Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ gắt ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào?

Ngày 14/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ thường có thể gặp phải một số vấn đề về tâm sinh lý nhưng không thể truyền đạt bằng lời nói trực tiếp đến bố mẹ. Do đó, bé sẽ thể hiện theo những cách khác, điển hình là tình trạng trẻ gắt ngủ.

Gắt ngủ là biểu hiện gắt gỏng ở trẻ, thường gặp khi đi ngủ. Nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy khá lo lắng và căng thẳng nếu như gặp phải tình trạng này, đặc biệt đối với những người lần đầu làm bố mẹ. Vậy trẻ gắt ngủ nguyên nhân do đâu và có cách nào để khắc phục không?

Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ gắt ngủ

Khi chưa biết sử dụng ngôn ngữ, tiếng khóc sẽ là một dạng giúp truyền đạt được mong muốn và cảm xúc của trẻ. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc trẻ khóc khi ngủ, cụ thể như sau:

  • Tính cách của trẻ: Nếu trẻ dễ tính sẽ rất dễ nhận biết các nhu cầu và đáp ứng lại với việc dỗ dành của cha mẹ. Do đó, trẻ có thể tự ngủ sớm và tự ngủ một mình rất tốt. Ngược lại, với những bé nhạy cảm hoặc rất nhạy cảm với các kích thích, sự thay đổi từ môi trường, ánh sáng hay bé dễ cáu kỉnh, phản ứng mạnh mẽ trước những điều trẻ không thích hoặc không được đáp ứng theo đúng nhu cầu, thì sẽ khó khăn hơn trong việc dỗ dành và thời gian gắt ngủ ở những trẻ này cũng dài hơn.
  • Giai đoạn phát triển của trẻ: Trong suốt giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có những thời điểm, đạt được cột mốc cụ thể, trẻ sẽ trở nên khó chịu và trẻ gắt ngủ nhiều hơn so với những ngày khác. Trải qua thời gian hoặc khung tuổi này, bé cũng ổn định trở lại mà không cần thiết phải can thiệp gì.
  • Không áp dụng lịch trình sinh hoạt cụ thể: Nếu không có lịch trình cụ thể, rõ ràng, trẻ sẽ không nhận biết được đâu là thời điểm được ăn hoặc đâu là khoảng thời gian chuẩn bị để đi ngủ. Bố mẹ có thể nghiên cứu phương pháp 4S, 5S hoặc easy để có một chu trình hoàn hảo chuẩn bị cho giấc ngủ của bé. Có những dấu hiệu báo trước bao gồm thay đổi nhiệt độ, ánh sáng trong phòng, tắm táp, đọc sách hoặc ôm ấp… lâu dần sẽ thành thói quen khiến trẻ biết là sắp đến giờ đi ngủ.
  • Trẻ đã quá buồn ngủ: Việc không nhận biết được tín hiệu buồn ngủ và cho trẻ đi ngủ khi có nhu cầu cũng là nguyên nhân khiến trẻ gắt ngủ. Trẻ quá buồn ngủ, quá mệt mà không được dỗ dành đi ngủ sẽ rất khó chịu và gắt gỏng thấy rõ.
  • Trẻ bị kích thích trước khi ngủ: Trẻ cần có một điều kiện môi trường phù hợp để chuẩn bị cho giấc ngủ, chẳng hạn như giảm ánh sáng, tạo không gian yên tĩnh… Việc cười đùa, vui chơi quá mức, mở nhạc lớn, ánh sáng nhấp nháy khiến cho trẻ bị kích thích trước khi ngủ và khó đi vào giấc ngủ hơn bình thường.
  • Trẻ không được ngủ đủ giấc: Khi trẻ chưa được ngủ đủ giấc mà bị đánh thức bởi một nguyên nhân nào đó, trẻ sẽ khóc lóc, gắt gỏng và không chịu chơi.
  • Bé bị đầy bụng: Nhiều trẻ có thói quen ti mẹ để ngủ, nếu mẹ có quá nhiều sữa sẽ làm trẻ no bụng mà vẫn chưa ngủ được. Khi trẻ no mà vẫn muốn ti để tiếp tục ngủ thì dễ bị đầy bụng khó chịu, gắt ngủ dữ dội hơn. Trong trường hợp này, mẹ nên cho bé ợ hơi để giảm bớt đầy bụng rồi mới ngủ tiếp.
  • Trẻ nằm mơ thấy ác mộng: Ác mộng có thể khiến trẻ căng thẳng, sợ hãi và khóc thét khi đang ngủ.
  • Trẻ bị thiếu Vitamin D: Thiếu Vitamin D dẫn đến tình trạng thiếu canxi, do đó trẻ có biểu hiện gắt ngủ, khó ngủ, đổ mồ hôi trộm, khóc đêm dữ dội, rụng tóc hình vành khăn…
Trẻ gắt ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào? 1
Trẻ gắt ngủ thường do nhiều nguyên nhân khác nhau

Khắc phục tình trạng trẻ gắt ngủ như thế nào?

Nếu trẻ bị gắt ngủ, bạn có thể tham khảo theo một số hướng dẫn dưới đây để cải thiện tình trạng này ở trẻ:

Luyện tập thói quen ngủ đúng giờ và đều đặn cho trẻ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường sẽ ngủ hầu hết toàn bộ thời gian trong ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp, trẻ khó ngủ hơn. Đối với những trẻ khó ngủ, bố mẹ cần thiết lập lịch trình sinh hoạt cụ thể và nhận biết các dấu hiệu khi trẻ buồn ngủ như mắt lờ đờ, ngáp, không chịu chơi… lúc này nên cho trẻ đi ngủ ngay lập tức.

Hãy tạo môi trường đi ngủ tốt nhất cho trẻ với ánh sáng ít, nhiệt độ thích hợp (không quá nóng hoặc quá lạnh), không gian thoáng đãng, yên tĩnh. Đồng thời, cho trẻ thư giãn trước khi đi ngủ và nên cho trẻ ngủ sớm hơn bình thường để cơ thể trẻ tiết ra hormone điều chỉnh chu kỳ ngủ của trẻ.

An ủi, vỗ về, dỗ dành mỗi khi trẻ gắt ngủ, khó ngủ

Trẻ có thể khóc do gặp phải giấc mơ khủng khiếp hoặc có cảm giác bất an. Lúc này, cha mẹ nên ôm trẻ vào lòng, vuốt ve, vỗ về để giảm bớt sự bất an ở trẻ. Áp dụng trình tự đi ngủ 4S hoặc 5S tùy theo độ tuổi cũng là giải pháp thích hợp trong tình huống này.

Bổ sung Vitamin D cho trẻ đúng cách và đầy đủ

Thiếu Vitamin D có thể là nguyên nhân chính khiến trẻ gắt ngủ, ngủ không ngon giấc. Do đó, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ nhu cầu Vitamin D hằng ngày cho trẻ. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là 400UI mỗi ngày. Có thể cho trẻ uống vitamin D hoặc sử dụng các loại thực phẩm chức năng đều được. Ngoài ra, đừng quên cho trẻ phơi nắng từ 15 - 20 phút mỗi ngày để giúp cơ thể tổng hợp Vitamin D tốt hơn.

Trẻ gắt ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào? 2
Bổ sung Vitamin D dạng uống trực tiếp hoặc thực phẩm chức năng rất tốt cho bé

Cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn

Không chỉ hữu ích cho quá trình tổng hợp Vitamin D, việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên còn giúp trẻ thiết lập được nhịp sinh học ngày đêm. Khi cho trẻ tiếp xúc ánh nắng vào buổi sáng, cơ thể sẽ sản xuất ra hormone melatonin vào đúng thời điểm trong chu kỳ giấc ngủ sinh học của trẻ.

Không nên cho trẻ ăn quá no bụng trước khi đi ngủ

Một trong số các nguyên nhân khiến trẻ gắt ngủ đó chính là ăn quá no. Bé khi ăn quá no dễ bị đầy bụng, khó chịu, khó ngủ, làm trẻ mệt mỏi dẫn đến tình trạng trẻ gắt ngủ. Gia đình nên chú ý và quan tâm đến vấn đề này của trẻ.

Cung cấp đủ sắt trong chế độ ăn dặm cho trẻ

Trẻ sẽ ngủ tốt hơn vào ban đêm nếu được cung cấp đủ chất sắt trong chế độ ăn. Bố mẹ có thể bổ sung những loại thực phẩm giàu sắt cho trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm như đậu, rau xanh, thịt đỏ…

Buổi tối không nên cho trẻ ăn đồ nhiều năng lượng

Nếu cho trẻ sử dụng những loại thực phẩm nhiều năng lượng như quả ngọt, đồ ngọt… vào buổi tối sẽ dễ khiến trẻ trở nên phấn khích và khó đi vào giấc ngủ. Trẻ sẽ đi ngủ muộn và có cảm giác mệt mỏi, cáu gắt nhiều hơn.

Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và kiểm tra khi cần thiết

Nếu như đã áp dụng theo các phương pháp trên mà không cải thiện được tình trạng trẻ gắt ngủ hoặc nhận thấy giấc ngủ của trẻ quá ít so với lứa tuổi, trẻ thiếu ngủ, bị rối loạn giấc ngủ thì cần đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân và cách xử trí phù hợp hơn.

Trẻ gắt ngủ: Nguyên nhân do đâu và cách khắc phục như thế nào? 3
Cần cho trẻ đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ trẻ bị thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ

Lời khuyên hữu ích khi trẻ bị gắt ngủ

Khi trẻ bị gắt ngủ, bố mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Bố mẹ hãy cố gắng lắng nghe và phân biệt các tiếng khóc của con để biết nguyên nhân và cách khắc phục mỗi khi con gắt ngủ.
  • Nếu trẻ có biểu hiện của thiếu ngủ và rối loạn giấc ngủ cần đưa trẻ đi khám ngay để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối về chất lượng và đảm bảo về số lượng để trẻ phát triển khỏe mạnh nhất.
  • Bổ sung các khoáng chất cần thiết để nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh cho trẻ.

Trên đây là những thông tin về tình trạng trẻ gắt ngủ. Nếu bé gặp phải trường hợp này, bố mẹ không nên quá lo lắng, hãy tìm hiểu về nguyên nhân và áp dụng nhiều cách thức khác nhau để giúp trẻ cải thiện vấn đề này tốt hơn.

Xem thêm:

Cách dỗ trẻ sơ sinh gắt ngủ mà các mẹ nên biết

Cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em và những điều mà ba mẹ cần biết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin