Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ăn chung với người nhiễm viêm gan B có bị lây không?

Ngày 09/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sự gia tăng về số người mắc bệnh viêm gan B cùng với thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, như việc dùng chung bát, đũa, dụng cụ ăn uống khiến nhiều người không khỏi tỏ ra lo lắng rằng ăn chung với người nhiễm viêm gan B có lây không?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh viêm gan B và con đường lây nhiễm bệnh viêm gan B. Trên cơ sở đó giúp người đọc giải đáp thắc mắc về vấn đề “ăn chung với người nhiễm viêm gan B”. Nếu bạn đang quan tâm về vấn đề này, hãy cùng Long Châu tìm hiểu bài viết dưới đây!

Viêm gan B là gì?

Bệnh viêm gan B do virus Hepatitis B (HBV) gây ra là một bệnh đáng lo ngại vì sự lây truyền nhanh chóng từ người sang người, với tốc độ cao hơn gấp từ 50 đến 100 lần so với virus HIV.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, HBV có thể tồn tại bên ngoài cơ thể và có khả năng lây nhiễm trong ít nhất 7 ngày. Đối với người chưa được tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B, thời gian ủ bệnh viêm gan B sau khi bị HBV xâm nhập vào cơ thể có thể kéo dài từ 30 đến 180 ngày. Trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm, virus có thể được phát hiện trong cơ thể người bệnh qua các xét nghiệm như HBsAg.

Viêm gan B có khả năng chuyển sang giai đoạn mạn tính, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B từ mẹ. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm viêm gan B, việc hiểu rõ con đường lây nhiễm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp là cần thiết.

an-chung-voi-nguoi-nhiem-viem-gan-b-co-bi-lay-khong 1
Viêm gan B là bệnh do virus Hepatitis B gây ra

Viêm gan B lây truyền qua đường nào?

Các con đường lây truyền chủ yếu của viêm gan B bao gồm:

  • Lây từ mẹ sang con;
  • Tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm viêm gan B;
  • Tiếp xúc với các dụng cụ y tế không được vệ sinh sạch hoặc đã bị nhiễm virus;
  • Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn;
  • Sử dụng chung vật dụng có chứa máu hoặc dịch tiết (như kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ xăm mình...).

Mặc dù virus viêm gan B có thể được tìm thấy trong nước bọt, nhưng trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã khẳng định rằng viêm gan B không lây qua hành động như hắt hơi, ôm hôn hay sử dụng chung đồ dùng thông thường.

Lây truyền từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B có thể truyền sang thai nhi. Nguy cơ mẹ truyền bệnh cho thai nhi có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau sinh. Ngoài ra tùy vào mỗi giai đoạn thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang thai nhi không giống nhau:

  • Giai đoạn mang thai: Trong giai đoạn này, tỷ lệ lây nhiễm virus sang con phụ thuộc vào thời điểm mà người mẹ bị nhiễm bệnh. Cụ thể, tỷ lệ lây nhiễm virus sang con là 1% nếu mẹ bị nhiễm virus trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu nhiễm virus trong 3 tháng giữa thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm là 10%. Trong khi đó, nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm có thể lên tới trên 60%. Để giảm thiểu nguy cơ máu mẹ tiếp xúc với thai nhi, đặc biệt từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi, người mẹ bị viêm gan B cần hạn chế tổn thương hàng rào nhau thai.
  • Trong giai đoạn chuyển dạ và sinh con: Đây là thời điểm mà tỷ lệ lây truyền cao nhất, lên đến 90%. Khi chuyển dạ, tử cung co thắt kéo theo sự co thắt của mạch máu xung quanh nhau thai. Trẻ sơ sinh có thể nhiễm virus HBV khi tiếp xúc với máu của mẹ hoặc qua dịch âm đạo khi trẻ chui qua âm đạo của mẹ.
  • Trong giai đoạn cho con bú: Viêm gan B ít lây qua sữa mẹ, mặc dù DNA của virus HBV có thể nằm trong sữa non của mẹ bị nhiễm bệnh, nhưng với nồng độ thấp. Điều này dẫn đến việc lây truyền ít gặp nếu bé được tiêm vaccine viêm gan B và HBIG đầy đủ sau khi sinh.

Để phòng ngừa lây truyền virus HBV từ mẹ sang con, nếu thai phụ có nồng độ virus cao, có thể uống thuốc kháng virus trong 3 tháng cuối thai kỳ để làm giảm nồng độ virus xuống thấp. Ngoài ra, trẻ cần được tiêm vaccine viêm gan B và globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) trong vòng 12 giờ sau khi sinh. Những biện pháp này rất hiệu quả và giúp giảm tỷ lệ lây bệnh cho con rất nhiều.

Lây truyền qua đường máu

Viêm gan B là loại bệnh lây truyền chủ yếu qua đường máu, do nồng độ virus HBV trong máu rất cao. Mọi tiếp xúc với máu hoặc việc nhận máu và các chế phẩm từ máu của người dương tính với viêm gan B đều có thể gây nhiễm virus HBV.

Do đó, cần cẩn trọng trong những hoạt động có khả năng tiếp xúc với máu người khác, như phẫu thuật, điều trị nha khoa, hoặc xăm hình. Việc đảm bảo dụng cụ đã được tiệt trùng và khử khuẩn theo tiêu chuẩn là cần thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan B qua đường máu.

an-chung-voi-nguoi-nhiem-viem-gan-b-co-bi-lay-khong 2
Bệnh viêm gan B lây truyền chủ yếu qua đường máu

Dùng chung kim tiêm

Việc sử dụng chung kim tiêm hoặc tái sử dụng kim tiêm đã qua sử dụng là một con người nguy hiểm để truyền virus viêm gan B cho người khác.

Nhiễm bệnh thông qua việc sử dụng chung kim tiêm là một hình thức lây nhiễm qua đường máu. Kim tiêm, sau khi đã được sử dụng (dù là từ ngày trước đó), bất kể liệu chúng được sử dụng ở môi trường y tế hay trong các hoạt động khác, vẫn chứa đựng các vi khuẩn và virus. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có viêm gan B.

Lây truyền qua đường tình dục

Khi tham gia hoạt động tình dục, virus viêm gan B có thể lây lan qua cả quan hệ đồng giới và khác giới. Nếu tiếp xúc với người nhiễm virus viêm gan B mà không áp dụng biện pháp bảo vệ an toàn, khả năng bị nhiễm virus này có thể lên đến 80 - 90%.

Dùng chung vật dụng cá nhân

Sử dụng chung các vật dụng cá nhân, như bàn chải đánh răng, dụng cụ cắt móng, hoặc dao cạo râu, có thể dẫn đến lây nhiễm virus từ người khác, đặc biệt là khi chúng dính máu hoặc dịch tiết của người bị viêm gan B.

Ăn chung với người nhiễm viêm gan B có lây không?

Ăn chung với người nhiễm viêm gan B có bị lây không? Câu trả lời là không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy bệnh viêm gan B có thể lây qua đường ăn uống. 

Mặc dù được biết đến là một bệnh truyền nhiễm, virus HBV thường không lây truyền qua nước bọt. Do đó, khi tiếp xúc và ăn chung với người nhiễm viêm gan B, sử dụng chung bát đũa với người mắc viêm gan B, nguy cơ lây nhiễm được coi là không có.

an-chung-voi-nguoi-nhiem-viem-gan-b-co-bi-lay-khong 3
Ăn chung với người nhiễm viêm gan B có bị lây không?

Tiêm vaccine chủ động ngăn ngừa viêm gan B

Vaccine ngừa viêm gan B là biện pháp tích cực phòng ngừa bệnh lý này, đặc biệt quan trọng đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người sống chung với người mắc viêm gan B, người có quan hệ tình dục với người mắc bệnh, người sử dụng ma túy, bệnh nhân viêm gan mạn tính, người nhiễm virus viêm gan C, và những người bị suy thận ở giai đoạn cuối. Đây là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay để tăng cường miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi virus ngay từ khi tiếp xúc ban đầu.

an-chung-voi-nguoi-nhiem-viem-gan-b-co-bi-lay-khong 4
Chủ động phòng tránh viêm gan B bằng cách tiêm ngừa vaccine

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã cái cái nhìn rõ hơn về viêm gan B cũng như các con đường lây truyền viêm gan B. Đồng thời nhận thức được rằng viêm gan B là một loại bệnh tổn thương gan nguy hiểm và dễ dàng lây nhiễm từ người sang người chủ yếu bằng đường máu. Từ những thông tin trên, giúp người đọc giải đáp thắc mắc về vấn đề “ăn chung với người nhiễm viêm gan B”, từ đó có thể tự chủ động bảo vệ chính bản thân mình và người thân bằng những hành động phòng ngừa đúng và phù hợp.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm