Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Acyclovir là thuốc gì? Uống Acyclovir có hại không?

Ngày 17/05/2023
Kích thước chữ

Acyclovir có công dụng ức chế sự phát triển và lây lan của virus Herpes, từ đó giúp cơ thể kháng khuẩn tốt. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng uống Acyclovir có hại không? Để có được câu trả lời, cùng tham khảo các thông tin dưới đây.

Acyclovir là thuốc có thành phần kháng virus, thường được sử dụng hỗ trợ điều trị các bệnh do virus Herpes gây ra. Loại thuốc này được điều chế dưới nhiều dạng như thoa ngoài da, viên uống hoặc tiêm truyền qua tĩnh mạch. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể sẽ có phương pháp sử dụng tương ứng. Vậy uống Acyclovir có hại không? Sử dụng Acyclovir như thế nào để hiệu quả và an toàn?

Tổng quan về Acyclovir

Như chúng ta đã biết, việc sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn là không hiệu quả đối với các bệnh do virus gây ra. Trong trường hợp này, bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng thuốc Acyclovir - một loại thuốc có tác dụng chống lại virus. Tác dụng chính của Acyclovir là giảm tốc độ phát triển của virus, hạn chế sự lây lan và tạo sức đề kháng cho cơ thể để đẩy lùi bệnh.

Acyclovir được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do virus gây ra như:

  • Điều trị khởi đầu và ngăn ngừa tái phát của virus Herpes simplex loại 1 và 2 trên da và niêm mạc, cũng như viêm não do virus Herpes simplex.
  • Điều trị bệnh zona cấp tính.
  • Điều trị và giảm số lượng các đợt tái phát của bệnh Herpes sinh dục.
  • Điều trị thủy đậu xuất huyết và thủy đậu ở người suy giảm miễn dịch cũng như trẻ sơ sinh.
Acyclovir là thuốc gì? Uống Acyclovir có hại không 1
Acyclovir là một loại thuốc có tác dụng chống lại virus Herpes

Xét về tổng quan, Acyclovir có những công dụng chính cụ thể như sau:

  • Giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của các đợt bùng phát của bệnh, đồng thời giúp vết loét lành nhanh hơn và ngăn chặn sự lan rộng của chúng.
  • Giảm đau và ngứa, cả trong quá trình bệnh diễn tiến và sau khi vết loét đã lành.
  • Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, thuốc có thể giảm nguy cơ lây nhiễm virus đến các bộ phận khác của cơ thể và ngăn chặn sự phát triển của các nhiễm trùng nghiêm trọng.

Cách dùng Acyclovir như thế nào?

Hiện tại, Acyclovir được điều chế ở 3 dạng là viên uống, dung dịch truyền vào tĩnh mạch và dạng kem bôi ngoài da.

  • Acyclovir dạng viên uống: Uống thuốc 2 - 5 lần/ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn có thể uống kèm hoặc không kèm thức ăn, uống nhiều nước khi dùng thuốc này, trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Acyclovir dạng lỏng: Lắc kỹ trước khi dùng. Bạn nên cẩn thận đo liều dùng bằng dụng cụ đo/thìa đặc biệt. Không sử dụng muỗng để đo lượng thuốc vì có thể bạn sẽ lấy không đúng liều lượng.
  • Acyclovir dạng bôi: Chỉ bôi ngoài da. Dùng 5 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 4 giờ, bỏ qua liều ban đêm. Nên sử dụng thuốc liên tục trong 5 ngày. Nếu tổn thương lành sau 5 ngày, bạn nên tiếp tục dùng thuốc thêm 5 ngày nữa.

Acyclovir hoạt động tốt nhất khi bắt đầu sử dụng khi có dấu hiệu đầu tiên của đợt bùng phát, theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc sẽ không hoạt động tốt nếu bạn trì hoãn điều trị.

Liều lượng sử dụng được dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng điều trị. Đối với trẻ em, liều lượng cũng được dựa trên trọng lượng cơ thể.

Thuốc này hoạt động tốt nhất khi nồng độ thuốc trong cơ thể được giữ ở mức ổn định. Vì vậy, hãy uống thuốc ở khoảng cách đều nhau. Để giúp ghi nhớ, bạn nên sử dụng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Bạn vẫn nên tiếp tục dùng thuốc cho đến khi đã kết thúc toàn bộ liều lượng được quy định. Không thay đổi liều, bỏ qua bất kỳ liều nào hoặc ngưng dùng thuốc sớm mà không được sự chấp thuận của bác sĩ.

Đồng thời, bạn nên báo cho bác sĩ nếu tình trạng của bạn vẫn tiếp diễn hoặc xấu đi.

Uống Acyclovir có hại không?

Nếu sử dụng tuân thủ đúng theo liều dùng được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, thì việc uống Acyclovir không gây hại cho sức khỏe. Ngược lại, uống quá liều hoặc không theo liều dùng quy định, cơ thể sẽ bị tổn thương ít nhiều.

Thuốc Acyclovir có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng như: 

  • Chán ăn, nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng;
  • Đau đầu, cảm giác mê sảng;
  • Phù bàn tay hoặc bàn chân.
Acyclovir là thuốc gì? Uống Acyclovir có hại không 2
Uống Acyclovir có hại không? Nếu sử dụng tuân thủ đúng theo liều dùng, thì sẽ không gây hại sức khỏe

Bạn cần đi cấp cứu trong trường hợp xảy ra bất ky dấu hiệu dị ứng dưới đây:

  • Phản ứng dị ứng, phát ban;
  • Khó thở;
  • Sưng họng, tê lưỡi,... 

Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đau nhức vùng lưng dưới, tiểu ít hơn bình thường, da dễ bầm tím hoặc chảy máu, yếu cơ,... Trường hợp xuất hiện các triệu chứng này, bạn nên ngừng uống thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử lý.

Đối tượng nào không nên sử dụng Acyclovir?

Bạn cần chú ý không sử dụng Acyclovir trong các trường hợp sau đây, vì nó có thể gây hại:

  • Bệnh nhân có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Bệnh nhân lớn tuổi và đang ở giai đoạn suy thận nặng.

Trong những trường hợp này, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp điều trị thay thế phù hợp.

Acyclovir là thuốc gì? Uống Acyclovir có hại không 3
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú được khuyến cáo không nên uống Acyclovir

Trên đây là những thông tin cơ bản về thuốc Acyclovir, qua đó cũng đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi “Uống Acyclovir có hại không?”. Không phải ai khi sử dụng Acyclovir cũng gặp phải các tác hại như trên. Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp các tác dụng phụ khác không được đề cập đến ở đây. Vì vậy, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và trao đổi ngay nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc.

Bảo Vân

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin