Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bật mí cách tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc an toàn, hiệu quả

Ngày 17/09/2023
Kích thước chữ

Helicobacter pylori (HP) là một vi khuẩn gram âm, vi khuẩn này giải phóng ra lượng lớn enzym urease, sản xuất NH3 và CO2 từ urea có trong dịch dạ dày. Vi khuẩn này được xem là một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và có liên quan với ung thư dạ dày, vì vậy cần tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc để ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị nhiễm vi khuẩn HP là cần thiết nhưng khi nào cần phải tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc cũng như tiêu diệt HP như thế nào để hiệu quả là vấn đề quan trọng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tiệt trừ vi khuẩn HP trong bài viết dưới đây.

Vi khuẩn HP gây bệnh như thế nào?

Vi khuẩn HP là gì? Vi khuẩn HP giải phóng ra lượng lớn enzym urease, sản xuất NH3 và CO2 từ urea có trong dịch dạ dày. Cơ chế này được gọi là sự thích nghi với axit, điều chỉnh độ pH tế bào chất của vi khuẩn và đảm bảo duy trì độ pH trung tính, mặc dù môi trường axit. Khi HP đã xâm chiếm dạ dày, phản ứng miễn dịch sẽ bắt đầu, kết quả là sự tiết axit bình thường và cấu trúc dạ dày bị thay đổi. Hậu quả là viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, khó tiêu chức năng và ung thư.

Bật mí cách tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc 1
Vi khuẩn HP gây bệnh tại dạ dày

HP lần đầu tiên được xác định vào năm 1982 và đến năm 1989 có liên quan đến viêm loét dạ dày ở người lớn và trẻ em. Trong những năm 1990, bằng chứng đã xuất hiện về vai trò căn nguyên của nó đối với bệnh ung thư dạ dày ở người lớn. HP được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế phân loại vào năm 1994 trong số các chất gây ung thư nhóm I. Ngoài ra còn có rất nhiều mối liên quan giữa HP và các bệnh ngoài ruột khác như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh về huyết học, bệnh thần kinh, bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để phân định mối quan hệ nhân quả đối với bất kỳ vấn đề nào trong số này.

Helicobacter pylori lây nhiễm khoảng 70% dân số nhưng chỉ 20% số người nhiễm HP có triệu chứng trong khi 80% trong số họ không có triệu chứng. 

Những biến chứng do vi khuẩn HP gây ra

Vi khuẩn HP có thể gây ra viêm, loét dạ dày và tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP còn có thể gây thiếu máu không giải thích được hoặc giảm tiểu cầu. Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, nóng rát, khó tiêu làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người bệnh.

Bật mí cách tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc 2
Vi khuẩn HP gây biến chứng loét dạ dày

Khi nào cần tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc?

Người nhiễm H.pylori không triệu chứng có thể không cần điều trị. Người bị nhiễm vi khuẩn HP được chỉ định điều trị hoặc trong các trường hợp sau:

  • Có triệu chứng của đường tiêu hóa trên như: Đau vùng bụng trên, khó tiêu, cảm giác nóng rát, đầy hơi, mau no…
  • Cần điều trị với các thuốc kháng viêm không steroid (NAIDs) dài ngày, có bệnh tim mạch cần điều trị với aspirin dài ngày, cần điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) với thuốc kháng tiết PPI từ 2 - 3 tháng.
  • Thiếu máu không giải thích được nguyên nhân.
  • Giảm tiểu cầu không giải thích được.
  • Đang bị loét dạ dày hoặc có tiền sử bị loét dạ dày..
  • Có tổn thương tiền ung thư (dị sản, loạn sản…) hoặc ung thư dạ dày
  • U MALT dạ dày.
  • Người thân trực hệ hoặc người sống cùng có tiền sử ung thư, đặc biệt ung thư dạ dày.
  • Bệnh nhân có mong muốn điều trị dù đã được bác sĩ giải thích.

Cách tiêu diệt vi khuẩn hp tận gốc

Vi khuẩn HP có thể điều trị được và hiệu quả điều trị tùy thuộc vào mỗi cá thể về đề kháng kháng sinh, tuân thủ điều trị và tình hình đề kháng của vi khuẩn. Hiện nay, tiêu diệt vi khẩn HP tận gốc có nhiều phác đồ, nhưng đều phải phối hợp các thuốc để đạt hiệu quả cao nhất. Các phác đồ tiệt trừ vi khuẩn HP thường được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm, trên cơ sở của đề kháng kháng sinh theo vùng và các thuốc sẵn có. Liệu pháp điều trị HP đã trải qua nhiều thay đổi lớn dựa trên việc áp dụng nguyên tắc quản lý kháng sinh và tăng cường làm kháng sinh đồ tìm các loại thuốc còn nhạy cảm.

Lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu thường sử dụng liệu pháp 4 thuốc có bismuth hoặc liệu pháp 3 thuốc có rifabutin. Các phác đồ điều trị HP hiện nay:

  • Phác đồ 3 thuốc dựa trên PPI vẫn là lựa chọn hàng đầu ở những vùng có tỷ lệ kháng clarithromycin dưới 15%. Phác đồ này bao gồm: PPI, clarithromycin 500mg, amoxicillin 1000mg. Các thuốc này dùng từ 10 đến 14 ngày. Trước đây phác đồ này được áp dụng ở miền bắc và miền trung, hiện nay phác đồ này hiệu quả không cao.
  • Phác đồ nối tiếp với 5 ngày đầu uống PPI và amoxicillin, 5 ngày sau uống PPI, clarithromycin và metronidazole.
  • Phác đồ 4 thuốc không bismuth gồm PPI và 3 kháng sinh amoxicillin, clarithromycin, metronidazol.
  • Phác đồ 4 thuốc có bismuth gồm PPI, 2 kháng sinh là tetracyclin, metronidazole và bismuth.

PPI là các thuốc kháng tiết dựa vào cơ chế kháng các bơm proton ở dạ dày làm giảm tiết axit. Các thuốc thường dùng bao gồm omeprazole 20 mg, lansoprazole 30 mg, esomeprazole 40 mg, pantoprazole 40 mg, rabeprazole 20 mg.

Bật mí cách tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc 3
Esomeprazol là một PPI thường được sử dụng trong phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc

Tỷ lệ đề kháng kháng sinh tại Việt Nam thay đổi và còn cao với một số loại kháng sinh nên cần điều trị đúng phác đồ, đủ liều, đủ thời gian. Không tuân thủ điều trị là trở ngại lớn nhất làm thất bại trong tiệt trừ vi khuẩn HP và tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh.

Làm sao để biết đã điều trị HP thành công?

Sau khi điều trị đủ phác đồ tiệt trừ vi khuẩn HP, cần phải xét nghiệm lại để kiểm tra hiệu quả có đạt hay không. Xét nghiệm thường được dùng là test urease, nội soi dạ dày chỉ được làm khi có chỉ định như cần khảo sát lại niêm mạc dạ dày. Lưu ý chỉ làm xét nghiệm kiểm tra lại sau khi đã ngưng PPI đủ 2 tuần, kháng sinh và bismuth đủ 4 tuần để có kết quả đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác nhau đóng vai trò trong sự phát triển của nhiễm HP, bao gồm địa lý, dân tộc, tuổi tác và các yếu tố kinh tế xã hội.

H.pylori là một vi khuẩn gây bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và có liên quan tới ung thư dạ dày như là một yếu tố nguy cơ chính. Tiêu diệt vi khuẩn HP tận gốc là cần thiết và cần đúng với chỉ định điều trị. Hiện nay có nhiều phác đồ tiệt trừ HP tuy nhiên tùy vào tình trạng đề kháng tại địa phương, các thuốc sẵn có và tiền sử đã được điều trị HP trước đó mà lựa chọn phác đồ phù hợp.
Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.