Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Tolazamide

Tolazamide - Thuốc giảm đường trong máu, giải phóng insulin tự nhiên

09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Tolazamide.

Loại thuốc

Thuốc điều trị đái tháo đường – Nhóm sulfonylurea.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 100mg, 250mg, 500mg.

(Đã đình chỉ lưu hành tại Mỹ)

Chỉ định

Tolazamide dùng đơn trị hoặc phối hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường khác, cùng với chế độ ăn uống cho người mắc bệnh tiểu đường và thay đổi lối sống để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp II khi họ không thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục..

Dược lực học

Cơ chế tác dụng hạ đường huyết chưa rõ ràng. Làm giảm nồng độ glucose trong máu chủ yếu bằng cách kích thích bài tiết insulin nội sinh từ các tế bào beta của tuyến tụy, do đó tolazamide không có tác dụng nếu tế bào beta không hoạt động.

Trong thời gian dùng thuốc kéo dài, các tác dụng ngoại tụy có thể góp phần vào tác dụng hạ đường huyết nhưng xảy ra suy giảm dần khả năng kích thích bài tiết insulin của tolazamide tuy nhiên, tác dụng hạ đường huyết vẫn tồn tại.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu nhanh và tốt. Nồng độ đỉnh đạt được sau 3 - 4 giờ.

Phân bố

Tolazamide phân phối vào dịch ngoại bào.

Chuyển hóa

Tolazamide chuyển hóa thành các chất chuyển hóa có hoạt tính và không có hoạt tính qua gan.

Thải trừ

Thời gian bán thải khoảng 7 giờ.

Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (85%) qua phân (7%); một lượng nhỏ qua nước tiểu dưới dạng không đổi.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Một số thuốc khi sử dụng đồng thời có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết: Thuốc chống đông đường uống, thuốc kháng nấm, chất ức chế thụ thể β – Adrenergic (đồng thời cũng che dấu các dấu hiệu hạ đường huyết), chloramphenicol, thuốc ức chế MAO, probenecid, salicylate, sulfonamide,… .Theo dõi cẩn thận các dấu hiệu hạ đường huyết, xem xét điều chỉnh liều của thuốc.

Một số thuốc khi sử dụng đồng thời có thể làm giảm hiệu quả hạ đường huyết của tolazamide: Thuốc chẹn kênh calci, thuốc tránh thai đường uống, corticosteroid, thuốc lợi tiểu, estrogen, isoniazid, niacin, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), phenothiazines, phenytoin, các chất giao cảm, hormon tuyến giáp,…

Tương tác với thực phẩm

Rượu có thể làm các tác dụng phụ của tolazamide nặng hơn, như đỏ bừng (đỏ mặt), nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau ngực, suy nhược, mờ mắt, rối loạn thần kinh, đổ mồ hôi, nghẹt thở, khó thở và lo lắng, gây các phản ứng kiểu disulfiram, tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Chống chỉ định

Quá mẫn với tolazamide hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Đơn trị cho bệnh đái tháo đường type I.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đườngcó hoặc không có hôn mê.

Đang mắc một bệnh lý cấp tính khác (ví dụ: phẫu thuật lớn, nhiễm trùng nặng, chấn thương nặng).

Ure máu tăng cao.

Liều lượng & cách dùng

Điều chỉnh liều dựa tình trạng bệnh, khả năng dung nạp của người bệnh và nồng độ đường trong máu. Theo dõi thường xuyên để xác định liều tolazamide thấp nhất có hiệu quả hoặc để phát hiện nguyên nhân điều trị thất bại. Theo dõi nồng độ hemoglobin glycosyl hóa (HbA1c ) để xác định đáp ứng của người bệnh với thuốc. Trong suốt thời gian chuyển từ liệu pháp insulin, người bệnh nên kiểm tra đường huyết ≥ 3 lần mỗi ngày.

Uống một liều duy nhất cùng với bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày. Nếu dùng liều > 500 mg / ngày, nên chia thành 2 lần / ngày

Người lớn

Người bệnh chưa từng dùng thuốc điều trị đái tháo đường trước đó

Liều khởi đầu: 100 – 250 mg Tolazamide/ ngày.

  • Nếu đường huyết đo lúc đói dưới 200 mg / dl, thường dùng liều 100 mg x 1 lần / ngày.
  • Nếu đường huyết đo lúc đói lớn hơn 200 mg / dl, thường dùng liều 250 mg x 1 lần / ngày.

Người bệnh đang sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường khác chuyển sang tolazamide

Việc chuyển đổi thuốc nên được thực hiện một cách thận trọng.

Chlorpropamide:

  • Nếu người bệnh đang dùng chlorpropamide liều 250mg / ngày thì liều khởi đầu của tolazamide tương đương là 250 mg / ngày.
  • Do khả năng tích trữ lâu dài của chlorpropamide trong cơ thể, cần theo dõi cẩn thận các dấu hiệu hạ đường huyết trong 1 – 2 tuần sau khi đổi thuốc.

Tolbutamide:

  • Nếu người bệnh đang dùng tolbutamide: liều < 1 g / ngày thì liều khởi đầu của tolazamide là 100 mg / ngày, liều tolbutamide > 1 g/ ngày thì dùng liều khởi đầu của tolazamide là 250 mg/ ngày.

Acetohexamide:

  • Nếu người bệnh đang dùng acetohexamide liều 250 mg / ngày thì liều khởi đầu của tolazamide tương đương là 100 mg / ngày.

Người bệnh đang sử dụng insulin chuyển sang dùng tolazamide

  • Nếu người bệnh đang dùng insulin liều < 20 đơn vị / ngày thì liều khởi đầu của tolazamide tương đương là 100 mg / ngày. Có thể ngừng sử dụng insulin đột ngột.
  • Nếu người bệnh đang dùng insulin liều 20 – 40 đơn vị / ngày thì liều khởi đầu của tolazamide tương đương là 250 mg / ngày. Có thể ngừng sử dụng insulin đột ngột.
  • Nếu người bệnh đang dùng insulin liều > 40 đơn vị mỗi ngày thì liều khởi đầu của tolazamide tương đương là 250 mg / ngày; giảm 50% liều insulin hàng ngày. Sau đó, chỉnh liều insulin theo đáp ứng của bệnh nhân.

Liều tolazamide duy trì thông thường: 100 - 1000 mg / ngày.

Điều chỉnh liều tăng hoặc giảm liều hàng ngày 50 – 125 mg cách tuần.

Liều tối đa: 1000 mg / ngày. Nếu bệnh nhân không đáp ứng liều 1g / ngày thì không có khả năng đáp ứng liều cao hơn.

Trẻ em

Chưa có thông tin về an toàn và hiệu quả khi sử dụng tolazamide.

Đối tượng khác

Người cao tuổi hoặc người bệnh có thể trạng kém, suy dinh dưỡng, nhẹ cân, ăn uống không hợp lý:

Liều khởi đầu là 100 mg mỗi ngày. Sau đó điều chỉnh liều bằng cách tăng hoặc giảm liều hàng ngày từ 50 – 125 mg cách tuần.

Suy gan, suy thận

Cần sử dụng thận trọng do tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Người cao tuổi

Tăng nguy cơ hạ đường huyết do suy giảm chức năng thận, đồng thời các dấu hiệu hạ đường huyết ở người cao tuổi cũng khó nhận biết hơn.

Khuyến cáo cần theo dõi chức năng thận, lựa chọn liều một cách thận trọng.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Buồn nôn, đầy bụng, ợ chua có thể biến mất khi giảm liều.

Ít gặp

Chóng mặt, nhức đầu, suy nhược, mệt mỏi, khó chịu, ngứa, ban đỏ, mày đay, phát ban dạng sởi hoặc dạng dát sẩn.

Hiếm gặp

Vàng da ứ mật, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết, thiếu máu bất sản, giảm số lượng tất cả các loại tế bào máu.

Rất hiếm

Phản ứng kiểu disulfiram với rượu.

Không xác định tần suất

Tăng tỷ lệ tử vong do tim mạch, rối loạn chuyển hóa porphyrin ở gan, hạ đường huyết quá mức, phản ứng quá mẫn, hạ natri máu, hội chứng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp (SIADH), nhạy cảm với ánh sáng.

Lưu ý

Lưu ý chung

Ảnh hưởng tim mạch

Tăng tỷ lệ tử vong do biến cố tim mạch. Tuy nhiên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) coi lợi ích của việc kiểm soát đường huyết bằng sulfonylureas lớn hơn nguy cơ .

Phản ứng trên da

Tolazamide có thể gây phản ứng dị ứng thoáng qua trên dacần ngưng thuốc nếu các triệu chứng dị ứng dai dẳng.

Da tăng nhạy cảm ánh sáng

Tolazamide có thể làm da tăng nhạy cảm với ánh sáng nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.Hạ đường huyết quá mức

Tolazamide có thể có hạ đường huyết nghiêm trọng, nguy cơ cao hơn ở những người bệnh có thể trạng suy nhược, suy dinh dưỡng, người cao tuổi, suy tuyến thượng thận, tuyến yên, gan, thận, tập thể dục quá sức, uống rượu, ăn kiêng quá mức, sử dụng đồng thời với các thuốc chống đái tháo đường khác, những người có chế độ ăn uống thất thường. Các dấu hiệu của hạ đường huyết có thể khó nhận biết hơn ở người đang dùng thuốc ức chế β - adrenergic.

Cần hướng dẫn rõ cho người bệnh các dấu hiệu của hạ đường huyết, cách xử trí. Nếu xảy ra hạ đường huyết, ngay lập tức đánh giá lại bệnh nhân và điều chỉnh liều lượng tolazamide. Theo dõi bệnh nhân trong ≥ 24 – 48 giờ; có thể yêu cầu nhập viện và tiêm tĩnh mạch dextrose.

Mất khả năng kiểm soát đường huyết

Tolazamide có thể mất khả năng kiểm soát đường huyết khi sốt, chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật...Có thể cẩn phải sử dụng insulin và / hoặc tạm thời ngừng sử dụng tolazamide.

Hiệu quả của thuốc có thể giảm theo thời gian. Cần đánh giá cẩn thận người bệnh để điều chỉnh liều thích hợp và đánh giá mức độ tuân thủ chế độ ăn trước khi kết luận rằng người bệnh mất đáp ứng với thuốc. Nếu xảy ra thất bại điều trị, ngưng sử dụng tolazamide và chuyển qua / phối hợp thêm thuốc điều trị đái tháo đường khác.

Ảnh hưởng trên gan

Thuốc có thể gây vàng da ứ mật, thay đổi các kết quả xét nghiệm chức năng gan (bilirubin, cholesterol, AST, ALT cần ngưng sử dụng tolazamide.

Thận trọng khi dùng cho người bệnh có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin ở gan vì tolazamide có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Cần thông báo ngay có bác sĩ nếu có tiền sử bị thiếu men G6PD.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không khuyến cáo sử dụng tolazamide ở phụ nữ mang thai. Đường huyết bất thường trong thai kỳ có dẫn đến nguy cơ các dị tật bẩm sinh cao hơn, do đó nên sử dụng insulin trong thai kỳ để duy trì mức đường huyết ổn định, gần mức bình thường nhất có thể.

Nếu sử dụng tolazamide trong thời kỳ mang thai, ngưng sử dụng ≥ 2 tuần trước ngày dự định sinh để giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa có thông tin về việc tolazamide được phân phối vào sữa mẹ hay không tuy nhiên một số loại thuốc sulfonylureas có thể phân phối vào sữa mẹ. Nên ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc. Nếu sau khi đã ngừng sử dụng tolazamide và chỉ ăn kiêng không đủ để kiểm soát đường huyết, có thể xem xét sử dụng insulin.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân có thể bị suy giảm do hạ hoặc tăng đường huyết ( ví dụ suy giảm thị lực), có thể ảnh hưởng đến việc lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều Tolazamide và xử trí

Hãy dùng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc thông thường. Đừng dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Quá liều tolazamide có thể gây hạ đường huyết quá mức, với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng (có thể gây hôn mê, co giật, suy giảm các chức năng thần kinh khác nhưng không phổ biến).

Cách xử lý khi quá liều

Trường hợp nhẹ, cần điều trị tích cực bằng glucose đường uống, cân nhắc điều chỉnh liều của tolazamide, điều chỉnh chế độ ăn uống.

Trường hợp nặng, nếu bệnh nhân hôn mê hạ đường huyết, cần truyền liên tục ngay dung dịch glucose ưu trương ( 50%), sau đó truyền liên tục dung dịch glucose đẳng trương (10%) để duy trì đường huyết ở mức > 100 mg/ dL. Theo dõi kỹ bệnh nhân trong vòng ít nhất 24 – 48 giờ vì có nguy cơ tái phát cơn hạ đường huyết.