Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bà bầu bị đau răng: Nguyên nhân, ảnh hưởng và cách điều trị tại nhà

Ngày 13/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng bà bầu bị đau răng cần được giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả để tránh tác động tiêu cực đến thai kỳ và sức khỏe của thai nhi. Dưới đây là những gợi ý từ chuyên gia về cách điều trị đau răng cho bà bầu.

Các vấn đề về răng miệng như đau răng có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với thai nhi, bao gồm sinh nhẹ cân, sinh non, và tiền sản giật,... Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về trường hợp bà bầu bị đau răng cũng như cách chữa đau răng trong giai đoạn mang thai.

Bà bầu bị đau răng do đâu?

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể của phụ nữ trải qua nhiều biến đổi, đặc biệt là sự biến động không đều của các hormone như progesterone và estrogen. Sự mất cân bằng này có thể làm tăng sự thẩm thấu của mạch máu trong nướu, gây sưng và chảy máu nướu răng.

Bà bầu bị đau răng: Nguyên nhân, ảnh hưởng và cách trị tại nhà 1
Tăng hormone nữ khiến cho mẹ bầu bị đau răng

Các chuyên gia cho rằng một số yếu tố cụ thể có thể gây nên hiện tượng bà bầu bị đau răng:

  • Thay đổi pH miệng: Môi trường pH trong miệng thay đổi, làm giảm khả năng tự bảo vệ của nướu và tăng nguy cơ các vấn đề về răng.
  • Tăng số bữa ăn: Sự gia tăng số lần ăn trong ngày có thể làm tăng axit trong miệng, góp phần tạo điều kiện cho sự hình thành sâu răng.
  • Tăng hormone nữ: Sự tăng cao của hormone nữ, đặc biệt là progesterone và estrogen, có thể làm tăng nguy cơ viêm nướu.
  • Thay đổi nước bọt: Thời kỳ mang thai có thể làm thay đổi tính chất của nước bọt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn trong miệng.
  • Thiếu canxi: Sự thiếu hụt canxi trong thời kỳ thai nghén có thể tăng nguy cơ đau răng và các vấn đề răng khác.
  • Ngoài ra, vệ sinh răng miệng không đúng cách và phản ứng nôn nghén khi sử dụng kem đánh răng cũng có thể làm tăng khả năng bị đau răng ở phụ nữ mang thai.

Đau răng ảnh hưởng tới mẹ bầu và thai nhi như thế nào?

Đau răng và các vấn đề về răng miệng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ bầu và cũng tác động đáng kể đến sự phát triển của thai nhi như sau:

Tăng nguy cơ sinh non

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bệnh lý như đau răng, viêm nướu và viêm nha chu có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, và tiền sản giật lên gấp 2 - 3 lần so với trường hợp bình thường.

Nguyên nhân của hiện tượng này được giải thích bởi sự di chuyển của vi khuẩn gây bệnh từ khoang miệng vào nhau thai, gây tăng nồng độ sinh lý trong dịch ối. Điều này có thể dẫn đến chuyển dạ sớm, sinh non, sinh nhẹ cân. Hậu quả của các vấn đề này có thể làm tăng nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý như thiếu thốn nhận thức, bệnh bại não và khả năng nhìn kém ở trẻ nhỏ.

Bà bầu bị đau răng: Nguyên nhân, ảnh hưởng và cách trị tại nhà 2
Đau răng có thể làm tăng nguy cơ sinh non

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng trẻ sinh non hoặc sinh nhẹ cân có khả năng phát triển vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tăng động/tự kỷ và khả năng hòa nhập xã hội thấp.

Tăng nguy cơ sâu răng cho trẻ

Mẹ bị sâu răng có thể truyền vi khuẩn gây sâu răng cho trẻ thông qua đường hôn miệng hoặc bón thức ăn. Vi khuẩn gây sâu răng sẽ gây bệnh cho trẻ ngay từ lúc răng mới mọc.

Cách trị đau răng cho bà bầu đơn giản tại nhà

Sử dụng thuốc giảm đau cho bà bầu bị đau răng không phải là lựa chọn khuyến khích. Do đó, các thai phụ có thể thực hiện những biện pháp giảm đau tại nhà như sau:

  • Súc miệng với nước ấm thường xuyên: Súc miệng bằng nước ấm không chỉ giúp loại bỏ mảng bám thức ăn mà còn giúp xoa dịu cơn đau do viêm nướu hoặc sâu răng. Việc thêm chút muối vào nước ấm trước khi súc miệng có thể tăng hiệu quả sát khuẩn.
  • Sử dụng thuốc sát trùng không kê đơn: Thai phụ có thể sử dụng các loại thuốc sát trùng không kê đơn để giảm đau tạm thời. Benzocaine là một trong những lựa chọn được bác sĩ đề xuất để thoa lên vùng răng đau.
  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh: Chườm ấm hoặc lạnh lên vùng răng đau có thể làm tê nướu tạm thời và giảm đau trong khoảng thời gian ngắn.
Bà bầu bị đau răng: Nguyên nhân, ảnh hưởng và cách điều trị tại nhà 3
Chườm ấm hoặc chườm lạnh làm tê nướu tạm thời và giảm đau

Chăm sóc răng miệng hàng ngày và đúng cách:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày để duy trì sự sạch sẽ và giảm nguy cơ sâu răng. Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám thức ăn giữa các kẽ răng. Sử dụng dung dịch sát khuẩn tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại dung dịch phù hợp.
  • Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt là canxi, phốt pho,... để tăng cường sức khỏe răng.
  • Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như sưng đỏ nướu, đau rát hoặc chảy máu chân răng kéo dài, hãy đến khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời từ các chuyên gia nha khoa.

Mang thai là một giai đoạn tuyệt vời, nhưng không phải ai cũng trải qua nó một cách dễ dàng. Bà bầu bị đau răng là một trong những vấn đề phổ biến mà nhiều người sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, thông qua việc xác định đúng nguyên nhân cùng với việc chăm sóc hiệu quả, các bà bầu có thể giảm nhẹ tình trạng này để tận hưởng giai đoạn mang thai một cách trọn vẹn và hạnh phúc nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm