Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

2 phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa và rủi ro có thể gặp phải

Ngày 18/09/2024
Kích thước chữ

Phẫu thuật cắt ruột thừa là giải pháp tối ưu trong điều trị viêm ruột thừa, giảm nguy cơ vỡ ruột thừa gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vậy có bao nhiêu phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa? Cắt ruột thừa có thể gặp những rủi ro nào?

Ruột thừa bị viêm là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Người bị viêm ruột thừa thường xuất hiện các triệu chứng điển hình như đau xung quanh rốn, sau đó lan dần ra các vị trí lân cận. Trong đó, vị trí thường gặp nhất là vùng bụng dưới bên phải. Đây là một trong những tình trạng khẩn cấp bởi ruột thừa có thể bị vỡ gây ra nhiễm trùng ổ bụng, viêm phúc mạc, áp xe, thậm chí tử vong. Trong những trường hợp cần thiết, phẫu thuật cắt ruột thừa sẽ được chỉ định để cắt bỏ vùng tổn thương để bảo vệ tính mạng của người bệnh. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức hữu ích về các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa và những biến chứng sau phẫu thuật.

Trường hợp chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa

Phẫu thuật cắt ruột thừa là kỹ thuật nhằm loại bỏ ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng. Đây là một phẫu thuật cấp cứu khá phổ biến thường được chỉ định trong 2 trường hợp gồm điều trị viêm ruột thừa và cắt ruột thừa dự phòng.

2 phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa và rủi ro có thể gặp phải 1
Viêm ruột thừa là tình trạng khẩn cấp cần phẫu thuật để tránh biến chứng nguy hiểm

Điều trị viêm ruột thừa

Đây là trường hợp cắt ruột thừa thường gặp nhất. Ruột thừa là túi nhỏ, hình ống gắn liền với ruột già tại vị trí phía dưới bên phải của bụng. Trong nhiều trường hợp, ruột thừa bị viêm, sưng đau và nhiễm trùng. Thông thường, ruột thừa bị viêm có thể bị vỡ trong vòng 48 đến 72 giờ tính từ thời điểm người bệnh có triệu chứng đầu tiên. Do đó, cần xử lý khẩn cấp vì vỡ ruột thừa có thể khiến nhiễm trùng lan rộng gây viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng của người bệnh.

Cắt ruột thừa dự phòng

Không chỉ ruột thừa bị viêm mới cần phẫu thuật cắt ruột thừa, một số trường hợp cần cắt bỏ ngay cả khi bộ phận này đang bình thường. Lúc này, cắt ruột thừa nhằm mục đích dự phòng nguy cơ viêm ruột thừa ở những người sinh sống, làm việc trong điều kiện không đáp ứng đủ phương tiện cấp cứu như người ở vùng hẻo lánh, thuyền viên, phi hành gia,...

Các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa

Hiện nay, có 2 phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa thường được chỉ định gồm phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi. Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ viêm ruột thừa của từng người bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Phẫu thuật cắt ruột thừa mổ mở truyền thống

Đây là phương pháp phẫu thuật có mức độ xâm lấn cao, gây đau nhiều do bác sĩ cần rạch một vết khoảng 10cm ở da vùng bụng dưới bên phải nhằm bộc lộ phần ruột thừa bị viêm. Sau khi cắt bỏ ruột thừa bị viêm, bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại vết mổ bằng chỉ không tiêu hoặc chỉ tự tiêu.

2 phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa và rủi ro có thể gặp phải 2
Phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp mổ truyền thống

Hiện nay, phương pháp mổ mở thường ít được chỉ định do phạm vi xâm lấn lớn, người bệnh sẽ mất nhiều thời gian hồi phục sau phẫu thuật, nguy cơ sẹo xấu cao. Tuy nhiên, với những trường hợp người bệnh có bệnh lý tim mạch, hô hấp hoặc viêm ruột thừa nặng đã có biến chứng thì mổ mở sẽ là giải pháp tối ưu nhằm loại bỏ ruột thừa bị viêm, đồng thời làm sạch khoang bụng cho người bệnh.

Phẫu thuật cắt ruột thừa bằng kỹ thuật nội soi

Phương pháp này có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật cắt ruột thừa mổ mở như ít xâm lấn, ít gây đau, giúp người bệnh nhanh hồi phục và đảm bảo tính thẩm mỹ. Với phương pháp này, bác sĩ chỉ cần rạch một vài vết rạch nhỏ trên bụng của người bệnh đủ để luồn ống thông vào bên trong. Thông qua ống thông, khí carbon dioxide được bơm vào sẽ làm phồng bụng giúp bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy vị trí viêm ruột thừa rõ ràng hơn. Sau đó, dụng cụ nội soi dạng ống dài, mỏng có gắn camera độ phân giải cao và trang bị ánh sáng cường độ cao sẽ được đưa vào ổ bụng. Hình ảnh thu được qua camera gắn ở dụng cụ nội soi sẽ được phóng đại lớn hơn trên màn hình hiển thị, qua đó giúp bác sĩ điều khiển các dụng cụ phẫu thuật chính xác. Sau khi cắt và đưa ruột thừa bị viêm ra bên ngoài cơ thể, bác sĩ sẽ khâu các vết rạch lại.

2 phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa và rủi ro có thể gặp phải 3
Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa ít xâm lấn giúp người bệnh nhanh hồi phục

Bên cạnh phương pháp phẫu thuật nội soi truyền thống, kỹ thuật nội soi bằng robot đã ra đời nhờ sự tiến bộ của y học. Với phương pháp này, thay vì sử dụng dụng cụ nội soi bác sĩ sẽ dùng robot phẫu thuật để thực hiện cắt ruột thừa.

Dù được đánh giá cao với nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi không thể áp dụng trong các trường hợp như:

  • Ruột thừa bị viêm đã vỡ gây viêm phúc mạc.
  • Người bệnh có bệnh lý nền về hô hấp, tim mạch, sốc nhiễm trùng, dị ứng thuốc gây mê nội khí quản.

Phẫu thuật cắt ruột thừa có thể gặp những rủi ro nào?

Phẫu thuật cắt ruột thừa được đánh giá là phẫu thuật đơn giản, ít nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp một số triệu chứng, rủi ro sau phẫu thuật như:

  • Chảy máu kéo dài;
  • Buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, bí tiểu;
  • Nhiễm trùng vết mổ với các triệu chứng sốt, vết mổ sưng đỏ, chảy dịch, có mủ;
  • Tắc ruột;
  • Áp xe vết cắt ruột thừa;
  • Áp xe vết mổ;
  • Tổn thương các cơ quan lân cận như thủng ruột, thủng niệu quản,...

Một số triệu chứng sẽ giảm dần vài ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không đỡ mà có dấu hiệu tăng lên thì cần cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ tư vấn và xử trí.

Tóm lại, phẫu thuật cắt ruột thừa là phẫu thuật cấp cứu cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng và tử vong do viêm ruột thừa. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa cũng như nguy cơ biến chứng để sẵn sàng cho những tình huống xấu có thể xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin