Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bệnh gút có ăn được cá không? Người bệnh gút nên và không nên ăn cái gì?

Ngày 22/06/2023
Kích thước chữ

Người bị bệnh gút cần kiêng khem khá khắt khe để kiểm soát lượng acid uric dư thừa trong máu. Cá là một trong những thực phẩm phổ biến nhất. Vậy bệnh gút có ăn được cá không?

Bệnh gout là một loại bệnh rối loạn chuyển hóa purin nên người bệnh cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống. Việc tìm hiểu nên ăn gì và nên kiêng gì vô cùng quan trọng. Ngoài các loại thịt, cá cũng là thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm người Việt. Vậy bệnh gút có ăn được cá không?

Bệnh gút có ăn được cá không?

Cá là thực phẩm tốt cho sức khỏe, lại có thể chế biến thành nhiều món nên thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm gia đình. Tuy nhiên, người bệnh gút cần tuân thủ một chế độ kiêng khem nghiêm ngặt. Nếu không may ăn phải thực phẩm chứa hàm lượng purin cao, acid uric dư thừa trong cơ thể sẽ gia tăng đột biến. Kết quả là gây ra những cơn gút cấp kèm cảm giác đau đớn dữ dội. Vậy bệnh gút có ăn được cá không?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị gút hoàn toàn có thể ăn được cá. Cá cung cấp chất đạm, chất béo, nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Người bị bệnh gút cần kiêng nhiều loại thịt đỏ từ thịt bò, thịt dê, thịt cừu, thịt nai,... nên cá sẽ là thực phẩm thay thế thịt lý tưởng trong bữa cơm hàng ngày. Cá cũng có nhiều canxi, tốt cho xương khớp.

benh-gut-duoc-an-ca-khong-1.jpg
Bệnh gút vẫn được ăn cá nhưng nên chọn loại cá phù hợp

Tuy nhiên, một số loại cá có hàm lượng purin cũng khá cao mà bệnh nhân bị gút không nên ăn thường xuyên. Purin khi được cơ thể chuyển hóa sẽ biến thành acid uric. Ăn nhiều cá có hàm lượng acid uric cao sẽ khiến bệnh gút thêm trầm trọng. Đây là lý do người bệnh nên tìm hiểu bị gút ăn cá gì và nên hạn chế ăn cá gì?

Bệnh gút ăn được cá gì?

Bệnh gút có ăn được cá không? Câu trả lời là có nhưng không phải tất cả các loại cá đều phù hợp với họ. Loại cá thích hợp nhất với bệnh nhân gút là một số loài cá nước ngọt và cá đồng như cá rô, cá lóc, cá diêu hồng, cá chép,...

  • Cá chép là loại cá bổ, rất được ưa chuộng. Loài cá nước ngọt này cung cấp vitamin A, các vitamin nhóm B, sắt, canxi,... tốt cho mọi lứa tuổi. Trong 100g cá chép có chứa khoảng 103mg purin nên nếu ăn với lượng vừa phải sẽ không lo bệnh gút trở nặng.
  • Cá diêu hồng giàu sắt, selen, kali, vitamin A và acid béo omega 3 tốt cho tim mạch. Selen có trong cá diêu hồng cũng có tác dụng kích thích quá trình trao đổi chất, tăng cường chuyển hóa purin. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong cá diêu hồng còn giúp nâng cao miễn dịch cơ thể.
  • Cá rô đồng chứa hàm lượng purin rất thấp là nguồn cung cấp đạm an toàn cho người bị gút. Cá rô đồng cũng có thể dùng để chế biến thành nhiều món từ nấu canh, nấu bún, kho nghệ,...
  • Cá trắm cung cấp đạm, chất béo, vitamin B1, vitamin B2, sắt, phốt pho và canxi. Giống như các loại cá nước ngọt kể trên, cá trắm dễ chế biến thành nhiều món, khi ăn sẽ không làm acid uric trong máu tăng đột biến nên khá an toàn.
benh-gut-duoc-an-ca-khong-2.jpg
Các loại cá đồng, cá nước ngọt là phù hợp nhất với người bị gút

Bệnh gút kiêng ăn cá gì?

Người bệnh gout kiêng ăn gì ngoài thịt đỏ, nội tạng động vật và hải sản? Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu,... người bị gút nên ăn với lượng vừa phải. Các loại cá biển lớn như cá thu, cá ngừ có chứa hàm lượng thủy ngân cao người bị gút cũng không nên ăn nhiều.

