Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn mỡ máu là gì? Nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu

Ngày 06/01/2024
Kích thước chữ

Mặc dù rối loạn mỡ máu không phải là một bệnh cấp tính, nhưng biến chứng từ rối loạn mỡ máu có thể gây ra nguy hiểm và tác động lớn đến sức khỏe của bạn. Vì diễn biến của nó thường diễn ra một cách âm thầm, nhiều người không để ý đến những dấu hiệu lâm sàng. Vậy thì rối loạn mỡ máu là gì và rối loạn mỡ máu nguy hiểm như thế nào hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Rối loạn mỡ máu là một tiền căn dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe như tắc nghẽn mạch vành, cảnh báo về cơ tim, thiếu máu não và đột quỵ. Vấn đề này ngày càng xuất hiện ở độ tuổi trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc lạm dụng rượu, thừa cân, béo phì, thiếu vận động được coi là những yếu tố đóng góp vào việc gây ra sự rối loạn về mỡ máu ở những người trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh rối loạn mỡ máu này.

Mỡ máu là gì?

Mỡ máu, hay còn được gọi là lipid máu, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng chủ yếu là cholesterol và triglycerid.

Cholesterol được coi là một thành phần quan trọng, có mặt ở khắp các cơ quan trong cơ thể góp phần trong sự hoạt động và phát triển bình thường của cơ thể. Nó được tổng hợp không chỉ ở gan mà còn ở các cơ quan khác, và cũng được cung cấp từ thức ăn có nguồn gốc động vật.

Rối loạn mỡ máu là gì? Nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu 1
HDL được xem là cholesterol tốt, ngược lại LDL là cholesterol xấu

Cholesterol không phải lúc nào cũng đều có hại. Cholesterol "tốt" được biết đến là HDL, có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol từ máu về gan, giảm nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch và các vấn đề tim mạch liên quan. HDL chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng lượng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, người có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, béo phì,... thường có hàm lượng HDL thấp.

Đối với cholesterol "xấu" LDL, mức tăng cao trong máu có thể dẫn đến sự lắng đọng ở các mạch máu, đặc biệt là ở não và tim, tạo nên mảng xơ vữa động mạch. Sự tích tụ nhiều mảng xơ vữa này có thể dẫn đến tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu, gây ra tai biến và nhồi máu cơ tim đột ngột. Sự tăng LDL thường liên quan đến chế độ ăn uống, lối sống không lành mạnh, bệnh đái tháo đường, và tăng huyết áp.

Rối loạn mỡ máu là gì?

Rối loạn mỡ máu là tình trạng nồng độ chất béo trong máu cao hơn hoặc thấp hơn so với mức bình thường. Cụ thể:

  • Lipoprotein mật độ thấp (LDL) có nồng độ cao;
  • Lipoprotein mật độ cao (HDL) có nồng độ thấp;
  • Chất béo trung tính có nồng độ cao;
  • Cả nồng độ của LDL và chất béo trung tính đều cao (cholesterol cao).

Những người có mức độ cholesterol LDL và chất béo trung tính cao hoặc mức HDL rất thấp đều có nguy cơ cao hơn về biến chứng xơ vữa động mạch. Sự tích tụ mảng xơ vữa có thể dẫn đến hẹp lòng mạch, tiến triển thành tình trạng hẹp tắc mạch máu và gây ra vấn đề tim mạch, có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu là gì?

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn mỡ máu như:

  • Thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ, hút thuốc lá và sử dụng rượu bia liên tục trong thời gian dài dẫn đến rối loạn mỡ máu.
  • Tình trạng căng thẳng, áp lực tâm lý thường xuyên, hoặc mắc bệnh đái tháo đường, suy giáp, bệnh thận mãn tính là những yếu tố có thể tăng nhu cầu sử dụng lipid dự trữ trong cơ thể, dẫn đến rối loạn mỡ máu.
  • Hiện tượng suy giảm của chất tiêu mỡ trong cơ thể có thể gây ra sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa, khiến cho mỡ không được chuyển hóa hiệu quả và lắng đọng trong cơ thể.

Bên cạnh đó, bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn mỡ máu nguyên phát cao hơn nếu có bố hoặc mẹ hoặc cả hai bị rối loạn này. Ngoài ra, người càng lớn tuổi càng có nguy cơ mắc cholesterol cao. Phụ nữ thường có mức LDL thấp hơn nam giới cho đến khi mãn kinh. Lúc này, mức LDL trong họ bắt đầu tăng.

Rối loạn mỡ máu là gì? Nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu 2
Ăn nhiều dầu mỡ và uống rượu bia liên tục có thể gây rối loạn mỡ máu

Những triệu chứng rối loạn mỡ máu thường gặp

Hầu hết những người mắc rối loạn mỡ máu mức độ nhẹ thường không có dấu hiệu rõ ràng và chỉ được phát hiện tình cờ khi thực hiện xét nghiệm máu định kỳ. Nếu không điều trị, rối loạn mỡ máu biến chuyển nặng, bạn có thể mắc các tình trạng sức khỏe khác như bệnh mạch vành và bệnh động mạch ngoại biên, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.

Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến của những bệnh trên gồm:

  • Đau chân, đặc biệt khi bước đi hoặc đứng;
  • Đau ngực, tức ngực, cảm giác chèn ép trong ngực, khó thở;
  • Đau, căng và khó chịu ở cổ, hàm, vai, lưng;
  • Khó tiêu và ợ nóng;
  • Khó ngủ và kiệt sức vào ban ngày;
  • Chóng mặt và tim đập nhanh;
  • Đổ mồ hôi lạnh;
  • Nôn và buồn nôn;
  • Sưng ở chân, mắt cá chân, bàn chân, dạ dày và tĩnh mạch cổ;
  • Ngất xỉu.

Những triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn vận động hoặc căng thẳng và thuyên giảm khi bạn nghỉ ngơi. Nếu bị đau ngực, đặc biệt có các dấu hiệu khác đi kèm, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ.

Làm sao để giảm thiểu nguy cơ bị rối loạn mỡ máu?

Hầu như mọi người đều phải đối mặt với nguy cơ bị rối loạn mỡ máu, tuy nhiên có thể thực hiện một số biện pháp cụ thể để hạn chế tình trạng này. Dưới đây là một số thay đổi lối sống có thể giúp hàm lượng lipid duy trì ở mức khỏe mạnh, giảm thiểu khả năng mắc rối loạn mỡ máu như:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường việc tiêu thụ rau xanh và trái cây tươi để bổ sung chất xơ vào thực đơn hàng ngày.
  • Điều chỉnh lối sống: Tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Duy trì cân nặng: Hạn chế thừa cân và nguy cơ béo phì.
  • Loại bỏ thói quen xấu: Dừng hút thuốc lá, giảm sử dụng rượu bia và các đồ uống có cồn, cũng như giảm lượng nước ngọt.
  • Sử dụng chất béo không bão hòa lành mạnh: Bao gồm trong thực đơn các nguồn chất béo như hạt, đậu, dầu cá, và dầu oliu.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo duy trì lượng nước cần thiết hàng ngày.
  • Vận động nhẹ: Tránh ngồi lâu, hãy thực hiện các hoạt động vận động nhẹ trong thời gian làm việc.
  • Hạn chế chất béo không lành mạnh: Giảm tiêu thụ thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, carbohydrat tinh chế, chocolate, và thực phẩm chiên.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu có tiền sử gia đình về cholesterol cao, hãy thăm bác sĩ định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và tránh biến chứng nghiêm trọng.

roi-loan-mo-mau-la-gi-nhung-dieu-ban-nen-biet 3.jpg
Duy trì cân nặng ở mức tiêu chuẩn để hạn chế nguy cơ rối loạn mỡ máu

Từ thông tin trong bài viết, có thể thấy không phải tất cả các loại mỡ máu đều không tốt, do đó mỡ máu cao tốt hay xấu còn tuỳ thuộc vào loại mỡ máu nào cao. Rối loạn mỡ máu là một bệnh nguy hiểm vì nó diễn tiến âm thầm và là tiền đề cho rất nhiều căn bệnh có nguy cơ tử vong cao. Do đó, hãy duy trì một lối sống lành mạnh để hạn chế mắc phải rối loạn mỡ máu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin