Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

7 bệnh mãn tính thường gặp bạn cần lưu ý

Ngày 26/06/2024
Kích thước chữ

Bệnh mãn tính là tình trạng sức khỏe bất thường kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Thông thường, không có cách chữa trị triệt để cho loại bệnh này mà buộc người bệnh phải kiểm soát các triệu chứng hàng ngày trong dài hạn (suốt đời).

Bệnh mãn tính thường diễn tiến âm thầm, có thể xuất hiện những đợt cấp trên nền mãn tính này và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh nếu không được quan tâm kiểm soát chặt chẽ, nhất là các biến chứng cùng đồng hành do bệnh lý mãn tính gây ra. Cùng điểm qua, tìm hiểu về 7 bệnh mãn tính thường gặp và các lưu ý về việc kiểm soát bệnh qua bài viết dưới đây nhé!

Đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là một chứng rối loạn chuyển hóa đường (carbohydrate), trong cơ thể, đặc trưng bởi tăng đường (glucose) huyết. Thông thường, insulin chuyển hóa đường thành glycogen, một dạng năng lượng dự trữ trong cơ thể. Ở đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào trong cơ thể không đáp ứng với insulin, khiến đường không được chuyển hóa mà tích tụ trong máu.

7 bệnh mãn tính thường gặp bạn cần lưu ý 1
Tiểu đường là bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin

Trong nhiều năm tích tụ, các biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường sẽ dẫn đến, có thể là nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, suy thận mãn tính (phải chạy thân nhân tạo), các vấn đề về thị lực (có thể mù vĩnh viễn) và đau hoặc mất cảm giác ở tay và chân (gây vết thương bàn chân lâu lành, loét hoaị tử lòng bàn chân do tiểu đường,… có thể phải đoạn chi).

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy, cách duy nhất để sàng lọc bệnh đái tháo đường là làm xét nghiệm máu lúc đói để đo lượng đường trong máu. Lượng đường hơi cao được đánh giá là tiền đái tháo đường. Khi này, để giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường, người bệnh thường được khuyên thay đổi lối sống như giảm cân (nếu thừa cân), kiểm soát chế độ ăn uống và vận động.

Khi được chẩn đoán đái tháo đường, tình trạng bệnh lý cũng có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và điều chỉnh lối sống kịp thời. Nếu được can thiệp sớm, bệnh đái tháo đường có thể được kiểm soát tốt hoặc thậm chí thuyên giảm. Như vậy, các biến chứng như liệt kê ở trên có thể được ngăn chặn.

Tăng huyết áp (huyết áp cao)

Huyết áp là lực tác dụng của máu lên thành mạch máu. Tăng huyết áp xảy ra khi chỉ số huyết áp đo được luôn trên 140/90 mmHg. Tăng huyết áp có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như ít vận động, chế độ ăn nhiều muối, sử dụng rượu và thuốc lá cũng như một số bệnh và thuốc. Tăng huyết áp không được kiểm soát có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác như đau tim, đột quỵ và bệnh thận.

Hầu hết trường hợp tăng huyết áp đều không gặp bất kỳ triệu chứng nào nên căn bệnh này thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh này thường được sàng lọc dựa trên chỉ số huyết áp đo bằng thiết bị quấn trên cánh tay gọi là máy đo huyết áp.

7 bệnh mãn tính thường gặp bạn cần lưu ý 2
Huyết áp cao luôn nằm trong nhóm bệnh mạn tính thường gặp nhất

Nếu được chẩn đoán tăng huyết áp, việc điều chỉnh lối sống có thể giúp điều trị và ngăn ngừa huyết áp vượt quá ngưỡng cho phép. Các biện pháp can thiệp lối sống bao gồm hạn chế muối, uống rượu vừa phải, giảm thiểu lượng chất béo, giảm cân, tập thể dục thường xuyên và hạn chế căng thẳng. Một số bệnh nhân cũng có thể cần điều trị y tế để kiểm soát huyết áp. Khi đã điều tri y tế, việc tuân thủ điều trị là suốt đời cùng song hành với điều chỉnh lối sống.

Gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ lượng mỡ bất thường trong gan. Bệnh này phổ biến ở những người thừa cân, đái tháo đường, tăng lipid máu hoặc nghiện rượu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển sang xơ gan. Khi này, nguy cơ suy gan và tử vong của người bệnh tăng lên đáng kể. Vì vậy việc phát hiện và điều trị gan nhiễm mỡ sớm là rất quan trọng.

Đa số trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng rõ ràng. Bác sĩ thường dựa vào chỉ số men gan cao trong xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh này. Siêu âm sau đó có thể được thực hiện để phát hiện chất béo trong gan (hình ảnh gián tiếp qua siêu âm).

Không có thuốc đặc trị hay phẫu thuật để điều trị gan nhiễm mỡ. Thay vào đó, bạn sẽ được tư vấn cần tránh hoặc hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cholesterol, giảm lượng đường, giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất.

Ung thư vú

Hiện nay, ung thư vú là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất trên toàn thế giới. Hơn 25% tổng số ca ung thư ở phụ nữ là ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú tăng theo độ tuổi và độ tuổi thường mắc thường rơi vào giai đoạn trên 40.

Ung thư vú giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng và chỉ có thể được phát hiện qua chụp nhũ ảnh (). Chẩn đoán sớm rất quan trọng vì hơn 90% phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở giai đoạn đầu (sớm) đều có cơ hội sống sót sau bệnh ít nhất 5 năm (phát hiện sớm ở giai đoạn 0, tỉ lệ sống sót có thể đến 100%), so với khoảng 15% ở những phụ nữ được chẩn đoán ở giai đoạn muộn của bệnh (giai đoạn IV).

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư ở nữ phổ biến thứ 10 tại Singapore. Bệnh có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu với tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối là từ 80 – 95%. Tỷ lệ này chỉ còn lại dưới 40% ở ung thư cổ tử cung giai đoạn tiến triển.

Vì vậy, việc sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap Smear hoặc Thinprep kết hợp với HPV DNA được khuyến nghị ở tất cả phụ nữ đã từng quan hệ tình dục. Việc sàng lọc cũng nên được thực hiện thường xuyên trong khoảng thời gian 1 - 3 năm, tùy vào độ tuổi của người phụ nữ và tần suất kết quả phết tế bào Pap Smear hoặc Thinprep khi kết hợp với HPV DNA bình thường.

7 bệnh mãn tính thường gặp bạn cần lưu ý 3
Ung thư là một trong những nguyên nhân trong nhóm bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới

Ung thư đại trực tràng (đại tràng)

Ung thư ruột kết hay ung thư đại tràng cũng là một trong thể bệnh phổ biến ở cả nam và nữ. Độ tuổi thường mắc là từ 45 tuổi với tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn so với nữ giới.

Phần lớn ung thư ruột kết phát sinh từ polyp (- khối u lành tính) hay sự bất thường về tăng sinh phát triển mô, với triệu chứng không rõ ràng hoặc thoáng qua, dấu hiệu cảnh báo cho người bệnh bị bỏ quên. Sự chuyển đổi nghiêm trọng sang ác tính của bệnh diễn ra trong 5 – 10 năm. Do đó, nếu những polyp này được phát hiện và loại bỏ sớm, người bệnh có thể không phải đối mặt với ung thư đại tràng. Vì vậy, việc sàng lọc ung thư đại tràng nên bắt đầu ở tuổi 50 ở các đối tượng không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Ở người có yếu tố nguy cơ cao, chẳng hạn như tiền sử gia đình, việc sàng lọc nên bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn.

7 bệnh mãn tính thường gặp bạn cần lưu ý 4
Nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng tăng theo độ tuổi

Xét nghiệm sàng lọc ung thư đại tràng hiệu quả nhất là nội soi. Thủ thuật này nhằm kiểm tra tình trạng viêm và chảy máu ở ruột già. Tuy nhiên, xét nghiệm máu ẩn trong phân cũng thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng.

Trên đây là 7 bệnh mãn tính thường gặp bạn cần lưu ý. Các bệnh mãn tính thông thường có thể diễn tiến âm thầm mà không có bất kì triệu chứng rõ ràng nào, đặc biệt ở giai đoạn đầu của bệnh. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơ hội điều trị thành công lúc này cũng giảm đi đáng kể. Do đó, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cho từng loại bệnh mãn tính theo từng độ tuổi là vô cùng quan trọng vì một tương lai khỏe mạnh toàn diện của bạn, với cuộc sống có chất lượng cùng với những người thân xung quanh bạn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Anh Tuấn

Đã kiểm duyệt nội dung

Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.

Xem thêm thông tin