Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Bật mí 5 mẹo giúp bé hết mút tay hiệu quả

Ngày 02/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mút tay là một thói quen thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hành động này có thể mang lại cảm giác thoải mái, an toàn cho trẻ. Tuy nhiên việc mút tay kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về thói quen này và một số mẹo giúp bé hết mút tay trong bài viết dưới đây.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mút tay là một phản xạ tự nhiên hình thành từ khi còn trong bụng mẹ. Lâu dần, mút tay trở thành thói quen khó bỏ nếu không can thiệp kịp thời. Thói quen mút tay giúp trẻ thư giãn, trấn an trong những giai đoạn trẻ gặp khó khăn. Thế nhưng về mặt sức khỏe, hành vi này lại là thói quen có hại và thường không nhận được sự ủng hộ của các bậc cha mẹ. Để chấm dứt việc này, ngoài những mẹo giúp bé hết mút tay thì đòi hỏi các bậc cha mẹ và người lớn trong gia đình cần kiên trì trong quá trình chăm sóc trẻ.

Vì sao bé thích mút tay?

Theo các chuyên gia, thai nhi đã biết mút tay ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Do đó, ngay từ khi chào đời, trẻ đã có phản xạ mút tay mọi lúc mọi nơi. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mút tay là sở thích bình thường của trẻ. Việc mút tay mang lại cho trẻ cảm giác thư giãn, an toàn, đó cũng là cách thể hiện nhu cầu của trẻ cho người lớn biết. Bước vào giai đoạn lớn hơn, thói quen mút tay của trẻ có thể diễn ra trong mọi tình huống như khi trẻ mệt mỏi, buồn chán, lo lắng, sợ hãi, buồn ngủ, căng thẳng,...

Bật mí 5 mẹo giúp bé hết mút tay hiệu quả 1
Thói quen mút tay có thể kéo dài đến khi trẻ lớn nếu cha mẹ không can thiệp

Vì sao trẻ sơ sinh lại thích mút tay của mình? Tìm hiểu rõ lý do trẻ mút tay sẽ giúp các bậc cha mẹ lựa chọn mẹo giúp bé hết mút tay phù hợp. Trẻ sơ sinh thích mút tay có thể được lý giải do những nguyên nhân trẻ mút tay phổ biến dưới đây.

Do trẻ đói bụng

Hầu hết trường hợp trẻ có phản xạ mút tay khi cảm thấy đói bụng. Hành động này đã được hình thành từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Mút tay khiến trẻ có cảm giác gần gũi và quen thuộc như khi bú mẹ, ti bình. Đây cũng là một dấu hiệu bé cần được ăn mà người lớn cần chú ý.

Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể mút tay ngay cả khi đã ăn no. Do đó, các bậc cha mẹ có thể quan sát thêm các dấu hiệu khác khi trẻ đói như há miệng, chu môi, quấy khóc,... để tìm biện pháp dỗ trẻ phù hợp.

Trẻ cảm thấy không an toàn

Trẻ sơ sinh mới chào đời phải làm quen với không gian mới khác biệt hoàn toàn trong bụng mẹ. Lúc này trẻ thường cảm thấy bất an, sợ hãi, mút tay chính là giải pháp tối ưu giúp trẻ bình tĩnh trong trường hợp này. Hành động mút tay kích thích não bộ sản xuất Endorphin, đây là một chất giảm đau tự nhiên giúp trẻ thư giãn, tạo cảm giác an toàn và thích thú. Việc mút tay thường gặp trong những trường hợp trẻ bị tách mẹ hoặc đến một không gian lạ.

Bật mí 5 mẹo giúp bé hết mút tay hiệu quả 2
Mút tay giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn

Bên cạnh đó, nhiều trẻ có thói quen mút tay trước khi vào giấc ngủ. Hành động này sẽ giúp trẻ thoải mái, dễ ngủ hơn, giảm tình trạng gắt ngủ ở trẻ sơ sinh. Đôi khi, thói quen mút tay là cách để trẻ khám phá bản thân bởi đôi bàn tay với trẻ nhỏ ẩn chứa rất nhiều điều thú vị.

Trẻ mọc răng

Bước sang giai đoạn sau 4 tháng trẻ sẽ bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên trong đời. Điều này sẽ khiến nướu sưng, gây ngứa ngáy, đau, thậm chí khiến trẻ bị sốt. Lúc này, hành động mút tay sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu thấy trẻ mút tay kèm theo dấu hiệu mọc răng như chảy nhiều dãi thì có thể trẻ đang bước vào giai đoạn mọc răng sữa. Với trường hợp này, các bậc cha mẹ sẽ không cần dùng đến mẹo giúp bé hết mút tay vì hầu hết tình trạng này sẽ chấm dứt khi trẻ hoàn tất mọc răng.

Hệ lụy từ việc mút tay của trẻ

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có thói quen mút tay và giảm dần khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều trẻ có thể mút tay đến khi đi học. Những trẻ này thường gặp khó khăn trong cuộc sống, stress, thiếu tự tin, nhút nhát và sống khép mình.

Thói quen mút tay ở trẻ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro như:

  • Khiến trẻ dễ bị nôn trớ do mút ngón tay quá sâu, thường xảy ra sau khi trẻ bú hoặc ăn no.
  • Tay trẻ chứa nhiều vi khuẩn, virus khi mút tay thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tay - miệng như cúm, thủy đậu, chân tay miệng, nhiễm trùng đường tiêu hóa,...
  • Gây ra tổn thương trên ngón tay tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng da hoặc móng tay gây tổn thương khoang miệng.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ răng miệng như gây xô lệch vị trí răng cửa gây lệch khớp cắn, răng hô, răng móm, răng mọc không đều, khó phát âm, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai,...
  • Biến dạng xương ngón tay do xương của trẻ sơ sinh rất yếu.

Mẹo giúp bé hết mút tay đơn giản và hiệu quả

Không để trẻ bị đói bụng

Mút tay thường xảy ra khi trẻ cảm thấy đói. Vì thế cần đảm bảo cho trẻ được bú đầy đủ để trẻ không bị đói. Trẻ nhỏ thường ăn uống theo cữ nhất định, các bậc cha mẹ có thể dựa vào lịch sinh hoạt để cho trẻ ăn đúng giờ.

Bật mí 5 mẹo giúp bé hết mút tay hiệu quả 3
Trẻ được ăn no sẽ giảm tình trạng mút tay do đói

Tạo cảm giác an toàn cho trẻ

Để giảm tình trạng mút tay, cha mẹ hãy tạo cho trẻ cảm giác an toàn, thoải mái nhất có thể. Hãy dành nhiều thời gian chơi cùng con, động viên và khuyến khích con tham gia các trò chơi để trẻ cảm thấy vui vẻ, quên đi cảm giác lo lắng.

Đánh lạc hướng trẻ

Một trong những mẹo giúp bé hết mút tay chính là đánh lạc hướng để thu hút trẻ vào một đồ vật hoặc hành động khác. Cha mẹ cần thường xuyên giám sát trẻ và hướng trẻ tham gia vào các trò chơi phải sử dụng cả hai tay như ném bóng, ô tô, búp bê, xếp lego,...

Sử dụng ti giả

Ti giả là lựa chọn cứu cánh của nhiều cha mẹ nhằm giúp trẻ dừng việc mút ngón tay. Khi ngậm ti giả, trẻ sẽ có cảm giác yên tâm, thư giãn tương tự như khi bú mẹ. Tuy nhiên, phương pháp này lại có nhiều hạn chế vì dễ khiến trẻ bị nghiện ti giả, nguy cơ mắc bệnh cao.

Bật mí 5 mẹo giúp bé hết mút tay hiệu quả 4
Ti giả có thể giúp trẻ tạm quên mút tay

Sử dụng gặm nướu

Ngoài ti giả cha mẹ có thể dùng gặm nướu làm vật thay thế giúp trẻ cảm thấy đỡ “buồn miệng” hơn. Mẹo này rất hữu ích trong trường hợp trẻ mút tay do mọc răng. Gặm nướu sẽ giúp trẻ thư giãn, giảm cảm giác ngứa ngáy ở nướu răng hiệu quả.

Tóm lại, thói quen mút tay có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái, vui vẻ nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần can thiệp sớm giúp trẻ sửa hành vi này. Hy vọng bài viết về các mẹo giúp bé hết mút tay trên đây sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm cách thức phù hợp để hỗ trợ con giảm dần thói quen này một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin