Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp háng: Triệu Chứng, Nguyên Nhân và Cách Điều Trị

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp háng là hiện tượng sụn ở khớp háng bị mòn hoặc hư hỏng, khiến bề mặt xương của khớp bị mài vào nhau và trở nên thô ráp. Do đó việc hiểu biết về triệu chứng và nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh Viêm khớp háng là rất cần thiết.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp háng là gì?

Viêm khớp háng là hiện tượng sụn ở khớp háng bị mòn hoặc hư hỏng, khiến bề mặt xương của khớp bị mài vào nhau và trở nên thô ráp. Tổn thương này gây đau và khiến chân khó cử động. Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp háng, nhưng cơ chế chung là mất sụn đầu xương ở các xương cấu thành khớp háng, việc mất sụn dẫn đến cọ xát các xương vào nhau và có sự phá hủy khớp.

Viêm khớp háng không chỉ là một vấn đề về tổn thương sụn khớp mà còn liên quan đến các yếu tố như rối loạn miễn dịch và yếu tố gen, điều này giải thích vì sao một số người có nguy cơ cao mắc bệnh hơn người khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp háng

Các triệu chứng của viêm khớp háng có thể kéo dài liên tục hoặc tái phát từng đợt. Các triệu chứng viêm khớp háng phổ biến bao gồm:

  • Đau: Cảm giác đau khớp háng có thể trầm trọng hơn do một số cử động và bài tập. Sụn ​​bị mòn không đều và nếu một cử động cụ thể gây áp lực lên vùng bị tổn thương nhiều hơn, cơn đau sẽ tăng lên. Với viêm khớp háng, cơn đau chủ yếu cảm thấy ở háng, và đôi khi ở vùng đùi ngoài và mông. Đau có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài hoặc vào buổi sáng.
Viêm khớp háng là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp háng 4
Tổn thương sụn khớp và các cấu trúc xung quanh khớp háng gây triệu chứng đau tại khớp háng
  • Cứng khớp háng: Khó thực hiện các động tác của khớp háng như xoay trong hay xoay ngoài cẳng chân, gập đùi hay khép dạng đùi,... Điều này có thể gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi lại, chạy nhảy,…
  • Lạo xạo khi cử động: Âm thanh răng rắc, lạo xạo hay lách cách mà bạn nghe thấy khi di chuyển là do sự tổn thương sụn khớp làm giảm sự trơn tru của khớp háng khi vận động.
  • Yếu chân: Yếu chân thường là kết quả của việc giảm hoạt động. Viêm khớp háng có thể khiến bạn cử động ít hơn do đau, khiến khớp yếu hơn và làm các triệu chứng trầm trọng hơn.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp háng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn có thể giảm sút chất lượng cuộc sống. Đau và cứng khớp có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày và sở thích, từ đó ảnh hưởng đến tinh thần và khả năng tương tác xã hội của bệnh nhân.

Xem thêm: Đau khớp háng và đầu gối là gì? Nguyên nhân do đâu?

Tác động của viêm khớp háng đối với sức khỏe

Viêm khớp háng gây đau, giảm khả năng vận động linh hoạt khớp háng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Bệnh hay tái đi tái lại, hay kéo dài dẫn đến các biến chứng như biến dạng khớp, teo cơ, tổn thương dây chằng và bao hoạt dịch.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp háng

Viêm khớp háng kéo dài có thể dẫn đến tổn thương trầm trọng khó hồi phục bởi sự biến dạng khớp, teo cơ xung quanh khớp háng. Bệnh nhân có thể khó vận động xoay gập khớp háng và nghiêm trọng hơn có thể mất vận động khớp háng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ cảm giác khó chịu nào tại khớp háng, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp việc điều trị dễ dàng, ít tốn kém cũng như mang lại hiệu quả tốt hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng

Chấn thương

Chấn thương ở háng có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh viêm khớp sau này trong cuộc sống. Chấn thương như ngã, chấn thương thể thao và tai nạn xe hơi có thể làm hỏng sụn. Mặc dù vết thương có thể tự lành, nhưng những tổn thương sụn và bất kỳ thay đổi nào về sự liên kết hoặc giải phẫu khớp háng có thể dẫn đến viêm khớp nhiều năm sau đó.

Viêm khớp háng là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp háng 8
Chấn thương khi chơi thể thao có thể dẫn đến viêm khớp háng

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một rối loạn hệ thống, nó ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chứ không chỉ khớp háng. Tình trạng viêm có liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch. 

Viêm khớp dạng thấp thường gây sưng màng hoạt dịch. Điều này gây đau và sưng. Cuối cùng, viêm khớp dạng thấp có thể khiến xương và sụn của khớp bị thoái hóa. 

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên và phổ biến ở nữ hơn nam. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở cả hai bên cùng một lúc (và có thể cả các khớp khác).

Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm mãn tính của cột sống, khớp cùng chậu, đôi khi có thể gây viêm khớp háng. Viêm cột sống dính khớp có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và thường bắt đầu ở người trong độ tuổi từ 17 đến 35. Bệnh thường gặp ở nam hơn nữ.

Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể. Lupus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi. Bệnh có thể gây viêm ở bất kỳ khớp nào, trong đó có khớp háng.

Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến gây đau khớp, sưng và cứng khớp, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể, kể cả khớp háng. Hầu hết những người bị viêm khớp vảy nến đều có tình trạng tổn thương da đầu tiên với các mảng da đỏ có vảy, nhưng trong một số trường hợp có thể phát triển bệnh viêm khớp vảy nến trước khi triệu chứng ở da xảy ra.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa là dạng viêm khớp háng phổ biến nhất và có thể ảnh hưởng đến các khớp khác. Thoái hóa khớp háng thường do hao mòn liên quan đến lão hóa và trầm trọng hơn theo thời gian. Khi sụn mòn đi, khe khớp hẹp đi và các xương cọ xát vào nhau. Để bù đắp cho phần sụn bị mất, các xương bị tổn thương có thể bắt đầu lắng đọng canxi và hình thành gai xương với mục đích tăng khả năng chịu lực sau tổn thương nhưng điều này lại dẫn đến tình trạng đau và viêm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp háng?

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp háng có thể kể đến là: Người già, phụ nữ, trẻ em,... đây là các đối tượng dễ mắc các bệnh lý về tự miễn và thoái hóa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp háng

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp háng:

  • Tuổi: Bạn càng lớn tuổi, bạn càng có nhiều khả năng bị mòn sụn ở khớp háng.
  • Thừa cân: Thừa cân hoặc béo phì gây thêm căng thẳng cho khớp háng.
  • Chấn thương: Chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương đùi hoặc rách sụn, có thể gây viêm khớp nhiều năm sau đó.
  • Lao động quá sức: Các công việc và môn thể thao đòi hỏi các chuyển động thể chất lặp đi lặp lại gây căng thẳng cho khớp háng có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp.
  • Giới nữ: Phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp hông hơn nam giới. Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.
  • Bất thường về cấu trúc hoặc phát triển của xương: Xương có hình dạng bất thường tạo thành khớp háng, chẳng hạn như loạn sản xương đùi, có thể dẫn đến áp lực bất thường lên sụn.
  • Di truyền học: Một số tình trạng tự miễn dịch dẫn đến viêm khớp háng có thể di truyền trong gia đình.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp háng

Ngoài việc hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định một số cận lâm sàng sau giúp chẩn đoán viêm khớp háng:

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu như tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C (CRP) là các chỉ số của viêm. Các kháng thể như yếu tố dạng thấp, kháng thể kháng nhân có thể hữu ích trong chẩn đoán viêm khớp.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng khác như X-quang, chụp MRI,… khớp háng để tìm các dấu chứng chỉ trạng thái viêm tại khớp háng.
Viêm khớp háng là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp háng 5
Hẹp khe khớp là dấu hiệu chỉ điểm nguyên nhân thoái hóa trong viêm khớp háng

Phương pháp điều trị viêm khớp háng hiệu quả

Vật lý trị liệu và thuốc điều trị viêm khớp háng là những phương pháp điều trị cơ bản giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chức năng khớp. Bên cạnh đó, sự kết hợp của các chuyên môn từ dược học, vật lý trị liệu, và thậm chí là phẫu thuật, phản ánh tầm quan trọng của một phương pháp điều trị đa ngành, giúp đối mặt với bệnh lý một cách toàn diện. Cụ thể như sau:

Vật lý trị liệu

Các bài tập cụ thể có thể giúp tăng phạm vi chuyển động ở khớp háng và tăng cường sự dẻo dai của các cơ hỗ trợ khớp háng vận động như cơ tứ đầu đùi, cơ may,...

Sử dụng dụng cụ hỗ trợ

Sử dụng gậy, khung tập đi,... có thể giúp bạn thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn.

Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền

Các phương pháp y học cổ truyền điều trị viêm khớp háng có cả dùng thuốc và không dùng thuốc đều mang lại nhiều hiệu quả đáng chú ý như dưỡng sinh, thái cực quyền, xoa bóp hay châm cứu,... Bạn có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa y học cổ truyền để được tư vấn và hỗ trợ tốt hơn.

Sử dụng thuốc Tây

Các loại thuốc Tây y giúp giảm đau, giảm viêm, giãn cơ và điều trị một số nguyên nhân gây viêm khớp háng. Trong đó, tác dụng chủ yếu là giảm triệu chứng đau tại chỗ. Các thuốc được dùng dưới cả dạng bôi, dán tại chỗ như Salonpas, Capsaicin,... và dạng uống thuốc uống như Paracetamol, NSAIDs, Cyclobenzaprine,...

Phẫu thuật khớp háng

Nếu các phương pháp điều trị không phẫu thuật không làm giảm cơn đau của bạn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Có 2 loại phẫu thuật là:

Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng: Bác sĩ sẽ loại bỏ phần sụn và xương bị hư hỏng, sau đó đặt các bề mặt khớp bằng kim loại hoặc nhựa mới để khôi phục chức năng của khớp háng. Thay khớp háng toàn phần thường được khuyến nghị cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp hoặc viêm cột sống dính khớp để giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động. Trong thay khớp háng toàn phần, cả đầu xương đùi và ổ cối đều được thay thế bằng một thiết bị nhân tạo.

Viêm khớp háng là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh lý viêm khớp háng 7
Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng được chỉ định cho những trường hợp viêm khớp háng nặng

Phẫu thuật cắt bao hoạt dịch: Phẫu thuật cắt bao hoạt dịch được thực hiện để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ lớp lót khớp. Nó có thể có hiệu quả nếu bệnh chỉ giới hạn ở màng khớp và không ảnh hưởng đến sụn khớp bao phủ xương. Nói chung, quy trình này chỉ được sử dụng để điều trị giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp.

Loại phẫu thuật được thực hiện phụ thuộc vào một số yếu tố như: Tuổi của bạn, tình trạng khớp háng, bệnh nào gây ra viêm khớp của bạn, tiến triển của bệnh,…

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp háng

Chế độ sinh hoạt:

  • Giảm cân để giảm áp lực lên khớp hông.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp mạnh các cơ giữ khớp hông, giúp giảm nguy cơ tổn thương khớp hông.
  • Giữ thái độ sống lạc quan, thoải mái,...

Chế độ dinh dưỡng: Bệnh nhân cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các nhóm chất để duy trì cân nặng. Có thể tham khảo từ chuyên gia dinh dưỡng một số chế độ ăn giúp chống viêm để giảm đau, giảm viêm khớp.

Việc duy trì cân nặng lý tưởng và tập luyện đều đặn không chỉ giúp giảm áp lực lên khớp háng mà còn hỗ trợ quá trình tái tạo sụn, một mục tiêu quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp háng hiệu quả

Để hạn chế viêm khớp háng xảy ra, chúng ta cần thực hiện một số việc sau:

  • Nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và điều trị ngay khi có các triệu chứng báo hiệu bệnh viêm khớp háng.
  • Duy trì cân nặng phù hợp, tránh để thừa cân nhằm giảm sức ép xuống cho khớp háng.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao và xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao sức đề kháng, sự dẻo dai của các khớp.
  • Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe một cách toàn diện nhất.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hip-arthritis 
  2. https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/inflammatory-arthritis-of-the-hip/ 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp cổ chân

  2. Còi xương

  3. Đau ngón tay

  4. Áp xe lòng bàn tay

  5. Bệnh Osgood-Schlatter

  6. Thoái hóa khớp vai

  7. Thấp khớp

  8. Viêm bao hoạt dịch khớp vai

  9. Thoái hóa khớp cổ chân

  10. Loạn dưỡng cơ Duchenne