Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bạn đã biết đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất chưa?

Ngày 22/08/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Huyết áp là thông số cơ bản phản ánh tình trạng sức khỏe. Việc thường xuyên đo huyết áp là rất cần thiết nhằm giúp theo dõi sức khỏe một cách sát sao nhất, nhất là khi bạn hoàn toàn có thể đo huyết áp tại nhà. Tuy nhiên, bạn đã biết đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

Sức khỏe là vàng. Vì thế, càng hiểu rõ về những nguy hiểm của bệnh lý huyết áp cũng như nắm kỹ thời điểm đo huyết áp trong ngày sẽ giúp mỗi người chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe toàn diện cho bản thân. 

Huyết áp là gì?

Trong cơ thể chúng ta, lực co bóp của tim và sức cản của mạch máu sẽ tạo ra huyết áp. Nói cách khác, huyết áp là thước đo lực của máu tác động lên thành động mạch khi máu chảy qua chúng. 

Đơn vị dùng để đo huyết áp là milimet thủy ngân (mmHg). Khi đo huyết áp, nhất là với máy điện tử, chúng ta sẽ thấy kết quả thể hiện bằng hai con số, được gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).

Bạn đã biết đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất chưa? 1 Huyết áp là thông số cơ bản phản ánh tình trạng sức khỏe. 
  • Huyết áp tâm thu: Là áp lực khi tim đập và ép máu vào động mạch (áp lực trong động mạch là cao nhất ở giai đoạn này);
  • Huyết áp tâm trương: Là áp lực khi tim nằm giữa những nhịp đập và máu chảy ngược về tim thông qua tĩnh mạch (áp lực trong động mạch ở mức thấp nhất ở giai đoạn này). 

Là chỉ số phản ánh trạng thái cân bằng động học của các quá trình sinh lý trong cơ thể nên huyết áp sẽ không phải lúc nào cũng ổn định giữ cùng một chỉ số mà nó sẽ có sự thay đổi phụ thuộc vào hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe tại thời điểm nào đó. Điều đó có nghĩa, ngay cả những việc chẳng hạn như thay đổi vị trí, tư thế, uống cà phê hay hút thuốc lá, bị xúc động... cũng có thể khiến huyết áp tăng lên bất thường.

Huyết áp thông thường sẽ cao hơn vào buổi sáng, thấp hơn vào buổi tối. Những lúc chúng ta ngủ sâu nhất chính là đỉnh thấp nhất (SBP/DBP mmHg < 120 và/hoặc < 70). 

Ngược lại, chỉ số cao nhất của huyết áp lại có nhiều đỉnh khác nhau, cụ thể như khi bạn có việc lo nghĩ, stress,... Tuy nhiên, sau đó cơ thể sẽ điều chỉnh về trạng thái cân bằng. Nếu cơ thể không có khả năng này, huyết áp luôn ở mức cao/thấp thì đây chính là tình trạng bệnh lý thực sự.

Đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất?

"Đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất?" là vấn đề rất được quan tâm. Như đã nói ở trên, huyết áp thường xuyên dao động nên bạn phải biết chọn thời điểm đo huyết áp để việc theo dõi được chính xác nhất khi nào huyết áp cao/thấp hay bình thường. Đừng quên ghi lại chỉ số huyết áp vào nhật ký theo dõi sức khỏe tại nhà để tránh nhầm lẫn.

Bạn đã biết đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất chưa? 2"Đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất?" là vấn đề rất được quan tâm.

Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo việc đo huyết áp tại nhà nên thực hiện vào buổi sáng khi mới thức dậy và trước khi bước ra khỏi giường. Nếu được yêu cầu theo dõi huyết áp nhiều lần trong ngày, nên chọn đo vào các thời điểm cố định, dễ nhớ và cũng dễ có căn cứ so sánh.

Việc đo huyết áp tại nhà là cần thiết và càng an tâm, tin tưởng hơn khi bạn biết cách tự đo huyết áp tại nhà chuẩn xác, dùng chỉ số đó trong chẩn đoán tăng huyết áp và theo dõi điều trị về lâu dài. Do bệnh nhân khi đến phòng khám, bệnh viện, chỉ số đo huyết áp thường có khuynh hướng cao hơn đo tại nhà. 

Ngược lại, nếu chỉ số huyết áp đo tại nhà cao hơn khi đo tại phòng khám thì có thể nghĩ đến hiện tượng tăng huyết áp giấu mặt. Điều này vô cùng nguy hiểm vì dễ bỏ sót chẩn đoán, dễ mắc biến chứng khi huyết áp cao đột ngột. 

Trong cả hai trường hợp, giải pháp đưa ra là đo Holter huyết áp bằng cách gắn máy vào bắp tay và ghi nhận huyết áp mỗi 30 phút đến 1 giờ trong suốt 24 giờ. Biểu đồ dao động huyết áp trong ngày được trả về sẽ cho phép bác sĩ xác định tình trạng huyết áp của bạn được chính xác hơn.

Lưu ý khi đo huyết áp

Việc đo huyết áp cần thực hiện sau khi cơ thể đã được nghỉ ngơi ít nhất trong khoảng thời gian từ 3 - 5 phút, không nói chuyện trong khi đo. 

Bạn có thể ngồi hoặc nằm khi đo huyết áp, chỉ cần chọn tư thế thoải mái và chú ý đặt vị trí máy đo trên bắp tay hoặc trên cổ tay ngang với tim. 

Nếu ngồi thì cần ngồi ghế có tựa, tay đặt trên bàn, nếu nằm thì nằm ngửa, tay để xuôi theo thân mình.

Bạn đã biết đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất chưa? 3Đo huyết áp cần thực hiện sau khi nghỉ ngơi ít nhất trong khoảng thời gian từ 3 - 5 phút

Tránh mặc quần áo quá chật, bó sẽ khiến kết quả đo huyết áp tăng giả tạo. Tốt nhất nên đo liên tiếp ba lần, mỗi lần cách nhau một phút và lấy con số trung bình giữa hai lần đo cuối. Đo cùng lúc hai tay và chọn tay có chỉ số huyết áp cao hơn.

Tuyệt đối không đo huyết áp khi:

  • Quá đói;
  • Mệt mỏi, căng thẳng, nóng giận;
  • Buồn tiểu;
  • Sau bữa ăn no;
  • Sau khi hút thuốc hoặc uống cà phê.

Cách đọc chỉ số huyết áp

Tùy thuộc vào độ tuổi của mỗi người mà sẽ có chỉ số huyết áp khác nhau. Huyết áp tăng/giảm đều gây nguy hiểm cho người bệnh nên việc nắm rõ chỉ số huyết áp lẫn giới hạn an toàn của mình là vô cùng quan trọng cho việc chủ động phòng tránh rủi ro do bệnh lý huyết áp gây ra.

Ở người trưởng thành, chỉ số huyết áp bình thường là khi chỉ số huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương nhỏ hơn 120/80 mmHg. Tuy nhiên, để xác định chỉ số huyết áp thế nào là bình thường ở mỗi độ tuổi, ngoài hai chỉ số nói trên ở trong giới hạn cho phép thì còn phải căn cứ vào khoảng cách giữa hai chỉ số.

Bạn đã biết đo huyết áp vào thời gian nào là chính xác nhất chưa? 4 Thường xuyên tập thể dục giúp bạn kiểm soát chỉ số huyết áp ổn định.

Chỉ số huyết áp được coi là bình thường được chia thành ba loại:

  • Huyết áp tối ưu: Khi chỉ số huyết áp < 120/80 mmHg (huyết áp tâm thu nhỏ hơn 120, huyết áp tâm trương nhỏ hơn 80);
  • Huyết áp bình thường là khi chỉ số huyết áp ở trong ngưỡng giới hạn 120 - 129/50 - 54 mmHg.
  • Huyết áp bình thường cao là chỉ số huyết áp ở trong khoảng 130 - 139/85 - 89 mmHg.

Bên cạnh đó, để xác định chỉ số huyết áp thế nào là cao, thế nào là thấp, bạn có thể tham khảo thông số như sau: 

  • Huyết áp cao: Một người được chẩn đoán cao huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên;
  • Tiền cao huyết áp: Giá trị nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (Huyết áp tâm thu từ 120 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg thì được coi là tiền cao huyết áp.
  • Huyết áp thấp: Huyết áp một người được chẩn đoán là thấp khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 100 mmHg.

Phúc Khang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm