Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bướu giáp lan tỏa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bướu giáp lan tỏa mô tả về hình thái học tuyến giáp, là một tình trạng tăng sản của toàn bộ tuyến giáp. Bướu giáp lan tỏa có hai loại là nhiễm độc và không nhiễm độc, cùng theo dõi bài viết để có thể hiểu rõ thêm về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bướu giáp lan tỏa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bướu giáp lan tỏa là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ, có hình dạng con bướm, nằm ở cổ của bạn. Tuyến giáp có chức năng sản xuất ra hormon thyroxin (còn gọi là T4) và triiodothyronine (còn gọi là T3). Các hormon này đóng vai trò trong một số chức năng của cơ thể, bao gồm:

  • Quá trình trao đổi chất;
  • Thân nhiệt;
  • Tâm trạng và sự dễ bị kích động;
  • Mạch và nhịp tim;
  • Tiêu hóa.

Bướu giáp là sự phì đại về mặt giải phẫu của tuyến giáp, có thể có hoặc không có liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp kèm theo. Bướu giáp lan tỏa được định nghĩa là tình trạng phì đại lan tỏa của toàn bộ tuyến giáp, trong bài viết này đề cập đến hai vấn đề bao gồm:

  • Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc (Simple diffuse goiter hay Nontoxic diffuse goiter): Đây là tình trạng tuyến giáp phì đại mà không có rối loạn chức năng của tuyến giáp, nó không phải là viêm hay tân sinh. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bướu giáp lan tỏa không độc là sự bất thường trong việc cung cấp i-ốt hoặc chuyển hóa.
  • Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc (Toxic diffuse goiter): Được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp tăng sản lan tỏa kèm với sản xuất quá mức các hormon tuyến giáp. Trong đó, bệnh Graves (hay Basedow) và bệnh Hashimoto là những bệnh bướu giáp lan tỏa nhiễm độc thường gặp nhất trên lâm sàng (tại Mỹ).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu giáp lan tỏa

Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc

Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc hầu hết sẽ không có triệu chứng. Người bệnh hoặc người khác có thể vô tình phát hiện tình trạng sưng lên ở cổ, có cảm giác trơn nhẵn khi chạm vào.

Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc

Đối với bướu giáp lan tỏa nhiễm độc, các triệu chứng bao gồm:

Tình trạng cường giáp

Người bệnh gặp các triệu chứng của tình trạng cường giáp do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp, bao gồm:

  • Sụt cân;
  • Không dung nạp nhiệt (khát nhiều, đổ mồ hôi);
  • Run
  • Hồi hộp;
  • Lo lắng;
  • Mệt mỏi;
  • Đánh trống ngực;
  • Khó thở;
  • Đại tiện hoặc tiểu tiện thường xuyên;
  • Buồn nôn, nôn.

Bướu giáp to chèn ép

Tương tự như ở bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc. Nếu bướu giáp quá to có thể dẫn đến chèn ép ở khu vực cổ. Người bệnh có cảm giác sưng hay có khối u ở cổ, khó nuốt, khó thở.

Bệnh Graves

Nếu người bệnh mắc bệnh Graves, có thể có các triệu chứng khác kèm theo như:

  • Bệnh ở mắt: Lồi mắt, nhìn đôi, phù quanh ổ mắt, chảy nước mắt nhiều.
  • Bệnh ở da: Biểu hiện bằng sắc tố da hơi dày, đặc biệt ở vùng trước xương chày.
  • Bệnh ở hệ thống sinh sản: Những bất thường ở hệ thống sinh sản thường gặp nhất là kinh nguyệt không đều.
Bướu giáp lan tỏa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Bệnh Graves (hay còn gọi là Basedow) có thể gây ra các tình trạng như lồi mắt, phù quanh ổ mắt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bướu giáp lan tỏa

Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc có thể dẫn đến các dấu hiệu và biến chứng nếu nó trở nên quá lớn gây chèn ép, ví dụ như:

  • Khó nuốt;
  • Khó thở;
  • Khàn giọng;
  • Xung huyết vùng mặt và khó chịu.

Biến chứng liên quan đến phẫu thuật điều trị bướu giáp lan tỏa gồm chấn thương dây thần kinh thanh quản và suy tuyến cận giáp.

Biến chứng của bướu giáp lan tỏa nhiễm độc cũng tương tự như bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc. Tuy nhiên, có kèm theo biến chứng khác như:

  • Cường giáp hoặc bão giáp do dư thừa hormone giáp.
  • Rối loạn nhịp tim và suy tim sung huyết;
  • Bệnh lý gan hiếm gặp bao gồm xơ gan;
  • Bệnh da liễu chủ yếu liên quan đến bệnh Graves;
  • Bệnh mắt Graves;
  • Tình trạng nhiễm độc giáp đó là có thể gây dày tâm thất, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp các triệu chứng hay các biến chứng của tình trạng bướu giáp lan tỏa, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Nếu bạn vô tình phát hiện bị sưng hay khối u ở cổ mà không có bất kỳ triệu chứng nào kèm theo, bạn cũng nên đến khám để có thể biết được bản chất của tình trạng trên. Điều quan trọng là phải biết được nguyên nhân, loại trừ các trường hợp ác tính và có những điều trị phù hợp cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp lan tỏa

Tùy vào loại bướu giáp lan tỏa là nhiễm độc hay không mà nguyên nhân dẫn đến sẽ khác nhau.

Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc

Bướu giáp lan tỏa không độc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân:

  • Bướu cổ sinh lý (dậy thì, mang thai);
  • Thiếu i-ốt;
  • Sự phát triển bất thường về hình dạng (Dysmorphogenesis);
  • Goitrogens (có trong bắp cải, thuốc trị bướu cổ như acid para-aminosalicylic);
  • Tiếp xúc với bức xạ;
  • Sự giải phóng TSH từ tuyến yên;
  • Tự miễn dịch;
  • Nhiễm trùng;
  • Bệnh u hạt.

Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc

Các nguyên nhân chung của phát triển bướu giáp bao gồm: Thiếu i-ốt, rối loạn tự miễn dịch, hút thuốc, di truyền, các loại thuốc (như lithium, iodides, interferon-alpha…), xạ trị, viêm và nhiễm trùng.

Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất của bướu giáp lan tỏa nhiễm độc là bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh cường giáp ở Mỹ và trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 1 trên 200 người.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bướu giáp lan tỏa?

I-ốt có trong đất và được thức ăn hấp thụ i-ốt từ đất. Ở vùng núi và môi trường mưa, i-ốt bị cuốn trôi khỏi đất và đất có thể bị thiếu i-ốt. Điều này giải thích cho lý do vì sao các cư dân ở khu vực này có nguy cơ mắc bướu giáp cao hơn. Đối với bướu giáp lan tỏa nhiễm độc, mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nó thường ảnh hưởng đến người từ 30 đến 50 tuổi, tỷ lệ ở nữ cao gấp 7 cho đến 10 lần so với nam.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp lan tỏa

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp nói chung có thể bao gồm:

  • Béo phì;
  • Tình trạng đề kháng insulin;
  • Hội chứng chuyển hóa;
  • Tiếp xúc với bức xạ ở vùng đầu cổ;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
Bướu giáp lan tỏa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bướu giáp cao hơn

Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc

Các yếu tố nguy cơ tập trung vào chế độ dinh dưỡng thiếu hụt i-ốt, ví dụ như:

  • Sinh sống ở khu vực đồi núi cao, có mưa nhiều.
  • Tỷ lệ mắc bướu giáp tăng lên với mức độ thiếu i-ốt.
  • Tình trạng kinh tế xã hội thấp có liên quan đến việc giảm lượng i-ốt.

Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc

Yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến giới tính, với tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn 7 đến 10 lần so với nam. Yếu tố gia đình cũng có liên quan khi tỷ lệ mắc bệnh trong gia đình cũng tăng lên rõ rệt.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bướu giáp lan tỏa

Chẩn đoán bướu giáp lan tỏa bao gồm việc bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám tuyến giáp của bạn. Bác sĩ cũng có thể khám các phần khác như:

  • Cân nặng để đánh giá tình trạng sụt cân.
  • Khám đầu, mắt, tai để phát hiện các bất thường như lồi mắt, phù quanh ổ mắt.
  • Khám hệ tim mạch để phát hiện các bất thường về nhịp tim.
  • Khám thần kinh cơ kiểm tra tình trạng run, yếu cơ, tăng phản xạ.
  • Khám hệ hô hấp phát hiện khó thở hay thở nhanh.
  • Khám da và tứ chi để kiểm tra độ ẩm, ra mồ hôi, phù niêm.
Bướu giáp lan tỏa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám tuyến giáp và các bộ phận khác để đưa ra chẩn đoán

Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ T3, T4, TSH.
  • Siêu âm tuyến giáp.
  • Xét nghiệm TRAb đánh giá bệnh Graves.
  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể được thực hiện.
  • Các hình ảnh học như X-quang, CT scan và MRI cũng có thể được thực hiện.

Phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa

Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên không cần điều trị và theo dõi. Một số có thể đáp ứng với liệu pháp levothyroxin nhưng cần theo dõi chặt chẽ người bệnh. Phẫu thuật cắt tuyến giáp là phương pháp điều trị chính, được chỉ định khi bướu giáp lan tỏa không độc gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng.

Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc có thể được điều trị bằng các phương pháp sau, bao gồm:

  • Thuốc kháng giáp: Lựa chọn thuốc kháng giáp bao gồm propylthiouracil, methimazole và carbimazole. Hạn chế của việc điều trị thuốc kháng giáp là nguy cơ tái phát bệnh, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau khi ngưng điều trị. Các tác dụng phụ nhưng hiếm gặp chủ yếu của thuốc kháng giáp là mất bạch cầu hạt, nhiễm độc gan và viêm mạch.
  • Liệu pháp i-ốt phóng xạ: Là hình thức điều trị rất an toàn và hiệu quả. Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm nguy cơ phát triển suy giáp và hiếm khi xuất hiện cường giáp thoáng qua do bức xạ. Người bệnh phải được tư vấn về việc theo dõi suốt đời bệnh tái phát và tình trạng suy giáp để điều trị kịp thời.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt tuyến giáp là hình thức điều trị thành công nhất của bướu giáp lan tỏa nhiễm độc. Do các tác dụng phụ liên quan đến sử dụng thuốc gây mê toàn thân, liệt dây thanh, biến chứng mạch máu và suy giáp nên phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn điều trị cuối cùng. Phẫu thuật được ưu tiên sử dụng ở người bệnh không thể dung nạp thuốc kháng giáp hoặc liệu pháp i-ốt phóng xạ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bướu giáp lan tỏa

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của bệnh bướu giáp lan tỏa, điều quan trọng là bạn phải theo dõi các triệu chứng, đến khám sớm để có thể được điều trị, hạn chế các biến chứng của tình trạng bướu giáp lan tỏa. Sau khi điều trị, bạn nên tái khám theo dõi định kỳ vì các lý do sau:

  • Bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc: Hầu hết bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc là lành tính, có tiên lượng tốt và chỉ gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên một số có thể trở thành ác tính, do đó cần phải tái khám theo dõi suốt đời. Ở những đối tượng bị chèn ép đã phẫu thuật cắt bỏ, theo dõi tình trạng suy giáp trong 3 đến 4 tháng sau điều trị.
  • Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc: Theo diễn tiến tự nhiên của bệnh bất kể điều trị hay không, người bệnh bướu giáp lan tỏa nhiễm độc, đặc biệt là bệnh Graves đều sẽ bị suy giáp. Do đó, hãy chú ý việc sử dụng thuốc (ví dụ như bổ sung hormon giáp) theo chỉ định của bác sĩ. Bạn có thể cần bổ sung hormon giáp suốt đợi sau điều trị bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ, hãy chú ý tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể theo dõi và kê đơn thuốc cho bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng nên tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt nếu bạn đang điều trị bướu giáp lan tỏa nhiễm độc bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ, bạn phải ngừng tất cả các loại thuốc có chứa i-ốt và một chế độ ăn hạn chế i-ốt để đảm bảo cho việc điều trị.

Bướu giáp lan tỏa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Chế độ ăn hạn chế i-ốt là cần thiết nếu bạn đang được điều trị với liệu pháp i-ốt phóng xạ

Phương pháp phòng ngừa bướu giáp lan tỏa hiệu quả

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bướu giáp lan tỏa là không thể phòng ngừa được, ví dụ như các yếu tố gia đình. Một số khác có thể ngăn ngừa như khắc phục tình trạng thiếu i-ốt có thể giúp phòng ngừa bướu giáp lan tỏa không nhiễm độc.

Nguồn tham khảo
  1. Diffuse Toxic Goiter: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557859/
  2. Nontoxic Goiter: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482274/
  3. Goiter: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12625-goiter
  4. Simple Nontoxic Goiter: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12625-goiter
  5. Goiter: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/goiter 

Các bệnh liên quan

  1. Đau cổ

  2. Viêm tuyến giáp Hashimoto

  3. Suy giáp

  4. Basedow

  5. Hạt xơ dây thanh quản

  6. Bướu giáp keo

  7. Papilloma thanh quản

  8. Ung thư amidan

  9. Viêm họng mạn tính

  10. Viêm họng