Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Levodropropizine: Thuốc ức chế chống ho

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Levodropropizine

Loại thuốc

Thuốc giảm ho tác dụng ngoại biên.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 60 mg.

Siro uống 30 mg/5 ml.

Chỉ định

Levodropropizine được chỉ định trong điều trị triệu chứng kích thích ho, ho khan là kết quả của sự tắc nghẽn (viêm phế quản) và bệnh lý co thắt (viêm thanh quản, viêm khí quản), đồng thời có thể do liên quan đến nhiễm trùng).

Dược lực học

Levodropropizine là một thuốc giảm ho có tác dụng ngoại vi trong ho khan. Levodropropizin là đồng phân S của dropropizin được xem là ảnh hưởng rất thấp lên hệ thần kinh trung ương so với thuốc ho chứa dropropizin và những thuốc chống ho có tác dụng lên trung ương thần kinh như codein.

Levodropropizine không liên kết với thụ thể beta - adrenergic, muscarinic và opiate, nhưng nó cho thấy một số ái lực với thụ thể histamine (H1) và alpha - adrenergic. 

Levodropropizine cũng cho thấy một số hoạt động gây tê cục bộ trên các mô hình động vật. Trên mô hình này, levodropropizine thể hiện hoạt động chống lại cơn ho do nhiều loại kích thích hóa học và cơ học gây ra. Thuốc cũng có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại sự co thắt phế quản gây ra bởi histamine, serotonin và bradykinin.

Trong các thí nghiệm lâm sàng ở người, levodropropizine đã chứng minh hoạt động chống lại cơn ho do hít phải axit citric ở những người khỏe mạnh, nước cất khí dung ở bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và capsaicin ở bệnh nhân hen suyễn và/hoặc viêm mũi.

Nhiều thử nghiệm cho thấy hiệu quả lâm sàng của levodropropizin trong giảm ho do các nguyên nhân gây bệnh khác nhau bao gồm ho liên quan đến ung thư phế quản phổi, ho liên quan với nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, ho gà. Tác động trị ho nói chung là tương đương với các thuốc tác động trên trung tâm tuy nhiên, levodropropizine cho thấy đặc tính dung nạp tốt hơn đặc biệt khi xét đến hiệu quả an thần.

Ở liều điều trị, levodropropizine không thay đổi đường điện não đồ EEG ở người và khả năng tâm thần vận động. Không có sự thay đổi các thông số tim mạch ở người tình nguyện khỏe mạnh điều trị lên đến liều 240 mg levodropropizine.

Thuốc không ức chế chức năng hô hấp hay sự làm sạch màng nhầy lông mao ở người. Đặc biệt, một nghiên cứu gần đây đã cho thấy levodropropizine không có tác động ức chế  trung tâm điều khiển hít thở ở bệnh nhân bị suy hô hấp mạn, ở cả điều kiện hít thở tự ý và khi tăng carbon dioxyd huyết.

Động lực học

Hấp thu 

Levodropropizine hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa sau khi uống với sinh khả dụng khoảng hơn 75%. Đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau uống trong vòng 15 - 60 phút. Khởi phát tác dụng trong 1 giờ ở liều 60 - 90 mg và 3 giờ ở liều 30 mg.

Phân bố

Tỷ lệ liên kết levodropropizine với protein huyết tương: 11 - 14%. Thể tích phân bố khoảng 3,4 l/kg ở người lớn.

Chuyển hóa và thải trừ

Thời gian bán hủy từ 1 giờ đến 2 giờ. Thuốc được thải trừ dưới dạng không thay đổi và các chất chuyển hóa (levodropropizine liên kết, p - hydroxy levodropropizine dạng tự do và liên kết). Trong 48 giờ, lượng thuốc và các chất chuyển hóa thải trừ qua đường nước tiểu là khoảng 35% liều dùng. Thuốc được thải trừ khoảng 83% qua nước tiểu trong vòng 96 giờ. 

Không có sự thay đổi đáng kể đặc tính dược động ở trẻ em, ở người lớn tuổi và ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận nhẹ và vừa.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Các nghiên cứu dược lý trên động vật cho thấy levodropropizine không làm tăng cường tác dụng của các hoạt chất tác dụng trên thần kinh trung ương (benzodiazepin, phenytoin, imipramin). Tuy nhiên vẫn cần thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc an thần, đặc biệt là với các bệnh nhân nhạy cảm. 

Các dữ liệu lâm sàng không chỉ ra tương tác với các thuốc điều trị bệnh phổi phế quản như chất chủ vận Beta 2, các dẫn chất methylxanthin, các corticosteroid, các kháng sinh và các chất kháng histamin.

Tương tác với thực phẩm 

Không nên uống rượu vì levodropropizine có thể làm tăng tác dụng an thần khi dùng đồng thời.

Chống chỉ định

Levodropropizine chống chỉ định với các bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc. Bệnh nhân nhạy cảm với dropropizine hay các thuốc có cấu trúc tương tự.

Không uống levodropropizine khi tăng tiết dịch phế quản và giảm chức năng mao niêm (hội chứng Kartagener hay loạn vận động lông mi) và với những bệnh nhân suy chức năng gan nghiêm trọng.

Không dùng levodropropizine trong thời kỳ có thai và cho con bú.

Trong công thức siro có đường nên chống chỉ định đối với những bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan nặng.

Liều lượng & cách dùng

Hiện chưa có thông tin về ảnh hưởng của thức ăn lên sự hấp thu của thuốc, nên khuyến cáo dùng thuốc levodropropizine cách xa bữa ăn.

Dung dịch siro chỉ được sử dụng trong 28 ngày sau khi mở nắp nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Người lớn

Để giảm triệu chứng ho, liều khuyến cáo là 60 mg uống tối đa 3 lần một ngày, cách nhau ít nhất 6 giờ.

Khi đang điều trị: Việc điều trị cần tiếp tục theo chỉ dẫn của thầy thuốc cho đến khi hết ho. Liều dùng có thể thay đổi tùy theo triệu chứng bệnh.

Nếu sau 2 tuần điều trị vẫn bị ho, nên ngưng dùng thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Trẻ em 

Trẻ em trên 12 tuổi: 60mg x 3 lần/ngày, uống cách nhau ít nhất 6 giờ.

Trẻ em trên 2 tuổi: 1 - 2 mg/kg/lần x 3 lần/ngày, tổng liều 3 - 6 mg/kg mỗi ngày, uống cách nhau ít nhất 6 giờ. 

Để thuận tiện, có thể dùng liều xấp xỉ như sau (dạng siro):

  • 10 - 20 kg: 3 ml x 3 lần/ngày
  • 21 - 30 kg: 5 ml x 3 lần/ngày
  • Trên 30 kg: 10 ml x 3 lần/ngày

Trẻ em dưới 2 tuổi: Độ an toàn của levodropropizine sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được nghiên cứu.

Đối tượng khác

Người suy thận: Cân nhắc giữa nguy cơ rủi ro và lợi ích với bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng (ClCr < 35 ml/phút).

Tác dụng phụ

Rất hiếm

Phản ứng quá mẫn, mệt mỏi, suy nhược, buồn ngủ, nhức đầu, lơ mơ, chóng mặt, tê liệt, đánh trống ngực, hồi hộp, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, khó thở, ho, phù nề đường hô hấp, buồn nôn, nôn, ợ nóng, đau dạ dày, khó tiêu, tiêu chảy, khó chịu, buồn ngủ, mất nhân cách, phù ban dị ứng, mề đay, ban đỏ, chứng phát ban, ngứa, phù mạch.

Lưu ý

Lưu ý chung

Levodropropizine không được sử dụng kéo dài. Sau khi điều trị một thời gian ngắn mà không có kết quả thì cần đến gặp bác sĩ. Bệnh nhân cần được thông tin cảnh báo khả năng xảy ra tác dụng không mong muốn. 

Độ an toàn cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được nghiên cứu.

Bệnh nhân suy tim và rối loạn chức năng gan, thận nặng.

Người già.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Levodropropizine qua được hàng rào nhau thai và đã được chứng minh là có tác dụng có hại trên thai nhi. Do đó, phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai không nên sử dụng thuốc.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Levodropropizine được bài tiết trong sữa mẹ. Phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng thuốc.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc trên khả năng lái xe và vận hành máy móc, nhưng levodropropizine có thể gây tác dụng không mong muốn là buồn ngủ, do đó cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Levodropropizine và xử trí

Quá liều và độc tính

Không có tác dụng phụ đáng kể được ghi nhận sau khi dùng thuốc một liều duy nhất tới 240 mg và 120 mg/lần x 3 lần/ngày trong suốt 8 ngày liên tiếp. Những trường hợp quá liều được biết ở trẻ tuổi từ 2 đến 4. Những trường hợp này là vô ý dùng thuốc quá liều và hồi phục không để lại hậu quả.

Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân bị đau bụng và nôn ói; trong một trường hợp, bệnh nhân bị ngủ quá nhiều và giảm bão hòa oxy máu khi dùng 600 mg levodropropizine. 

Cách xử lý khi quá liều

Trong trường hợp quá liều levodropropizine với các biểu hiện lâm sàng rõ ràng, cần tiến hành ngay các biện pháp điều trị triệu chứng và áp dụng những biện pháp cấp cứu thông thường (như rửa dạ dày, than hoạt tính…), nếu thích hợp.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Levodropropizine

  1. Drugbank.vn: https://drugbank.vn/thuoc/Levopiro&VN-21885-19 (màu xanh lá); https://drugbank.vn/thuoc/Pulmorest&VN-19405-15 (màu tím)
  2. Micromedex: https://www.micromedexsolutions.com/micromedex2/librarian/PFDefaultActionId/evidencexpert.DoIntegratedSearch?navitem=topHome&isToolPage=true#

Ngày cập nhật: 19/07/2021 

Các sản phẩm có thành phần Levodropropizine

  1. Thuốc Lepro Tablet 60mg KMS Pharm điều trị ho do các bệnh đường hô hấp (10 vỉ x 10 viên)

  2. Siro Pulmorest Santa điều trị triệu chứng kích thích ho, ho khan (50ml)