Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia

Mùa mưa đến đem lại những lo ngại về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Hãy cùng theo dõi những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ để có thể trang bị kiến thức cần thiết từ đó có biện pháp phòng chống và xử lý bệnh một cách khoa học, hiệu quả.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn My - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - hiện công tác tại trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Bác sĩ Nguyễn Văn My đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Hiện Bác sĩ Nguyễn Văn My đồng thời cũng là Nghiên Cứu Sinh chuyên ngành Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, tại Đại học Mahidol, Vương quốc Thái Lan.

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 7

Bệnh tả là một bệnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính, gây nhiều dịch lớn trên toàn cầu, do vi khuẩn Tả (Tên khoa học là Vibrio cholerae) gây ra. Bệnh lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua phân của người nhiễm bệnh. Đặc điểm lâm sàng của bệnh bắt đầu là đầy bụng và sôi bụng. Tiếp theo đó tiêu chảy, lúc đầu có phân lỏng, sau chỉ toàn nước. 

Bệnh nhân đi tiêu chảy liên tục, nhiều lần, phân toàn nước, nước phân đục như nước vo gạo. Số lần tiêu chảy và số lượng nước mất thay đổi tùy từng trường hợp sẽ có mức độ nặng nhẹ khác nhau, có thể lên đến 40 - 50 lần/ngày, tương đương mất 5 - 10 lít nước/ngày. Kèm theo bệnh nhân có nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ toàn nước trong hoặc vàng nhạt.

Bệnh nhân nhiễm tả không đau bụng, không sốt, người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước nhẹ đến nặng như: Khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… Hậu quả gây mất nước ngoài tế bào cực nhanh rồi dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị khẩn cấp và thích hợp. 

Những bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa mưa - Phần 1: Nhóm bệnh lây qua đường Tiêu hóa

Phẩy khuẩn tả dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (80 độ C/5 phút), bởi hóa chất (Cloramin - 1mg/lít) và môi trường axit. Khô hanh, ánh nắng mặt trời cũng làm chết phẩy khuẩn tả. Nó có thể tồn tại lâu trong phân, đất ẩm, nước, thực phẩm. 

Trong đất, phẩy khuẩn có thể sống 60 ngày, trong phân 150 ngày, trên bề mặt thân thể 30 ngày, trong sữa 6-10 ngày, trên rau quả 7 - 8 ngày, trong nước 20 ngày. Nhiệt độ 25 - 37 độ C, nồng độ muối 0,5 % đến 3%, độ pH kiềm (7 - 8,5) và giàu chất dinh d­ưỡng hữu cơ trong nước là những điều kiện tối ưu cho phẩy khuẩn tả tồn tại.

Do đặc điểm, tính chất bệnh Tả, nên người bệnh bị mất nước, kèm rối loạn điện giải, cân bằng kiềm toan… Bởi vậy, nếu bệnh nhân không được điều trị khẩn cấp và thích hợp, hoàn toàn có thể bị đe dọa đến tính mạng thậm chí là tử vong.  

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 14

Phòng bệnh đặc hiệu

Dùng vắc xin tả. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, đang sử dụng vắc xin dạng uống mORCVAC của công ty Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), đồng thời, vắc xin này hiện đang có mặt tại tất cả các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc của Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (Trung tâm Tiêm chủng Long Châu).

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia - infographic 1

Phòng bệnh không đặc hiệu

  • Chủ yếu giải quyết sự lây lan của vi khuẩn tả do nước ăn và uống.
  • Kiểm soát chặt các trường hợp ỉa chảy trong vùng nghi ngờ có dịch tả. Cách ly bệnh nhân ở bệnh viện, chuyên khoa Truyền nhiễm.
  • Hố xí hợp vệ sinh, không dùng bón phân tươi.
  • Đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn.
  • Cấy phân cho người nhà và cán bộ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân để phát hiện người nhiễm và mang phẩy khuẩn tả.
  • Giám sát dịch tễ học: Là biện pháp chủ động để dự báo dịch. Việc phát hiện trường hợp nhiễm vi khuẩn Tả đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng để phòng chống, ngăn ngừa dịch xảy ra thông qua đường bộ, đường thuỷ, đường sông, kiểm tra định kỳ nguồn nước ăn, uống, thực phẩm…
  • Xử lý dịch: số bệnh nhân, số người tiếp xúc, nguồn lây, xử lý khử trùng tẩy uế phân, nước, rác, ruồi, cách ly người nhiễm...
  • Uống kháng sinh dự phòng khi xảy ra dịch.

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 13

Bệnh thương hàn (Typhoid fever) là một bệnh cấp tính toàn thân do vi khuẩn Salmonella enterica tuýp huyết thanh Typhi gây nên với bệnh cảnh sốt kéo dài, có nhiều biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm cơ tim, viêm não dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh lưu hành ở những khu vực có tình trạng vệ sinh thấp kém, đôi khi bùng phát thành dịch, lây qua đường tiêu hóa qua đồ ăn, thức uống bị nhiễm mầm bệnh hoặc qua đường phân - tay - miệng. 

Vi khuẩn Salmonella enterica tuýp huyết thanh Typhi (gọi tắt là Salmonella typhi) là trực khuẩn gram âm, kích thước 1 - 3 μm x 0,5 - 0,7μm, có lông, di động và không sinh nha bào. Trực khuẩn thương hàn có 3 loại kháng nguyên: kháng nguyên thân (O - oligosaccharide), kháng nguyên lông (H - protein) và kháng nguyên vỏ (Vi - polysaccharide) và một phức hợp đại phân tử lipopolysaccharide gọi là nội độc tố tạo thành phần phía ngoài của thành vi khuẩn. 

Salmonella có sức đề kháng tốt với ngoại cảnh: Trong canh trùng, trong đất có thể sống được vài tháng, trong nước thường 2 - 3 tuần, trong nước đá 2 - 3 tháng, trong phân vài tuần. Đặc biệt, vi khuẩn có khả năng sinh đề kháng với kháng sinh, đặc tính này được truyền qua các plasmid.

Nhóm bệnh lây qua đường Tiêu hóa

Biến chứng

  • Các biến chứng tiêu hóa: Xuất huyết tiêu hóa, Thủng ruột, Viêm miệng lợi. Người bệnh đau nhiều thượng vị và hố chậu trái, bụng chướng và có thể thấy quai đại tràng nổi lên. Liệt ruột, Xuất huyết khoang phúc mạc với triệu chứng Viêm phúc mạc, Viêm tuỵ xuất huyết.
  • Các biến chứng gan mật: Tăng nhẹ transaminase, Viêm túi mật cấp hoặc mạn tính.
  • Các biến chứng tim mạch: Trụy tim mạch, Viêm cơ tim, Viêm động mạch, Viêm tĩnh mạch sâu. Hiếm gặp Viêm màng ngoài tim và Viêm nội tâm mạc.
  • Các biến chứng hệ thần kinh: Viêm màng não, Viêm não tủy, Viêm tủy cắt ngang, Viêm thần kinh sọ và thần kinh ngoại biên, Hội chứng Guillain-Barré.
  • Các biến chứng khác: Áp xe phổi, Viêm màng phổi thanh tơ huyết.
  • Rối loạn đông máu do tiêu thụ (DIC - Disseminated Intravascular Coagulation)
  • Hiếm gặp: Viêm xương, Viêm cầu thận, Viêm ống thận, Hội chứng tan máu urê huyết cao...
Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 8

Phòng bệnh đặc hiệu

 Vắc xin dạng polysaccharide tiêm đặc hiệu cho S. Typhi, bảo vệ được ít nhất là 3 năm. Hiện các vắc xin phòng ngừa bệnh thương hàn cũng đang có mặt tại tất cả các Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc. 

Phòng bệnh không đặc hiệu

  • Cải thiện hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải - rác thải.
  • Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài.
  • Xử lý nguồn nhiễm: Phát hiện và điều trị những người mang khuẩn mạn tính, điều trị cách ly người mắc bệnh.

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 9

Bệnh viêm gan vi rút A là một bệnh viêm gan cấp tính do vi rút viêm gan A gây ra (HAV), lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn nước uống bị nhiễm. HAV sống ở nước đá -250C trong 6 tháng, ở 1000C bị chết trong vài phút. Tại Việt Nam, viêm gan A gặp chủ yếu ở trẻ em ở những nơi vệ sinh thực phẩm không an toàn có tỷ lệ nhiễm cao, bệnh thường hay gặp nhất trong lứa 5 - 14 tuổi.

Triệu chứng chủ yếu là sốt, đau mỏi cơ, nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da tăng dần. Diễn biến thường nhẹ và tự khỏi. Ở người lớn nhiễm HAV diễn biến lâm sàng thường rầm rộ và kéo dài hơn.

Chẩn đoán viêm gan A:

  • Dịch tễ, có tiền sử tiếp xúc với thực phẩm hoặc nguồn nước bị nhiễm HAV, quan hệ tình dục miệng - hậu môn với người đang nhiễm viêm gan A, hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị viêm gan vi rút A.
  • Trên lâm sàng biểu hiện của tình trạng viêm gan điển hình như: Chán ăn, mệt mỏi, vàng mắt, vàng da, tiểu vàng đậm.
  • Xét nghiệm: Tăng men gan (Tăng transaminase ALT/AST), ứ mật (Tăng cả Bilirubin toàn phần và trực tiếp), Và HAV IgM (+).

Biến chứng: Viêm gan vi rút A tối cấp (tỷ lệ gặp khoảng 2%) với biểu hiện sốt cao, vàng mắt, mệt lả, gan teo nhỏ, hôn mê gan có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 10

Phòng bệnh đặc hiệu

Vắc xin ngừa viêm gan A có thể ở dạng đơn giá (Avaxim, Havax) hoặc đa giá (Twinrix).

Phòng bệnh không đặc hiệu

  • Với người bị nhiễm viêm gan vi rút A: bệnh nhân nên rửa tay kỹ trước, sau khi ăn và tiếp xúc với người khác.
  • Rửa tay với xà phòng trước khi ăn.
  • Không nên ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín từ các khu vực sông, ao, hồ, biển bị ô nhiễm…

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 11

Bệnh do lỵ là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do trực khuẩn Shigella gây nên với hội chứng lỵ điển hình là đau quặn bụng, mót rặn và đi ngoài phân lỏng.

Bệnh xảy ra trên toàn cầu, có khoảng 165 triệu trường hợp mắc lỵ trực khuẩn do Shigella, trong đó có 1 triệu ca tử vong, nhất là trên trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh phổ biến ở những nơi có điều kiện sống thấp, vệ sinh cá nhân và cộng đồng kém hiệu quả, đồng thời bệnh thường gia tăng sau lũ lụt do nước ngập làm phân chứa vi khuẩn Shigella dễ nhiễm vào nguồn nước. Có 4 tuýp gây bệnh (Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Shigella boydii và Shigella sonnei) nhưng tỷ lệ nặng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng gây tử vong là tuýp Shigella dysenteriae 1 (từ 10% đến 30%).

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 13

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, gián tiếp hay trực tiếp. Sự lây nhiễm có thể xảy ra sau khi nuốt 10 - 100 vi khuẩn. Bệnh dễ lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ trong cùng một nhóm trẻ, cùng gia đình hay qua trung gian như đồ chơi, tay nắm cửa nhà vệ sinh, van vòi nước. Tuy nhiên, trong vụ dịch, lây gián tiếp qua ruồi nhặng, thức ăn, nước uống thường là đường lây chính. Bệnh còn lây qua tình dục đồng giới.

Bệnh đường tiêu hóa trong mùa mưa: Lời khuyên từ chuyên gia 12

Để phòng bệnh lỵ hiệu quả, bạn và gia đình có thể áp dụng những cách sau đây:

  • Vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, và vệ sinh nước: Cần rửa tay cẩn thận trước khi ăn và chế biến thực phẩm.
  • Sử dụng nguồn nước sạch.
  • Xử lý nước thải hợp vệ sinh.
  • Diệt ruồi nhặng.
  • Kiểm tra vệ sinh các loại thức uống và thức ăn chế biến sẵn.
  • Phát hiện, điều trị triệt để và cách ly người bệnh.
  • Khử khuẩn nguồn chất thải của người bệnh.

Khi bước vào mùa mưa, các mặt bệnh thường nổi trội lên, đặc biệt với nhóm bệnh lây truyền qua đường Tiêu hóa. Việc bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa trong mùa mưa đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết từ mỗi cá nhân. Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa đặc hiệu bằng việc sử dụng vắc xin qua đường uống, tiêm cũng như các biện pháp phòng ngừa phổ thông khác. Khi thực hiện tốt, mỗi chúng ta sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa phổ biến, thường gặp trên. Mùa mưa sẽ  không còn là mối lo ngại khi chúng ta đã biết cách bảo vệ bản thân và gia đình!

Bác sĩ Nguyễn Văn My

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo
  1. Bộ Y Tế
  2. Bệnh tả: https://vncdc.gov.vn/benh-ta-nd14498.html
  3. Bệnh thương hàn: https://vncdc.gov.vn/benh-thuong-han-nd14516.html
  4. Bệnh lỵ trực trùng: https://vncdc.gov.vn/benh-ly-truc-trung-nd14507.html