3 mức độ sâu răng là gì? Cách điều trị như thế nào?
Ngày 30/05/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sâu răng là tình trạng răng bị vi khuẩn xâm nhập và ăn mòn theo thời gian, tạo nên những lỗ sâu răng và cảm giác đau nhức rất khó chịu. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về 3 mức độ sâu răng cũng như phương án điều trị sâu răng hiệu quả, an toàn.
Bệnh lý sâu răng có thể bắt gặp ở mọi độ tuổi, giới tính, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn gây khó chịu, kém thoải mái cho người bị. Tình trạng sâu răng được chia thành 3 mức độ khác nhau, mỗi mức độ đều có những biểu hiện riêng biệt.
Tìm hiểu chung về sâu răng
Trước khi tìm hiểu các mức độ sâu răng là gì, bạn cũng cần hiểu hơn về bệnh lý sâu răng. Các chuyên gia cho biết, bệnh sâu răng là cụm từ chỉ việc mô cứng của răng bị tổn thương do vi khuẩn tích tụ nhiều ở bề mặt răng hoặc bên trong các khe nứt, vỡ của răng.
Sâu răng thường được nhận biết thông qua những lỗ sâu có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bề mặt răng. Những lỗ sâu thường có màu đen và có kích thước lớn, nhỏ khác nhau.
Dựa vào tình trạng răng sâu và một số đặc điểm khác, các nha sĩ chia bệnh lý thành 3 mức độ sâu răng khác nhau. Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng là do quá trình vệ sinh răng miệng kém, không khoa học đã khiến các mảng bám, thức ăn thừa bám trên răng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi và phát triển.
Khi bị sâu răng, bất kể mức độ nào trong 3 mức độ sâu răng, nếu không điều trị kịp thời và phù hợp, răng sẽ bị phá hủy một cách nghiêm trọng, cấu trúc răng bị phá hủy gây nên nhiều bệnh lý khác nặng hơn, có ảnh hưởng lâu dài.
Khi sâu răng phát triển nặng có thể khiến nướu bị tổn thương, viêm chân răng, viêm nha chu hoặc viêm tủy răng,... Nhiều trường hợp sâu răng quá nặng, không thể phục hồi răng được nữa sẽ mất răng, làm khuôn mặt biến dạng và những răng còn lại xô lệch mất thẩm mỹ.
Nhận biết sâu răng không khó, bạn có thể thông qua những dấu hiệu sau để xác định mình có bị sâu răng hay không.
Có chấm đen, vệt đen hoặc lỗ màu đen ở trên bề mặt răng, ngà răng bị tổn thương.
Nướu sưng hoặc bị chảy máu do vi khuẩn phát triển, sinh sôi quá nhiều dẫn đến viêm nhiễm vùng nướu răng.
Cảm thấy răng ê buốt bất thường khi ăn thức ăn nóng hoặc lạnh.
Răng bị sâu thường yếu và nhạy cảm, dễ tái phát cơn đau ngay cả khi chải răng.
Hơi thở có mùi hôi bất thường do hệ vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh mẽ.
3 mức độ sâu răng là như thế nào?
Tình trạng sâu răng được chia thành 3 mức độ sâu răng khác nhau. Việc phân loại rõ ràng có tác dụng hỗ trợ nha sĩ trong chẩn đoán bệnh lý, xác định phương pháp điều trị thích hợp với từng mức độ sâu răng, cụ thể là:
Sâu men răng
Sâu răng mức độ 1 là tình trạng sâu men răng. Sâu men răng còn gọi là sâu răng nhẹ, thường được phát hiện khá sớm khi răng chưa bị phá hủy cấu trúc và chưa xuất hiện dấu hiệu mắt thường có thể nhìn thấy như lỗ sâu, chấm đen trên răng.
Biểu hiện của mức độ sâu răng này chưa nhiều, thường chỉ dừng lại ở việc có chấm đen rất nhỏ trên răng. Những triệu chứng phổ biến như đau nhức, khó chịu trong quá trình ăn uống,... thường chưa xuất hiện ở mức độ sâu răng này.
Sâu ngà nông
Sâu răng chia thành 3 mức độ khác nhau, trong đó răng sâu mức độ 2 là tình trạng sâu ngà nông trên răng. Đây là mức độ sâu răng thường được phát hiện bởi dễ dàng nhận thấy thông qua tình trạng vết sâu lan rộng hơn, vi khuẩn lây lan nhanh chóng. Khi sâu răng đến mức độ 2 bạn cũng có thể cảm thấy ê buốt thường xuyên hơn.
Sâu ngà sâu
Khi sâu răng phát triển đến mức độ 3 là khi tình trạng sâu nặng nhất. Trong 3 mức độ sâu răng, sâu ngà sâu là nghiêm trọng nhất bởi khi này, các vi khuẩn đã phát triển mạnh mẽ, lây lan nhanh chóng khiến mô cứng của răng bị tổn thương, tiềm ẩn nguy cơ lan sang cả những chiếc răng khỏe mạnh khác.
Các hốc sâu răng khi đến mức độ 3 đã bắt đầu sâu hơn, thậm chí còn có thể để lộ phần tủy răng, gây nguy cơ cao viêm nhiễm tủy răng. Cảm giác ê buốt khi bị sâu răng mức 3 cũng cao hơn, thời gian đau buốt kéo dài vài giờ, thậm chí là vài ngày gây cản trở ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Khả năng phục hình cho răng sâu mức độ 3 cũng thấp hơn 2 mức trên, nhiều trường hợp đã phải tiến hành nhổ bỏ răng, lấy tủy để bảo vệ những răng xung quanh khỏi vi khuẩn gây hại.
Phương pháp điều trị sâu răng
3 mức độ sâu răng khi được phát hiện càng sớm, khả năng điều trị thành công càng cao, giảm thiểu tổn thương cho răng. Hiện nay có 2 cách điều trị răng sâu được áp dụng nhiều nhất là:
Điều trị sâu răng tại nha khoa
Khi tiến hành chữa sâu răng tại các cơ sở nha khoa, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một trong những kỹ thuật sau, tùy vào mức độ sâu và tình trạng thực tế của răng.
Tái khoáng: Thích hợp với sâu răng nhẹ đến vừa, hỗ trợ thu hẹp tổn thương trên răng.
Hàn trám răng: Phương pháp này giúp xử lý ổ vi khuẩn gây sâu, phục hình cho răng bằng chất liệu nhân tạo.
Bọc răng sứ: Thường dùng cho các trường hợp bị sâu răng nặng, răng bị mài mòn nhiều và không phục hình bằng cách hàn trám được. Bọc sứ sẽ giúp răng được bảo vệ tốt hơn, tăng tính thẩm mỹ.
Điều trị tủy: Sâu răng gây viêm nhiễm tủy thường được chỉ định điều trị tủy để tránh gây hại đến sức khỏe.
Chữa sâu răng tại nhà
Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị sâu răng tại nha khoa, bạn cũng nên kết hợp điều trị tại nhà để nâng cao hiệu quả. Bất cứ mức độ nào trong 3 mức độ sâu răng đều có thể kết hợp điều trị tại nhà thông qua việc thay đổi một số thói quen sống, cụ thể như:
Chải răng đều đặn mỗi ngày với kem đánh răng có chứa fluor, tần suất đánh răng thích hợp là 2 - 3 lần mỗi ngày.
Nên sử dụng tăm nước hoặc chỉ nha khoa để loại bỏ hết cặn thức ăn thừa còn bám trên răng.
Làm sạch lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi giúp hạn chế vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong khoang miệng.
Bác sĩ khuyến cáo nên lấy cao răng đều đặn 3 - 6 tháng/lần để làm sạch mảng bám lâu ngày trên bề mặt răng.
Nhìn chung, 3 mức độ sâu răng đều không tốt cho sức khỏe răng miệng, nguy cơ lây lan sang những răng xung quanh là khá cao. Khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh sâu răng, bạn nên đến cơ sở nha khoa uy tín để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, bảo toàn độ thẩm mỹ và chức năng của răng.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.