Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loạn cảm họng: Hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 20/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong thời đại ngày càng phát triển, một số bệnh lý liên quan đến yếu tố xã hội ngày càng phổ biến hơn, loạn cảm họng cũng là một trong những bệnh lý đó. Người bệnh sẽ có cảm giác nuốt vướng ở họng. Đây là loại bệnh lý cơ năng không tìm thấy tổn thương thực thể tại hầu họng, nhưng nó khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loạn cảm họng là gì?

Loạn cảm họng hay còn gọi là dị cảm họng là bệnh mà người mắc phải có cảm giác có dị vật mắc ở vùng hầu họng (như cảm giác khi hóc xương) hoặc có u nhú phát triển gây chèn ép trong vùng họng. Cảm giác này chỉ cảm nhận được khi nuốt nước bọt, còn khi ăn uống lại hoàn toàn bình thường, không nghẹn hay vướng ở họng. Căn bệnh này thường dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh về đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn cảm họng

Một số dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện khi mắc loạn cảm họng như:

  • Cảm thấy vướng họng, có dị vật tắc nghẽn trong họng, cảm giác đau rát, ngứa và khó chịu ở họng khi nuốt nước bọt, nhưng khi nuốt thức ăn hoặc uống nước lại không có các cảm giác này.
  • Ngoài ra, còn có thể xuất hiện một số dấu hiệu khác tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh như: Đau mỏi vai gáy, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, ăn uống kém ngon, nóng rát hay tức ngực, trầm cảm hay thay đổi tính tình.
  • Cảm giác khó thở không hít vào đươc, cảm giác có dị vật nằm ngang họng khiến người bệnh phải khạc liên tục nhưng không khạc ra được gì.

Thường có các triệu chứng không đặc hiệu nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thực thể khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi gặp các triệu chứng của hội chứng loạn cảm họng, nên đi khám tại chuyên khoa Tai mũi họng tại các cơ sở điều trị để được các bác sĩ chẩn đoán, đồng thời thực hiện thăm khám cận lâm sàng, từ đó đưa ra hướng điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến loạn cảm họng

Hiện tại vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra loạn cảm họng. Nhưng một số chuyên gia cho rằng bệnh xuất phát từ yếu tố liên quan đến cơ chế khi nuốt thức ăn. 

Trong quá trình nhai nuốt thức ăn, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ trong việc căng và giãn theo thứ tự chính xác. Ở những người mắc bệnh loạn cảm họng, khi cố gắng nuốt nước bọt, một số cơ không được giãn ra hoàn toàn dẫn tới cảm giác có dị vật mắc trong họng hoặc khối u chèn ép. Nhưng khi có thức ăn sẽ kích thích các cơ co giãn bình thường nên không có cảm giác đó nữa.

Trào ngược dạ dày thực quản

Trong trào ngược dạ dày thực quản, các axit trong dạ dày bị trào ngược lên cũng làm ảnh hưởng đến sự co giãn của cơ vùng cổ họng nên cũng được xem là nguyên nhân khá phổ biến gây ra loạn cảm họng.

Loạn cảm họng: Hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị 4
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân phổ biến gây ra loạn cảm họng

Rối loạn nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh

Do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh mà người bệnh có sự thay đổi về tính tình như dễ cáu gắt, bực bội và có một số triệu chứng kèm theo như nóng phừng mặt, ớn lạnh, vướng họng.

Nguyên nhân tâm lý (stress)

Một số chấn thương về tâm lý như tang tóc, thất tình, phá sản… làm thay đổi tâm lý, nặng hơn thì rơi vào trầm cảm của người bệnh cũng có thể làm ảnh hưởng đến các cơ co thắt của hầu họng gây cứng họng và khó nuốt, hay người bệnh không muốn ăn uống và có cảm giác nuốt vướng.

Một số nguyên nhân ít gặp

Có thể kể đến như:

  • Viêm xoang mạn tính: Dịch xoang chảy từ mũi xuống họng làm kích thích niêm mạc họng cũng gây ra loạn cảm họng.
  • Do bất thường trong cấu trúc giải phẫu: Mỏm trâm dài, bất thường thanh quản, bệnh về thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.
  • Những bất thường về tâm lý, trầm cảm, thiểu năng tuyến giáp…
  • Bệnh lý làm khô tuyến nước bọt, co thắt cơ nhẫn hầu.
  • Bệnh lý về răng hàm dưới, bệnh viêm nha chu.
  • Tình trạng bệnh lý ở những bệnh nhân sau xạ trị vùng cổ, hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc loạn cảm họng?

