Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu và những điều cần biết

Thanh Hương

20/04/2025
Kích thước chữ

Bà bầu bị mỡ máu cần có chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên thực phẩm giúp kiểm soát cholesterol, bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi. Dưới đây là gợi ý thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu và nguyên tắc dinh dưỡng phù hợp.

Tăng mỡ máu ở phụ nữ có thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sự phát triển của thai nhi. Việc xây dựng một thực đơn khoa học, hợp lý là giải pháp quan trọng giúp bà bầu kiểm soát mỡ máu hiệu quả. Dưới đây là gợi ý thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu

Những nguyên dưới đây sẽ giúp kiểm soát hiệu quả mỡ máu cho bà bầu, đồng thời đảm bảo an toàn và đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

Tăng cường rau xanh, trái cây tươi

Rau xanh và trái cây không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất, giúp tăng đề kháng cho cơ thể. Nó còn chứa nhiều chất xơ, giúp giảm hấp thu cholesterol xấu tại ruột. Đồng thời nhóm thực phẩm này cũng hỗ trợ tiêu hóa và giúp mẹ bầu kiểm soát cân nặng. Chất xơ còn giúp phòng ngừa táo bón và hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ.

Ưu tiên thực phẩm giàu omega-3

Thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu nên ưu tiên các thực phẩm giàu omega 3 như: hạt chia, hạt lanh, hạt óc chó, hạt chia, hạt macca, rau xanh đậm, trứng, tảo biển, hải sản, cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích… Omega-3 giúp giảm triglyceride và có thể cải thiện tỷ lệ cholesterol tốt trong máu. Thành phần EPA và DHA trong omega-3 hỗ trợ giảm hình thành mảng bám xơ vữa động mạch và phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ngoài ra, omega-3 còn giúp ổn định huyết áp, giảm viêm và cải thiện chức năng mạch máu. Omega-3, đặc biệt là DHA, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển não bộ, thị giác và hệ thần kinh trung ương của thai nhi.

Thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu và những điều cần biết 1
Thực phẩm giàu omega-3 tốt cho cả bà bầu bị mỡ máu và thai nhi

Chọn ngũ cốc nguyên cám

Chất xơ hòa tan (như beta-glucan trong yến mạch, cám gạo lứt) có khả năng liên kết với cholesterol trong ruột, làm chậm quá trình hấp thu cholesterol và carbohydrate. Từ đó giúp giảm lượng cholesterol xấu và triglyceride trong máu, hạn chế hình thành mảng xơ vữa động mạch và phòng ngừa biến chứng tim mạch. Các loại vitamin nhóm B, magie, kali trong ngũ cốc nguyên cám còn giúp bảo vệ thành mạch, điều hòa huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch tổng thể. Ngoài ra, thực phẩm này còn tạo cảm giác no lâu, giảm nhu cầu ăn vặt, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và phòng ngừa tiểu đường thai kỳ.

Ăn đạm vừa đủ, hạn chế thịt đỏ

Một nguyên tắc khác khi xây dựng thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu là ưu tiên đạm từ các nguồn thực phẩm lành mạnh như ức gà, cá, đậu phụ, và trứng để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Những thực phẩm này ít chất béo bão hòa, tốt cho tim mạch. Nội tạng động vật, đồ chiên rán bằng dầu mỡ không đảm bảo, đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều cholesterol và chất béo xấu, dễ làm tăng mỡ máu là những thực phẩm cấm kỵ với phụ nữ mang thai bị mỡ máu cao.

Hạn chế chất béo bão hòa

Các loại chất béo như dầu cọ, dầu dừa, bơ động vật chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng cholesterol xấu. Vì vậy, khi chế biến món ăn, bà bầu nên chọn các loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu mè, dầu bơ, dầu hạt lanh…để giúp hạ cholesterol và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu và những điều cần biết 2
Bà bầu nên giảm muối khi chế biến món ăn

Ăn nhạt, giảm muối

Ăn mặn làm tăng huyết áp, thúc đẩy xơ cứng mạch máu và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, đột quỵ ở những người mỡ máu cao. Dù muối không trực tiếp làm tăng mỡ máu, nhưng tăng huyết áp kết hợp với rối loạn lipid máu sẽ khiến nguy cơ bệnh tim mạch nghiêm trọng hơn. Giảm muối trong chế độ ăn giúp duy trì huyết áp ổn định, bảo vệ thành mạch, phòng ngừa xơ vữa động mạch và hỗ trợ kiểm soát mỡ máu hiệu quả.

Gợi ý thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu

Mỡ máu cao khi mang thai cần hết sức lưu ý trong việc chọn thực phẩm và xây dựng thực đơn. Để khỏi “đau đầu” khi nghĩ hôm nay ăn gì, bạn có thể tham khảo thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu trong 7 ngày như sau:

Thực đơn ngày 1

  • Bữa sáng: Cháo sườn rau củ, nước ép trái cây tươi.
  • Bữa trưa: Canh bí đao nấu cá hồi, rau luộc, cơm gạo lứt.
  • Bữa tối: Súp lơ xào thịt gà, salad rau củ.
  • Bữa phụ: Trái cây tươi, sữa chua không đường.

Thực đơn ngày 2

  • Bữa sáng: Bánh mì đen ăn cùng trứng ốp la và rau dưa, trái cây tươi.
  • Bữa trưa: Canh rau củ thập cẩm, thịt nạc luộc, cơm gạo lứt.
  • Bữa tối: Nấm xào thịt bò, salad rau củ.
  • Bữa phụ: Yến mạch ngâm sữa chua.

Thực đơn ngày 3

  • Bữa sáng: Cháo chim câu bí đỏ, 1 hũ sữa chua không đường.
  • Bữa trưa: Canh đậu phụ nấu thịt nạc, rau luộc, cơm gạo lứt.
  • Bữa tối: Cá hồi hấp, salad rau củ
  • Bữa phụ: Các loại hạt (óc chó, hạnh nhân) mix sữa tươi hoặc sữa chua.

Thực đơn ngày 4

  • Bữa sáng: Miến ức gà, sinh tố hoa quả.
  • Bữa trưa: Canh khổ qua nhồi thịt, rau luộc, cơm gạo lứt.
  • Bữa tối: Thịt gà nướng, salad rau củ.
  • Bữa phụ: 1 ly sữa tươi ít đường.
Thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu và những điều cần biết 3
Thực đơn dinh dưỡng lành mạnh cần duy trì trong suốt thai kỳ

Thực đơn ngày 5

  • Bữa sáng: Phở gạo lứt thịt thăn bò ăn kèm rau giá.
  • Bữa trưa: Canh cá chép nấu rau cải, rau luộc, cơm gạo lứt.
  • Bữa tối: Tôm hấp, salad rau củ.
  • Bữa phụ: Yến mạch ngâm sữa tươi.

Thực đơn ngày 6

  • Bữa sáng: Bún gạo lứt với thịt thăn nạc và rau sống.
  • Bữa trưa: Canh bí đao nấu xương, rau cải luộc, cơm gạo lứt.
  • Bữa tối: Đậu sốt cà chua, cá hấp xì dầu, canh mồng tơi mướp, cơm gạo lứt.
  • Bữa phụ: Các loại hạt.

Thực đơn ngày 7

  • Bữa sáng: Phở gạo lứt thịt ức gà.
  • Bữa trưa: Canh rau củ quả nấu sườn, rau su su xào, cơm gạo lứt.
  • Bữa tối: Thịt heo nướng, salad rau củ.
  • Bữa phụ: Sữa chua không đường mix hoa quả.

Lưu ý khi áp dụng thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu

Khi xây dựng và áp dụng thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu, có một số vấn đề quan trọng cần lưu ý như:

  • Thực đơn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất, và chất xơ để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.
  • Bà bầu nên luân phiên các loại thực phẩm lành mạnh, tránh ăn lặp lại một món trong thời gian dài dễ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng.
  • Trước khi thay đổi chế độ ăn uống, bà bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Việc này giúp đảm bảo chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể của mình và thai nhi.
  • Nếu có bất kỳ bệnh lý nền nào như tiểu đường, huyết áp cao, hoặc vấn đề về tim mạch, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
  • Mặc dù bà bầu cần ăn nhiều hơn một chút, nhưng không phải ăn "cho hai người". Bà bầu cần chú ý đến khẩu phần ăn, đặc biệt là các thực phẩm có hàm lượng calo cao, để tránh tăng cân quá mức.
Thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu và những điều cần biết 4
Một số trường hợp thai phụ cần dùng thuốc trị mỡ máu

Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu chỉ số mỡ máu tăng quá cao và nguy cơ biến chứng lớn, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc trị mỡ máu nếu thực sự cần thiết. Bác sĩ cũng có thể theo dõi sức khỏe cho thai phụ bằng xét nghiệm lipid máu bà bầu định kỳ. Tuy nhiên, việc thực hiện các xét nghiệm hay dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần tuân thủ chỉ dẫn nghiêm ngặt của bác sĩ.

Mỡ máu cao khi mang thai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, việc tìm hiểu bà bầu mỡ máu cao nên ăn gì, xây dựng một thực đơn cho bà bầu bị mỡ máu khoa học là vô cùng cần thiết. Bà bầu bị mỡ máu hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để mẹ khỏe và thai nhi phát triển tốt trong suốt thai kỳ. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin