Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa? Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng cúm mùa

Ngày 27/10/2024
Kích thước chữ

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có nguy cơ nhiễm virus cúm và lây truyền cho những người xung quanh. Trong một số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy hiểm đối với tính mạng, vì vậy việc tiêm phòng cúm mùa là vô cùng quan trọng. Vậy ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa?

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe hoặc thậm chí gây tử vong cho người bệnh. Việc tiêm phòng vắc xin cúm mùa được đánh giá là biện pháp phòng bệnh cũng như các biến chứng của bệnh hiệu quả. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại vắc xin cúm mùa khác nhau nên nhiều người băn khoăn rằng ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết này nhé.

Cơ chế hoạt động của vắc xin cúm mùa

Vắc xin cúm mùa là sinh phẩm có chứa kháng nguyên cúm giúp kích thích cơ thể tạo hệ thống miễn dịch sản sinh miễn dịch đặc hiệu, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm virus cúm trong tương lai. Trong vắc xin cúm có chứa virus bất hoạt nên không thể gây bệnh cho người tiêm. Kể từ thời điểm tiêm ngừa, cơ thể cần khoảng 2 tuần để tạo kháng thể, trong giai đoạn sau tiêm cơ thể có thể xuất hiện tác dụng phụ như sốt nhưng đây là biểu hiện bình thường cho thấy cơ thể đang đáp ứng miễn dịch. 

Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa? Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng cúm mùa 1
Sau khi tiêm vắc xin cúm cơ thể sẽ đáp ứng miễn dịch và sản sinh kháng thể chống lại virus cúm

Sau khi kết thúc quá trình nhiễm trùng bắt chước này, cơ thể đã tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch để bảo vệ cơ thể, chống lại các virus cúm gây bệnh. Trong trường hợp người tiêm bị nhiễm virus cúm, các kháng thể đã hình thành sau khi tiêm vắc xin cúm sẽ gắn vào cấu trúc bên ngoài lớp vỏ protein, làm cho virus cúm bị vô hiệu.

Có cần thiết phải tiêm phòng cúm mùa hay không?

Trước khi tìm hiểu ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa thì chúng ta hãy cùng giải đáp thắc mắc có cần thiết phải tiêm phòng cúm mùa hay không. Tương tự như các bệnh lý khác, trong trường hợp mắc bệnh cúm mùa nhưng không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng như: Viêm phổi, viêm tai, viêm phế quản, viêm não thậm chí có thể dẫn đến tử vong. 

Trong khi đó tiêm phòng cúm mùa có thể giúp bảo vệ phổi, đường hô hấp, hạn chế nguy cơ mắc bệnh lên đến 90% và đặc biệt giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng của bệnh. Chính vì vậy, việc tiêm phòng cúm mùa là vô cùng cần thiết để hạn chế nguy cơ nhiễm virus cúm mùa. Nếu bạn đã tiêm phòng cúm từ năm trước thì năm nay vẫn nên chích lại vắc xin cúm mới vì vắc xin cúm chỉ chứa một phần vỏ áo của virus cúm nên vẫn có hiệu quả mà ít gây tác dụng phụ cho người tiêm.

Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa? Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng cúm mùa 2
Tiêm vắc xin cúm mùa giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhiễm virus cúm mùa

Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa?

Việc tiêm phòng cúm mùa là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh. Vậy ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa là thắc mắc của đa số chúng ta. 

Những đối tượng nên tiêm phòng vắc xin cúm mùa

Trẻ từ đủ 6 tháng tuổi trở lên và tất cả mọi người dù người khỏe mạnh hay người đang mắc bệnh cũng nên tiêm phòng vắc xin cúm mùa. Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Không chỉ vậy, tiêm phòng vắc xin cúm mùa cũng là cách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những đối tượng sau đây đặc biệt nên tiêm phòng cúm mùa hàng năm, cụ thể:

  • Người trên 65 tuổi: Đây là đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm vì vậy khi mắc cúm mùa có thể dẫn đến các biến chứng về đường hô hấp như viêm phổi, viêm cơ tim hoặc có thể tử vong.
  • Người có bệnh lý nền: Người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch khi nhiễm virus cúm sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, suy hô hấp, tim đập nhanh và làm mất cân bằng cung cầu oxy cho cơ thể dẫn đến máu cô đặc, ảnh hưởng đến sự nứt vỡ của các mảnh xơ vữa động mạch. Người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 10 lần và đột quỵ gấp 8 lần chỉ sau 3 ngày mắc bệnh cúm mùa.
  • Người mắc bệnh về đường hô hấp: Người mắc bệnh hen phế quản, phổi tắc nghẽn khi mắc cúm mùa cũng có nguy cơ tử vong rất cao.
Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa? Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng cúm mùa 4
Người trên 65 tuổi là đối tượng nên được tiêm phòng cúm mùa

Những đối tượng không nên tiêm phòng vắc xin cúm mùa

Mặc dù được khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin cúm tuy nhiên nếu thuộc một trong số các đối tượng sau đây thì bạn không nên tiêm phòng vắc xin cúm mùa.

  • Đã có phản ứng dị ứng với vắc xin ở lần tiêm trước;
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin cúm;
  • Gặp biến chứng thần kinh hiếm gặp Guillain-Barré do vắc xin cúm.

Ngoài ra để hiểu rõ bản thân có thể tiêm phòng vắc xin cúm hay không bạn nên thăm khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể. Lưu ý cần cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý để bác sĩ xem xét bạn có đủ điều kiện để tiêm phòng cúm mùa hay không. 

Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa? Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng cúm mùa 3
Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa là câu hỏi mà không phải ai cũng có đáp án cụ thể

Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng vắc xin cúm mùa

Đọc đến đây ắt hẳn bạn đã biết được câu trả lời ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa. Bên cạnh đó bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề khi tiêm phòng vắc xin cúm mùa như sau:

  • Vị trí tiêm: Thông thường vắc xin cúm được tiêm vào cơ bắp ba tam giác trên cánh tay, vị trí tiêm này giúp tăng khả năng hấp thụ vắc xin. Không nên tiêm vào chân vì vị trí này không an toàn và không đảm bảo hiệu quả vắc xin trong cơ thể. Hãy đến cơ sở y tế để được tiêm ngừa đúng cách.
  • Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin cúm: Sau khi tiêm vắc xin cúm, một số người sẽ xuất hiện một vài tác dụng phụ như đau và sưng tại vị trí tiêm, nóng, sốt, đau đầu, mệt mỏi,.. Tuy nhiên những triệu chứng này thường không quá nghiêm trọng và có thể khỏi sau vài ngày. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, sưng họng hoặc sưng mặt, phù mạch, phát ban kéo dài, buồn nôn, chóng mặt thì hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa? Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng cúm mùa 5
Sau khi tiêm phòng người tiêm có thể xuất hiện một số tác dụng phụ của vắc xin như đau đầu, mệt mỏi

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây lan nhanh chóng kèm theo những biến chứng khó kiểm soát vì thế tiêm phòng cúm mùa là vô cùng cần thiết đối với mọi người và cộng đồng. Tuy nhiên không phải loại vắc xin nào cũng có thể tiêm cho tất cả mọi người vì vậy bạn cần biết được ai nên và không nên tiêm phòng cúm mùa để tránh nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Bệnh cúm mùa xuất hiện hàng năm với những biến chủng virus cúm khác nhau nên hãy chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được tiêm phòng nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng bạn nhé. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cảm cúmCúm