Một số đối tượng có nguy cơ cao hơn mắc loạn cảm họng như:

  • Nam giới hút thuốc lá, uống bia rượu thường xuyên trong thời gian dài.
  • Phụ nữ ở độ tuổi 40 đến 50 tuổi (tiền mãn kinh), có rối loạn thần kinh thực vật.
  • Người bệnh từng thực hiện các thủ thuật nội soi qua đường họng làm cho họng nhạy cảm.
  • Người vừa mới trải qua đợt viêm họng cấp, chưa kịp hồi phục.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loạn cảm họng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loạn cảm họng, bao gồm:

  • Giới tính: Nữ giới thường mắc nhiều hơn nam giới.
  • Stress có thể là yếu tố nguy cơ mắc chứng loạn cảm họng hoặc làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, khiến người bệnh hết sức mệt mỏi.
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau: Quá nhiều dịch nhầy từ mũi chảy xuống cổ họng cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loạn cảm họng.
  • Người đang mắc các bệnh lý viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loạn cảm họng

Cần hỏi bệnh sử, tiền căn và thăm khám lâm sàng kỹ, để loại trừ các bệnh lý tai mũi họng hay dạ dày trước khi chẩn đoán loạn cảm họng, có thể dùng một số dụng cụ hay cận lâm sàng hỗ trợ cho việc thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân.

Khám tai mũi họng

Khám vùng miệng và họng: Sử dụng các dụng cụ thông thường hoặc nội soi để quan sát vùng miệng họng. Loại trừ các bệnh lý như viêm amidan mủ, hóc xương ở họng và viêm họng hạt.

Khám mũi xoang: Sử dụng banh thông thường hoặc nội soi mũi để tìm dịch nhầy, mủ hay polyp ở khe mũi và các lỗ xoang ở các bệnh nhân có triệu chứng vướng họng đi kèm nhức đầu, nghẹt mũi hoặc ho nhiều do bệnh lý mũi xoang.

Loạn cảm họng: Hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị 5
Nội soi quan sát vùng hầu họng

Nội soi dạ dày thực quản

Quan sát tình trạng niêm mạc dạ dày thực quản có sung huyết, viêm trợt hay loét do các bệnh lý dạ dày thực quản.

Phương pháp điều trị loạn cảm họng hiệu quả

Điều trị được nguyên nhân gây bệnh là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị. Cần xác định đúng nguyên nhân gây ra loạn cảm họng thông qua thăm khám toàn diện và tiền sử bệnh. Từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng loại nguyên nhân khác nhau:

  • Ở một số nguyên nhân gây ra loạn cảm họng như viêm amidan mãn tính, mỏm trâm dài... phẫu thuật sẽ giúp giải quyết được tình trạng bệnh.
  • Ở nhóm nguyên nhân tâm lý thì sử dụng liệu pháp tâm lý là phù hợp giúp điều trị. Ngoài ra, nếu có tình trạng lo âu, stress lâu ngày dẫn đến trầm cảm thì cần sử dụng các thuốc chống trầm cảm để điều trị.
  • Ở bệnh nhân viêm xoang mạn tính điều trị bằng phương pháp JCIC để loại bỏ các chất dịch bên trong mũi xoang, hỗ trợ hồi phục niêm mạc xoang.
  • Kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan tới tuyến giáp. Áp dụng liệu pháp vận động các đốt sống cổ, các liệu pháp làm giảm căng cơ vùng cổ.
  • Nếu chưa tìm được nguyên nhân, bác sĩ cần xem xét để chỉ định các phương pháp điều trị nội khoa giúp điều trị triệu chứng cho người bệnh: Các thuốc giảm đau kháng viêm, giảm phù nề, hoặc các loại thuốc giảm đau, an thần, kết hợp với bổ sung nội tiết tố ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Hướng dẫn người bệnh tập vật lý trị liệu đối với các cơ vùng cổ họng và một số bài tập đơn giản tại nhà giúp cổ họng dễ chịu hơn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến loạn cảm họng

Chế độ sinh hoạt:

  • Trong quá trình điều trị nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và đi tái khám định kỳ.
  • Khi xuất hiện những triệu chứng bất thường cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
  • Giữ tinh thần thư giãn, thoải mái, có giải pháp giải quyết vấn đề hạn chế stress.
  • Xây dựng chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế làm việc quá sức, thức khuya.
  • Luyện tập thể dục thể thao phù hợp với thể trạng.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích hay bia, rượu.
  • Vệ sinh mũi họng sạch sẽ mỗi ngày, trời lạnh cần giữ ấm cổ họng.
  • Với những người thường xuyên sử dụng giọng nói, cần chăm sóc cổ họng như uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Loạn cảm họng: Hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị 6
Giữ tinh thần thư giãn, hạn chế stress cũng góp phần cải thiện tình trạng bệnh

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn nên ăn nhiều rau củ quả, trái cây, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng như: Việt quất, cà chua, bí, ớt chuông, rau bina, bắp cải, súp lơ, cam, bưởi...
  • Ăn các thực phẩm chứa chất béo tốt như cá hồi, các loại hạt, bơ…
  • Ngưng sử dụng các chất kích thích như: Thuốc lá, rượu bia…
  • Tránh ăn các đồ ăn có nhiều gia vị cay, nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, quá ngọt.
  • Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, đóng hộp, đồ uống có gas.
  • Uống nước đủ khoảng 2 lít/ngày.

Phương pháp phòng ngừa loạn cảm họng hiệu quả

Một số phương pháp phòng ngừa loạn cảm họng như:

  • Khi có triệu chứng mắc các bệnh vùng hầu họng, bệnh nhân cần đi khám và điều trị dứt điểm.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tinh thần lạc quan, thư giãn hạn chế stress.
  • Ngưng hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu, bia.
  • Chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng.
  • Uống đầy đủ nước trong ngày, hạn chế uống nước có gas, nước ngọt.
Loạn cảm họng: Hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị 7
Chế độ ăn lành mạnh tốt cho vùng họng

Các câu hỏi thường gặp về loạn cảm họng

Bệnh loạn cảm họng có nguy hiểm hay không?

Nhìn chung thì loạn cảm họng không có nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị đúng và kịp thời thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống.

Khi có các triệu chứng nuốt vướng, nên đi khám ở chuyên khoa nào?

Khi thấy có các biểu hiện của bệnh loạn họng cần đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng.

Loạn cảm họng có thể tự khỏi hay không và thường điều trị bao lâu thì khỏi?

Loạn cảm họng không thể tự khỏi mà phải điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây ra nó. Tùy theo từng nguyên nhân mà thời gian điều trị cũng thay đổi. Đối với nguyên nhân do các bệnh lý dạ dày, viêm amidan… có thể dao động từ 1 tuần đến 1 tháng hoặc có thể lâu hơn với các nguyên nhân khác.

Có cách nào chữa loạn cảm họng tại nhà hay không?

Không tự ý mua thuốc uống hay tin vào mẹo vặt dân gian mà nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh cũng như tìm nguyên nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Việc rửa mũi họng có cần thiết trong khi mắc loạn cảm họng không?

Việc giữ cho mũi họng sạch sẽ vẫn cần thiết để giúp hạn chế các tình trạng hay bệnh lý viêm nhiễm vùng hầu họng làm diễn tiến bệnh xấu hơn, tuy nhiên nó không giúp điều trị các triệu chứng của loạn cảm họng.

Nguồn tham khảo
  1. Current Perception Threshold Testing in Pharyngeal Paresthesia Patients with Depression or Anxiety: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7182447/
  2. Etiological analysis and individualized treatment of pharyngeal paraesthesia: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19894556/
  3. PARESTHESIA OF THE PHARYNX DUE TO CERVICAL ADENITIS: https://jamanetwork.com/journals/jamaotolaryngology/article-abstract/590828
  4. Characteristics of pharyngeal paraesthesia symptoms in patients with obstructive sleep apnoea: https://link.springer.com/article/10.1007/s11325-021-02325-z
  5. Analysis of the characteristic of pharyngeal paraesthesia patients by high resolution manometry: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26647543/

Các bệnh liên quan