Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Bệnh chân tay miệng cấp độ 1 có nguy hiểm không?

Ngày 24/04/2023
Kích thước chữ

Bệnh chân tay miệng là một bệnh dễ lây lan, gây ra những biểu hiện như mụn nước và lở loét, thường xảy ra ở đối tượng trẻ nhỏ. Bệnh có thể bùng phát mạnh vào những thời điểm giao mùa và thậm chí tạo thành một vùng dịch tễ.

Bệnh chân tay miệng có thể gây ra các triệu chứng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bé. Bệnh được chia thành nhiều cấp độ trong đó chân tay miệng cấp độ 1 là ở thể nhẹ và thường tự khỏi sau một thời gian. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin lưu ý cần thiết cho cha mẹ bé trong quá trình điều trị bệnh trên.

Bệnh chân tay miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan, do vi-rút thuộc chi Enterovirus gây ra, phổ biến nhất là coxsackievirus.

Bệnh chân tay miệng đặc trưng bởi mụn nước hoặc vết loét trong miệng và phát ban trên bàn tay và bàn chân.

Bệnh chân tay miệng cấp độ 1có nguy hiểm không 2
Thủ phạm chính gây bệnh chân tay miệng là Coxsackievirus A16

Vì sao bệnh chân tay miệng lại dễ lây lan?

Những loại vi-rút gây bệnh chân tay miệng này có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với bàn tay chưa rửa sạch hoặc bề mặt bị nhiễm nước bọt, phân hoặc dịch tiết đường hô hấp của trẻ bị bệnh. Vì vậy có thể giải thích việc hằng năm đều có các đợt dịch tay chân miệng xảy ra ở một số vùng hoặc địa phương. 

Ngoài ra, còn có thêm những yếu tố làm gia tăng khả năng mắc bệnh ở trẻ bao gồm trẻ sinh hoạt ở môi trường tập thể như đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo hoặc đến những địa điểm tập trung đông đúc như siêu thị, công viên…

Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có nguy hiểm không?

Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng cấp độ 1

Ngoài những biểu hiện chính như sốt nhẹ (38 - 39 độ C), phát ban, chán ăn thì bệnh chân tay miệng cấp độ 1 ở trẻ còn có các dấu hiệu như:

  • Trẻ bị đau nhức cơ bắp, cổ cứng, xuất hiện những cơn đau đầu;
  • Trẻ hay lo lắng, bồn chồn;
  • Khi ngủ trẻ thường xuyên bị giật mình;
  • Trẻ hay quấy khóc bất thường;
  • Một số trẻ còn bị chảy nước miếng do không nuốt được vì đau họng.

Trên cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt bọng nước ở da, đặc biệt là các vị trí miệng, mông, tay, chân. Các vết bọng này ở trẻ thường chỉ xuất hiện khoảng 1 - 2 tuần, theo thời gian có thể vỡ ra, hình thành vết loét và gây cảm đau đớn, khó chịu cho trẻ. 

Đối với trẻ sơ sinh khi bị bệnh tay chân miệng cấp độ 1, con sẽ có dấu hiệu lười bú, bỏ ăn. Do đó khi bé có những thay đổi bất thường, mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ ngày đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh chân tay miệng cấp độ 1có nguy hiểm không 3
Trẻ mắc tay chân miệng thường xuất hiện những nốt ban đỏ và bị loét

Trẻ bị tay chân miệng độ 1 trong bao lâu thì khỏi?

Thông thường, trong những trường hợp bị chân tay miệng cấp độ 1 này, bé sẽ tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, mẹ cần đưa bé đến viện kiểm tra để xem tình hình cũng như được bác sĩ tư vấn, dặn dò kỹ càng về phương pháp điều trị và chăm sóc tại nhà đến khi khỏi bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ của bạn có thể đề nghị một số phương pháp điều trị để giúp giảm bớt các triệu chứng cho đến khi bệnh đã hết, có thể bao gồm: Thuốc mỡ bôi ngoài da để làm dịu vết phồng rộp và phát ban, thuốc giảm đau, sirô thuốc hoặc viên ngậm để giảm đau họng.

Cần lưu ý gì khi điều trị tay chân miệng độ 1 cho trẻ?

Điều trị bệnh chân tay miệng uống thuốc gì hiệu quả? Hiện vẫn chưa có loại thuốc nào điều trị riêng biệt cho bệnh tay chân miệng. Vì thế để mang đến hiệu quả cho việc điều trị, ngoài tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ mẹ cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Mẹ bé không tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ;
  • Mẹ cần cung cấp cho bé chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để việc hấp thu chất dinh dưỡng được hiệu quả hơn. Từ đó đảm bảo cung cấp cho trẻ năng lượng cần thiết và nâng cao sức đề kháng cho trẻ;
  • Mẹ cần kiểm tra nhiệt độ của bé thường xuyên;
  • Mẹ cần kiểm tra xem trẻ có nôn, giật mình;
  • Tránh cho trẻ ăn hoa quả họ cam và quýt trong giai đoạn đang điều trị này vì nó có thể kích ứng mụn nước;
  • Mẹ hãy cho bé uống nhiều nước và tránh các thức ăn cay, nóng, mặn.
Bệnh chân tay miệng cấp độ 1có nguy hiểm không 4
Mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ

Trẻ có cần nằm viện khi bị chân tay miệng cấp độ 1 không?

Trẻ bị chân tay miệng ở cấp độ 1 mẹ không cần thiết cho nhập viện và vẫn có thể điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, mẹ bé cần theo dõi kỹ trong quá trình điều trị vì nếu trường hợp bệnh tiến triển nặng, chuyển sang bệnh chân tay miệng độ 2 thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Cụ thể, khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau mẹ đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám:

  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C;
  • Trẻ có dấu hiệu thở nhanh, đi đứng loạng choạng;
  • Môi tím tái, vã mồ hôi và tay chân lạnh ngắt;
  • Trẻ bị co giật hoặc hôn mê.

Biện pháp giúp phòng ngừa bệnh chân tay miệng

Thực hành vệ sinh tốt là biện pháp phòng ngừa tốt nhất và việc rửa tay thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm vi-rút gây bệnh chân tay miệng này.

Để tránh lây truyền bệnh chân tay miệng, mẹ bé cần lưu ý những điều sau đây:

  • Mẹ cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã lót đặc biệt là cho trẻ đang bị bệnh.
  • Mẹ bé có thể dạy con cách rửa tay sạch hiệu quả bằng xà phòng vào những thời điểm: Sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ra ngoài nơi công cộng là rất quan trọng.
  • Mẹ không nên để trẻ cho tay hoặc các đồ vật khác vào hoặc gần miệng.
  • Mẹ bé cần rửa sạch đồ chơi và các dụng cụ, đồ dùng trong nhà và đối với người bệnh nên sử dụng đồ riêng trong quá trình điều trị bệnh.
  • Vệ sinh không gian sống xung quanh nhà, đặc biệt là các bề mặt thường xuyên tiếp xúc.
  • Trẻ khi bị bệnh nên cách ly với môi trường sinh hoạt, không tới trường, không tới nơi làm việc, nơi đông người, tránh dịch lây lan.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm cũng có thể giúp giảm đau do phồng rộp miệng và viêm họng.
Bệnh chân tay miệng cấp độ 1có nguy hiểm không 5
Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng để tránh lây nhiễm bệnh

Hiện vẫn chưa có vắc-xin để ngăn ngừa. Virus lây lan dễ dàng nhất trong tuần đầu tiên người bệnh mắc bệnh có thể tồn tại trong cơ thể nhiều tuần sau thậm chí khi con bạn cảm thấy khỏe hơn. Vì vậy ngoài những lưu ý trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ, các mẹ hãy chú ý đến những biện pháp phòng ngừa tránh lây lan bệnh tay chân miệng cấp độ 1.

Xem thêm: 

Diễm Quỳnh

Nguồn tham khảo: vinmec.com, nationwidechildrens.org

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin