Bệnh nhân mắc ung thư amidan đa phần được phát hiện ở những giai đoạn muộn, vì vậy việc điều trị thường gặp rất nhiều khó khăn.

Phân loại ung thư amidan theo hệ thống TNM

Khối u nguyên phát (Tumor - T)

  • T1: Khối u từ 2 cm trở xuống;
  • T2: Khối u trên 2 cm nhưng dưới 4cm;
  • T3: Khối u lớn hơn 4 cm hoặc mở rộng ra bề mặt lưỡi của nắp thanh quản.

Khối u âm tính với HPV type 16

  • T4a: Khối u xâm lấn thanh quản, cơ sâu/ nông của lưỡi, mộng thịt giữa, vòm miệng hoặc hàm dưới.
  • T4b: Khối u xâm lấn cơ mộng thịt bên, các mảng mộng thịt, vòm họng bên, nền sọ hoặc bao bọc động mạch cảnh.

Khối u dương tính với HPV type 16

  • T4: Thanh quản, cơ sâu/nông của lưỡi, mộng thịt giữa, khẩu cái, cơ hàm dưới, cơ mộng thịt bên, mảng mộng thịt, vòm họng bên, nền sọ hoặc bao bọc động mạch cảnh.

Hạch lympho vùng (Nodes - N) và âm tính HPV type 16

  • N0: Không có di căn hạch vùng;
  • N1: Hạch một bên nhỏ hơn 3 cm;
  • N2a: Một hạch hai bên lớn hơn 3 cm nhưng nhỏ hơn 6 cm;
  • N2b: Nhiều hạch hai bên nhỏ hơn 6 cm;
  • N2c: Các hạch hai bên và hạch bên dưới 6cm;
  • N3a: Một hạch lớn hơn 6 cm;
  • N3b: Một hoặc nhiều hạch với kích thước chênh lệch nhiều.

Hạch lympho vùng (Nodes - N) và dương tính HPV type 16

  • N0: Không có di căn hạch vùng;
  • N1: Các hạch đơn đều nhỏ hơn 6 cm;
  • N2: Tất cả các hạch một bên hoặc hai bên đều nhỏ hơn 6 cm;
  • N3: Di căn lớn hơn 6 cm.

Di căn xa (Metastasis - M)

  • M0: Không có di căn xa.
  • M1: Di căn xa.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư amidan

Giai đoạn đầu

  • Khó nuốt: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh. Cổ họng bắt đầu xuất hiện các khối u gây vướng víu và khó chịu cho người bệnh.
  • Đau: Amidan bị sưng tấy gây đau khi va chạm với thức ăn và ngay cả khi nuốt nước bọt. Cảm giác đau tăng dần theo thời gian, có thể lan rộng đến vùng mang tai và đỉnh đầu.
  • Khó phát âm: Khi những cơn đau bắt đầu xuất hiện, bệnh nhân đồng thời cũng gặp khó khăn trong lúc phát âm và thường nhầm lẫn với tình trạng viêm họng.
  • Chảy máu: Một số bệnh nhân chỉ cần ho hoặc khạc nhẹ cũng có thể ra máu và tần suất xuất hiện tăng dần.

Giai đoạn cuối

Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư từ amidan đã di căn sang các cơ quan lân cận như lưỡi, hầu họng, phổi... dẫn đến biểu hiện bệnh rõ rệt và trầm trọng hơn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư amidan

Ung thư amidan nếu không được điều trị sẽ phát triển dần dần và xâm lấn vào các vùng xung quanh như lưỡi, hầu họng, phổi...

Nghiên trọng hơn, các tế bào ung thư di căn đến nền sọ và các mô đốt sống có thể cản trở các dây thần kinh, gây ra hội chứng Horner, liệt các đám rối thần kinh cánh tay và dây thần kinh phrenic. Sự tắc nghẽn của động mạch cảnh có thể gây ra chảy máu động mạch cảnh ồ ạt đe dọa tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư amidan

Thuốc lá

Ngoài ung thư amidan, hút thuốc lá còn tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác như ung thư vòm họng, ung thư dạ dày và đặc biệt là ung thư phổi. Không chỉ người hút thuốc mới mắc ung thư mà ngay cả những người xung quanh, phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc cũng có nguy cơ rất cao.

Bia rượu

Lạm dụng rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác gây tác động xấu đến niêm mạc vùng hầu họng và làm tăng nguy cơ mắc ung thư amidan

Nhiễm virus gây u nhú - Human papillomavirus (HPV)

Virus HPV type 2, 11, 16 là ba chủng virus u nhú ở người thường gây bệnh ung thư amidan, đặc biệt là type 16.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Ung thư amidan?

Ung thư amidan có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.

Những người được chỉ định giới tính là nam sau khi sinh (AMAB) có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 3 - 4 lần so với những người được chỉ định giới tính là nữ sau khi sinh (AFAB).

Ngoài ra, tỷ lệ người da trắng bị chẩn đoán ung thư amidan cũng cao hơn một chút so với người da đen.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Ung thư amidan

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Ung thư amidan, bao gồm:

  • Thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động.
  • Lạm dụng bia rượu và thức uống có cồn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư amidan

Lâm sàng

Soi họng và dùng tay sờ để xác định vị trí khối u cũng như độ lan rộng của tình trạng bệnh.

Kiểm tra hạch dưới cổ góc hàm để biết số lượng, vị trí, kích thước và hạch có di động hay không.

Chẩn đoán hình ảnh

Tất cả các trường hợp mắc ung thư amidan cần được chụp cắt lớp MRI hoặc CT trước khi điều trị, để xác định khối u và mức độ lây lan. CT hiện là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được lựa chọn để phân loại tất cả các bệnh ung thư đầu cổ và nên thực hiện chụp từ nền sọ đến cơ hoành để tìm bệnh phổi và các bệnh khác có thể đồng mắc.

PET-CT cũng có thể được sử dụng trong ung thư amidan như một phương tiện giúp chẩn đoán và phân giai đoạn ung thư khó phát hiện và giám sát sau điều trị. Tuy nhiên, nó bị hạn chế do có thể phát hiện dương tính giả ở vùng amidan hai bên, đáy lưỡi và vòng Waldeyer mà không có sự hiện diện của khối u ác tính.

Nội soi 

Tất cả các trường hợp nghi ngờ ung thư amidan đều được khuyến cáo nên nội soi đánh giá và sinh thiết mô bệnh, lập kế hoạch can thiệp phẫu thuật và loại trừ khối u ác tính thứ phát trong đường thở trên và thực quản. Sinh thiết FNA chỉ định cho những người không thích hợp để phẫu thuật; tuy nhiên, độ tin cậy của xét nghiệm HPV trong các mẫu tế bào học vẫn còn nghi ngờ. 

Chẩn đoán phân biệt ung thư amidan với các bệnh khác, bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy;
  • Lymphoma;
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ;
  • Ung thư biểu mô tế bào Merkel;
  • Một số di căn hiếm gặp như: Ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư biểu mô tuyến trực tràng, ung thư phổi tế bào nhỏ.

Phương pháp điều trị Ung thư amidan hiệu quả

Phương pháp điều trị chính bao gồm: xạ trị, hoá trị, phẫu thuật và kết hợp các phương pháp này.

Giai đoạn T1, T2, N0-1

Lựa chọn một trong ba phương pháp sau:

  • (1) Xạ trị;
  • (2) Phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát, có/ không cắt bỏ hạch bạch huyết một hoặc cả hai bên cổ;
  • (3) Xạ trị kết hợp hóa trị liệu.

Giai đoạn T3, T4a, N0-1

Lựa chọn điều trị:

  • Hóa trị kết hợp xạ trị;
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u và các hạch bạch huyết từ cổ, sau đó hóa trị hoặc xạ trị tùy thuộc vào bệnh lý;
  • Hóa trị cảm ứng nếu bệnh nhân đủ điều kiện, sau đó hóa trị chủ đạo kết hợp xạ trị;
  • Hóa trị cảm ứng nếu bệnh nhân đủ điều kiện, sau đó xạ trị chủ đạo kết hợp với hóa trị.

Giai đoạn khối u đã lan ra nhiều hạch bạch huyết (bất kỳ giai đoạn nào, N2-3)

Lựa chọn điều trị

  • Hóa trị cùng với xạ trị;
  • Hóa trị cảm ứng, tiếp theo là xạ trị;
  • Hóa trị cảm ứng, tiếp theo là tăng cường hóa trị kết hợp xạ trị;
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u và các hạch bạch huyết từ cổ, sau đó hóa trị hoặc xạ trị tùy thuộc vào bệnh lý.

Giai đoạn muộn (T4b, mọi N)

Trong trường hợp bệnh nhân đủ sức khoẻ để tiến hành xạ trị, hoá trị hay phẫu thuật thì thường sẽ tập trung vào làm giảm thiểu đau đớn và các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân mà không quan tâm đến hiệu quả điều trị.

Lưu ý

Sau khi xạ trị hoặc hóa trị mà vẫn còn sót tế bào ung thư thì cần được thực hiện phẫu thuật để loại bỏ tất cả.

Sau khi phẫu thuật cần phân tích mô bệnh học để xác định mức độ ác tính, xem có cần điều trị thêm không. 

Cân nhắc kết hợp xạ trị, hóa trị liệu hoặc phẫu thuật bổ sung nếu gặp các trường hợp:

  • Ung thư lan ra ngoài hạch;
  • Ung thư ở rìa phần mô bị cắt bỏ;
  • Ung thư lan rộng hơn dự đoán trước khi phẫu thuật;
  • Ung thư xâm lấn đáy chậu;
  • Xuất hiện khối u bên trong tĩnh mạch.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư amidan

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, từ bỏ thói quan hút thuốc lá và uống rượu bia.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
  • Thường xuyên vận động và tập thể dục với cường độ phù hợp với sức khoẻ của bản thân.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bệnh nhân bị ung thư amidan nên ăn thức ăn lỏng, mềm và dễ nuốt. Tránh thức ăn cứng, quá cay, quá nóng gây khó nuốt và kích thích amidan gây đau.
  • Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để có đủ sức khoẻ và có thể tiến hành liệu trình điều trị.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau củ, trái cây tươi... giúp tăng sức đề kháng và khả năng miễn dịch.

Phương pháp phòng ngừa ung thư amidan hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giảm thiểu và dần dần từ bỏ thói quen hút thuốc lá hoặc cần sa. 
  • Tránh ở gần những người hút thuốc và ở những nơi thường hút thuốc vì khói thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư ở đầu cổ.
  • Không quan hệ tình dục bừa bãi. Sử dụng bao cao su không hoàn toàn bảo vệ khỏi HPV vì HPV cũng có thể lây lan khi quan hệ tình dục bằng miệng.
  • Tiêm vaccine phòng ngừa nhiễm HPV, đặc biệt là type 16.
  • Gặp bác sĩ và nha sĩ định kỳ để kiểm tra sức khỏe răng miệng, có thể giúp phát hiện sớm ung thư amidan.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537238/
  2. http://benhvienungbuouthanhhoa.vn/
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21931-tonsil-cancer
  4. https://www.healthline.com/health/tonsil-cancer

Các bệnh liên quan

  1. Viêm họng do liên cầu

  2. Viêm họng cấp

  3. Bướu giáp lan tỏa

  4. Paget xương

  5. Đau nhức toàn thân

  6. Suy cận giáp

  7. Viêm tuyến giáp Hashimoto

  8. Đau cổ vai gáy

  9. Hạt xơ dây thanh quản

  10. Viêm khớp cổ