Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp bàn chân: Triệu chứng và các nguyên nhân thường gặp

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp bàn chân thường gây đau, cứng và sưng khớp, từ đó có thể làm giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của bạn. Sau đây, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây viêm khớp bàn chân và cách quản lý triệu chứng của viêm khớp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp bàn chân là gì?

Bàn chân có cấu trúc khá phức tạp, có tổng cộng 28 xương và 33 khớp, cùng các dây chằng, gân, cơ, sụn khớp, cho phép thực hiện nhiều chuyển động khác nhau. Đồng thời, các khớp đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ và giữ thăng bằng khi đứng hoặc đi lại.

Tất cả các khớp ở bàn chân đều có thể bị viêm, khi viêm khớp xảy ra, nó gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều loại viêm khớp bàn chân, thường gặp nhất là 4 loại sau:

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp bàn chân

Các triệu chứng của viêm khớp bàn chân có thể bao gồm:

  • Đau: Đau do viêm khớp bàn chân có thể âm ỉ, đau nhức dữ dội và có thể trầm trọng hơn khi đi lại hay vận động.
  • Cứng khớp: Các khớp ở bàn chân có thể sẽ bị cứng và khó cử động, đặc biệt là sau khi nghỉ ngơi hoặc buổi sáng sau khi thức dậy.
  • Sưng: Viêm khớp bàn chân có thể gây sưng và đau.
  • Hạn chế vận động: Tình trạng viêm khớp bàn chân có thể gây khó khăn cho việc di chuyển bàn chân.
  • Đi lại khó khăn: Viêm khớp bàn chân gây đau và cứng khớp, điều này có thể gây khó khăn cho việc đi lại.
  • Biến dạng khớp: Trong một số trường hợp, viêm khớp bàn chân có thể gây ra các biến dạng ngón chân hoặc bàn chân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp bàn chân

Tình trạng đau và sưng khớp bàn chân có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Cứng khớp;
  • Hạn chế vận động;
  • Biến dạng khớp bàn chân;
  • Khó khăn trong việc di chuyển hay giữ thăng bằng;
  • Rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do đau.
Viêm khớp bàn chân: Triệu chứng và các nguyên nhân thường gặp 4
Viêm khớp bàn chân có thể ảnh hưởng đến việc di chuyển hay giữ thăng bằng

Ngoài ra, tùy thuộc vào loại viêm khớp bàn chân bạn mắc phải mà có thể sẽ gặp các biến chứng khác như:

Đối với viêm khớp dạng thấp

Không chỉ gây biến chứng tại khớp, viêm khớp dạng thấp còn ảnh hưởng lên nhiều hệ cơ quan khác nhau, có thể kể đến như:

  • Hệ tim mạch: Suy tim, bệnh van tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, bệnh tim mạch do xơ vữa.
  • Hệ thần kinh: Viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh ngoại biên hay trung ương. Hầu hết các biến chứng là hậu quả của tình trạng viêm khớp chèn ép lên tủy sống, dây thần kinh và các mô lân cận.
  • Hệ cơ xương khớp: Viêm khớp dạng thấp gây phá hủy sụn và xương khớp, có thể dẫn đến dính khớp, loãng xương và gãy xương.
  • Nhiễm trùng: Những người bệnh viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ nhiễm trùng cao hơn so với dẫn số chung, và nhiễm trùng nghiêm trọng và nguyên nhân chính gây tử vong ở người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Đối với bệnh gout

Ngoài các đợt gout cấp tính ảnh hưởng đến khớp, bệnh gout có thể có các biến chứng như:

  • Bệnh gout mạn tính: Đây là tình trạng lắng đọng các hạt tophi trong khớp, quanh khớp hay ngoài khớp. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm khớp, biến dạng hay hủy hoại khớp trên diện rộng.
  • Sỏi thận: Tinh thể acid uric có thể hình thành sỏi thận ở một số đối tượng, có thể gây đau và làm tổn thương thận.
  • Bệnh thận mạn tính: Sỏi thận có thể ngăn thận loại bỏ chất thải, có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây sẹo thận. Cả 2 vấn đề này đều có thể dẫn đến bệnh thận mạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ khi:

  • Đau kèm sưng nóng đỏ hoặc cứng ở một hay nhiều khớp.
  • Các triệu chứng đau không đáp ứng với điều trị hoặc đau liên tục không giảm.
  • Đau gây ảnh hưởng đến giấc ngủ hay sinh hoạt hằng ngày.
  • Đau kèm các triệu chứng toàn thân khác như sốt, mệt mỏi.
  • Các triệu chứng đau khớp khiến bạn lo lắng.
Viêm khớp bàn chân: Triệu chứng và các nguyên nhân thường gặp 5
Hãy đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng đau khớp bàn chân khiến bạn lo lắng

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp bàn chân

Có 4 nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm khớp bàn chân, bao gồm:

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất, gây ra bởi sự hao mòn dần dần của khớp theo thời gian.

Một nghiên cứu năm 2015 trên các đối tượng lớn tuổi trên cộng đồng cho thấy rằng, thoái hóa khớp bàn chân có thể ảnh hưởng đến khoảng 1 trong 6 người lớn trên 50 tuổi.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, trong đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công các khớp do nhầm lẫn, dẫn đến viêm và đau.

Nghiên cứu đã gợi ý rằng hơn 90% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị đau bàn chân. Đây dường như là một triệu chứng sớm, vì khoảng 70% người mắc viêm khớp dạng thấp có viêm bao hoạt dịch bàn chân trong 3 năm đầu khi khởi phát viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp bàn chân sau chấn thương

Đây là một loại thoái hóa khớp bàn chân phát triển sau khi gặp chấn thương ở bàn chân, như gãy hoặc nứt xương. Một nghiên cứu năm 2016 đã chỉ ra rằng, chấn thương mắt cá chân (bong gân mắt cá chân) là chấn thương thể thao phổ biến nhất, và có tới 90% trường hợp viêm khớp mắt cá chân là do chấn thương.

Bệnh gout

Đây là một loại viêm khớp do sự tích tụ của các tinh thể acid uric trong khớp, có thể dẫn đến viêm, đau và cứng khớp.

Một nghiên cứu năm 2019 phát hiện ra rằng, viêm khớp gout thường xảy ra nhất ở các khớp nhỏ: Với 43 - 76% các đợt đầu tiên xảy ra ở khớp bàn ngón chân cái, nhưng nó cũng phổ biến ở khớp bàn chân và cổ chân.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp bàn chân?

Mọi đối tượng đều có khả năng mắc viêm khớp bàn chân. Đặc biệt ở nhóm đối tượng có công việc, hoạt động gây căng thẳng hay chấn thương bàn chân.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp bàn chân

Yếu tố nguy cơ gây viêm khớp bàn chân có thể khác nhau tùy thuộc nguyên nhân. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp bàn chân có thể kể đến như:

  • Tuổi: Đây là yếu tố nguy cơ chính của viêm khớp bàn chân do thoái hóa.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp nhiều hơn nam giới.
  • Cân nặng: Trọng lượng cơ thể làm tăng áp lực lên hệ cơ xương khớp, trong đó có khớp bàn chân.
  • Di truyền: Tiền sử gia đình có liên quan đến viêm khớp bàn chân do thoái hóa; hoặc các yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong phát triển viêm khớp dạng thấp.
  • Chấn thương: Các chấn thương ở bàn chân có thể phát triển thoái hóa khớp bàn chân sau này. Một khớp bị chấn thương có khả năng sẽ bị viêm khớp gấp 7 lần so với khớp thông thường.
  • Dinh dưỡng lối sống: Hút thuốc lá, các yếu tố môi trường hoặc nhiễm trùng đóng vai trò như một yếu tố kích hoạt trong viêm khớp dạng thấp. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp bàn chân

Để chẩn đoán viêm khớp bàn chân, bác sĩ có thể khai thác thông tin về sức khỏe tổng thể của bạn, các loại thuốc đang sử dụng cũng như kiểm tra bàn chân của bạn. Các câu hỏi về triệu chứng có thể bao gồm:

  • Cơn đau bàn chân bắt đầu từ khi nào?
  • Vị trí đau chính xác là ở đâu? Xảy ra ở một hay cả hai bàn chân?
  • Cơn đau xảy ra khi nào? Liên tục hay từng cơn?
  • Cơn đau nặng hơn và thời điểm nào, buổi sáng hay ban đêm? Có nặng hơn khi đi bộ hoặc chạy không?

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử chấn thương bàn chân và kiểm tra bàn chân, quan sát cách bạn đi bộ để phân tích dáng đi.

Đồng thời cho làm các xét nghiệm phù hợp, ví dụ như:

  • Chụp X-quang bàn chân: X-quang sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương bàn chân, đánh giá được dấu hiệu mất sụn (khoảng cách khe khớp hẹp) hay những thay đổi trong xương (chẳng hạn như gai xương, gãy xương). Bác sĩ có thể cho chụp X-quang ở tư thế đứng để đánh giá bàn chân trong tư thế chịu trọng lượng.
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác: Trong một số trường hợp, có thể cần chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) bàn chân để xác định tình trạng của xương và các mô mềm.
  • Các xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác loại viêm khớp bàn chân mà bạn mắc phải. Như trong tình trạng viêm khớp dạng thấp, xét nghiệm máu là rất quan trọng để chẩn đoán.
Viêm khớp bàn chân: Triệu chứng và các nguyên nhân thường gặp 6
Bạn có thể được chỉ định chụp X-quang bàn chân ở tư thế đứng

Phương pháp điều trị viêm khớp bàn chân

Điều trị viêm khớp bàn chân bao gồm điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật:

Điều trị không phẫu thuật

Điều trị ban đầu viêm khớp bàn chân thường không cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể lựa chọn các điều trị bao gồm:

  • Thay đổi lối sống: Một số thay đổi trong lối sống hàng ngày của bạn có thể giúp giảm đau do viêm khớp bàn chân gây ra và làm chậm diễn tiến của bệnh.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập cụ thể có thể giúp tăng phạm vi chuyển động, cải thiện tính linh hoạt cũng như giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ ở bàn chân. Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bạn để đưa ra một chế độ tập luyện phù hợp.
  • Thiết bị hỗ trợ: Đeo nẹp chẳng hạn như dụng cụ chỉnh hình bàn chân - cổ chân, hay các loại miếng lót giày hoặc các dụng cụ khác có thể giúp giảm thiểu áp lực lên bàn chân và giảm đau.
  • Thuốc: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen giúp giảm viêm và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê các thuốc khác tùy thuộc và loại viêm khớp bạn mắc phải, chẳng hạn như thuốc chống thấp khớp trong viêm khớp dạng thấp.

Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu cơn đau không thuyên giảm với các điều trị không phẫu thuật. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào loại viêm khớp bàn chân mà bạn mắc phải, vị trí và các tác động của bệnh lên khớp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm khớp bàn chân

Chế độ sinh hoạt

Như đã đề cập ở trên, việc thay đổi một số thói quen trong chế độ sinh hoạt có thể giúp giảm đau do viêm khớp bàn chân, các biện pháp có thể bao gồm:

  • Giảm thiệu các hoạt động làm nặng tình trạng bệnh.
  • Chuyển từ các hoạt động có tác động mạnh (như chạy bộ hoặc quần vợt) sang các hoạt động có tác động thấp hơn (như bơi lội hoặc đạp xe) để giảm bớt căng thẳng cho bàn chân của bạn.
  • Duy trì cân nặng hoặc giảm cân nếu thừa cân để giảm căng thẳng cho khớp, giúp giảm đau và tăng chức năng của khớp.
Viêm khớp bàn chân: Triệu chứng và các nguyên nhân thường gặp 7
Thay thế các hoạt động có tác động mạnh lên bàn chân bằng các hoạt động tác động nhẹ hơn như đạp xe

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với tình trạng viêm hay các đợt cấp của viêm khớp bàn chân; đặc biệt đối với các loại viêm khớp như viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp gout. Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn để có một chế độ ăn phù hợp với từng loại viêm khớp bàn chân khác nhau.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp bàn chân hiệu quả

Để phòng ngừa viêm khớp bàn chân một cách hiệu quả, hãy tham khảo các thói quen sinh hoạt hay chế độ ăn phù hợp với từng loại viêm khớp. Đồng thời duy trì các bài tập vật lý trị liệu, các thiết bị hỗ trợ theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì chức năng khớp bàn chân.

Bên cạnh đó, đối với các loại như viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp gout, việc tuân thủ điều trị (bao gồm điều trị thay đổi lối sống và dùng thuốc) là rất quan trọng, giúp ngăn ngừa các đợt cấp và biến chứng của viêm khớp.

Xem thêm:

Các bệnh liên quan

  1. Đau lưng

  2. Co rút Dupuytren

  3. Viêm khớp liên cầu

  4. Thoát vị đĩa đệm

  5. Biến dạng cổ thiên nga

  6. Xoắn xương đùi

  7. Rách sụn viền khớp vai

  8. Viêm gân

  9. Viêm quanh khớp vai

  10. Viêm gân tứ đầu đùi