Dù câu trả lời cho câu hỏi bệnh gút có ăn được cá không là có, thì vẫn có những loại cá họ nên hạn chế như:

Cá hồi

Cá hồi là một trong những loại cá béo cao cấp nhất. Cá hồi cung cấp đa dạng các vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Đặc biệt, cá hồi là nguồn cung cấp acid béo omega-3 vô cùng dồi dào. Tuy nhiên, trong 100g cá hồi lại chứa đến 170mg purin. Người bị gút chỉ nên tiêu thụ tối đa 150mg purin/ngày. Như vậy, cá hồi là thực phẩm không thực sự phù hợp với người bệnh gút.

Cá thu

Ngoài cá hồi, cá thu cũng là loại cá biển có hàm lượng purin khá cao. Trong 100g cá thu có chứa đến 166mg purin. Người bị gút cũng không nên ăn cá thu thường xuyên. Thi thoảng người bệnh có thể ăn cá thu nhưng không nên ăn quá 80g/lần, không nên ăn quá 1 lần/tuần.

Cá cơm

Trong số các loại cá biển được sử dụng phổ biến, cá cơm có hàm lượng purin cực cao. Trong 100g cá cơm cung cấp đến 410mg purin. Để tránh làm acid uric trong máu tăng đột biến khiến bệnh tình trở nặng, người bị bệnh gút nên hạn chế tối đa ăn loại cá này.

Cá mòi

Cá mòi là một loại cá béo cung cấp protein cùng nhiều thành phần có lợi cho cơ thể. Nổi bật nhất là canxi, selen, vitamin D, omega-3. Tuy nhiên, 100g cá mòi lại có đến 210mg purin - gấp đôi nhu cầu của một người bị gút. Vì vậy, nó cũng không thích hợp để sử dụng thường xuyên.

benh-gut-duoc-an-ca-khong-3.jpg
Bệnh gút kiêng ăn cá gì? Bệnh gút kiêng các loại cá chứa nhiều purin, nhất là cá mòi

Những điều cần lưu ý trong chế độ ăn uống của người bị gút

Người bị bệnh gút nên ăn uống thế nào? Đây là câu hỏi mà hầu hết bệnh nhân quan tâm. Chế độ ăn uống và các loại thực phẩm có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của bệnh gút. Chọn thực phẩm đúng sẽ giảm triệu chứng đau nhức và ngăn ngừa bệnh trở nặng. Ngược lại, ăn uống tùy tiện dễ khiến bệnh thêm nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ biến chứng. Người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Tổng lượng calo một bệnh nhân gút nạp vào cơ thể không nên vượt quá 1.600 calo/ngày (với người có cân nặng trung bình 50kg).
  • Tổng lượng đạm nạp vào cơ thể không nên quá 40g (tương đương 160 calo).
  • Tổng lượng chất bột đường nạp vào cơ thể không nên quá 300g (tương đương 1200 calo).
  • Tổng lượng chất béo nạp vào qua chế độ ăn uống không nên quá 27g (tương đương 240 calo).
  • Bệnh nhân gút nên tăng cường uống nước, duy trì uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Việc này giúp tăng cường đào thải acid uric qua nước tiểu. Đồng thời, việc uống nước khi cơn đau gút cấp xảy ra cũng giúp giảm đáng kể triệu chứng đau.
  • Người bị gút nên sử dụng dầu thực vật thay vì mỡ động vật.
  • Cách chế biến thức ăn tốt nhất cho họ là luộc, hấp. Chế biến theo cách nướng, chiên, xào sẽ làm tăng lượng purin trong thực phẩm.

Vậy bệnh gút có ăn được cá không? Khi bị gút, người bệnh cần chú ý việc lựa chọn và chế biến các loại cá khi ăn. Trong đó, có một số loại cá hoàn toàn có thể ăn được, một số loại nên ăn vừa phải và những loại khác tốt nhất nên tránh hoàn toàn. Hãy chọn loại cá phù hợp trong các bữa ăn để kiểm soát tốt căn bệnh này bạn nhé!

Trường hợp bị bệnh gút mức độ nhẹ, người bệnh có thể tìm mua các loại thực phẩm hỗ trợ điều trị gout an toàn để sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Những sản phẩm này giúp giảm đau, giảm tái phát cơn gút cấp, hỗ trợ điều trị bệnh gút. Trường hợp bị bệnh nặng và lâu năm, các bác sĩ sẽ tư vấn dùng thuốc trị bệnh gút phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin