Long Châu

Herpes sinh dục: Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Herpes sinh dục (Herpes Simplex Virus - viết tắt là HSV) còn được gọi là mụn rộp sinh dục do virus herpes gây ra. Hai loại virus herpes gây bệnh herpes sinh dục ở người là HSV-1 hoặc HSV-2. Hầu hết bệnh nhân mắc herpes sinh dục ở người là do nhiễm HSV-2. Herpes sinh dục ở giai đoạn đầu bệnh thường không có dấu hiệu hoặc dấu hiệu không rõ ràng nên rất khó để phát hiện bệnh sớm. Người bệnh khi mới bị nhiễm virus thường không có biểu hiện bất thường. Sau khoảng từ 2 đến 20 ngày xâm nhập vào cơ thể, virus mới bắt đầu gây ra những dấu hiệu bệnh như sốt, cơ thể mệt mỏi. Tuy nhiên, lúc này triệu chứng cũng chưa rõ ràng nên rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm và có thể phải chờ thêm một thời gian nữa, triệu chứng mới thực sự rõ ràng như nóng rát, nổi mụn rộp tại bộ phận sinh dục...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Herpes sinh dục bệnh là gì?

Bệnh herpes sinh dục (hay còn được gọi là mụn rộp sinh dục), là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus Herpes simplex (viết tắt là HSV) gây ra. Hai chủng virus HSV là HSV-1 và HSV-2, cả hai loại đều có thể gây bệnh ở vùng sinh dục và hậu môn gây mụn rộp sinh dục; còn ở miệng, môi, mắt là vết loét; ngón tay và bàn tay là mụn nước.

Herpes sinh dục có hai giai đoạn phát triển đó là giai đoạn nguyên phát và giai đoạn tái phát.

Trong giai đoạn nguyên phát (giai đoạn sớm mới bị nhiễm virus herpes) thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần. Người bệnh đã bị lây nhiễm virus, người bệnh thường không có biểu hiện hoặc có biểu hiện không rõ ràng như chỉ bị sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi… dễ bị nhầm lẫn với những căn bệnh thông thường. Khi những mụn rộp xuất hiện ở bộ phận sinh dục thì tình trạng bệnh rõ ràng hơn, bệnh nhân bị đau vùng sinh dục. Khi những nốt mụn rộp này vỡ ra chúng tạo ra những vết lở loét ở bộ phận sinh dục gây đau và khó chịu.

Trong giai đoạn tái phát, những triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, bị ngứa rát và nóng ở những vị trí có mụn rộp, những mụn rộp này có chứa dịch bên trong và có thể mọc thành từng chùm. Nguyên nhân gây bệnh tái phát có thể do bệnh nhân bị sốt hoặc gặp phải chấn thương hoặc quan hệ tình dục với tần suất cao. 

Tuy nhiên, sau khi trải qua hai giai đoạn trên, người bệnh không còn triệu chứng bất thường nữa nhưng virus herpes vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân. Khi cơ thể bệnh nhân mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm thì nguy cơ tái phát bệnh trở lại là rất cao. Lúc đó, các triệu chứng như ngứa, nóng rát, mọc từng chùm mụn rộp có chứa dịch sẽ xuất hiện trở lại.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm HSV từ mẹ, đó là một nhiễm trùng nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong. Người mẹ mang thai bị nhiễm herpes sinh dục có thể truyền HSV (thường là HSV-2) cho con trong khi sinh thông qua tiếp xúc với chất tiết âm đạo có chứa HSV, virus này hiếm khi truyền qua nhau thai.

Herpes sinh dục chủ yếu lây qua đường tình dục không an toàn, gây ra tổn thương loét bộ phận sinh dục. Chẩn đoán với triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm nuôi cấy, huyết thanh học, PCR. Điều trị bằng thuốc kháng virus. Bệnh nhân không điều trị có thể dẫn tới các biến chứng và có thể tử vong. Bệnh thường tái phát do đó cần điều trị dự phòng bằng các thuốc kháng virus.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của herpes sinh dục

Trong giai đoạn sớm bị nhiễm herpes sinh dục, các tổn thương sinh dục ban đầu phát triển từ 4 đến 7 ngày. Ở giai đoạn này, người bệnh không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào, hoặc triệu chứng nhẹ giống như bị cúm: Sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi và buồn nôn…Do đó hầu hết người bệnh không biết mình đã bị nhiễm HSV. Chỉ khi xuất hiện mụn rộp ở bộ phận sinh dục thì triệu chứng mới rõ ràng như ngứa rát, sốt…

  • Ở nam giới mắc herpes sinh dục, biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh là những mụn rộp, mọc đơn hoặc mọc thành từng chùm xuất hiện ở phần đầu, phần thân dương vật. Nốt mụn rộp khi đã căng mọng sẽ có thể vỡ ra và gây ngứa rát, tạo thành vết loét.

  • Ở nữ giới khi bị bệnh herpes sinh dục, ở âm đạo, âm hộ, đáy chậu, âm đạo và cổ tử cung của nữ giới xuất hiện các mụn rộp, khiến người bệnh cảm thấy đau rát, mệt mỏi, sốt nhẹ, khí hư có mùi hoặc xuất hiện tình trạng sưng hạch bạch huyết. Những mụn rộp này khi vỡ ra sẽ tạo thành ổ viêm loét. Sau khi lành vết thương có thể để lại sẹo.

Mụn rộp cũng có thể xuất hiện xung quanh hậu môn và trực tràng ở nam giới hoặc phụ nữ có quan hệ tình dục qua hậu môn - trực tràng gây đau buốt, kèm theo đó là triệu chứng có thể xảy ra đái rắt, bí tiểu, rối loạn tiểu tiện, táo bón, hoặc tổn thương nặng các rễ thần kinh cùng cụt. Sau khi lành vết thương cũng có thể để lại sẹo.

Các tổn thương tái phát 50% ở những người bệnh có HSV-1 và 80% ở những người có HSV-2. Các tổn thương ban đầu ở bộ phận sinh dục gây đau, kéo dài và lan rộng có thể liên quan đến viêm hạch tại chỗ và triệu chứng điển hình hơn so với tổn thương sinh dục tái phát. Các tổn thương tái phát có xu hướng nhẹ hơn và kết hợp với ít triệu chứng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến herpes sinh dục

Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh herpes sinh dục do virus HSV, chúng thường xâm nhập vào cơ thể qua dịch nhầy, các vùng da bị tổn thương, máu…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải herpes sinh dục?

Đối tượng nam, nữ ở bất kỳ độ tuổi nào hay trẻ sơ sinh đều có nguy cơ nhiễm virus herpes sinh dục nếu tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.

Bệnh herpes sinh dục rất dễ lây truyền qua nhiều con đường như:

  • Lây truyền qua quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn với người bệnh đều có khả năng mắc bệnh và đây là con đường lây bệnh chính của bệnh herpes sinh dục.

  • Lây truyền từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai mắc herpes sinh dục, trong quá trình sinh nở có thể lây truyền virus herpes sang cho con qua nước ối hay dịch âm đạo.

  • Lây truyền qua tiếp xúc với dịch nhầy, mủ của người bệnh: Virus gây bệnh herpes sinh dục có chủ yếu ở trong dịch nhầy, máu và mủ của người mắc bệnh nên virus HSV có thể bị lây nhiễm khi người khỏe mạnh có vết thương hở tiếp xúc với các dịch này.

  • Lây qua đường máu: Virus HSV có tồn tại bên trong máu của người bệnh, nên có nguy cơ mắc bệnh cao khi truyền máu hay sử dụng chung bơm kim tiêm từ người nhiễm bệnh. 

  • Lây truyền khi sử dụng chung các đồ dùng cá nhân: Một số đồ dùng cá nhân của người bệnh như quần áo, bàn chải đánh răng, khăn tắm,.. đều có nguy cơ lây truyền bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc herpes sinh dục

Một số nguy cơ bị mắc herpes sinh dục có thể tăng lên nếu:

  • Nữ giới: Nữ giới thường dễ mắc herpes sinh dục hơn so với nam giới. Các virus lây truyền qua con đường quan hệ tình dục thường dễ lây từ nam sang nữ hơn là từ nữ sang nam giới.

  • Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều người: Quan hệ tình dục với nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ mắc herpes sinh dục và các bệnh lây truyền khác qua đường tình dục.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán herpes sinh dục

  • Đánh giá lâm sàng.

  • Phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

  • Xét nghiệm huyết thanh học.

Chẩn đoán herpes sinh dục thường là đánh giá lâm sàng dựa trên các tổn thương đặc trưng như: Các đám ban phỏng nước hoặc loét trên nền ban đỏ. Tuy nhiên, những tổn thương này không xuất hiện ở tất cả bệnh nhân nhiễm herpes sinh dục.

Các xét nghiệm cho HSV nếu không rõ ràng nên được thực hiện để chẩn đoán xác định.

Xét nghiệm PCR: Mẫu xét nghiệm là máu hoặc dịch não tủy hoặc thử nghiệm DNA để tìm kiếm sự có mặt của virus HSV.

Xét nghiệm huyết thanh học: Phát hiện chính xác các kháng thể HSV-1 và HSV-2, phát triển trong vài tuần đầu sau nhiễm trùng và tồn tại sau đó. Do đó, nếu herpes sinh dục được cho là mới mắc phải, có thể được lặp lại các xét nghiệm để có thời gian chuyển đổi huyết thanh.

Xét nghiệm huyết thanh học HSV nên được xem xét như sau:

  • Đánh giá bệnh nhân không có tổn thương bộ phận sinh dục nghi ngờ ở những bệnh nhân cần đánh giá, ví dụ: Do trước đây đã từng bị tổn thương bộ phận sinh dục hoặc các hành vi có nguy cơ cao.

  • Giúp xác định nguy cơ phát triển tổn thương.

  • Xác định phụ nữ mang thai có nguy cơ truyền herpes cho trẻ sơ sinh trong khi sinh nhưng không có tổn thương bộ phận sinh dục.

  • Để xác định xem một người có nguy cơ lây nhiễm herpes sinh dục từ bạn tình hay không.

Phương pháp điều trị herpes sinh dục hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Herpes sinh dục được điều trị bằng thuốc kháng virus như: Acyclovir, valacyclovir, hoặc famciclovir.

Để giảm thời gian điều trị bệnh cũng như mức độ trầm trọng của bệnh nên bắt đầu sử dụng các thuốc kháng virus sớm trong vòng 72 giờ sau khi xuất hiện thương tổn. Hơn nữa, điều trị bằng các thuốc kháng virus còn làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng bệnh herpes sinh dục của giai đoạn khởi phát như rối loạn đám rối thần kinh cùng cụt và viêm màng não.

Việc điều trị bằng thuốc kháng virus trong giai đoạn tái phát của bệnh, giúp mức độ của triệu chứng của bệnh và thời gian điều trị có thể được giảm nhẹ hơn so với trong giai đoạn khởi phát. 

Tác dụng phụ ít gặp với thuốc kháng virus đường uống nhưng có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu và phát ban. 

Đánh giá bạn tình của bệnh nhân với herpes sinh dục là rất quan trọng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của herpes sinh dục

Chế độ sinh hoạt:

  • Bệnh nhân bị herpes sinh dục cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Duy trì lối sống tích cực.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị như vết loét nặng hơn, ngứa rát khó chịu...

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh, nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm để bác sĩ tìm hướng điều trị thích hợp kế tiếp.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tránh để bị căng thẳng, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị bệnh herpes sinh dục.

Để giúp làm giảm căng thẳng người bệnh nên áp dụng một số phương thức như:

  • Ngủ đủ giấc: Thông thường nên ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm, tùy vào nhu cầu của cơ thể mỗi người có thể ngủ ít hơn hay nhiều hơn.

  • Tập luyện thể dục thể thao: Hãy thực hiện các hoạt động ưa thích, chẳng hạn như quần vợt, đạp xe, đi bộ,...và có thể rủ thêm bạn bè, người thân cùng tập chung.

  • Giao tiếp: Khi bị căng thẳng, người bệnh nên trò chuyện, tâm sự với người bạn cảm thấy tin tưởng, có thể giúp tạm thời quên đi những rắc rối đang gặp phải. 

  • Thư giãn: Người bệnh nên dành ra vài phút thư giãn với những việc làm ưa thích, chẳng hạn như uống một tách trà, chăm sóc cây cảnh, nghe nhạc,...

Vì vậy để kiểm soát tốt virus herpes, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống hãy cố gắng giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống càng nhiều càng tốt.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bị nhiễm herpes sinh dục cần bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho cơ thể giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch để chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh, đồng thời còn có thể hỗ trợ ức chế sự phát triển của virus gây bệnh. Một số loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe và sức đề kháng như những thực phẩm chứa nhiều protein như gan động vật, thịt, trứng, sữa và đậu nành, các loại rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin,...

Người mắc bệnh herpes cũng nên bổ sung lượng nước đầy đủ cho cơ thể, nên uống từ 2 đến 3 lít nước một ngày để đảm bảo cho các chức năng của cơ thể hoạt động hoàn hảo, giúp thận bài tiết hết lượng chất độc hại ra khỏi cơ thể. 

Ngoài ra, người mắc bệnh herpes sinh dục cũng cần lưu ý hạn chế ăn các món đồ cay nóng như ớt, tiêu, gừng hoặc mít, vải,... làm cho cơ thể luôn tỏa nóng từ bên trong cơ thể, khiến các mụn rộp sinh dục cũng nhờ đó mà phát triển mạnh hơn, gây lở loét trở nên nghiêm trọng hơn.

Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá hoặc thức uống có gas và caffein cũng cần hạn chế. Trong trường hợp người đang bị mụn rộp sinh dục mà vẫn sử dụng nhóm chất này thì hệ miễn dịch của bệnh nhân sẽ hoạt động không còn hiệu quả, khiến sức khỏe suy giảm.

Phương pháp phòng ngừa herpes sinh dục hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh herpes hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Kiêng quan hệ tình dục (âm đạo, hậu môn và miệng) khi đang phát bệnh hay bệnh đang bị tái phát.

  • Đời sống tình dục lành mạnh, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh herpes sinh dục và các căn bệnh nguy hiểm khác lây truyền qua đường tình dục. 

  • Đồ dùng các nhân là những vật dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì vậy bạn không nên sử dụng chung.

  • Để giảm nguy cơ mắc bệnh herpes sinh dục bạn nên giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng những loại dung dịch vệ sinh lành tính, không nên mặc quần áo bó, chật hay ẩm.

  • Ngoài ra, bạn nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để cơ thể luôn khỏe mạnh.

  • Để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, bạn kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

  • Sử dụng bao cao su một cách chính xác và phù hợp.

Tuy nhiên, bao cao su không che phủ tất cả các khu vực có thể bị ảnh hưởng và do đó không bảo vệ đầy đủ chống lại mụn rộp sinh dục.

Bên cạnh những biện pháp phòng bệnh phổ biến như chung thủy với một người không mắc bệnh, sử dụng bao cao su,... cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh là tiêm vắc - xin ngừa virus HSV.

Phòng ngừa nhiễm HSV sơ sinh

Các bác sĩ nên hỏi tất cả phụ nữ mang thai xem họ có bị herpes sinh dục hay không và nên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không bị herpes trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có herpes sinh dục có thể được cho dùng acyclovir bắt đầu ở tuần thai 36 để làm giảm nguy cơ tái phát và bác sĩ sẽ làm thủ thuật mổ lấy thai để tránh lây truyền virus herpes cho trẻ sơ sinh.

Nguồn tham khảo

https://www.msdmanuals.com/vi/chuyen-gia/herpesviruses

Các bệnh liên quan