Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh bụi phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh bụi phổi là bất kỳ bệnh phổi nào xảy ra do hít phải bụi, các sợi có nguồn gốc hữu cơ hoặc không hữu cơ trong không khí. Người bệnh thường gặp phải các chất này ở môi trường nghề nghiệp nên gọi là bệnh nghề nghiệp. Các bệnh bụi phổi thường gặp là bệnh bụi phổi amiăng, bệnh bụi phổi silic và bệnh phổi của thợ mỏ than.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh bụi phổi là gì?

Bệnh bụi phổi là bất kỳ bệnh lý phổi nào xảy ra do hít phải bụi, các sợi hữu cơ hoặc không hữu cơ trong không khí. Bệnh bụi phổi là một trong những bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trên thế giới, số ca mắc đã tăng 81.1% từ năm 1990 đến năm 2017 ở cả nam và nữ. Tỷ lệ lưu hành bệnh chuẩn hoá theo độ tuổi cao hơn đáng kể ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng theo độ tuổi và nhiều hơn đáng kể ở nam. Theo nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2010, bệnh bụi phổi gây ra tổng cộng 125.000 ca tử vong. Ước tính vào năm 2016 có khoảng 3495 ca tử vong do bệnh bụi phổi amiăng.

Tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi cho thấy xu hướng ngày càng tăng ở những người lao động tiếp xúc với bụi nghề nghiệp. Tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, 9243 trường hợp mắc bệnh bụi phổi đã được báo cáo từ năm 2006 đến 2017, trong đó, bệnh bụi phổi silic và bụi phổi ở công nhân than chiếm phần lớn các trường hợp. Ở các nước phát triển như Anh, bụi phổi amiăng chiếm đa số.

Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện nay, bệnh bụi phổi nghề nghiệp đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong số 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta. Trong số này, bệnh bụi phổi silic và bệnh bụi phổi bông là hai dạng bệnh phổ biến nhất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bụi phổi

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bụi phổi có xu hướng không đặc hiệu và có thể trùng lặp với các bệnh phổi khác như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhìn chung, các triệu chứng bạn có thể gặp bao gồm:

  • Ho kéo dài;
  • Ho có đờm;
  • Cảm thấy khó thở;
  • Giảm khả năng gắng sức;
  • Ho đờm màu đen ở bệnh bụi phổi của công nhân than.
Bệnh bụi phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Ho kéo dài là một trong các triệu chứng của bệnh bụi phổi

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bụi phổi

Bệnh bụi phổi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Bệnh bụi phổi amiăng có thể liên quan đến tràn dịch màng phổi, u trung biểu mô ác tính và ung thư biểu mô phế quản. Các biến chứng quan trọng nhất là xơ phổi và bệnh ác tính màng phổi.

Bệnh bụi phổi silic có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như ung thư biểu mô hoặc bệnh lao.

Những đối tượng mắc bệnh bụi phổi của công nhân than cũng có nguy cơ bệnh lao cao hơn. Việc hít phải bụi than cũng liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn làm việc trong các môi trường có nguy cơ, bạn nên đến gặp bác sĩ ở các lần khám định kỳ để được theo dõi. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng đã nêu ở trên bao gồm ho kéo dài, ho có đờm, khó thở, giảm khả năng gắng sức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh bụi phổi

Bệnh bụi phổi là kết quả của sự tích tụ các hạt mịn được hít vào, gây ra các phản ứng viêm trong phổi. Bệnh bụi phổi xơ hóa chiếm ưu thế và nguyên nhân của nó là do hít phải các hạt như sợi silica, sợi amiăng, berili, bột talc và bụi than. Tiền sử người bệnh thường phản ánh việc tiếp xúc lâu dài với các chất hít độc hại, việc tiếp xúc thường xảy ra ở nơi làm việc. Thời gian làm việc tương quan với nguy cơ mắc bệnh bụi phổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh bụi phổi?

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bụi phổi là phơi nhiễm tại nơi làm việc. Phơi nhiễm ở môi trường hiếm khi dẫn đến tình trạng này. Do đó, các đối tượng nguy cơ mắc bệnh bụi phổi chủ yếu làm việc trong môi trường nguy cơ cao. Các thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng theo độ tuổi và cao hơn đáng kể ở nam giới.

Bệnh bụi phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Bệnh bụi phổi xảy ra chủ yếu là do phơi nhiễm tại nơi làm việc như hít phải bụi mỏ than

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh bụi phổi

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bụi phổi liên quan đến việc hít phải bụi có chứa:

  • Sợi amiăng;
  • Bụi silic;
  • Bụi mỏ than;
  • Nhôm;
  • Antimony;
  • Barium;
  • Chì;
  • Sắt;
  • Mica;
  • Talc;
  • Cao lanh;
  • Bụi bông.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh bụi phổi

Chẩn đoán bệnh bụi phổi dựa vào các yếu tố sau:

  • Tiếp xúc lâu dài với một trong những bụi hít ở liều cao.
  • Bằng chứng trên X-quang về bệnh xơ phổi.
  • Không có bệnh lý khác có thể nhầm lẫn với bệnh bụi phổi.

Bác sĩ có thể thực hiện khai thác kỹ nghề nghiệp, mức độ phơi nhiễm, thời gian tiếp xúc với chất hít có hại. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn như khó thở, giảm khả năng gắng sức hay các tính chất của triệu chứng ho. Tiếp theo, việc thực hiện khám thực thể sẽ được thực hiện để đánh giá tình trạng phổi và tình trạng sức khoẻ chung của bạn. Sau đó, các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán bao gồm:

  • X-quang ngực;
  • CT-scan ngực;
  • MRI ngực;
  • Kiểm tra chức năng phổi bằng hô hấp ký;
  • Sinh thiết phổi hiếm khi cần thiết để chẩn đoán.
Bệnh bụi phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Hình ảnh X-quang ngực là một trong các xét nghiệm chẩn đoán bệnh bụi phổi

Điều trị bệnh bụi phổi

Không có phương pháp điều trị nào có thể giúp loại bỏ các hạt bụi trong phổi của bạn. Các điều trị hiện có chủ yếu giúp cho phổi của bạn tiếp tục hoạt động.

Đầu tiên, bạn có thể cần ngừng làm việc trong môi trường phơi nhiễm. Nếu bạn có hút thuốc lá, bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng hút thuốc, hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc để cải thiện sức khỏe của phổi.

Các loại thuốc hít có thể được bác sĩ kê đơn để giúp bạn giảm triệu chứng bệnh, bao gồm:

  • Thuốc giãn phế quản: Các thuốc hít giãn phế quản có thể giúp giãn đường thở của bạn, khiến bạn hít thở dễ dàng hơn.
  • Corticosteroid dạng hít: Việc sử dụng corticosteroid hít có thể giúp giảm viêm đường thở.

Một số liệu pháp khác có thể sử dụng để điều trị như liệu pháp oxy khi bạn có giảm oxy máu. Bạn có thể sử dụng oxy qua ngạnh mũi hoặc mặt nạ, việc cung cấp oxy có thể thông qua bình chứa hoặc một số thiết bị khác.

Các phương pháp phục hồi chức năng phổi có thể giúp ích trong việc cải thiện triệu chứng cũng như khả năng gắng sức của bạn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh bệnh ở giai đoạn cuối, người bệnh bụi phổi có thể là đối tượng được cấy ghép phổi.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh bụi phổi

Không có cách chữa trị bệnh bụi phổi và tiên lượng bệnh là xấu khi ở giai đoạn xơ hoá. Để hạn chế diễn tiến bệnh, bạn có thể thực hiện các việc sau:

  • Điều quan trọng bạn cần lưu ý là nên tránh tiếp xúc thêm với các yếu tố gây bệnh.
  • Bạn cũng cần bỏ thuốc lá nếu đang sử dụng thuốc lá.
  • Các phương pháp phục hồi chức năng phổi tại nhà hoặc ở cộng đồng có thể điều trị các triệu chứng, giúp tăng cường khả năng gắng sức.
  • Bạn có thể tập thở, tập thể dục cường độ thấp hoặc cường độ cao, rèn luyện sức bền và sức mạnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.

Phòng ngừa bệnh bụi phổi

Cách phòng ngừa bệnh bụi phổi là sử dụng các thiết bị bảo hộ như đeo mặt nạ chống độc khi làm việc ở môi trường có nguy cơ tiếp xúc với các loại bụi. Việc đeo mặt nạ bảo hộ có thể giúp ngăn chặn hít phải các loại bụi mịn.

Bệnh bụi phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Đeo mặt nạ chống độc khi làm việc ở môi trường có nguy cơ tiếp xúc với các loại bụi

Bạn cũng nên tránh việc tiếp xúc với bụi amiăng tại nhà bằng cách kiểm tra nhà của mình, đặc biệt nếu bạn sở hữu một ngôi nhà cũ, các miếng amiăng cách nhiệt xuống cấp cần được loại bỏ hoặc đóng gói một cách an toàn.

Hút thuốc lá cũng có thể làm trầm trọng thêm tác hại của bệnh bụi phổi, do đó bạn nên bỏ thuốc nếu có hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh bụi phổi

Bệnh bụi phổi có thể được chữa khỏi không?

Không có cách để điều trị khỏi bệnh bụi phổi, các phương pháp điều trị hiện có chủ yếu giúp cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Các yếu tố nguy cơ nào có thể dẫn đến bệnh bụi phổi?

Yếu tố nguy cơ và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bụi phổi là làm việc trong môi trường tiếp xúc với các hạt bụi (như sợi amiăng, silic) trong thời gian dài. Một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng mắc bệnh bụi phổi như tuổi cao, giới tính nam, hút thuốc lá.

Tôi có cần bỏ thuốc lá nếu mắc bệnh bụi phổi không?

Nếu bạn mắc bệnh bụi phổi, bác sĩ sẽ khuyên bạn bỏ thuốc lá vì hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Và dù nếu không mắc bệnh, bạn cũng nên bỏ thuốc lá vì chúng có thể dẫn đến nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.

Có cách nào để phòng ngừa bệnh bụi phổi không?

Bệnh bụi phổi là bệnh có thể phòng ngừa được, có các tiêu chuẩn an toàn để giúp người lao động tránh được tình trạng này. Ví dụ như các công nhân khai thác than (hoặc bất cứ ai làm công việc tạo ra các hạt bụi) nên đeo khẩu trang, rửa sạch vùng da tiếp xúc bụi và loại bỏ bụi khỏi quần áo, mặt và tay trước khi ăn uống.

Bệnh bụi phổi có các biến chứng nguy hiểm không?

Bệnh bụi phổi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng tuỳ thuộc vào loại bệnh bụi phổi, các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Tràn dịch màng phổi;
  • Bệnh lao;
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
  • Ung thư biểu mô;
  • Tàn tật và tử vong sớm.
Nguồn tham khảo
  1. Pneumoconiosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK555902/
  2. Pneumoconioses: https://www.cdc.gov/niosh/topics/pneumoconioses/default.html 
  3. What Is Pneumoconiosis?: https://www.webmd.com/lung/what-is-pneumoconiosis
  4. Pneumoconiosis: https://www.health.harvard.edu/a_to_z/pneumoconiosis-a-to-z
  5. Pneumoconiosis: https://www.verywellhealth.com/pneumoconiosis-8384531
  6. Pneumoconiosis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pneumoconiosis

Các bệnh liên quan

  1. Viêm phổi do tụ cầu

  2. COVID-19

  3. Bụi phổi bông

  4. Áp-xe phổi

  5. Cúm mùa

  6. Viêm tiểu phế quản

  7. Viêm họng hạt

  8. Viêm mũi vận mạch

  9. Chấn thương khí quản

  10. Tắc động mạch phổi