Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tằng hắng là gì? Những nguyên nhân gây nên tằng hắng

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người vốn nghĩ rằng tằng hắng là một hành động bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên đi khám bác sĩ ngay vì rất có thể đó là dấu hiệu bạn đang mắc một căn bệnh nào đó. Tìm hiểu ngay tằng hắng là gì và những nguyên nhân gây nên triệu chứng này qua bài viết dưới đây.

Khi cảm thấy vướng vướng gì ở cổ hoặc muốn gây chú ý với người khác, chúng ta có xu hướng tằng hắng. Vậy bạn đã hiểu rõ tằng hắng là gì mà sao hầu hết chúng ta đều vô tình hay cố ý thực hiện? Cùng tìm hiểu ngay nhé.

Tằng hắng là gì?

Hắng giọng hay tằng hắng là âm thanh được phát ra từ cổ họng. Ngoài ra còn là hành động bạn thường làm khi cảm thấy khó chịu, ngứa cổ họng. Điều này có thể là do có chất nhầy trong cổ họng hoặc vướng cổ họng. Tằng hắng được hiểu là âm thanh được phát ra từ cổ họng. Hầu hết chúng ta đều thực hiện hành động này một cách vô ý hoặc thi thoảng làm khi muốn thu hút sự chú ý từ người khác. Tuy nhiên, nếu không dừng lại được việc tằng hắng thì có thể đó chính là dấu hiệu bạn đang mắc một căn bệnh nào đó.

Tằng hắng là gì? Những nguyên nhân gây nên tằng hắng 2
Tằng hắng là gì là thắc mắc của nhiều người

Những nguyên nhân khiến bạn bị tằng hắng kéo dài

Viêm họng hạt, viêm amidan mãn tính

Đây là hai bệnh phổ biến nhất gây nên tình trạng tằng hắng thường xuyên. Khi bị amidan mãn tính, hốc amidan sẽ sưng to, có nhiều mủ, gây khó chịu ở cổ họng. Viêm họng hạt sẽ có những hạt nhỏ li ti màu đỏ, hoặc hồng nhạt trong cổ họng, gây đau rát. Chính vì vậy, khi mắc phải hai bệnh này, người bệnh thường phải tằng hắng nhiều lần để giảm bớt sự ngứa ngáy, khó chịu ở cổ họng.

Trào ngược thanh quản

Khi mắc chứng trào ngược thanh quản, các chất dịch từ dạ dày sẽ trào ngược lên cổ họng khiến bạn phải tằng hắng để giảm bớt sự khó chịu nơi cổ họng. Khi nuốt, thức ăn sẽ di chuyển theo một chiều từ họng qua thực quản rồi tới dạ dày. Giữa thực quản và dạ dày có cơ thắt thực quản. Nếu cơ này hoạt động không tốt, dịch thức ăn có chứa acid sẽ bị trào ngược lên cổ họng.

Để điều trị chứng trào ngược thanh quản có thể phải phẫu thuật nếu như bị trào ngược nghiêm trọng; nếu không nghiêm trọng bạn có thể dùng thuốc đồng thời thay đổi lối sống, như: Không nằm ngay sau khi ăn uống; nâng cao đầu hơn thân người khoảng 30 độ khi ngủ; tránh các thực phẩm có chứa cafein, chất cay, chất béo và rượu; kiểm soát cân nặng và giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng quá mức.

Chảy dịch mũi sau

Khi bị viêm mũi xoang, các chất nhầy sẽ tích tụ ở các xoang, họng và mũi. Lượng chất nhầy sẽ ngày càng nhiều hơn và chảy xuống phía sau cổ họng, gọi là chảy dịch mũi sau. Khi đó người bệnh sẽ phải tằng hắng nhiều lần để cố đẩy chất nhầy ra ngoài.

Chảy dịch mũi sau có thể do các nguyên nhân như nhiễm virus, lệch vách ngăn mũi, cảm lạnh, ăn quá cay hay tác dụng phụ của thuốc,… Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có hướng điều trị khác nhau.

Viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân gây tằng hắng là gì? Chính là do viêm mũi dị ứng, là tình trạng mũi bị viêm nhiễm không phải do vi khuẩn hay virus mà do các tác nhân gây dị ứng có trong môi trường sống như: Bụi, phấn hoa, lông động vật, mùi hóa chất, bướm,… Khi xuất hiện các tác nhân dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng tức khắc, dẫn đến tiết dịch mũi xoang, gây tằng hắng liên tục. Người bệnh cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Tằng hắng là gì? Những nguyên nhân gây nên tằng hắng 3
Viêm mũi dị ứng có thể gây ra tằng hắng

Dị ứng với thức ăn

Các tác nhân gây dị ứng rất đa dạng, trong đó có cả thực phẩm. Khi ăn phải loại thực phẩm gây dị ứng sẽ xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, sưng đường hô hấp, tạo ra cảm giác khó chịu, buộc người bệnh phải tằng hắng. Trường hợp này, người bệnh phải ghi nhớ loại thực phẩm mà cơ thể mình dị ứng để tránh không dùng sau này.

Tác dụng phụ của thuốc

Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin là một trong những nhóm thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp phổ biến, với các tên thương mại là Captopril, Enalapril, Lisinopril,… Tuy vậy, tác dụng phụ của nhóm thuốc này lại gây nên tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi, khiến người bệnh phải tằng hắng liên tục. Trường hợp này, người bệnh phải báo với bác sĩ điều trị để được đổi loại thuốc khác, phù hợp hơn.

Túi thừa Zenker

Đây là tình trạng thực quản có một túi bất thường, không cho thức ăn đến dạ dày. Túi này gọi là túi thừa Zenker, thường ở mặt sau hầu họng, ngay chỗ nối thực quản với hầu. Các chất trong túi Zenker và chất nhầy không đến dạ dày được, có thể bị mắc kẹt trong cổ họng cũng khiến người bệnh phải tằng hắng liên tục.

Hội chứng Tourette

Hội chứng Tourette là một dạng rối loạn thần kinh làm bệnh nhân co giật, có thể co giật ở mặt, bàn tay, bàn chân hay bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể, ảnh hưởng đến thanh quản, bộc phát qua giọng nói cùng với chứng tằng hắng. Các triệu chứng thường gặp trong hội chứng Tourette: Ho khan, tằng hắng, chớp mắt, khịt mũi, lắc hoặc giật đầu, càu nhàu, hay lặp lại các từ hoặc cụm từ,… Rất may, hội chứng Tourette không ảnh hưởng xấu tới trí thông minh hay làm giảm tuổi thọ của người mắc bệnh.

Tằng hắng là gì? Những nguyên nhân gây nên tằng hắng 4
Mắc hội chứng Tourette có thể khiến bạn bị tằng hắng

Rối loạn Tics

Nguyên nhân gây ra tằng hắng là gì? Rất có thể bạn đã mắc tình trạng rối loạn Tics. Đây là một dạng rối loạn vận động mãn tính, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Có 2 dạng rối loạn Tics. Tics vận động và Tics âm thanh. Trong đó, tằng hắng là một trong các triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn Tics âm thanh, bên cạnh các triệu chứng khác như thở dài, ho, lẩm bẩm, tặc lưỡi, la hét,...

Hội chứng Tics thường xảy ra trước 18 tuổi và kéo dài trong khoảng 4 - 6 năm, thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Nguyên nhân rối loạn Tics còn chưa được hiểu biết rõ ràng, nhưng có xu hướng di truyền.

Rối loạn tâm thần kinh tự miễn ở trẻ em do liên cầu (PANDAS)

Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc sốt ban đỏ ở trẻ em có thể để lại di chứng là xuất hiện đột ngột tình trạng rối loạn PANDAS. Triệu chứng chính của rối loạn này là tằng hắng, rối loạn Tics vận động, ủ rũ, hoảng sợ,…

Thói quen

Cũng có trường hợp tằng hắng chỉ là một thói quen, xảy ra khi người đó lo lắng, căng thẳng. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn hãy thực hiện các điều sau để kiểm soát thói quen này: Tìm một hoạt động thay thế. Thay vì tằng hắng, bạn có thể hít thở sâu khi căng thẳng, nuốt nước bọt, gõ ngón tay, uống nhiều nước hơn, nhai kẹo cao su, tự kiểm soát,... để giảm bớt thói quen tằng hắng.

Tằng hắng kéo dài: Khi nào nên đi khám?

Thỉnh thoảng chúng ta tằng hắng là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, khi tằng hắng trở nên dai dẳng, thường xuyên, chúng ta không nên xem thường vì tằng hắng kéo dài có thể ảnh hưởng đến thanh âm, làm thay đổi giọng nói. Quan trọng hơn, tằng hắng mãn tính có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó.

Nếu như tình trạng tằng hắng của bạn kéo dài có gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mỗi ngày, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra hoặc thực hiện các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây nên tằng hắng cho bạn. Cụ thể là tiến hành các xét nghiệm nội soi để kiểm tra vấn đề xuất hiện trong cổ họng của bạn. Xét nghiệm dị ứng cũng là một trong những xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tình trạng tằng hắng kéo dài cho bạn.

Tằng hắng là gì? Những nguyên nhân gây nên tằng hắng 5
Khi bị tằng hắng kéo dài, bạn nên thăm khám bác sĩ ngay

Với những thông tin hữu ích trên đây, hy vọng bạn đã giải đáp được thắc mắc tằng hắng là gì và những nguyên nhân gây ra của nó. Triệu chứng tằng hắng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu không thể khắc phục tại nhà hiệu quả, bạn nên thăm khám các bác sĩ nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cổ họng