Bệnh gút không chỉ gây tổn thương tại các khớp mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận, hệ tim mạch và thị lực. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao, các tinh thể urat có thể hình thành và lắng đọng ở khớp hoặc các mô mềm. Quá trình này gây viêm đau kéo dài và nếu không được can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng mạn tính, làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Những cơn đau do bệnh gút gây ra thường rất dữ dội, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Gút không chỉ khiến khớp bị sưng viêm và đau nhức kéo dài, mà nếu không được điều trị đúng cách, bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong số đó, tim, thận và mắt là ba cơ quan có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy cụ thể, bệnh gút tác động như thế nào đến các bộ phận này? Để giải đáp thắc mắc, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Tác động đến tim mạch
Bệnh gút có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành hoặc suy tim. Dù không trực tiếp gây tổn thương cho tim, nhưng các tinh thể urat tích tụ trong cơ thể có khả năng kích thích phản ứng viêm và thúc đẩy hình thành cục máu đông. Tình trạng này về lâu dài có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người mắc bệnh gút có nguy cơ gặp biến cố tim mạch nghiêm trọng cao gấp đôi so với người bình thường.
Bệnh gút có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch
Tác động đến chức năng thận
Nồng độ axit uric trong máu tăng cao lâu ngày có thể làm suy giảm hoạt động của thận, thậm chí dẫn đến suy thận. Một nghiên cứu công bố năm 2018 cho thấy, những người bị bệnh gút có nguy cơ gặp vấn đề về thận cao hơn 78% so với người không mắc bệnh. Cũng theo nghiên cứu này, trung bình cứ 4 người bị gút thì có 1 người gặp tổn thương liên quan đến chức năng thận. Ngoài ra, người bị gút còn có nguy cơ hình thành sỏi thận do sự kết tinh của muối urat tại các cơ quan bài tiết, gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Thống kê cho thấy, trong 5 trường hợp bị sỏi thận thì có ít nhất 1 ca có liên quan đến bệnh gút.
Nồng độ axit uric trong máu tăng cao lâu ngày có thể làm suy giảm hoạt động của thận
Liên quan đến bệnh tiểu đường
Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ hai chiều giữa bệnh gút và tiểu đường. Phụ nữ mắc gút có nguy cơ phát triển tiểu đường type 2 cao hơn 71%, trong khi nam giới bị gút cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 22% so với người không mắc. Các chuyên gia lý giải rằng, tình trạng viêm mạn tính do gút gây ra có thể góp phần làm rối loạn chuyển hóa, từ đó làm tăng khả năng phát sinh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh gút thường đi kèm với các vấn đề sức khỏe khác như béo phì, tăng huyết áp,... Đây đều là những yếu tố nguy cơ phổ biến của tiểu đường.
Tác động đến thị lực
Tình trạng viêm mạn tính và sự tích tụ tinh thể urat ở người mắc bệnh gút không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể gây hại cho mắt. Một số biến chứng thường gặp bao gồm sự xuất hiện của các hạt tophi ở vùng mí mắt, giác mạc hoặc mống mắt. Ngoài ra, người bệnh có thể đối mặt với các vấn đề như khô mắt, viêm màng bồ đào, tăng áp lực nội nhãn (tăng nhãn áp), đục thủy tinh thể và suy giảm thị lực theo thời gian.
Suy giảm thị lực là một trong những tác hại của bệnh gút gây ảnh hưởng đến mắt
Trầm cảm
Theo thống kê từ một số nghiên cứu tâm thần học, những người từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh gút có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn khoảng 42% so với những người không mắc bệnh này. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng viêm mạn tính do gút gây ra có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, từ đó làm tăng khả năng xuất hiện các triệu chứng trầm cảm. Các chuyên gia y tế nhận định rằng việc kiểm soát nồng độ axit uric trong máu đóng vai trò then chốt trong phòng ngừa biến chứng của bệnh gút. Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa thuốc nhằm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cơn gút, đồng thời hỗ trợ làm tan các tinh thể urat tích tụ trong cơ thể.
Những người mắc bệnh gút có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn người bình thường
Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên có thể giúp bạn đọc biết được “Bệnh gút ảnh hưởng thế nào đến tim, thận, mắt?” Tóm lại, bệnh gút không chỉ gây đau đớn cho các khớp mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với tim, thận và mắt. Sự tích tụ axit uric trong cơ thể có thể làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan quan trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tổng thể nếu không được kiểm soát hiệu quả. Việc phát hiện và điều trị bệnh gút kịp thời là rất cần thiết để giảm thiểu các tác động xấu đến các bộ phận khác trong cơ thể. Do đó, người bệnh cần chú ý kiểm soát nồng độ axit uric, điều chỉnh lối sống và thăm khám thường xuyên để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.