Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm lan tỏa tại họng, rất phổ biến và thường phối hợp với các bệnh lý khác như viêm mũi, viêm xoang mãn tính hoặc đôi khi kèm theo viêm thanh - khí phế quản mãn tính. Viêm họng mãn tính xảy ra ở 3 dạng xuất tiết, phì đại và teo.
Viêm họng mãn tính là gì?
Nếu viêm họng kéo dài trên một tuần có thể được coi là viêm họng mãn tính. Hầu hết các bệnh nhân này đều bị viêm họng cấp nhưng không điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần và lâu dần dẫn đến mãn tính. Có thể phân loại bệnh như sau:
- Trường hợp niêm mạc họng đỏ và nổi rõ mạch máu là viêm họng xung huyết mãn tính.
- Trường hợp niêm mạc họng xung huyết đỏ, đồng thời tăng tiết dịch nhầy sau thành họng được gọi là viêm họng tiết dịch mãn tính.
- Khi niêm mạc họng dày lên và sưng tấy, các bạch huyết nổi lên thành những nốt lớn nhỏ gọi là viêm họng hạt.
- Niêm mạc của bệnh nhân mỏng và teo dần, khô dần và giảm tiết dịch có màu vàng gọi là viêm họng teo.
Viêm họng mãn tính là do các triệu chứng viêm họng kéo dài, không điều trị dứt điểm
Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính
Bệnh có thể do những nguyên nhân phổ biến như:
- Do vi khuẩn ở vùng họng gây ra, phổ biến là vi khuẩn Streptococcus.
- Sống trong môi trường có nhiều khói bụi và ô nhiễm không khí. Môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp.
- Viêm amidan mãn tính: Người bệnh thường xuyên bị viêm amidan mà không điều trị cũng có thể gây viêm họng mãn tính.
- Viêm xoang: Người bị viêm xoang cũng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm họng. Dịch nhầy từ vùng xoang mũi chảy xuống họng gây ngứa, khó chịu và lâu dần dẫn đến viêm họng. Viêm họng kéo dài không điều trị dứt điểm sẽ trở thành viêm họng mãn tính.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Ở bệnh nhân trào ngược dạ dày, dịch tiêu hóa có tính axit có thể trào ngược từ dạ dày lên họng, làm hỏng niêm mạc cổ họng. Người bệnh luôn có cảm giác đau rát họng, khó nuốt, khàn tiếng.
- Ung thư vòm họng là một trong những nguyên nhân gây viêm họng mãn tính. Tuy không phổ biến nhưng đây là nguyên nhân nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
- Một số nguyên nhân khác có thể là nghẹt mũi mãn tính do lệch vách ngăn hoặc bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Dấu hiệu nhận biết viêm họng mãn tính
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng mãn tính như:
- Đau họng: Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tuần và có các triệu chứng như nóng rát, ngứa và cảm giác vướng họng. Đây là những triệu chứng phổ biến của bệnh.
- Khó và đau khi nuốt: Nếu cổ họng bị viêm, niêm mạc họng đỏ và sưng tấy, người bệnh sẽ khó nuốt và đau, ngay cả việc uống nước cũng vô cùng khó khăn.
- Ho kéo dài, ho có đờm.
- Khàn tiếng, thay đổi giọng nói hoặc mất giọng.
- Đầy hơi hay ợ chua nếu bị trào ngược dạ dày thực quản, có cảm giác nóng rát ở vùng ngực phía sau xương ức.
- Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể sốt nhẹ và mệt mỏi.
Điều trị viêm họng mãn tính
Đầu tiên, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàng, khám vùng hầu họng và xét nghiệm cận lâm sàng hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh nếu cần thiết. Rất nhiều bệnh nhân băn khoăn và lo sợ bệnh này có điều trị được không. Nếu được điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì bệnh hoàn toàn có thể khỏi. Điều quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân gây bệnh để phòng tránh tái phát và điều trị đúng.
Điều trị nguyên nhân
Đó là điều trị bệnh bằng cách loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
- Điều trị viêm xoang, viêm amidan.
- Điều trị dứt điểm trào ngược dạ dày thực quản.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh như các chất độc hại trong không khí, môi trường làm việc và tránh khói thuốc lá.
Điều trị triệu chứng
Bác sĩ sẽ kê cho người bệnh một số loại thuốc nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh như thuốc giảm đau, chống viêm, chống ho, chống dị ứng. Ngoài ra, sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi và súc miệng. Đồng thời, thay đổi lối sống lành mạnh như ăn nhiều rau củ quả để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giữ vệ sinh môi trường sống,...
Khi có dấu hiệu viêm họng nên đi khám ngay để ngăn ngừa tiến triển nặng thành mãn tính
Phòng ngừa viêm họng mãn tính
Để phòng các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm họng bạn phải thực hiện những điều sau:
- Ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Môi trường sống sạch sẽ, trong lành.
- Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc thụ động.
- Vệ sinh răng miệng cẩn thận để giữ cho hầu họng luôn sạch sẽ không cho vi khuẩn có cơ hội tấn công.
- Bị viêm xoang, viêm amidan hay trào ngược dạ dày thực quản thì phải điều trị dứt điểm.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Mặc quần áo bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, khí độc hại.
- Nhớ rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh.
- Giữ ấm cơ thể, mũi, họng, đặc biệt vào mùa lạnh.
- Rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý để tránh cho bệnh viêm họng mãn tính diễn biến nặng hơn.
Để phòng viêm họng bạn cần giữ ẩm cơ thể, đặc biệt là lúc giao mùa, trời trở lạnh
Viêm họng mãn tính nên và không nên ăn gì?
Ngoài việc điều trị bằng các loại thuốc thì người bệnh cũng phải chú ý đến chế độ ăn uống để bệnh viêm họng mãn tính thuyên giảm nhanh chóng.
Thực phẩm nên ăn
Một số thực phẩm người bị viêm họng nên ăn:
- Thực phẩm giàu vitamin C và kẽm như súp lơ xanh, cải xoăn, dâu tây, đu đủ,… giúp tăng cường hệ miễn dịch từ đó tăng cường sức khỏe đường hô hấp, giảm các triệu chứng viêm họng.
- Thực phẩm có tính kháng viêm, kháng khuẩn như gừng, nghệ, đinh hương,…
- Thực phẩm giàu đạm. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp nhưng thực phẩm giàu đạm lại là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể khỏe mạnh để chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Người bệnh nên chọn những thức ăn mềm, dễ nuốt, bổ sung nhiều nước.
Thực phẩm không nên ăn
Người bệnh viêm họng mãn tính cũng nên hạn chế những thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, gia vị khiến cổ họng bị kích ứng, sưng đau nhiều hơn.
- Thức ăn khô, cứng, khó nuốt.
- Thực phẩm có tính axit.
- Rượu bia, cà phê, thuốc lá.
Viêm họng mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cản trở sinh hoạt hàng ngày và cũng rất khó điều trị. Bạn nên sớm đi khám ngay khi có các triệu chứng viêm họng để tránh chuyển biến thành mãn tính. Ngoài ra cũng nên chú ý đến thói quen trong sinh hoạt để chủ động phòng tránh bệnh sớm.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: medlatec.vn